-Chân Lý Islam | baiviet | GIẢI ĐÁP GIÁO LÝ | NGƯỜI MUSLIM CÓ ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN HAY KHÔNG?
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
NGƯỜI MUSLIM CÓ ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN HAY KHÔNG?
22.01.2009 03:54 - đã xem : 5330
_VIEWIMG
Người Muslim được quyền ăn Tết Nguyên đán không? Đây là câu thắc mắc của một số anh chị em vô đạo Islam mà tôi đã nhận nhiều email gửi đến. Với tư cách là một người Việt gia nhập Islam gần ba mươi năm, tôi xin mạn phép thay mặt Chanlyislam đem sự hiểu biết của mình để phân tích về chủ đề này trong kiến thức hạn hẹp của tôi. Nếu có gì sai phạm, cầu xin Allah tha thứ cho tôi và đón nhận sự chỉ giáo của các bạn.

Trước khi đi vào vấn đề, tôi xin nhắc lại Islam đã có từ thời Nabi Adam (A), nghĩa là khi Allah trừng phạt Nabi Adam (A) đày xuống trần gian thì song song đó Ngài (Allah) cũng cho đạo Islam đồng hành với Nabi Adam (A) để cho con cháu của Người noi theo đó mà hành đạo. Ngày tháng trôi qua, con người quên đi nguồn gốc rồi đi từ lầm lạc này đến lầm than khác và tự sửa đổi những kinh điển của Allah.

Cho đến khi đến thời Nabi Ibrahim (A) thì Người kêu gọi người dân nên từ bỏ những việc thờ phượng hình ảnh và bụt tượng để trở về thờ phụng Đấng Chủ Tể Duy Nhất đó là Allah, mà một nhà hiền triết Do Thái, Maimonides, miêu tả diễn tiến ấy như sau:

Trong thời Enosh nhân loại đã phạm một lỗi lầm lớn... họ lý luận rằng vì Chúa đã dựng nên các vì tinh tú cùng các thiên thể khác, đặt trên bầu trời và ban cho chúng sự uy nghi vinh hiển, rồi chúng phụng sự Chúa, vì vậy cần phải chúc tụng các vì tinh tú, cần phải tin rằng ấy là ý chí của Chúa mà tôn vinh những gì Ngài đã dựng nên... Rồi loài người khởi sự lập bàn thờ để tôn thờ các vì sao, chúc tụng và sấp mình thờ lạy chúng... ấy là nền tảng của thờ lạy hình tượng (avoda zara) ... Chỉ trong vài thế hệ, các tiên tri giả dấy lên mà nói cùng dân chúng rằng Chúa đã ra lệnh phải tôn thờ các vì sao... họ lập nên các ảnh tượng mà tôn vinh chúng... truyền bá ảnh tượng tại các nơi sùng bái, dưới tàng cây, trên đỉnh đồi, trong thung lũng, hội họp dân chúng lại, cùng nhau sấp mình thờ lạy hình tượng mà nói rằng: "Những hình tượng này đem lại phúc lành mà cũng mang đến tai hoạ... vậy thì hãy cung kính mà khiếp sợ"... cho đến khi nhiều thời đại đi qua, Danh Thiên Thượng đã hoàn toàn bị lãng quên... cho đến khi con người của năng quyền (Abraham - Ibrahim), bắt đầu tự hỏi mình rằng "Làm sao các tinh cầu trên bầu trời dịch chuyển nếu không có một Đấng di chuyển chúng? bởi vì chúng không thể tự mình mà chuyển động được", không ai dạy dỗ ông, cũng không ai kể cho ông biết, bởi vì ông đang sống tại xứ Ur của người Chaldee là những người thờ lạy hình tượng... Người ấy (Abraham) đứng dậy mà nói với dân chúng rằng trên thế gian này chỉ có một Chúa duy nhất, và chỉ nên thờ lạy một mình Ngài.

Mãi cho đến khi xuất hiện vị Thiên sứ cuối cùng (Nabi Muhammad (saw)) và quyển thiên kinh Qur’an làm chuẩn, thì ánh sáng Islam đã dần dần hồi phục cho đến hôm nay mà Allah đã phán trong thiên kinh Qur’an như sau: « …Ngày nay, TA đã hoàn chỉnh tôn giáo của các người cho các người và hoàn tất Ân huệ của TA cho các người và đã chọn ISLAM làm tôn giáo của các người ». Surat 5 / Ayat 3.

Do đó, Allah đã phán rõ ràng những gì cho phép (halal) và những gì bị cấm (haram) cũng như những hành động thờ phụng có tính cách mang trọng tội « Shirk » với Allah.

Vậy thì, Tết Nguyên Đán là gì?

Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.

Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông và quan niêm "Ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng...

Nhưng trong cái Tết còn có cái gì?

Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Ta hay Tết Âm Lịch, hay gọi tắt là Tết) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt. Tết được coi là sự khởi đầu của một năm mới, kết thúc của một năm cũ (giao thừa). Vào ngày này, mọi người trong gia đình thường tụ họp lại để tổ chức đón mừng một năm mới âm lịch theo phong tục của người Việt. Điều này thể hiện sự đoàn viên, sum họp, ấm no, hạnh phúc. Cùng với cành đào, cành mai, cây quất, bánh chưng, dưa hành... và tục lễ dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, bàn thờ... ăn mặc đẹp trong các ngày tết....người Việt như muốn cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Thêm vào đó cũng là để thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, hướng về tổ tiên.

Phong tục:

Tục lệ của Tết Nguyên Đán có rất nhiều, từ dọn dẹp nhà cửa và trang hoàng bàn thờ như tất cả các ngày lễ, hay ngày giỗ… cho đến những tục lệ đặc biệt cho Tết như:

- Cúng ông Công ông Táo - theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng; ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của một gia đình.

cung dau nam- Cúng Giao Thừa - Cành mai - Cành đào - Cây quất - Chúc thọ người lớn - Mừng tuổi người trẻ - Sêu tết…

Từ những tục lệ chung của toàn thể văn hóa dân tộc như:

- Lì xì: trong tiếng Hoa, có nghĩa là điều may mắn.

- Đốt pháo: được coi là tống tiễn năm cũ, nghênh đón năm mới. Hiện nay đốt pháo đã bị chính phủ Việt Nam nghiêm cấm với lí do an toàn phòng cháy.

- Đi cúng chùa và hái lộc: trong tiếng Việt, lộc còn có nghĩa là những điều tốt đẹp mà trời cho.

- Thăm viếng họ hàng: để gắn kết tình cảm gia đình họ hàng…

Cho đến những tục lệ có sắc thái địa phương như: - Xin xăm tại Lăng Ông - Đi lễ Chùa Hương - Đi lễ Núi Bà…

Từ những tục lệ do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như: - Múa rồng - Múa lân - Cấm quét nhà và đổ rác trong 3 ngày tết...

so tao quanCho đến những tục lệ mang hoàn toàn tính chất Việt như: - Dựng nêu - Hạ nêu - Sớ Táo quân. - Mâm ngũ quả: phải có ít nhất đủ 5 loại quả. Các loại quả này biến thiên theo từng khu vực. Ví dụ, trong miền Nam là mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài (tượng trưng cho câu nói: "cầu vừa đủ xài").

Từ những món ăn ngày Tết: - Bánh chưng - Bánh tét - Mứt – Chè - Bún thang...

Cho đến các trò giải trí như: - Bịt mắt bắt dê - Múa võ - Hát bội - Hát cải lương - Hát chèo - Nhiều loại bài bạc cổ truyền.

Theo luật lệ xưa, Tết bắt đầu từ đêm Giao Thừa (lúc 0 giờ của năm âm lịch mới) và chấm dứt vào 7 ngày sau, sau khi làm lễ hạ nêu. Ngày nay chỉ còn ba ngày đầu là quan trọng tại Việt Nam. Việt kiều tại Âu châu hay Bắc Mỹ hoặc chỉ giữ ngày Mùng Một hoặc tổ chức Tết vào ngày cuối tuần gần nhất.

Tết và các tục lệ được nhắc đến rất nhiều trong ca dao Việt Nam như:

* Mùng Một thì ở nhà cha,

Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy

* Cu kêu ba tiếng cu kêu

Mong cho Tết đến dựng nêu ăn chè

* Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh

Ý nghĩa các phong tục ngày Tết

* Giao thừa: Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng  lại kết thúc vào lúc giao thừa. Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch.

* Tục lệ đầu xuân: Tục lễ động thổ bắt đầu ở Trung Quốc sau truyền sang Việt Nam. Động thổ nghĩa là động đất, và trong khi động đất phải có lễ cúng Thổ Thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một năm mới.

* Cây nêu ngày Tết: Có nhiều truyền thuyết, ca dao, tục ngữ về tục dựng cây nêu trước nhà của các dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết Nguyên Đán, song trong đời sống, nó vẫn lạ lẫm với nhiều người bởi ngày nay tập tục xưa đã không còn nữa. Cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc cổ sơ, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt. Dựng nêu ngày Tết là để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên.

* Mâm ngũ quả: Ngày Tết, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Mâm ngũ quả bên cành đào, câu đối đỏ, bức tranh Tết, bánh chưng xanh... tạo nên khung cảnh ấm áp của mỗi gia đình khi Tết đến, xuân về. Không biết phong tục này có từ bao giờ, phải chăng vì đất nước ta vốn bốn mùa hoa trái, nhất là vào mùa Xuân hoa quả càng rộ. Hoa quả là lộc của thiên nhiên, đất trời. Lộc Xuân càng quý. Dâng lộc trời, cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu Xuân thật là một tục lệ đẹp đẽ đầy nét nhân văn. (Trích từ site thanhdoan.hochiminh).

Sau khi hiểu qua ý nghĩa của « Tết Nguyên Đán » nói riêng hay những « Lễ hội của một dân tộc » nói chung, thì người Muslim phải phân tích những chi tiết đâu là cho phép (halal) và đâu là bị cấm (haram) hoặc làm một cái gì đó sẽ đi đến tội Shirk (tôn thờ đồng đẳng với Allah)…

Cho nên, người Muslim tham gia mừng Tết Nguyên Đán Việt Nam thì không cấm hẳn, nhưng hãy tránh những việc sau đây:

-         Lạy bàn thờ, lạy ông bà cha mẹ mừng tuổi đầu năm hay lạy bàn thờ ông táo, ông địa, ông công, cúng mâm ngũ quả, van vái thần linh, đi chùa hái lộc cầu an, xem quẻ xem bói… tất cả những sự việc trên sẽ mang tội Shirk (tội này Allah không bao giờ tha thứ, và sẽ bị đày xuống địa ngục vĩnh viễn.

-         Những việc có tính cách mê tín dị đoan, hái lộc đầu năm, cúng mâm ngũ quả, ăn hoa quả trái cây trên bàn thờ cúng, tham gia rượu chè cờ bạc, giao du trai gái, họp mặt ca hát… những loại này được xếp vào haram (cấm).

Còn những việc cho con cháu ăn mặc đồ mới, giao du vui chơi có tính cách lành mạnh như thể thao, những trò chơi giải trí có tính cách dân tộc, chúc tụng lễ phép (không xá lạy), họp mặt ăn uống (đồ halal), thăm viếng người bệnh và già cả hay cha mẹ… những sự việc này thì không có phản lại giáo lý Islam, nên được phép.

Có người nói rằng: “Dù muốn dù không mình là người Việt chẳng lẽ quên nước mắm rồi sao?”

-         Dạ thưa, nước mắm thì không quên, nhưng những việc làm tương phản với giáo lý Islam và phản bội Allah thì chúng tôi không thể.

Hi vọng bài này giải tỏa những gút mắc mà các bạn đã thắc mắc từ bấy lâu nay, vì mọi việc làm đều phải đi theo giáo lý Islam làm chuẩn, lấy đạo xử lý chuyện đời chứ không phải lấy đời ghép vào chuyện đạo.

Abu Azizah biên soạn


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 723 Tổng lượt truy cập 3040680