KỈ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI 27.09.2007 00:34 - đã xem : 5260 Đến tận giờ chót thì hai vợ chồng muslim Việt Nam-Anh quốc quyết định đi cùng tôi làm tôi vô cùng hân hoan. Mục đích của chúng tôi là chỉ đi thăm các masjid và tìm hiểu cuộc sống về đời và đạo của cộng đồng muslim ở hai địa danh trên vì thời gian cho chuyến đi vô cùng ngắn ngủi, chỉ vẻn vẹn có 7 ngày. Tối thứ 4, 14/7, chúng tôi rời Hà Nội – nơi chỉ có một masjid duy nhất của miền Bắc Việt Nam với chừng 20 người muslim Việt Nam sống ở các nơi rời rạc với nhau, cả năm có khi chỉ gặp nhau đôi lần ở masjid. Mặc dù dự tính xuất phát hôm 11 (Chủ Nhật) để tới Châu Đốc vào thứ 6 soly Jumah, nhưng không mua được vé tàu nên chúng tôi đành hoãn tới hôm nay. Đoàn tàu đã lăn bánh dọc theo chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam, trải qua 1700 km, đưa chúng tôi qua bao miền đất nước với nhiều phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Bờ biển dài sóng vỗ, nước trong xanh tung bọt trắng xoá, lấp lạnh dưới ánh nắng mặt trời. Chúng tôi dâng lễ nguyện trên tàu rất thuận tiện vì có chỗ lấy nước và giường tàu cũng cùng hướng quiblah. Sáng 16/7 (thứ Sáu), mới 5h sáng chúng tôi đã tới TP qua 34 h trên tàu. Tôi ở nhờ một gia đình muslim Việt Nam -Nga ở quận Phú Nhuận. Chúng tôi lần theo một địa chỉ của cửa hàng bán quần áo cho muslim ở phố Huỳnh Văn Bánh để hỏi chỗ ăn sáng halal. Đang lơ ngơ lác ngác thì Alhamdulilah, tôi nhìn thấy một chị đội khăn nói tiếng Việt không nhiều lắm, đi bán bánh bò, tôi chộp lấy chị để hỏi chỗ ăn halal và đã được chị tận tình chỉ giúp. Đó là thiện cảm đầu tiên mà chúng tôi có về người muslim Chăm. Nhìn thấy bát phở halal (dân ở đây gọi là hủ tiếu) thì chúng tôi không tin vào mắt mình nữa vì ở Hà Nội không có món ăn halal bình dân này. Ở Hà Nội, muốn tìm đồ ăn halal thì quý vị chỉ có thể thấy ở vài nhà hàng sang trọng thôi. Ăn uống xong xuôi, chúng tôi ghé cửa hàng quần áo của chị Basiroh để sắm đồ hành lễ. Tất cả địa chỉ masjid và của hàng chúng tôi đã tìm trên net nên thuận tiện. Mùa hè, dân ta đi du lịch nhiều nên chúng tôi sợ không mua trước vé tàu thì sẽ không kịp ra Hà Nội đúng ngày 25/7 nên phải ra ga Sài Gòn ngay để xếp hàng mua vé trước khi giờ soly Jamah bắt đầu.
Điểm đầu tiên mà chúng tôi tới thăm là masjid Al-Musulman ở 66 Đông Du, đây là masjid có nhiều người muslim đến hành lễ nhất vào thứ Sáu nên không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi đến masjid này. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được nghe thuyết giảng bằng tiếng Việt. Từng lời răn dạy được đọc lên và thấm vào đầu như đất hạn gặp mưa rào. Sau lễ jumah sala, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông imam Haji Muhammad Yousof. Khi được biết chúng tôi từ Hà Nội tới thì ai cũng vui mừng. Ông còn hỏi xem tôi có biết chị Jamila không, tôi chỉ mỉm cười và nói “là cháu đây”. Chúng tôi được ông tặng rất nhiều sách về Islam và một tấm thảm cầu nguyện. Mọi người khi đến masjid đều quên hết công việc kiếm sống thường ngày, bình thản đọc Qur’an và Du’a cầu xin ALLAH mà không hề thấy sốt ruột. Cuộc sống thật giản dị và thanh bình. Ở masjid này phía sau còn có một trường học dạy Qur’an và giáo lý, có chỗ bán đồ ăn halal và trang phục cho người muslim. Đây cũng thường là mô hình chung không tách rời của các masjid tại TP nên rất thuận tiện. Ngày 17/7 là ngày thứ 2 ở TP. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình bằng viếng thăm masjid Nancy ở phố Trần Hưng Đạo mới khánh thành tháng 2 năm nay. Mỗi masjid đều có kiểu kiến trúc và vẻ đẹp riêng nhưng điểm chung là màu xanh lá cây của Islam và màu trắng tinh khiết là hai màu sắc chủ đạo cho các masjid. Đây là masjid có kiến trúc Ả Rập, mang dáng dấp hiện đại với tầng hầm là bãi đỗ xe, tầng trệt là trường học giáo lý, tầng 1 và tầng 2 là nơi hành lễ cho đàn ông và đàn bà. Tới đâu, chúng tôi được tiếp đón rất nồng nhiệt của ban quản trị thánh đường, imam, giáo cả, chúng tôi cũng tranh thủ hỏi về lịch sử của masjid và cuộc sống của người dân muslim, về các thắc mắc về giáo lý và cách hành đạo làm sao cho đúng với đường lối Nabi mà đã dạy. Được sự giúp đỡ tận tình chu đáo của chú Sô ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo TP chỉ dẫn và liên lạc với các masjid trước nên ngày hôm đó chúng tôi kịp thăm rất nhiều thánh đường ở phố Nam Kỳ Khởi Nghĩa - quận 1, phố Nguyễn Trãi - quận 5, đường Cách Mạng tháng Tám - quận 3 và quận 10. Các masjid đều mở cửa suốt cả ngày, tới giờ soly mọi người tới khá đông để hành lễ, chứ không như masjid ở Hà Nội chỉ mở cửa vào trưa thứ 6. Chúng tôi ngạc nhiên khi một chú ở masjid Nguyễn Trãi còn biết trước kế hoạch tới TP của chúng tôi và đã chuẩn bị tinh thần đón tiếp chúng tôi. Chúng tôi thấy rất vinh dự vì được các cô bác đón tiếp như phái đoàn cấp cao, mặc dù chúng tôi rất trẻ tuổi. Bạn tôi là người mới vào đạo Islam được 1 năm, lần đầu tiên được tiếp xúc với cộng đồng người muslim thì rất cảm động trước tình cảm gắn bó thắm thiết giữa con người với nhau. Cuộc sống không bon chen, mánh khoé, lừa lọc nhau là điểm đáng quý nhất mà không đồng tiền nào mua được. Khi được gặp giáo cả ở các masjid ở TP, tôi lại nhớ đến một thầy giáo đã viết bài cho Về nguồn về cảm tưởng sau chuyến đi Hajj, nhưng không nhớ thầy ở quận nào nên không hỏi thăm được. Ngày Chủ nhật, 18/7, 8h sáng chúng tôi chung nhau đi xe tới Châu Đốc. Chú Hai Lê ở masjid Nguyễn Trãi cũng đi cùng chúng tôi vì chú quê ở Châu Đốc và biết rất rõ về các masjid tại đây. Chú lái xe cũng quê Châu Đốc và chú còn biết nhiều về giáo lý Islam nên suốt 7h đi xe từ TP đến Châu Đốc, các câu chuyện về cuộc sống của muslim, các ưu tư khó khăn trong hành đạo lúc nào cũng rôm rả làm con đường bớt xa. Nhiều đoạn đường được làm mới, cao hơn và đẹp hơn đường cũ nên đi Châu Đốc bây giờ đỡ vất vả hơn trước kia. Chỉ qua một bến phà, những chỗ khác có cầu nên không “đò ngang cách trở” như xưa. Xe bon bon dọc bờ sông Hậu Giang đỏ nặng phù sa giống sông Hồng ở Hà Nội. Cánh đồng Tháp Mười thẳng cánh cò bay, cây cối xanh ngút tầm mắt, đất đai mầu mỡ và làng mạc trù phú. Tràn ngập trên đường là màu vàng của lúa và màu đỏ của ớt. Tới Châu Đốc 3h chiều, chúng tôi dừng chân ở HTX Thổ cẩm Châu Giang của thầy Mohamed. Nghe tin tôi tới, Alim bạn tôi hồi học tiếng Arab ở Hà Nội, đang học ở Saudi về nghỉ phép cũng đến và tất cả ăn trưa tại đây. Các cô gái Chăm thoăn thoắt dệt vải bằng khung dệt. Trẻ con ở đây còn có thể chơi pa tanh ngay tại làng. Người Chăm ăn rất giống Tây, họ chỉ dùng đĩa, dĩa và muỗng. Con gái ăn mâm riêng với con trai. Khi tới thăm các masjid ở Châu Đốc, chúng tôi mới thấy sự vĩ đại của các ngôi nhà của ALLAH. Khác với ở TP, masjid ở vùng này còn có thêm khu nghĩa trang và bếp phục vụ nấu ăn trong tháng Ramadan. Trường học giáo lý có chia học sinh làm nhiều lớp tuỳ trình độ các em. Người dân ở đây kể rằng vào tháng Ramadan ai làm ăn ở xa đều về quê để nhịn chay cả tháng cùng gia đình nên rất vui. Trong khuôn viên masjid, lúc nào cũng có người đọc Qur’an. Các masjid và surao mọc gần nhau chứng tỏ dân số muslim ở đây rất đông. Toàn Châu Đốc ước tính trên 10 ngàn muslim, chủ yếu là người dân tộc Chăm. Tối đến, chúng tôi đi thăm một số gia đình trong làng, trong đó có gia đình thầy Hosen mà tôi gặp ở Pari. Ai cũng quan tâm hỏi thăm xem cuộc sống của chúng tôi ở ngoài Bắc có khó khăn gì không, có lớp học Islam không, gia đình có ngăn cản việc vào đạo không. Nếu người ta hỏi “Các cháu học đến đâu rồi?” thì tức là họ muốn hỏi xem học Islam chứ không phải là học văn hoá. Điều này chứng tỏ người dân rất quan tâm đến chuyện học hành về Islam. Hầu như làng nào cũng có các em đi du học ở Saudi, Malaysia, Indonesia hay Lybia. Tôi nghỉ ở nhà vợ chồng Alim kề ngay masjid Mahmudiah ở ấp Phum Xoài, cũng gần nhà của thầy Hosen. Chúng tôi được thết đãi nước Zamzam - biết zamzam nhiều nhưng bây giờ mới được thưởng thức - vị của zamzam không thể nhầm lẫn được và làm chúng tôi sảng khoái, quên hết mệt nhọc. Ba vợ của Alim la Tuan Ahmad là người am hiểu giáo lý nhất khu này. Chú là tấm gương học tập cho chúng tôi, chủ yếu chú tự học từ sách vở và kinh nghiệm. Mọi người ở đây rất khâm phục kiến thức của chú và họ thường tới hỏi chú như hỏi một luật sư. Chúng tôi tha hồ hỏi chú các câu hỏi đã được ghi trước, vợ chồng bạn tôi rất thích chủ giảng giải về cuộc sống của vợ chồng trong Islam, về cách thức động tác cầu nguyện. Người muslim ở làng sống với nhau chân thành, tình cảm, tối lửa tắt đèn có nhau. Gia đình sống rất hạnh phúc, thuận hoà, trên kính dưới nhường, họ nói cười râm ran, rất tiếc là chúng tôi không hiểu tiếng Chăm. Một thứ làm tôi nhớ mãi là tiếng Azan buổi sáng sớm nghe rất rõ lúc trầm lúc bổng, đàn ông tấp nập lên masjid, đàn bà hành lễ ở nhà. Tiếng gọi cầu nguyện rất nhẹ nhàng, ấm áp, thôi thúc mọi người muslim tạm dừng giấc ngủ để đi cầu nguyện. Tôi ứơc gì ở nhà tôi cũng nghe thấy tiếng Azan mỗi lúc sáng sớm. Sau salah Subuh, đàn bà đi tập thể dục thì đàn ông tụ tập uống cà phê để trao đổi chuyện trò, mặc dù cà phê ở nhà cũng rất ngon. Đó là nhu cầu trao đổi thông tin không thể thiếu được của những người trong làng, họ cần tâm sự, chia sẻ vui buồn, nó khác hẳn với cuộc sống ở thành thị, nhà nào chỉ biết nhà đó thôi. Làng của người muslim rất sạch sẽ và thanh bình do họ không nuôi heo và nuôi chó. Họ làm nhà sàn bằng gỗ có chân chống bằng bê tông để chống đỡ qua mùa lũ, đây là điểm khác với nhà sàn của người Thái làm trên núi cao. Nhân dân Châu Đốc sống chủ yếu bằng nghề dệt vải truyền thống, trồng lúa và đánh cá. Dẫu cho cuộc sống còn nhiều khó khăn, họ vẫn duy trì được các nét truyền thống văn hoá và hành đạo rất nghiêm túc. Chẳng có nhà nào chúng tôi ghé thăm lại treo ảnh người và động vật trên tường cả. Nếu ở Hà Nội con gái đội khăn ai cũng nhòm ngó thì ở Châu Đốc, con gái không đội khăn trông rất lạc lõng và kỳ cục. Thứ 2 ngày 19/7, chúng tôi đi thăm vùng gần biên giới Cam Pu Chia thuộc huyện An Phú. Cuộc sống dân vùng biên khó khăn hơn vì họ chỉ trồng được một vụ lúa, đường xá cách trở, chính vì thế người muslim ở vùng này gầy hơn vùng gần thị xã Châu Đốc. Buổi chiều chúng tôi tiếp tục lên đường thăm các masjid ở xã Đa Phước cùng huyện. Thứ 3 ngày 20/7 là ngày cuối cùng ở Châu Đốc, mặc dù chúng tôi rất muốn nán lại mấy hôm nữa vì thấy gắn bó với miền đất này, nhưng lại là vấn đề thời gian eo hẹp. Trên đường về, chúng tôi đi thăm hai masjid ở huyện Châu Phú và TP. Mỹ Tho. Tới masjid nào chúng tôi cũng salah 2 rakat và cầu xin Allah cho Islam được phát triển và người muslim củng cố thêm iman, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Qua ba ngày ở Châu Đốc, chúng tôi đã cảm nhận và học hỏi được nhiều điều. Đi một ngày đàng học một sàng khôn, với chúng tôi còn hơn thế nữa. Cuộc sống êm ả như dòng sông Hậu, tình cảm gắn bó keo sơn, mến khách rất khó quên. Vâng, chúng tôi học được rất nhiều, chỉ tiếc thời gian ngắn quá.Hẹn Châu Đốc vào một tháng Ramadan gần đây nhất Ngẫm nghĩ lại, thấy chúng tôi còn quá non nớt về iman và kiến thức Islam. Chúng tôi dành quá nhiều thời gian cho vòng quay không ngừng của cuộc sống thường nhật và lơ là việc học hành giáo lý – quan trọng hơn nhiều so với học văn hoá. Thứ 4, 21/7, tôi tranh thủ đi thăm 2 masjid còn lại ở TP nằm ở đường Dương Bá Trạc và Bình Tiên. Một lần nữa, mọi người rất vui mừng và đón tiếp tôi là các vị cao tuổi, imam và giáo cả. Các bà các chị nghe tin tôi tới thăm đều đến nói chuyện hỏi han ân cần. Họ uốn nắn cho tôi từng động tác soly như mẹ dậy con vậy. Họ dành cho tôi những đồ ăn, thức uống ngon nhất làm tôi rất cảm động. Buổi tối, chúng tôi được một người muslim Singapore mời ăn tối. Đây là buổi gặp gỡ của những người lập gia đình với người ngoại quốc, Singapore-Malay, Việt – Nga và Việt-Anh. Chúng tôi tâm đắc rằng dù gia đình muslim được lập nên từ 2 nền văn hoá khác nhau thì Islam sẽ gắn bó họ lại gần nhau. Quả thật, trong Islam không có phân biệt dân tộc, màu da hay giàu nghèo. Hôm cuối cùng ở TP, thứ 5 ngày 22/7. Dù là hôm cuối nhưng có khá nhiều bất ngờ thú vị. Buổi sáng tôi đi thăm địa đạo Củ Chi. Buổi chiều, khó khăn lắm tôi mới gặp được người bạn già là chú người Ấn Độ lai tên là Đạt, tôi trao đổi email với chú nhưng chưa bao giờ biết mặt. Qua 2 lần nhận nhầm người thì tới lần thứ 3 – cám ơn ALLAH tôi đã gặp được chú. Thật bất ngờ, qua chú Đạt giàn xếp, tôi còn gặp được gia đình thầy giáo Hosen Ngô Văn Đông - người mà tôi nói phần đầu. Thầy đã hoãn một buổi dạy để tiếp tôi. Thầy Ngô Văn Đông không quản ngại cuộc sống khó khăn, thời tiết mưa gió, ngày nào cũng đi dạy Qu’ran và giáo lý cho các em muslim lớn tuổi không đến trường được do cuộc sống mưu sinh. Tôi thấy chỗ thầy sửa xe đạp hàng sáng không một mái bạt che mưa nắng - thế mà thầy phải làm việc ở đây để kiếm tiền nuôi gia đình từng bữa ăn một. Thỉnh thoảng thầy tranh thủ đi xe ôm để có thêm kinh phí đi lại dạy học. Tôi rất khâm phục tinh thần phục vụ cộng đồng của thầy. Gia đình thầy ở chung với 2 gia đình khác trong căn nhà Tình thương mà Nhà nước xây cho người nghèo. Tôi cầu xin ALLAH cho gia đình thầy có cuộc sống ổn định để tiếp tục con đường phục vụ Islam. Trước khi tàu chạy mấy tiếng đồng hồ, tôi kịp thăm được masjid ở đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận. Các bà các chị chia xẻ cho tôi bữa tối cuối cùng ở TP sau khi chúng tôi cùng soly Isha với nhau. 11h đêm, tàu rời TP hướng về Hà Nội, để lại đằng sau Sài Gòn tấp nập, phồn thịnh với bao kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Chúng tôi thấy lòng man mác buồn vì phải xa xứ của người muslim. Nếu những lần đi công tác xa, chúng tôi đếm từng ngày để được về Hà Nội thì lần này người lại, Hà Nội không làm cho chúng tôi háo hức nữa vì ở đây cuộc sống vồn vã, bận rộn, lạnh lùng khó tả. Insh Allah, chúng tôi sẽ trở lại TP và Châu Đốc vào tháng Ramadan gần nhất. Hà Nội, 7/2004 Jamila Ý kiến bạn đọc |