-Chân Lý Islam | baiviet | TIỂU SỬ | IMAM AL-BUKHORY LÀ AI?
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
IMAM AL-BUKHORY LÀ AI?
02.02.2012 04:30 - đã xem : 5484
_VIEWIMG
Tất cả những người Muslim mỗi khi nghe một bài thuyết giảng hoặc nghe ai đó thuật lại hay chính mình đọc một đoạn Hadith Soheh trong những bài nói về giáo lý Islam thì đều nghe hoặc biết đến cái tên Al-Bukhory, một cái tên nghe rất quen thuộc và nổi tiếng mà hầu như mỗi ngày đều có hàng triệu người Muslim trên thế giới nhắc đến tên này, vậy chúng ta tìm hiểu Al-Bukhory là ai?


Thật ra danh tính Al-Bukhory mà chúng ta thường biết qua những Hadith có một cái tên rất dài “Al Imam Muhammad ibnu Ismael Al-Bukhory”, ông ra đời vào một đêm Jum’at (thứ sáu) của ngày 13 tháng Shawal năm 194H tại thành phố nổi tiếng Bukhara (ngày nay là Uzbekistan, và ông trưởng thành từ một gia đình trí thức, bởi ba của ông là Ismael ibn Mughirah ibn Ibrahim al-Vifi đương thời là một vị Imam và cũng là một người thầy chuyên về môn Hadith (muhaddith), nhưng ba của ông đã qua đời khi ông còn nhỏ. Mặc dù trong cuộc sống thiếu tình thương của cha nhưng bù lại Allah cho ông có một người mẹ rất hiền thục, đạo hạnh, đảm đang trong việc chăm sóc con cái, và cũng nhờ người mẹ đó chăm lo dạy dỗ nên đến 16 tuổi thì ông đã học thuộc lòng những quyển Hadith trong thư viện của gia đình mà cha của ông để lại.  ông cũng đã học thuộc lòng được khoảng 70 ngàn Hadith khác trong thời điểm đó.  


Vào thời mà ông Al-Bukhory (R) đang mang danh nghĩa là Imam Hadith thì ông Muhammad ibnu Ismael ibnu Ibrohim ibnu Al Mugairo ibnu Bardajarba Al Jafy là người trợ tá đắc lực cho ông Abu Abdulloh Al Bukhory Al Hafis (R). Ông được người đời tặng cho ông cái tên là Imam Hadith bởi ông là vị đầu tiên biết cách nghiên cứu để sưu tầm và dẫn chứng những Hadith đúng thật nhứt, và là tác giả của quyển Kitab Soheh Hadith Al Bukhory mà cả thế giới Muslim hay không phải Muslim đều biết đến và học hỏi nó mỗi ngày, ai ai cũng thừa nhận đó là cuốn Kitab Hadith Soheh đúng thật nhứt để người Muslim dựa vào đó hành đạo, nếu sự hành đạo nào không có ghi trong quyển Thiên kinh Qur’an, có nghĩa là được thừa nhận cuốn sách sunnah của Rosul (saw) xác thực nhất sau quyển Thiên Kinh Qur'an.


Ông sống với Mẹ cho đến khi ông được mười tám tuổi thì ông cùng Mẹ đến Makkah để làm Umrah và Hajj, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Hajj thiêng liêng thì ông xin Mẹ là ở lại Makkah để tìm thầy học hỏi thêm về môn Hadith... Được sự đồng ý của Mẹ, từ đó ông bôn ba khắp nơi để tìm tòi học hỏi giáo lý và thu thập thêm nhiều Hadith khác, bất cứ nơi nào mà ông nghe ở đó có người thầy chuyên về môn Hadith là ông nhất quyết đến đó cho bằng được để theo học người thầy đó, cho nên ông đã có hơn một ngàn người thầy hay Ulama vào thời điểm đó. Trong số những người thầy đó có nhiều ông thầy rất nổi tiếng về môn Hadith, sự kiện này được ông Al Khotib Al Bagdady (R) kể lại đã nghe ông Al Fubary (R) nói như sau: “Ông Al Bukhory đã nghe những ông thầy đọc những Hadith nên ông đã học thuộc lòng hơn bảy chục ngàn Hadith Soheh, sau đó ông Al Bukhory ghi chép những Hadith đó lại giống như theo phương cách của tôi (Al Fubary) và cũng giống như bao nhiêu người khác ghi chép lại Hadith ngày hôm nay, ngay cả ông Hamad ibnu Shakia, ông Ibrohim ibnu Maqtal và ông Zohir ibnu Mukhlid và người thầy cuối cùng mà ông Al Bukhory đã nghe và học Hadith là ông Abu Talah Mansour ibnu Muhammad ibnu Aly Al Bardy An Nasfy (mất vào năm 329H) cũng làm như vậy”.


Ông Al Bukhory (R) đã đến Bagdad tám lần để học hỏi, mỗi lần đến đây ông đều ghé thăm ông Imam Ahmad Hambal (R) để cùng nhau trao đổi kiến thức, ông Imam Ahmad Hambal (R) khuyên ông nên ở lại Bagdad, nhưng ông lại thích trở về sống ở Khorosan là quê quán của ông nhiều hơn.


Sử ghi lại rằng: Hằng đêm ông Al Bukhory (R) thức dậy đốt đèn để viết những Hadith, sau đó ông ngồi đọc lại cho đến khi mệt mõi mới tắt đèn đi ngủ, khi dựt mình thức dậy thì tiếp tục đốt đèn viết tiếp Hadith và đọc lại, cứ tắt đèn rồi đốt đèn như vậy mỗi đêm đến hai chục lần. Sử tích cũng thuật lại là bởi nhiều đêm ông không có tiền mua dầu để đốt đèn, nên có lẽ vì lý do đó nên ông cứ tắt rồi đốt để tiết kiệm dầu, nhiều khi ông ráng chịu khó ngồi trong bóng tối để học đến mờ cả đôi mắt.


Sử cũng ghi lại vào lúc ông Al Bukhary (R) còn nhỏ, ông đã bị bệnh nặng nên đôi mắt không thấy đường, mẹ ông rất lo sợ cho đứa con côi cúc của mình nên bà thường xuyên solah cầu xin mãi với Allah để cho con mình được hết bệnh, thế là vào một đêm bà nằm mộng thấy Nabi Ibrahim (A) đến báo với bà: “Hỡi người phụ nữ kia, Allah thương hại đến sự cầu xin hay nước mắt của bà đã khóc vì con, nên Allah đã cho cậu bé sáng mắt lại”, và rồi vào một buổi sáng, cậu bé Al Bukhari đứng dậy ra khỏi giường của mình thì có cảm giác nhận được một tia sáng đặp vào mắt của cậu, thế là đôi mắt của cậu bé Al Bukhary đã sáng tỏ lại như chưa hề có chuyện gì xãy ra, Allahu Akb'ar. 


Có lần ông Al Bukhory (R) kể lại với những người bạn: “Hôm qua tôi mới nhớ lại là tôi đã gom góp và viết được một cuốn kinh, trong đó có hai trăm ngàn Hadith mà tôi đã học thuộc lòng hết tất cả những Hadith đó”.


(Tưởng cũng nên nhắc lại, một Hadith có khi có cả trăm người sưu tầm ghi lại từ người đầu tiên nghe được từ Rosul (saw), rồi mới kể đến lời văn của Hadith trên, đường dây ghi chép đó có đứt đoạn hay liên tục không, ngay cả những tên người sưu tầm đó có đạo hạnh và chính trực hay không, và phải biết rõ cá tính của mỗi người..., trong khi ngày hôm nay chúng ta chỉ cần mỡ quyển sách ra đọc rất dể dàng mà không tốn công tốn sức. Khi xưa muốn chứng nhận một hadith thì phải rõ nguồn gốc ai kể, thí dụ như: Ông Abu Hurairoh (R) thuật lại là Rosul (saw) có nói (lời Hadith...), và cuối cùng Hadith đó do Al Bukhory hay Muslim ghi lại).


Alhamdulillah, cho nên ngày nay khi chúng ta mỡ cuốn kinh Hadith hay Kitab chuyên về giáo lý là chúng ta biết được lời của Hadith và do ai ghi lại là điều thật dể dàng, vậy mà có người chưa chịu đọc hay đọc rồi còn chỉ trích này nọ, họ không chấp nhận ân huệ cao cả mà Allah ban cho, trong khi chúng ta không cần tha phương tìm kiếm như ông Al Bukhory đã đi cả ngàn dậm để sưu tầm một Hadith để lại cho hậu thế, cầu xin Allah ban ân phước cho ông.


Với trí nhớ phi thường của ông Al Bukhory (R) được người trong dân gian đồn đãi khắp nơi nên một hôm bốn trăm vị Ulama Hadith tụ họp nhau tại Samarqodah rồi mời ông Al Bukhory đến để thử tài trí của ông, ông Al Bukhory (R) đến nhưng ông không biết họ đang tổ chức việc gì... Các vị Ulama ngấm ngầm tráo Hadith này với Hadith nọ, hoặc xáo trộn đường dây hay những người ghi chép Hadith lại với nhau, trong đó có những Hadith hay đường dây hay lối ghi chép Hadith của những Ulama Iraq và Ulama Hadith của xứ Sham đều khác nhau, sau đó những vị Ulama lần lượt đọc một Hadith nào đó cho Imam Al Bukhory nghe... Sau khi ông Al Bukhory (R) nghe qua tất cả những Hadith nói trên thì ông khiêm tốn đọc lại nguyên văn từng Hadith rồi nói luôn tên của những người đã ghi chép Hadith đó theo đường dây đúng của mỗi Hadith mà không có sai sót một Hadith nào... Vinh Quang thay, Allah đã cho ông một sự thông minh và trí nhớ phi thường, sau đó toàn thể Ulama có mặt đều lên tiếng xác nhận ông là một nhà thiên tài về môn Hadith. Thật ra, ông cũng đã bị thử thách nhiều lần tại thủ đô Bagdad (Iraq), và rồi tất cả Ulama ở đó cũng đồng thuận thừa nhận tài năng của ông có một không hai mà Allah đã ban cho ông.   


Người ta thuật lại về trí thông minh và nhớ lâu của ông Al Bukhory (R) là một khi ông nhìn vào sách nào đó chỉ một lần một thôi thì ông học thuộc lòng hay nhớ nội dung toàn bộ quyển sách đó. Vấn đề này không phải một người nói mà cả trăm vị học giả thời đó ai cũng khen thưởng ông và nói như vậy, ông chính là một thiên tài thời đó mà Allah ban cho ông, Alhamdulillah.


·        Ông Imam Ahmad Hanbaly (R) nói: - Tôi chưa thấy một người nào xuất thân từ xứ Khorosan rất thông minh, uyên bát như Imam Al Bukhory.


·        Ông Aly ibnu Al Maddany (R) nói: - Tôi chưa thấy một ai có trí nhớ giống như Imam Al Bukhory cả.


·        Ông Ishak ibnu Rowhawiyah (R) nói: - Nếu rằng sự hiểu biết của Imam Al Bukhory ở ngày hôm nay mà được biết vào thời của ông Al Hassan thì ai cũng tìm đến học hỏi trao dồi với ông về Hadith và giáo lý.


Hầu như tất cả những vị Ulama Islam vào thời đại của ông tại Iraq hay ngay cả xứ Khorosan, Al Hijaz, Yemen hay bất cứ nơi nào đều không ngớt khen thưởng ông về sự thông thái hiểu biết của ông, nhứt là về môn sưu tầm Hadith Soheh (Đúng thật nhứt). Ai ai cũng đều gởi thơ chúc mừng và lên tiếng khen thưởng ông đã ghi lại sự hiểu biết Islam cho người Muslim hậu thế và nhứt là cho những người đi sưu tầm nghiên cứu học hỏi về giáo lý và môn học Hadith.


Ông Al Falas (R) nói: - Bất cứ những Hadith nào mà Imam Al Bukhory không biết đến thì không phải là Hadith của Rosul (saw).


Ông Ahmad ibnu Hamdun Ansar (R) thuật lại: - Tôi thấy ông Imam Muslim ibnu Hajjaju (R) đến gặp ông Imam Al Bukhory (R) rồi hôn lên hai bàn tay và mắt của ông Al Bukhary (R) nói rằng: - Hãy để cho tôi hôn hai bàn chân của ông, ông là thầy của tôi và thầy của tất cả những ông thầy, và là lãnh tụ của những người đi sưu tầm, ghi chép truyền đạt Hadith, và cũng là bác sĩ để chữa bệnh cho những ai nói không đúng về Hadith... Sau đó ông Muslim (R) hỏi Imam Al Bukhory (R) về một vài giáo lý nào đó thì được ông Al Bukhory giải thích một cách tỉ mĩ rõ ràng, trước khi từ giả ông Imam Muslim (R) nói: “Chỉ có những người ganh tỵ ông mới ghét ông, tôi xin tuyên bố là trên thế gian này không có ai tài giỏi như ông”.


Vào thời đó người ta khen thưởng và tặng cho ông biệt hiệu: Amirul Hadith -Lãnh đạo của người sưu tầm Hadith”. Biệt hiệu này cũng được dành cho ông Imam Ahmad Hambal (R), ông Imam Abu Suffiyan As Sawry (R) và vài vị chuyên môn về Hadith khác mà thôi...


Ông At Tirmizy (R) nói: “Tôi chưa thấy một ai ở Iraq hay ở Khorosan hiểu biết về giáo lý, lịch sử và đặc biệt nhứt là tiểu sử của những người ghi chép truyền đạt lại Hadith đúng thật giống như Imam Al Bukhory”.


Ông Ibnu Khuzaimah (R) nói: “Tôi chưa thấy một ai đang sống dưới tầng trời ngày hôm nay lại hiểu biết nhiều về Hadith của Rosul (saw) như ông Imam Muhammad ibnu Ismael Al Bukhory, nếu những vị Ulama như chúng ta có khen thưởng ông về sự hiểu biết, học thuộc lòng, đúng thật, chân chánh, trung trực và hành đạo của ông, bút mực của chúng ta sẽ không diển tả sao cho hết, mà chúng ta cần phải học hỏi noi theo để đem lại sự tốt lành cho Islam và đừng quên cầu xin với Allah ban mọi sự tốt lành an bình cho tất cả”.


Ông Al Bukhory (R) sống một cuộc đời thật khiêm tốn đạm bạc, tính tình rất e thẹn và mắc cở nhưng ông rất can đảm, rộng lượng, bác ái, trung trực, đơn giản không màn đến vật chất nhứt thời trên trần gian, ông luôn luôn lo nghĩ đến cuộc đời vĩnh cửu ở Ngày Sau, và ông thường nói: “Tôi hy vọng ngày nào đó khi trở về trình diện với Allah, sẽ không có một ai bất mãn với Ngài về những gì tôi đã sống qua trên trần gian này ”.


Sử ghi lại vào lúc ông đi học xa nhà và sống chung phòng với bạn, vì gia đình nghèo và ở xa nên nhiều lúc người nhà gởi tiền nhưng chưa đến kịp mà tiền ăn uống đã hết, đôi khi không có gì để ăn nên anh em cùng nhau nhịn đói và uống nước lã, hay một ngày một đêm chỉ có một miếng bánh mì khô do những người giàu có cho để chắm với nước lã cho mềm mà ăn.


Sử cũng ghi lại, hằng đêm ông solah mười ba rak’at mà không bao giờ quên lãng, và mỗi đêm vào tháng Ramadan ông đều đọc hết một cuốn kinh Qur’an... Và sau khi thành tài trở về quê hương ông được những nhà lãnh đạo giàu sang lúc đó đến nghe và gởi con cái của họ đến học hỏi Hadith từ ông, đó là bổng lộc mà Allah thưởng cho ông... Nhưng không phải vì được hưởng bổng lộc đó mà ông lại hưởng thụ lo giàu sang phú quí cho cá nhân, ngược lại ông nhận được bổng lộc của người ta biếu cho bao nhiêu thì ông lấy bổng lộc đó đem phân chia cho những người nghèo dù đêm hay ngày... Ông luôn luôn đáp ứng nhu cầu của ai cần đến mà không hề than phiền, ông vẫn niềm nở với mọi người.


Những quan chức hay nhà lãnh tụ lúc đó có nhã ý muốn mời ông về nhà họ để dạy cho con cái của họ nghe những Hadith hay học hỏi giáo lý từ ông thì ông đều từ chối không đi đến với họ, bởi ông sợ người ta hiểu lầm về ông nên ông nói rằng: “Nhà tôi cũng có nơi để tiếp nhận cho mọi người đến học, ai muốn tìm hiểu hay học hỏi thì hãy đến nhà tôi chớ tôi không đến nhà ai cả!!!” Cho nên, mọi người bắt buộc cho con cháu đến học với ông, hoặc chính họ phải đến nhà ông ngồi nghe ông diển thuyết Hadith...


Trên đời này dù mình có tốt và trung trực đến đâu, khi đã có thanh danh, tiếng tâm được nhiều người tôn trọng quí mến, dù mình không muốn nhưng vẫn có người ganh tị, hơn thua tìm cách hãm hại, nên đối với ông Al Bukhory (R) cũng không ngoại lệ, đó cũng là do sự thử thách trắc nghiệm của Allah đối với nô lệ trung kiên hiền nhân mến thích của Ngài, xem có nhẫn nại chịu đựng trước sự lôi cuốn, xúi dục ám hại của shaiton hay không!!!


Nhắc lại, vào thời đó có một vị Sultan (phó tỉnh trưởng) tên là Kholid ibnu Ahmad Dahly đã kết cấu với ông Muhammad ibnu Yahay Ad Dahly có viết một bức thơ và phao tin nói rằng: Imam Al Bukhory (R) gởi cho họ lá thư trong đó ông Al Bukhory (R) nói: “Những lời kinh Qur’an được coi như nhân tạo hay do Allah tạo ra”. Cho nên, từ đó đã gây ra Fitnah (sự xáo trộn) trong cộng đồng Muslim, đây là do sự ganh tị của ông Muhammad Yahya với sự ủng hộ của nhũng người cầm quyền lúc đó để chống đối ông Al Bukhory (R), họ muốn người dân chất phát không tìm đến nghe hay học hỏi với Imam Al Bukhory (R) nữa... Vì vậy mà ông Al Bukhory (R) đã viết lên một Kitab liên quan đến sự hành đạo trong Islam, để đã phá tư tưởng đồi trị trên và cũng để giải thích cho quần chúng biết là thiên kinh Qur’an, dù ngay cả mặt chữ mà chúng ta đang đọc đó là: Lời phán của Allah chớ không phải Allah tạo ra hay tao vật do Allah tạo ra”.


Sự bất đồng ý kiến đó nên bắt buộc ông Al Bukhory (R) phải rời xa quê hương một thời gian để tránh sự tranh cải hay gây xáo trộn trong cộng đồng, vì ông không muốn tạo ra sự chia rẻ trong cộng đồng, mặc dù lúc nào quần chúng cũng bên cạnh và tôn kính ông. Một thời gian sau ông trở về quê hương, một hôm ông đang thuyết giảng tại masjid thì quan quân đem vàng bạc đến biếu cho ông (gọi là chuộc lỗi và muốn giãi hòa) nhưng ông từ chối trước đám đông làm họ mất mặt nên bị nhà cầm quyền trục xuất ông ra khỏi quê hương lần nữa. Trước khi ra đi, ông đến từ giả ông Kholid ibnu Ahmad (là người bạn thâm tình hiểu được sự thật)... chỉ trong vòng một tháng sau đó, ông Kholid ibnu Ahmad (R) bị ông Ibnu Tahir trức phế quyền hành và bắt nhốt vào tù ở Bagdad cho đến chết, vì họ ghép tội ông Kholid đã thông đồng với ông Al Bukhory (R), lúc đó không một ai dám lên tiếng bênh vực hay giúp đở, ông Kholid đã chịu đựng những sự hành hạ, đau đớn và thử thách thật ghê gớm... bởi ông là một người can đảm dám nói lên sự thật vì Allah dù hy sinh mạng sống vì chính nghĩa.


Đối với ông Al Bukhory (R) thì ông không còn ở lại đó được nữa, mà phải di cư đến lánh nạn tại làng Khoratanka ở Samarqonda, ông xin tạm trú bên cạnh gia đình bà con của ông, sau đó ông dành hết thời giờ vào việc giảng dạy và thường xuyên cầu xin với Allah cho cộng đồng thoát khỏi Fitnah hay sự thử thách xáo trộn này, và ông không muốn nhìn thấy những điều bất lành xảy ra cho quần chúng, qua ý nghĩa của Hadith mà ông ghi lại như sau:


(وإذا أردت بقوم فتنة فتوفنا إليك غير مفتونين).


Tạm dịch: (Một khi ai đó muốn tạo ra sự Fitnah (xáo trộn cộng đồng), xin Ngài ban cho tôi cái chết để được về với Ngài mà không bị lôi cuốn vào sự xáo trộn phản động này).


Qua sự Fitnah (xáo trộn phiến loạn) đầy thử thách này, ông Al Bukhory (R) rất buồn và lo lắng không ngừng về tai biến nguy hiểm ngày càng trầm trọng, nên từ đó ông bắt đầu lâm bệnh càng ngày càng nặng thêm... Và rồi lời thỉnh cầu của ông đã được Allah chấp nhận toại nguyện cho trái tim trung trực luôn sợ hãi cho cá nhân và cộng đồng, nên ông ra đi vĩnh viển cỏi đời này vào giờ solah Isha đêm thứ bảy, nhầm đêm của ngày Lễ Idul Fitroh năm 265 H, solah janazah của ông diển ra sau khi Solah Dhur cùng ngày, và thể theo di chúc của ông sau khi tắm cho ông xong, người ta chỉ làm Kafan “quấn” thi hài ông lại với ba mảnh vải trắng như ông muốn chớ không có áo hay chăn hay khăn quấn đầu gì cả...


Khi đem thi hài của ông vào huyệt,  những người có mặt ở đó đều thuật là là họ ngửi được một mùi thơm như diển tả mùi Misk trên thiên đàng, mùi này chưa bao giờ ai ngửi được có mùi thơm tho như vậy trên trần gian này, ngay cả khi ai đi ngang qua ngôi mộ của ông cũng cảm thấy như vậy, mùi thơm rất lạ này kéo dài cả mấy ngày, và một sự kiện lạ khác là người ta lại thấy ánh sáng mát mẻ chiếu ra từ ngôi mộ của ông, ai nấy đều kinh ngạc và thương tiết nhớ nhung ông không ngừng, ông hưởng thọ 62 tuổi.


Ông đã vĩnh biệt cỏi đời ra đi, nhưng gia tài khổng lồ của ông để lại cho hậu thế thì không ai có thể so sánh được, kiến thức của ông để lại cho toàn thể người Muslim trên thế giới hằng ngày hằng đêm ngồi đọc những Hadith Soheh Al Bukhory của ông, đây được gọi là Sodakoh Jariyah và ông sẽ hưởng nó mãi mãi cho đến Ngày tận thế như Hadith của Rosul (saw) đã nói:


قال صلى الله عليه وسلم:(  إذا مات ابن آدم انقطع عمله إلا من ثلاث: علم ينتفع به...). الحديث رواه  مسلم على شرطه في صيحه...


Một khi con cháu của Nabi Adam (A) chết, kể như không còn liên hệ với cuộc đời ngoại trừ bà điều: - Có kiến thức đúng thật để lại cho hậu thế; - Có con đạo hạnh luôn cầu xin cho cha mẹ; - Bố thí có tính cách trường cữu như xây cất nhà thương, trường học, Masjid...” Hadith do Muslim ghi lại với đường dây đúng thật của Al Bukhory.


CHÚ Ý: Kitab Hadith soheh Al Bukhory là một trong sáu cuốn kinh ghi chép sưu tầm về Hadith của Rosul (saw)... những đường dây đúng thật được ông sưu tầm ghi lại từng người một, từ người đầu tiên được nghe Hadith của Rosul (saw) cho đến người cuối cùng mà ông Al Bukhory (R) sưu tầm ghi lại, tất cả những người này đều phải có nhân phẫm trung trực và tư cách tốt lành trong đạo hạnh, cũng như không bao giờ nói láo thì Hadith đó mới được ông chấp nhận... và mỗi Hadith đều được xác minh rõ ràng không có sự mờ ám hay giả tạo trong đó, dù ngay cả một lời nói khác với Rosul (saw) hay Ashabah của Người đã để lại...


Sử ghi lại, mỗi đêm khi ông đặt bút ghi chép Hadith vào cuốn sách của ông, ông đều solah cầu nguyện xin với Allah cho ông vững tâm và biết chắc đó là Hadith Soheh đúng thật mà không có sự mờ ám, hay nói láo không đúng thật ở đó... Cho nên quyển Kitab Soheh Al Bukhory đã trở thành nguồn thứ nhì sau thiên kinh Qur’an để cho người Muslim dựa vào đó mà học hỏi và noi theo giáo lý của Rosul (saw) đã để lại... Ngoài đó ra nguồn kinh kế tiếp là Kitab Hadith Soheh Muslim và sáu Kitab Hadith khác...


Cầu xin với Allah ban mọi điều tốt lành, chấp nhận sự hành đạo, hài lòng và ban thưởng cho ông ở thiên đàng Al Firdaws.



 



Do Ibnu Hosen chuyển ngữ từ “Kitab Al Bida’yah wan Nihayah” البداية والنهاية  của ông Al Hafis ibnu Khatir, quyển 11 trang 24-27, phát hành lần thứ nhì tại Beirut, Liban năm 1977 DL. Mùa Đông Paris tháng giêng năm 2012.


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 2725 Tổng lượt truy cập 3152705