-Chân Lý Islam | baiviet | TIỂU SỬ | KHALIFAH ĐỜI THỨ BA: OSMAN IBNU AFFAN (R)
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
KHALIFAH ĐỜI THỨ BA: OSMAN IBNU AFFAN (R)
10.06.2008 04:15 - đã xem : 2126
_VIEWIMG
Sau khi ông Omar ibnu Al Khattab ® qua đời thì ông Osman ibnu Affan ® là người kế vị nhậm chức “Lãnh đạo cộng đồng” (Khalifah) đời thứ ba sau khi Thiên sứ Muhammad (saw) tạ thế. Để hiểu rõ thân thế và công trạng của ông Osman ibnu Affan ® trong thế giới Islam của những ngày đầu tiên, chúng tôi xin tóm lược tiểu sử của ông như sau:

Nguồn gốc và tại sao gọi ông Osman là “Zu An Nourainy”?

Osman ibnu Affan ® là con của ông Abi Al A'si, con ông Umaiyah, con ông Abdus Shamsu thuộc bộ tộc Al Quraish. Thân mẫu của ông tên là Arwiya, con của ông Karis ibnu Robiah, bà Arwiya là một người đàn bà đức hạnh và tự vào Islam trong những ngày đầu tiên.

Vào thời Al Jahiliyah (trước khi Islam xuất hiện), mọi người gọi ông là “Abu Amru”, nhưng sau khi vào Islam ông được người ta gọi là “Abu Abdulloh” và đặt ông biệt danh là “Zu An Nourainy”.

Sau khi cưới bà Rokaiyah (con gái thứ hai của thiên sứ Muhammad (saw)) thì vợ chồng ông có một đứa con trai tên là Abdulloh, cho nên mọi người gọi ông là “Abu Abdulloh”. Nhưng sau đó không lâu thì bà Rokaiyah bị bệnh và qua đời, Thiên sứ Muhammad (saw) mới gã cô con gái thứ ba tên là Ummul Kalsum cho ông Osman. Cho nên, kể từ đó cái tên “Zu An Nourainy” ra đời là tại vì ông Osman được diễm phúc hai lần làm rễ cho Thiên sứ Muhammad (saw).

Bắt đầu cuộc sống Islam của ông Osman.

Ông Osman ® vào Islam qua sự kêu gọi của Ông Abu Bakar As Siđđik (R), ông là một trong những người tiền phong theo Islam, ông Osman ® đã ly hương đi lánh nạn hai lần tại Habashi (Ethopia), sau đó ly hương đến Al Medinah.

Từ khi ông Osman ® vào Islam, ông đã cống hiến cuộc đời để làm những điều hữu ích và vẽ vang cho Islam không khác gì hai vị tiền nhiệm là ông Abu Bakar As Siđđik ® và ông Omar ibnu Al Khottab ®.

1)- Bà Aysah (thân mẫu của những người tin tưởng thuật lại): “Một hôm, trong lúc Rosul (saw) đang ngồi và để hở đầu gối, thì ba tôi (Abubakar) đến và xin phép vào nhà. Sau khi Rosul (saw) cho phép vào thì tôi thấy ông Omar ibnu Al Khottab ® cũng đến và xin phép Rosul (saw), Rosul (saw) mời ông vào nhưng vẫn ngồi với tư thế tự nhiên (để đầu gối hở không kéo chăn che lại), theo tôi nghĩ có lẽ trời quá nóng bức, sau đó ông Osman ® cũng có mặt và xin phép Rosul (saw) được vào nhà, lúc đó Rosul (saw) mới kéo chăn che đầu gối lại rồi mới cho phép ông Osman ® vào nhà... Sau khi những khách ra về, tôi mới hỏi Rosul (saw): - Thưa thiên sứ của Allah, tại sao khi ba tôi và ông Omar bước vào mà Người vẫn ngồi với tư thế để đầu gối hở ra ngoài, nhưng khi ông Osman xin phép vào thì Người lại che đầu gối lại mới cho phép ông ta vào? Rosul (saw) trả lời: - Hỡi Aysah, Wallohy không lẽ ta lại không mắc cỡ với người mà cả thiên thần cũng mắc cỡ với ông ta nữa sao”. Hadith do Muslim ghi lại.

2)- Trong một hadith soheh Al Bukhory có thuật lại từ ông Wahbun như sau: “Một hôm, có một người đàn ông đến từ xứ Masr (Ai Cập), khi ông ấy tiến gần đến một nhóm người đang ngồi, ông ta hỏi: - Mấy ông là ai?

Ðược những người có mặt trả lời: Chúng tôi thuộc gia tộc Quraish.

Ông ấy hỏi: - Ai là trưởng lão của mấy người:

Nhóm người chỉ ông Abdulloh ibnu Omar và nói đó là trưởng lão của chúng tôi.

Ông ấy liền hỏi: - Hỡi Ibnu Omar! Có thể cho ta biết một điều mà ông có thể trả lời không? Tại sao Osman đã bỏ chạy vào trận Uhud? (Có lẽ ông này từ Ai Cập đi làm hadj và nghe người ta nói xấu về ông Osman nên giận dữ và hỏi cho ra lẽ, cuối cùng ông Osman cũng bị nhóm người đó giết chết).

Ông Ibnu Omar trả lời: Ðúng vậy.

Ông ấy nói tiếp: Ông có biết Osman đã không tham gia vào trận Badar?

Ibnu Omar trả lời: Ðúng vậy.

Ông ấy hỏi tiếp: Ông có biết Osman đã không có mặt trong lúc giao ước gọi là Bai-atu Ar Riđwan.

Ibnu Omar trả lời: Ðúng vậy.

Ông ta vừa ngạc nhiên vừa bực mình nên thốt lớn lên câu: “Allohu-Akbar”. (Một hành động bất bình vì những việc làm hèn nhát của ông Osman).

Ông Ibnu Omar nói: - Ông hãy bình tĩnh mà nghe tôi giải thích. Ông nói về việc Osman bỏ chạy trong trận Uhud, tôi xác nhận với ông là Allah đã tha thứ cho tất cả những người chạy trốn đó, với ý nghĩa mà Allah đã phán: “Quả thật Ta đã tha thứ cho họ.” trong “Suroh Al Imran”. Việc ông Osman không có mặt trong trận Badar, vì vợ của ông ta là con gái của Rosul (saw) đang bị bệnh nặng nên Rosul cho ông ở nhà để chăm sóc vợ, và Rosul (saw) đã nói với Osman là “Dù ngươi không tham gia nhưng ngươi cũng đã có phần trong những chiến lợi phẩm”. Nhưng sau đó, vợ của Osman là bà Rokaiyah đã chết vì cơn bệnh nặng này. Còn việc ông Osman vắng mặt trong lúc giao ước chết sống đó. Nếu ai có bản lĩnh cao cả và can đảm hơn ông Osman thì Rosul (saw) đã phái đi bàn luận với Quraish ở Mecca rồi. Ông vắng mặt vì Rosul (saw) đã giao cho ông một nhiệm vụ như một sứ giả hoà bình, và cuộc giao ước xảy ra khi ông Osman vẫn còn nằm trong lãnh địa của kẻ thù. Trong lúc giao ước, Rosul (saw) đưa tay phải ra và nói: “Ðó là bàn tay của Osman”, và Người (saw) đập bàn tay mặt lên bàn tay trái và nói: “Đây là cuộc giao ước của Osman”. Giải thích xong, ông ibnu Omar nói với ông khách đó: - Ông hãy đem những gì tôi nói mà về giải thích cho những người khác hiểu.

Nhưng rồi những bọn phiến loạn này vẩn lấy cớ đó mà ám hại để lật đổ ông Osman ®.

3)- Trong một hadith khác, Al Bukhory có thuật lại: “Khi ông Osman bị bọn phản loạn bao vây, lúc đó cũng có mặt những vị bạn hữu của ông. Ông Osman lên tiếng: - Hỡi những bạn hữu của tôi! Hôm nay tôi nói cho các bạn hiểu là cũng chỉ vì Allah mà thôi. Các ngươi có nghe Rosul (saw) nói ‘Những ai chuẩn bị cho cuộc chiến khó khăn nhất (Al Usra - Tabuk) thì được vào thiên-đàng.’ Rồi ta đã chuẩn bị và tiếp ứng không? Các ngươi có nghe Rosul (saw) nói: ‘Ai đào giếng nước Rumah (để bố thí cho quần chúng dùng) thì sẽ được vào thiên-đàng’. Có phải ta đã làm không? Những bạn hữu của ông Osman nghe xong thì cúi mặt tỏ ra kính nể vì ông Osman đã đóng góp quá nhiều cho công cuộc xây dựng tôn giáo mà đến bây giờ những vị sohabah mới biết rõ.

4)- Trong Musnah của ông Abu A'la thuật lại từ ông Anas ibnu Malik (R) nói: “Người muslim đầu tiên đã ly hương đi tị nạn ở Habashi cùng với gia đình là ông Osman ibnu Affan, vì Rosul (saw) có nói: ‘Hai vợ chồng họ là người ra đi vì Allah, và Osman là người ly hương đầu tiên cùng với vợ trong cộng đồng Ta sau gia đình của Nabi Lut (A)’”.

Có nghĩa là: Thường thì trong những nhóm người đi ly hương, chỉ đi một mình không mang gia đình đi theo, hoặc vợ chồng cùng đi nhưng khi về thì mất một người (chồng hay vợ), riêng ông Osman ra đi cùng với gia đình và trở về cũng vẹn toàn cùng với gia đình như thời xưa Nabi Lut (A) đã ra đi với gia đình.

Những điều cao quí của ông Osman.

Những điều cao quí mà ông Osman đã làm trong lúc tại vị không khác gì những vị tiền nhiệm trước, nhưng mỗi người có khả năng và đặc điểm riêng của họ. Riêng ông Osman đã làm một việc rất cao quí mà những người Muslim trong mọi thế kỷ cho ngày tận thế đều phải ghi nhận và cám ơn ông, đó là ông Osman đã bỏ công tìm kiếm những tài liệu hay những mãnh Qur’an để tập trung lại thành một bản chính của thiên kinh Al Qur’an, và thống nhất cách phát âm thành một ngôn ngữ duy nhất, bởi vì lúc xưa khi Qur’an được truyền xuống thì những người ghi chép lại thành bảy ngữ tộc thông dụng mà Rosul (saw) và dân Quraish đã dùng.

Ông Osman đã sao chép lại thành nhiều bản giống như nhau và gởi đi mỗi nơi một quyển để làm chuẩn và yêu cầu đốt bỏ hết những bản chép từ xưa, đó cũng là bảo vệ cho sau này không ai tự ý thêm bớt. Ðó là điều cao quí nhất mà ông đã cống hiến cho cộng đồng Islam, cho nên là người Muslim phải nhớ công lao này của ông Osman.

Trên đây là một trong những điều cao quí nhất mà ông Osman ® đã mang lại cho những người Muslim một sự đáng kính khó quên. Ngoài việc đó ra, ông Osman ® còn có một việc làm khác đáng tưởng nhớ là ông là người tự nguyện đầu tiên xuất ra một phần của cải rất lớn để tiếp tế cho Rosul (saw) chuẩn bị đi đánh trận “Al Usra” (được gọi là ‘Khó Khăn thiếu thốn’).

Có nhiều vị học giả (Ulama) đã ghi lại một bản văn của ngày Rosul (saw) đang đọc giảng thuyết trước trận đánh “Al Ursa”. Sau đây là một trong những bản văn đó như sau:

Ông Abdurrohman ibnu Habban As Salamy thuật lại: « Trước khi chuẩn bị đánh trận ‘Al Ursa’ thì Rosul (saw) tụ hợp các bạn đạo lại để đọc bài giảng thuyết chuẩn bị trận chiến ‘Al Ursa’. Khi Rosul (saw) đang giảng thuyết thì ông Osman lên tiếng: - Tôi sẽ tiếp tế một trăm con lạc đà và nhiều lương thực cùng những dụng cụ cho quân sĩ. Rosul (saw) tiếp tục giảng thuyết và ông Osman nói tiếp: - Tôi tiếp tế thêm một trăm con lạc đà nữa. Rosul (saw) bước xuống một nấc từ trên bục giảng và nói tiếp, khi nghe xong ông Osman nói: - Tôi sẽ tiếp tế thêm một trăm con lạc đà nữa với đầy đủ dụng cụ cần thiết cho quân sĩ. Sau đó chúng tôi thấy Rosul (saw) cầm tay ông Osman và nói: - Từ xưa đến nay, Osman đã làm quá nhiều việc để mọi người cùng hưởng.

Ông Osman ® là người chịu hy sinh tiền của trên con đường phục vụ để củng cố Islam. Theo sử ghi lại trong trận khó khăn gian nan đó, chỉ một mình ông Osman ® đã bao thầu lo cho một phần ba quân lính, từ lạc đà, quân cụ đến thức ăn trong suốt trận chiến. Trận chiến gay go (Al Ursa) chủ yếu đem quân đến Tabuk cách thành phố Madinah khoảng bảy trăm cây số để ngăn chặn kẻ thù không cho tiến vào thành và Rosul (saw) cũng tham gia cùng quân đội và đã đóng quân tại đó gần một tháng.

Tánh tình ông Osman ® rất dịu dàng và hiền hậu, chất phác và cũng rất khiêm tốn. Imam Ahmad có ghi lại trong Musnah của ông qua lời thuật của ông Yunus như sau : « Vào lúc ông Osman ® đang giữ chức vụ Khalifah. Có lần ông Al Hassan hỏi ai là những người thường ngủ trưa trong masjid? Những bạn đạo trả lời: - Chúng tôi thường thấy ông Osman ibnu Affan thường ngủ trưa trong masjid, và chúng tôi cũng thấy dấu vết của đá sỏi trên gò má của ông nên chúng tôi thường nói: ‘Ðó là Amirrul Moamine, đó là Amirrul Moamine!’.

Ông Osman ® là một nhà thương buôn từ khi còn trẻ, ông rất giàu có nhưng không bao giờ tiêu xài phung phí hoặc mua sắm những đồ cao sang, dù sau này ông là người lãnh đạo một cộng đồng (Khalifah) nhưng cũng rất bình dân như ngày nào, nhưng ngược lại nếu chi dùng cho chính nghĩa của Islam thì ông không bao giờ từ chối. Từ khi ông Osman ® vào Islam, ông rất trung thành và tin tưởng nên ông thường thức gần như suốt đêm để soly và đọc Qur’an.

Ông Ibnu Abi Hatim thuật lại từ ông Abdulloh ibnu Omar nói về dòng thiên kinh Qur’an mà Allah đã phán với ý nghĩa: «Người thức suốt đêm, quỳ phục xuống hoặc đứng thẳng người cầu nguyện với Allah, lòng ghê sợ Kiếp Lai Sinh và mong mỏi lòng thương của Chúa...» Chương 39:9.

Mọi người đều nghĩ dòng kinh này Allah phán về ông Osman ibnu Affan, và vợ của ông Osman ® đã thuật lại là ông rất sợ Allah và luôn cố gắng hành đạo để được Ngài hài lòng dù ông là một trong những người được cho biết trước sẽ vào thiên-đàng.

Ông Ibnu Abi Sadu thuật lại: « Khi Osman mới vào đạo Islam, thì chú của ông là Al Hakam ibnu Abi Al A'sy ibnu Umaiyah bắt Osman cột lại và nói: - Ngươi dám bỏ đạo của ông bà cha mẹ mà đi theo đạo mới xuất hiện hay sao? Ta thề có Allah (Người Arab xưa cũng tin có Allah là Thượng Ðế trên hết, nhưng bên cạnh đó họ lại tôn thờ những bụt tượng khác, nên gọi họ là Musrikine hay Đa thần giáo) làm chứng, nếu ngươi không bỏ tôn giáo mới kia thì ta không bao giờ thả ngươi ra. Ông Osman trả lời: -Tôi xin thề với Allah, dù có chết tôi cũng không bao giờ bỏ và xa tôn giáo mới này. Ông chú thấy Osman quá cứng rắn và cương quyết nên đành thả ra và từ đó không quan tâm đến nữa.

Qua câu chuyện trên đã chứng minh ông Osman có lòng cương quyết, đầy nghị lực để chịu đựng và có lòng nhẩn nại trong lý thuyết tôn thờ ở Allah duy nhứt, với tinh thần đó, ông đã thắng và đã được Allah hài lòng chấp nhận.

Cái chết của ông Osman.

Cái chết của ông Osman ibnu Affan ® là một biến cố và tai họa lớn lao, do nhóm phiến loạn « Al Khowarid » gây ra. Sử tích về biến cố của nhóm phiến loạn đó thật dài, không thể nào diễn tả cho hết, nên chỉ ghi lại những điều cần thiết để hiểu biết sơ qua lý do và biến cố đó để đưa đến cái chết của ông và từ đó tai biến, sự chia rẽ và bất đồng không ngừng xảy ra trong lịch sử Islam.

Trong những năm nắm giữ chức khalifah đời thứ ba, ông Osman ® đã cho mở mang bờ cõi Islam đến khắp Âu Châu và Phi Châu. Ông cũng là người đầu tiên nhận thấy nên thêm một cái « Azan » (tiếng báo gọi đến giờ hành lễ solah) nữa vào ngày thứ Sáu như đa số áp dụng ngày hôm nay, vì càng ngày người theo Muslim càng đông nên phải thêm một « Azan » để cho dân chúng có đủ thì giờ chuẩn bị trước khi « Azan » thứ nhì là Iman lên bục giảng.

Ông Osman ® là người đưa ra bộ luật tự do kinh doanh từ xứ này qua xứ kia, người dân xứ này có thể mua nhà mua đất ở xứ khác, và sống hay làm ăn tự do nơi nào họ muốn. Trong những năm cai trị, ông đã đem lại sự bình an và an khang cho quần chúng, ông rất tế nhị và mềm dẽo trong sự lãnh đạo, nên phần đông dân chúng rất kính phục và tôn trọng.

Nhưng ông có một sai lầm lớn lao là thường chọn những người của bộ tộc Umaiyah để giữ chức vụ trong chính quyền, nên những bộ tộc khác bất mãn rồi gây ra phe phái để chống đối ông. Trong những vị sohabah bất mãn nhiều nhất có ông Abudlloh ibnu Masud, ông Aba'a Zar và những người khác….

Có một câu chuyện thuật lại về ông Aba As Sarhu thị trưởng ở Ai Cập đã không sáng suốt và công bình trong việc xữ án và đã gây ra sự giết người vô tội. Quần chúng bất mãn mà không làm gì được ông ta, nên tổ chức một nhóm khoảng bảy trăm người ra đi từ Ai Cập hướng thẳng về Al Medinah với danh nghĩa là đi làm hadj, nhưng thực tế họ muốn đến Madinah để tố cáo với ông Osman về thị trưởng của họ. Sau khi họ đến gặp ông Osman và bài tỏ sự tình thì ông Osman ra lệnh truất phế ông thị trưởng đó và thay thế thị trưởng mới là ông Mohamad ibnu Abu Bakar As Siđik. Ðược lệnh của ông Osman, ông Mohamad ibnu Abu Bakar cùng một đoàn người lên đường đi Ai Cập, khi đoàn người ra khỏi thành phố Medinah thì có một người phóng ngựa chạy đến, đoàn người hỏi người phóng ngựa kia là ai? Người phóng ngựa nói: - Tôi là người giúp việc cho Amirrul Moamine (Osman) đem thư đến thị trưởng Ai Cập. Ðoàn người trả lời: - Cùng với chúng tôi có thị trưởng mới đây. Người phóng ngựa nói : - Lá thơ này đem cho ông thị trưởng Ibnu Aba As Sarhu. Mọi người trong đoàn không hiểu chuyện gì nên bắt người phóng ngựa đưa lá thơ ra xem, trong lá thư có đống mộc và chữ ký của Kholifah Osman, nội dung lá thơ đó như sau: « Khi Mohamad ibnu Abu Bakar cùng với những người đến thì hãy giết họ đi và phi tan lá thơ này rồi chờ lệnh của ta ».

Tất cả đoàn khi nghe qua nội dung lá thơ này đều nổi giận và cho rằng Osman đã phản bội và làm việc không sáng tỏ nên quay trở về Al Medinah để tìm sự thật. Khi đến Al Medinah, họ đã kêu gọi những vị sohabah ở Al Medinah đến gặp ông Osman để tìm lẽ phải, ông Osman đã thề có Allah làm chứng là ông không hề viết lá thư đó và không hề gửi người đó đi. Những người đó không nghe và hỏi: - Tại sao, người cầm thư đó lại là người giúp việc của ông, dấu mộc cũng là của ông? Nhưng ông Osman vẫn từ chối và thề có Allah làm chứng là ông không làm. Ða số sohabah biết được lòng thành thật và cương quyết của ông Osman nên tin ông nói thật. Sau này điều tra ra thì biết được là chữ của ông Marwan (Marwan ibnu Al Hakam là người chủ mưu và viết ra lá thư đó, dùng mộc ký tên của ông Osman mà ký vào để gây sự phẩn nộ của công chúng với mục đích truất phế ông Osman, sau này tất cả những diễn biến xảy ra đều do sự xếp đặt của ông ta, âu đó cũng là sự an bày của Allah).

Khi biết được thủ phạm, mọi người truy lùng để bắt ông Marwan, nhưng ông ta tìm cách lẩn trốn trong gia đình của ông Osman, ông Osman ® biết được nhưng sợ đưa ông Marwan ra thì người ta sẽ giết ông ta nên không làm áp lực để ép ông ta ra khỏi nhà. Quần chúng bắt đầu xôn xao và bất an ninh, không ai nghe ai nữa, những vị sohabah thì bất động, những người Ai Cập cũng đến bao vây nhà của ông Osman. Dù ông Aly ® ra lệnh cho hai đứa con là ông Al Hassan và Al Hussien cùng với Abdulloh ibnu Omar ® và ông Abu Hurairoh ® và những vị sohabah khác nữa canh gác cửa ra vào nhà của ông Osman để bảo vệ gia đình ông Osman ®, nhưng những kẻ sát nhân xong vào từ trên nóc nhà nên đã giết được ông Osman rồi bỏ chạy.

Theo sử ghi lại, vào năm đó ông Osman ® đã đề cử ông Abdulloh ibnu Abbas ® làm Amir dẫn phái đoàn đi làm hadj, hadji vừa xong thì ông Osman ® nhận được tin là những người đi làm hadji được bình yên, nhưng riêng ông Abbas thì bị đoàn người phiến loạn bao vây. Khi được tin này, ông Mua'wiyah gửi sứ giả đến để hỏi ý kiến ông Osman cho gởi quân đến tiếp viện. Sau cuộc xô xát giữa những người trấn thủ bảo vệ ông Osman với nhóm phiến loạn đã có nhiều người bị thương nên ông Osman không muốn đổ máu tại thị trấn của Rosul (saw), do đó ông Osman từ chối bất cứ cuộc tiếp ứng quân sự nào, và chấp nhận cái chết một mình để chứng minh sự minh bạch của ông.

Thời gian bao vây kéo dài hơn 40 chục ngày, trước ngày ông chết, ông nằm mơ thấy Rosul (saw) nói với ông hãy đến với Người, vì Người cùng với ông Abu Bakar ® và Omar ibnu Al Khottab ® đang chờ ông ta xả chay. Những vị sohabah đến thăm, ông ông điều thuật lại cho họ nghe việc nằm mơ này, và rồi ngày hôm đó nhằm ngày thứ Sáu ông nhịn chay và kêu vợ may quần dài cho ông mặc (vì thường ngày ông chỉ mặc chăn), ông sợ khi bị giết người ta sẽ thấy phần kín của ông. Sau đó ông điềm tĩnh ngồi đọc kinh Qur’an và những người phiến loạn xông vào giết ông trong tư thế đó. Ngay cả cô hầu giúp việc nhảy đến che chở cho ông cũng bị họ chém đứt tay và ông đã tử vì đạo như ông mong muốn.

Cái chết của ông Osman xảy ra vào những ngày As Tasrik vừa xong, nhằm ngày thứ Sáu, mười tám của tháng Zul Hadjah (theo giả thuyết đúng nhất) vào năm 35 của niên lịch Hidry Islam, ông thọ hơn 80 tuổi (có sách ghi là ông thọ 86 tuổi). Ông lãnh đạo trong thời gian 12 năm thiếu 12 ngày.

Sau khi ông Osman ® bị giết, những kẻ phiến loạn làm khó dễ không cho đem xác của ông đi chôn, sau khi điều đình thì họ cho chôn ông sau giờ solah Magrib, ông As Zubir ibn Al Awwam làm imam soly janazah cho ông với một số ít sohabah đàn ông cũng như đàn bà và ông được chôn tại nghĩa trang « Al Bakiau » Madinah.

Cuộc đời của ông đã chấm dứt với cái chết trong lúc đang đọc kinh Qur’an và mỉm cười để chờ cái chết để được đi xả chay cùng với Rosul (saw) và hai vị kholifah tiền nhiệm trước kia, xin Allah ban thiên-đàng vĩnh cửu cho ông và xin Ngài ban cái chết tử vì đạo cho chúng ta.


Do Abu Harith trích dịch từ sách « Al Ilmu wal Ulama » của shiekh Abu Bakar Al Jarayri và sách « Cuộc đời của ông Osman ibnu Affan » của tác giả Mahmud Shalby.

Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 693 Tổng lượt truy cập 2982744