-Chân Lý Islam | baiviet | TIỂU SỬ | ISLAM Ở VIỆT NAM - ISLAM IN VIETNAM
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
ISLAM Ở VIỆT NAM - ISLAM IN VIETNAM
29.08.2007 23:28 - đã xem : 13346
_VIEWIMG
Nước Việt Nam có truyền thống văn hoá lâu đời và là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam có những tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với đời sống kinh tế, văn hoá và xã hội. Nếu xét theo nguồn gốc của tôn giáo ở Việt Nam thì có tôn giáo ngoại sinh - được đem từ bên ngoài vào như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Islam và tôn giáo nội sinh - được hình thành ngay ở Việt Nam như đạo Cao đài, Phật giáo Hoà Hảo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa...

Nếu xét về đặc điểm tôn thờ thì có tôn giáo thờ đa thần như Phật giáo, Bà la môn, Nho giáo, Lão giáo và tôn giáo độc thần là Islam, Công giáo, Tin lành. Là một nước đa tôn giáo nhưng tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam nhìn chung đều gắn bó với dân tộc, đồng thời là một nhân tố xã hội và văn hoá tích cực góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc.


Khái lược về lịch sử Islam ở Đông Nam Á và Việt Nam


Đông Nam Á được biết đến như một vùng đất chính của Islam. Số người muslim chiếm tới 60% tổng dân số của vùng. Trong đó, ở Inđonesia, người muslim chiếm 85%; ở Brunei 65%, Malaysia 55%, Singapore 17%, Philippines 8%, Campuchia 7%, Myanmar 5%, Thái Lan 4% tổng dân số. Nhưng ở Việt Nam, người muslim chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, chưa tới 1 phần nghìn dân số.


Chưa có tài liệu nào khẳng định chính xác thời gian Islam lan tới Đông Dương. Nhưng nói chung, Islam đã tới Đông Dương trước khi nó tới Trung Quốc trong triều đại nhà Tống (618-907). Islam đến Đông Nam Á không phải bằng con đường gươm giáo, bằng những cuộc chiến tranh “thần thánh” như đã từng diễn ra ở Trung Cận Đông và Ấn Độ mà bằng con đường hoà bình thông qua các thương nhân và các nhà truyền giáo Arập, Ấn Độ, Ba Tư khi họ đi thuyền qua các thành phố ven biển. Sau khi đi qua eo biển Malacca, mà người Ả Rập biết đến nó qua cái tên Malay là Salaht (eo biển), họ ghé lại đảo Tiuman. Sau đó họ dừng chân ở các cảng biển tại Sanf, vương quốc Chăm pa ở bờ biển phía Đông, tiếp theo là ở một hòn đảo cách xa đất liền, được biết đến với tên Sanf Fulaw. Từ đó những con thuyền lớn có lẽ đã đi men bờ biển quanh vịnh Bắc Bộ tới Hà Nội, trước khi họ dừng chân ở điểm cuối cùng là Canton (trước kia là Khanfu). Ngay từ đầu Islam đã được cư dân địa phương dễ dàng tiếp nhận và không gặp trở ngại gì đáng kể. Sau đó tôn giáo mới này được pha trộn với các tôn giáo địa phương. Trên thực tế, Islam càng ngày càng gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á hải đảo.


Còn Islam thâm nhập vào Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ thứ 10. Các nhà sử học Trung Quốc thuộc đời nhà Tống viết trong Tống sử (năm 984), khi kể về xứ sở Chăm pa, có ghi: “Cũng có giống trâu núi không dùng để cày bừa mà dùng để cúng tế. Trước khi giết, thầy cúng đọc câu kinh Allahu Akbar.” Nhưng đặc biệt, có một phát hiện khảo cổ học gồm hai bia mộ thuộc về người muslim Champa, một tấm có niên đại 1025-1035 và một tấm có niên đại 1039, minh chứng rõ nét hơn về thời điểm Islam du nhập vào Việt Nam (Bá Trung Phụ, 2005).


Khi Islam xuất hiện, một số ít người Chăm-pa chấp nhận theo Islam. Nhà khảo cổ Pháp, H. Huber, đã tìm được trong sử nhà Tống, Trung Quốc, bản tường thuật về sinh hoạt của dân tộc Chăm có ghi câu kinh A-la hòa cập bạt mà người ta suy ra là câu kinh nhật tụng Allahu Akbar (Allha vĩ đại) của người Muslim. Ngoài ra, trong câu chuyện lịch sử dân gian của người Chăm, đăng trong Excursions et Reconnaissances, XIV, trang 153, có ghi vị vua Champa trị vì vào thế kỷ thứ 10 T.L. đã nhập đạo Islam và đã có đi hành hương Thánh địa Makkah, chứng tỏ đạo Islam đã có một thời cực thịnh tại đất Champa.


Lịch sử vương quốc Chăm-pa.


Vương quốc Chăm pa hay Chiêm Thành được xây dựng lên từ thế kỷ thứ 2 và tồn tại đến thế kỷ thứ 19. Theo các sử liệu Trung Quốc, sau cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhưng bị đàn áp đẫm máu của Hai Bà Trưng, vào năm 192, lợi dụng lúc nhà Hậu Hán suy yếu, một viên chức quận Tượng Lâm (phía nam Thừa Thiên ngày nay) là Khu Liên đã lãnh đạo người Chăm nổi lên khởi nghĩa thắng lợi lập nên vương quốc Lâm ấp (= xứ Rừng). Quốc hiệu Chăm pa xuất hiện vào lúc nào không rõ, chỉ biết rằng bia kí sớm nhất có nhắc đến tên này được khắc vào cuối thế kỷ thứ 6. Sau khi lập quốc, người Chăm thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa, liên hệ với Trung Hoa cũng hầu như không còn. Thay vào đó, người Ấn Độ đến ngày một nhiều hơn và, khác với Trung Hoa, họ không mang theo chiến tranh, vì vậy, nền văn hóa Ấn Độ được người Chăm vui vẻ tiếp nhận. Đây là một vương quốc đã một thời hưng thịnh tại vùng đất Trung Việt Nam ngày nay, mà kinh đô Vijaya (Thành Đồ Bàn) qua một số đền tháp, di chỉ, còn lưu lại, được đặt tại Trà Kiệu, vùng Bình Định ngày nay. Lãnh thổ của Chiêm Thành trải dài từ vùng duyên hải miền Trung, cụ thể là dãy núi Hoành Sơn phía Bắc Phan Thiết đến phía Nam. Sắc dân có nguồn gốc Malay-Polinesian với nền văn hoá Ấn Độ và tôn giáo truyền thống là Bà la môn. Người Chăm giỏi về nghề đi biển, có truyền thống thương mại lâu đời. Họ đã thiết lập mối quan hệ giao lưu, buôn bán với các nước Đông Nam Á, nhất là vào thời kì Pôpin-Tarthuôn (Chế Mân) và Pôpin Thuôn (Chế Bồng Nga) thế kỷ 12-15, có mối giao hảo giữa Indonesia và Malaysia rất chặt chẽ, đồng thời, gắn bó với nhau qua sự thông thương trao đổi và sinh hoạt tôn giáo (Islam). Maspéro (1909) viết: "Thương cảng nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là Shinhapura thuộc vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, nằm trên dòng sông Thu Bồn, với diện tích 60 km2 hay còn gọi là Hội An".


Trong suốt thế kỷ 17, các tỉnh của Chăm pa lần lượt bị nước Đại Việt thôn tính và đến cuối thế kỷ 17 thì vương quốc Chăm pa hoàn toàn thuộc về Đại Việt. Dưới thời vua Minh Mạng (1836), người Chăm pa bị ngược đãi nặng nề. Một bộ phận người Chăm vùng Pantu Rangar theo vua Pôchơn rời bỏ quê hương sang định cư ở Campuchia, vùng đất đó nay là Kompong Cham (bến hoặc làng người Chăm). Họ không sống tập trung ở một vùng mà sống rải rác dọc theo sông Mêkong ở Việt Nam, hình thành nên 13 làng. Họ đã tham gia xây dựng công trình của Thoại Ngọc Hầu đào kinh Vĩnh tế thông thương với Hà Tiên (Dohamid, 1998).


Một số khác đến Thái Lan, đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Malaysia. Do quá trình cộng cư, tiếp xúc với người Malaysia, Indonesia theo đạo Islam, nên cộng đồng người Chăm đã chịu ảnh hưởng về tôn giáo của các nước này. Họ chuyển từ sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống sang sinh hoạt tôn giáo theo đạo Islam và từ đó cho đến nay, đạo Islam trở thành một trong những tôn giáo chính của họ. Mãi đến năm 1858, do sự ngược đãi của vua Chân Lạp, một bộ phận người Chăm di cư đến vùng đất An Giang (Việt Nam), được nhà Nguyễn chấp thuận và cho phép mở mang khai khẩn, ngoài ra còn một bộ phận nhỏ theo ông Hoàng Pôchecoc về định cư ở Tây Ninh. Đại bộ phận người Chăm Islam ở Nam Bộ có nguồn gốc từ người Chăm vùng Pantu Rangar ở Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay.


Những người muslim Chăm pa khác không đi theo vua Pôchơn thì ở lại Nha Trang, Phan Rang, Phan Rí, and Phan Thiết. Sự cô lập giữa họ với những người muslim khác ngày càng tăng, họ bắt đầu pha trộn Islam với Phật giáo và Bà la môn. Do vậy mà con cháu họ sau này dần đánh mất đi những lời giáo huấn chính thống của Islam. Vào năm 1959, con cháu của họ đã liên lạc được với người Chăm Islam ở Châu Ðốc (một trong 13 làng ở miền Nam) và cộng đồng muslim ở Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả của sự giao lưu này là con cháu Chăm pa ở miền Trung trước kia đã đánh mất Islam thì nay đã trở lại với Islam chính thống. Hơn nữa, với sự giúp đỡ của cộng đồng muslim ở Sài Gòn, những thánh đường Islam đã được xây dựng ở Văn Lâm, Nho Lâm, An Nhơn và Phước Nhơn thuộc tỉnh Ninh Thuận.


Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, người Chăm đã định cư ở nhiều nơi, nhiều nhất là ở Campuchia. Quá trình cộng cư với các cộng đồng dân tộc, dưới sự tác động của những yếu tố như: địa lí, môi trường và kinh tế đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội của người Chăm. Họ đã tiếp thu nhiều yếu tố văn hoá mới, trong đó có tôn giáo. Hiện nay, người Chăm có hai tôn giáo chính là Bàlamôn và Islam, trong Islam có 2 nhánh là đạo Bàni và Islam chính thống. Ngoài ra, trong cộng đồng của người Chăm ở Nam Bộ còn có nhóm "Javakur", là con cháu của cư dân nói tiếng Mã Lai đa đảo, gốc từ Malaysia và Indonesia tới Campuchia lập nghiệp vào cuối thế kỉ 19, đến đầu thế kỉ 20, định cư dọc theo sông Hậu - Châu Đốc, tỉnh An Giang. Nhóm "Javakur" do sinh sống với người Chăm Islam Nam Bộ nên họ đã hoà nhập vào cộng đồng này và tự nhận mình là người Chăm.


Người Chăm Islam luôn luôn gắn kết thế tục với tôn giáo. Đặc điểm nổi bật nhất chính là lối sống hình thành từ việc thực hiện đức tin và sự thực hành đầy đủ các bổn phận của tín đồ được quy định trong giáo luật Islam. Mỗi tín đồ luôn phải tâm niệm trong lòng sáu đức tin căn bản:


1. Tin Thượng Đế Allah chỉ có một và duy nhất.


2. Tin có các vị Thiên thần.


3. Tin có các Thiên Sứ. Họ cũng là người nhưng có nhiệm vụ dẫn dắt con người đi theo con đường của Thượng Đế (vị đầu tiên là Adam và vị cuối cùng là Mohammed).


4. Tin vào các Kinh sách của Thượng Đế, trong đó người muslim tuân theo Kinh Koran vì đây là Kinh sách cuối cùng được mặc khải qua Thiên sứ Mohammed(Saw).


5. Tin có ngày tận thế, tin có cuộc phán xét của Thượng Đế.


6. Tin vào việc mọi số mệnh của con người đều được Thượng Đế an bài.


Tuy nhiên, công việc của họ không phải vì thế mà phó thác tất cả cho số mệnh, cần có nỗ lực của bản thân trong xã hội. Từ những đức tin ẩn chứa bên trong, được họ cụ thể hoá bằng thực hành bên ngoài, đó chính là việc thực hiện 5 trụ cột của Islam. Năm trụ cột này là: (1) Tuyên xưng “Không có Thượng Đế nào khác ngoài Allah và Mohammed là sứ giả của Ngài”, (2) Cầu nguyên 5 lần một ngày, (3) Nhịn chay vào tháng Ramadan, (4) Đóng tiền Zakat (thuế an sinh xã hội để bố thí người nghèo) và (5) Hành hương đến thánh địa Mecca (Ả Rập Xê-út) nếu có đủ điều kiện về tài chính và sức khoẻ. Năm điều trụ cột có thể được xem là những quy định về nghĩa vụ tôn giáo mà mỗi tín đồ phải thực hành để thể hiện đức tin của mình vào Allah.


Nghiên cứu xã hội Chăm Islam Nam Bộ cho thấy, phụ nữ có một vai trò rất quan trọng trong gia đình và trong sinh hoạt tôn giáo. Ở thánh đường luôn có một nơi riêng để cho tín đồ nữ cầu nguyện. Nhìn chung, hoàn cảnh gia đình và xã hội Chăm Islam vẫn chưa phát triển, có lối sinh hoạt mang đậm màu sắc tôn giáo, nhưng có sự cố kết tộc người. Điều này giúp cho cộng đồng Chăm Islam có một sức mạnh liên kết chặt chẽ. Chính những yếu tố này đã góp phần kéo mọi người đoàn kết, gần gũi với nhau hơn.


Cộng đồng muslim ở Việt Nam


Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 60.000 tín đồ muslim người Chăm, tập trung ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Đồng Nai. Riêng ở Châu Đốc (An Giang) có khoảng hơn 10.000 người Chăm Islam. Ngoài ra, còn có hai nhóm người Việt muslim, đó là người Việt cải đạo sang Islam và người Việt lai với người Ả Rập, Ấn Độ, Pakistan, Malaysia, Indonesia.


Cộng đồng muslim ở Sài Gòn xuất hiện trong thời kỳ Pháp thuộc, bao gồm chủ yếu là người Chăm Islam di cư lên thành phố, người Việt cải đạo, người Ấn Độ, Pakistan, Malaysia, Indonesia và Ả Rập. Ngày nay cộng đồng này có khoảng 6000 tín đồ. Họ dùng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày. Ngoài ra, trong cuộc sống đô thị không còn điều kiện tự cô lập như tại các thôn ấp nữa, đạo Islam phải không bị khép trong một không gian hạn hẹp, một dân tộc, một nước nào, thì mới triển khai được tác dụng nhân ái, mang ánh sáng Thông Điệp Chân Lý của Allah đến với mọi người. Nhóm ở Đồng Nai có từ thời chế độ trước 30/04/1975 theo đuổi chính sách “phân tán” dân tới miền nông thôn để ngăn chặn sự xâm nhập sâu của lực lượng Bắc Việt.


Sau năm 1975, một số người Chăm Islam đã rời Việt Nam để sinh sống ở một số nước như Mỹ, Pháp, Malaysia, Ấn Độ, Canada và Australia. Họ có nhiều cơ hội để học hỏi về Islam tại các trung tâm đào tạo về Islam lớn trên thế giới và từ đó có dịp giúp đỡ những người Muslim tại quê nhà qua viết sách, báo Islam và giúp đỡ những người khó khăn, “lá lành đùm lá rách”. Nhóm muslim ở Hà Nội chủ yếu là người nước ngoài đang làm việc tại các đại sứ quán và một số công ty, tổ chức phi chính phủ. Hàng năm có vài người Việt cải đạo sang Islam để kết hôn với người muslim nước ngoài hoặc số ít trí thức, sinh viên đã thấy được chân lý Islam và đi theo tiếng gọi của đức tin. Tuy ít ỏi nhưng những người Việt Muslim ở đây là một bộ phận quan trọng của cộng đồng Muslim Hà Nội.


Ngày nay, người Chăm Islam đã chú trọng hơn về giao lưu, học hỏi thêm từ cộng đồng Muslim quốc tế. Qua nhiều năm, thanh niên từ các làng Chăm Nam Bộ và Ninh Thuận được gửi đi du học tại Malaysia, Ả Rập Xê-út, Ai Cập, Libi để học Qur'an và giáo lý Islam. Sau khi học xong, các thanh niên này trở về làng dạy lại Islam cho người khác. Một yếu tố khác giúp họ vẫn giữ được những giáo huấn gốc của Islam là sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa họ và những thương gia Malaysia lái thuyền dọc theo sông Mêkong.


Năm 1991, những người muslim ở Thành phố Hồ Chí Minh lập ra Ban Đại diện Cộng đồng Islam gồm 7 thành viên với nhiệm kỳ là 4 năm. Đầu năm 2004, người Chăm Islam ở An Giang cũng lập Ban Vận động và đã tổ chức Đại hội Đại biểu vào cuối năm 2004, thành lập Ban Đại diện Cộng đồng Islam tỉnh An Giang. Số lượng tín đồ muslim ở Việt Nam không nhiều nhưng Islam lại gắn chặt với dân tộc Chăm, một dân tộc có những đặc điểm riêng về lịch sử và văn hoá. Mặc dù đạo Islam trong người Chăm có sự khác biệt nhưng nó đã góp phần tạo thêm nét đặc sắc về văn hoá và phong tục tập quán của dân tộc Chăm, cũng như góp phần vào sự đa dạng của nền văn hoá đa dân tộc Việt Nam (Ban Tôn giáo Chính Phủ, 2007.)


Hiện nay ở Việt Nam có 40 Thánh đường Islam và 21 surao (nơi cầu nguyện nhỏ hơn thánh đường) tập trung ở các tỉnh An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Trà Vinh, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai ở miền Nam, tỉnh Ninh Thuận ở miền Trung. Thủ đô Hà Nội có thánh đường duy nhất ở miền Bắc ngụ tại số 12 Hàng Lược gọi là masjid Al-Noor. Người muslim nói tiếng Việt hiện nay có thể tìm hiểu ý nghĩa của Kinh Qur’an bằng tiếng Việt qua bản dịch Việt ngữ do học giả Hassan Bin Abdul Karim (Từ Công Thu) chuyển ngữ. Cuốn “Thiên kinh Qur’an – Ý nghĩa và nội dung” đã được nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành lần đầu vào năm 2001 và tái bản lần thứ hai. Cuốn này cũng được nhà vua Fahad bin Abdul Aziz al-Saud của vương quốc Ả Rập Xê-út cho xuất bản tại đây.


Sự khác nhau giữa hai nhóm muslim ở Việt Nam


Sự khác nhau về vị trí địa lý, hoàn cảnh truyền đạo, điều kiện sống và mức độ giao lưu với bên ngoài, nhất là với thế giới muslim, đã hình thành hai khối người Chăm theo đạo Islam ở Việt Nam: một là, khối người Chăm theo đạo Islam ở Ninh Thuận, Bình Thuận là khối Islam cũ hay còn gọi là Chăm Bà Ni; hai là, khối người Chăm theo Islam ở Châu Đốc (An Giang), Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai là khối Islam mới hay còn gọi là Chăm Islam. Tuy nhiên, như đã nói ở phần trên, sau năm 1959, một số người Chăm Bà Ni được tiếp xúc với người Chăm Islam ở thành phố Hồ Chí Minh và quay trở lại, tuân theo giáo lý, kinh sách của người muslim chính thống, trở thành nguồn gốc của người Chăm Islam ngày nay ở Ninh Thuận. Họ chiếm khoảng 10 % tổng số người Chăm ở vùng Ninh-Bình Thuận.


Giữa hai khối người Chăm theo Islam có sự khác biệt đáng kể về mặt tôn giáo, từ kinh sách đến các tín điều và nhất là luật lệ, lễ nghi. Có thể khái quát một số điểm chính sau: Islam ở Ninh Thuận, Bình Thuận (Chăm Bà Ni) chịu nhiều ảnh hưởng phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống, nhất là sự pha trộn với những yếu tố của đạo Bà la môn và chế độ mẫu hệ. Người Chăm Bà Ni hiện có khoảng 30.000 người, sống trong các thôn ấp riêng rẽ đối với người Chăm, có một hệ thống chức sắc lãnh đạo chuyên nghiệp, trong dân gian gọi là các Thầy Chang, đảm bảo thực hiện các lễ nguyện, nhịn chay, và các lễ cúng của gia đình, còn người dân thì chỉ mang vật cúng đến thánh đường mà thôi. Thiên Kinh Qur’An cũng còn được duy trì, nhưng là bản được sao chép tay qua nhiều thế hệ nên đã thay đổi nhiều nét và cách đọc có nhiều âm khác lạ không còn là tiếng Ả Rập nguyên gốc nữa. Tình trạng sai lệch đó nguyên là do sống cô lập trong thời gian dài không có giao lưu với bên ngoài, nên một số vị chỉ muốn nhận mình là người Bà Ni để tự phân biệt ngay cả với đạo Islam, thường được phát âm là A-xa-lam. Linh mục Durand, trong bài nghiên cứu Les Chams Ba Ni, đã suy luận chữ Bà Ni do từ Beni tiếng A Rạp có nghĩa là con, tức con của Muhammad. Sự thực từ Bà Ni trong tiếng Chăm có nghĩa là đạo, ý muốn nói đến người theo đạo còn những người khác là người ngoại. Mặc dầu cho đến nay chưa có cuộc nghiên cứu phân tích khoa học thực sự đi vào thực chất hành đạo của người Chăm Bà Ni hiện dịnh cư tại tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận, có những bằng chứng sơ khởi xác định người Chăm Bà Ni chính là người Muslim:


1) Dạng bản Thiên Kinh Qur’An mặc dầu ngày nay đã biến đổi nhiều và không còn gọi là Qur’An nữa mà thường đọc chệch ra là Qur’ưn hoặc Kitab alhămđu, nhưng thực chất vẫn là Qur’An.


2) Các thánh đường mặc dầu ngăn cách đã lâu với bên ngoài vẫn được xây cất theo đúng hướng Qiblat, tức hướng Thánh Địa Makkha của đạo Islam.


3) Niên lịch sử dụng và cách tính năm tháng hoàn toàn đúng với niên lịch Hijrah hiện hành của Islam. Tại tỉnh Ninh Thuận, một vài thôn ấp Chăm Bà Ni ngày trước đã giao lưu với các đồng đạo Muslim tỉnh An Giang và đã lập các cộng đồng Muslim đúng theo nề nếp Islam tại Văn Lâm, An Nhơn, Phước Nhơn, v.v... Nhất là tại Phước nhơn, một Masjid mới được xây dựng cách khoảng thánh đường của người Bà Ni trong tầm nhìn thấy nhau, tạo nên triển vọng một ngày nào đó cả hai cộng đồng càng xích lại tìm hiểu nhau, xóa tan ngăn cách, và hòa hợp với nhau trong tình nghĩa mọi người Muslim đều là anh em như lời phán dạy của Allah trong Thiên Kinh Qur’An.


Các quy định của Islam bị bóp méo và không hoàn toàn được tôn trọng. Năm trụ cột của Islam, các đại lễ được thực hiện tượng trưng bởi thày Chang. Họ không đi hành hương và không giữ được mối liên hệ với các trung tâm Islam khác. Các tín đồ không học kinh Qur’an và giáo luật Shari’ah. Việc cắt bao quy đầu cho trẻ em trai cũng bị huỷ bỏ. Thanh niên đến tuổi 16 được làm lễ cắt tóc (Nga Oroh) để trở thành người muslim. Các thầy Chang của Chăm Bà Ni có vai trò quan trọng dưới tác động của chế độ đẳng cấp. Họ được trao nhiều quyền lợi vật chất và tinh thần và ảnh hưởng tới cuộc sống xã hội và tôn giáo của tín độ. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của họ lên tín đồ chỉ hạn chế trong giới hạn nhất định, chủ yếu là ở thánh đường.


Người Muslim ở Ninh Thuận và Bình Thuận tỏ ra rất tôn trọng phụ nữ. Họ có quyền tới thánh đường như nam giới. Hơn nữa, họ còn quyết định mọi khía cạnh vật chất. Họ được phép đi ra ngoài, họ có quyền chủ động cầu hôn đàn ông. Chế độ mẫu hệ còn được thực hành tại đây, người chồng phụ thuộc nhiều vào vợ và gia đình nhà vợ. Ngược lại với họ, người muslim Chăm ở vùng Châu Đốc (An Giang), Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai tuân thủ đầy đủ các luật lệ, lễ nghi của Islam. Đặc biệt, Islam ở đây có mối quan hệ với thế giới Islam qua việc hành hương sang Mecca, cử người đi học ở Malaysia, Indonesia và Ả Rập Xê-út, thi xướng Kinh Qur’an hàng năm...


Trong khối Chăm Islam phải kể đến vai trò, ảnh hưởng của người Mã Lai và Islam Malaysia. Tuy số người Mã Lai sống trong cộng đồng người Islam ở vùng Châu Đốc không nhiều và thường bị Chăm hoá, nhưng ảnh hưởng của người Mã Lai là rất lớn đến nhiều mặt, từ cơ cấu xã hội đến các sinh hoạt tôn giáo tinh thần. Trong những điều kiện phát triển giao lưu với cộng đồng Muslim Mã Lai như trên, cộng đồng Muslim Châu Đốc, theo truyền thống, hành đạo theo Madhahab Shafi’y và do khuynh hướng tự nhiên bảo tồn căn tính (identity) của dân tộc đã theo khuôn mẫu Mã Lai dùng mẫu tự A Rạp để viết chữ Chăm để đồng thời đọc Thiên Kinh Qur’An luôn; còn chữ Chăm cổ truyền thì theo thời gian không còn mấy người biết nữa trong cộng đồng người Chăm Châu Đốc. Trước đây, Kinh Qur’an ở vùng này được đọc bằng tiếng A-rập nhưng bình giảng bằng tiếng Mã Lai. Những chức sắc, thày dạy kinh Qur’an phần lớn là người Mã Lai. Các ấn phẩm tôn giáo cũng được đưa từ Malaysia sang. Thậm chí xu hướng đưa thêm những cái mới vào Islam cũng chịu ảnh hưởng từ Malaysia.


Thời cuộc khó khăn của những thập niên sau nầy đã làm gián đoạn một thời gian dài các dòng giao lưu tôn giáo giữa Chăm Châu Đốc và Mã Lai, cho mãi đến thập niên 1960, có điều kiện nối lập, người Chăm Islam ở Việt Nam mới được biết rằng sau khi thu hồi độc lập và thành lập nước Malaysia, người Mã Lai đã có thứ chữ mới gọi là Malayurumi được hình thành với mẫu tự Latin và được thông dụng trong các cơ quan nhà nước cũng như trong dân gian; còn thứ chữ cũ gọi là Javi cùng khuôn mẫu chữ mà người Chăm Islam vẫn sử dụng thì nay đã lùi về quá khứ, chỉ còn được dùng trong khuôn khổ giới hạn trong sinh hoạt tôn giáo tại một số địa phương nhất định mà thôi. Nhắc đến sự kiện nầy, chúng tôi muốn nêu lên một yếy tố thuận lợi chủ yếu đã góp phần làm cho sinh hoạt tôn giáo của người Chăm Islam tại Việt Nam có tính tương đối khép kín, có ngôn ngữ riêng, chữ viết thông dụng riêng, tín ngưỡng riêng đối với môi trường bao quanh là xã hội Việt Nam nói chung. Trong một thời gian dài, người Chăm Islam Châu Đốc đã kết hợp với niềm tự hào dân tộc, ít có gia đình nào chịu cho con em đến trường học chương trình phổ thông; ngoài ra, các bậc phụ huynh một phần cũng còn mang mặc cảm e ngại con em mình khi được đi học phổ thông thì lại hấp thụ nếp sống khác biệt, trong giao dịch sẽ uống rượu, cờ bạc, giao hợp sinh lý vụng trộm gọi là zina, vốn là những điều giáo luật răn cấm (haram) và nếu phạm phải sẽ gây sỉ nhục cho dòng họ trong xóm làng.


Tuy nhiên theo đà phát triển, nền kinh tế tự cung tự cấp ở địa phương đơn thuần dựa vào nghề chài lưới và dệt vải không còn đủ điều kiện bảo toàn miếng cơm manh áo cho người dân trong vòng các thôn ấp nữa; người Chăm Islam Châu Đốc phải đi ra ngoài kiếm sống, ban đầu là bằng những chiếc thuyền con cổ truyền nương theo các kênh rạch sông ngòi, và chính những dịp đi ra ngoài nầy đã thúc đẩy người Chăm Islam Châu Đốc nói và học nói tiếng Việt để chung đụng giao dịch thường xuyên với người Việt. Vào thập niên 1920, một chiếc thuyền con đã mang một ông lão người Chăm Islam Châu Đốc cùng với hai người con trai xuôi theo Kinh Chợ Đệm, tỉnh Long An, đã ghé lại một bến của làng Tân Bửu có tên dân gian là Ba Cụm, tình cờ đã vận dụng y học cổ truyền của mình chữa lành cho một người mang bệnh ngặt nghèo, khiến cả gia đình nầy tin tưởng và đã nhập đạo Islam. Tại địa điểm ghé bến nầy ngày nay đã xây được một Thánh Đường (Masjid) tạo thành cộng đồng (jam’ah) Muslim đầu tiên thường được gọi là mu’al-laf gồm toàn người Việt. Cộng đồng mu’al-laf này tất nhiên không thể dùng tiếng Chăm để giảng sách, nếu muốn mọi người cùng theo dõi am hiểu.


Thế là từ đó, ngoài những bài thuyết giảng bằng miệng trong các Masjid cho số tín đồ Muslim nói tiếng Việt ngày càng đông đảo, đã nảy sinh nhu cầu về các tài liệu sách vở in ấn bằng tiếng Việt. Ngoài ra trong cộng đồng người Chăm Islam Châu Đốc theo đà phát triển cũng đã phát sinh ý thức lợi ích của việc cho con em đến trường phổ thông tạo thành một tầng lớp học sinh sinh viên, vì điều kiện sinh sống và học hành không còn có thể đi theo dấu chân của cha ông khép mình riêng trong các trường lớp cổ truyền thôn ấp nữa (Dohamide Abu Talib, 1998). Trước kia, cộng đồng muslim Châu Đốc được coi là một thế giới Islam thu nhỏ của Đông Dương Pháp thuộc.


Những tổ chức Islam ở Việt Nam


Theo nhà xuất bản Thế giới (2001), Islam tại Việt Nam chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán, đặc điểm lịch sử và chế độ chính trị của Việt Nam. Ở Đông Dương, dưới thời Pháp thuộc, đại diện cao nhất của người muslim Chăm và Mã Lai là Say-Khon Islam (Siakh Khut Islam). Trước 1975, trong Bộ Dân tộc (miền Nam Việt Nam) có văn phòng Phó chủ tịch nhóm người Chăm. Người này đại diện cho toàn bộ người Chăm (cả Bà la môn và Islam).


Từ 1955 - 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập Hội người muslim Chăm Việt Nam (Cham Vietnam Muslim Association - CAMA) có văn phòng đặt tại Sài Gòn. Ban đầu Hội có 3 chi hội với hàng trăm tín đồ. Năm 1964, tất cả các vùng Chăm Islam đều có chi hội với 1500 thành viên. Năm 1975 số chi hội đạt 16 với 3 ban đại diện. Việc thành lập CAMA và sự đưa vào một “tôn giáo” mới từ Malaysia đã gây nên mâu thuẫn nội bộ giữa Islam “cũ” và Islam “mới”. Cuối cùng vào năm 1966, hai trong số các chi hội đã đồng thuận lập nên một tổ chức mới gọi là "Vietnam Great Islamic Council" (Hội đồng Islam Việt Nam vĩ đại) có văn phòng ở tỉnh Châu Đốc. Cả CAMA và tổ chức mới tồn tại đến năm 1975, chỉ ảnh hưởng lên Chăm Islam chứ không ảnh hưởng đến Chăm Bà Ni.


Tài liệu tham khảo :


1. Bá Trung Phụ : « Cộng đồng người Chăm Islam giáo ở Việt Nam với đời sống xã hội ». Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2. 2005. Trang 39-41.


2. Maspero. J. Royaume de Champa. Paris. 1909. p. 25.


3. Hourani, George F. "Arab Seafaring". Princeton University Press, New Jersey. 1979.


4. Nhà xuất bản Thế giới: “Những vấn đề về tôn giáo ở Việt Nam”. Hà Nội 2001.


5. Ban Tôn giáo Chính Phủ, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam. Sách trắng về “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. 01/02/2007.


6. Dohamide Abu Talib.


Tác giả: FATIHA soạn thảo


 


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 2725 Tổng lượt truy cập 3151835