-Chân Lý Islam | baiviet | CHUYỆN KỂ - ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI | NGƯỜI NÔ LỆ GIÀU LÒNG NHÂN ÁI!
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
NGƯỜI NÔ LỆ GIÀU LÒNG NHÂN ÁI!
20.03.2008 02:34 - đã xem : 2385
_VIEWIMG
Thời xưa, tại Mecca có một người đàn bà tên là Umm Anmar thuộc bộ tộc Khuza’a, một hôm bà có ý định đến thành thị để kiếm một người nô lệ vừa làm công việc nội trợ trong gia đình và cũng có thể lợi dụng sức lao động của người nô lệ để trục lợi kinh tế riêng cho mình. Bà đến chợ mua bán nô lệ nhìn ngược nhìn xuôi, dáo dát nhìn những người nô lệ đang được trưng bày và ánh mắt của bà dừng lại nơi một thằng bé chưa đến tuổi trưởng thành.

Bà đứng ngắm nghía thằng bé một hồi rồi bà quyết định sẽ mua cậu bé nầy dù bất cứ giá nào, chẳng qua cậu bé này trong tướng tá rất khỏe mạnh và mặt mày rất sáng sủa ra vẽ thông minh, sau khi ngã giá xong xuôi bà liền quay gót dẩn theo cậu bé về nhà. Trên đoạn đường về nhà, bà Umm Anmar có nhiều câu hỏi đến cậu bé :

-         Tên mày là gì hả nhỏ ?

-         Khabbab.

-         Mày con của ai (tên cha mày là gì) ?  

-         Al Aratt.

-         Mày từ đâu tới ?

-         Thưa bà, con từ Najd tới.

-         Bà gật gừ đầu rồi nói : -Thì ra mày là dân Arab ?

-         Dạ thưa phải,  của vùng Banu Tamim.

-         Tại sao, mày  lại lọt vào tay bọn buôn nô lệ ở Mecca ?

-         Một trong các bộ tộc dân Arab đã tràn qua lãnh thổ của chúng con để cướp bốc, và họ đã bắt đi những đàn bà con nít, con là một trong những người bị họ bắt, con đã được truyền qua tay nhiều người và cuối cùng con đã bị họ đưa đến Mecca.

Bà Umm Anmar đã phát giác ra cậu bé có cách ăn nói khôn ngoan, chẳng bao lâu bà cho cậu bé Khabbab đi học nghề thợ rèn ở Mecca để học hỏi nghệ thuật rèn kiếm, nhờ trí óc thông minh cậu bé đã nhanh chóng trở thành tay nghề chuyên nghiệp. Khi cậu bé Khabbab đã chín mùi trong tay nghề và đã đến tuổi trưởng thành thì bà Umm Anmar lợi dụng tay nghề của cậu bé mà khai thác kinh doanh. Bà ta liền mỡ một cơ xưởng có trang bị đầy đủ những dụng cụ và đồ nghề để rèn kiếm cho cậu Khabbab. Nhờ tánh tình ngay thẳng, chánh trực và thêm cách ăn nói hoạt bát, chẳng bao lâu cậu bé Khabbab đã trở thành nhân vật nổi tiếng ở thung lũng Mecca.

Mặc dầu còn rất trẻ nhưng cậu Khabbab đã biểu lộ trí thông minh và khôn ngoan hiếm có. Sau khi thành công vượt bực trong nghề rèn kiếm, cậu Khabbab cũng đến tuổi bắt đầu suy tư về xã hội Arab vào thời ấy, một xã hội đang chìm đắm trong tham nhũng và bất lương, một xã hội ngu dốt và bạo ngược, cậu cũng là trong số nạn nhân của sự bạo ngược chuyên chế này, nên cậu thường tự nhủ : « Chẳng lẽ mãi thế này ? có lẽ sau màn đêm đen tối, chắc chắn sẽ phải có bình minh rực rỡ ». Rồi cậu bé ấy ước ao được sống lâu để chứng kiến cái ngày mà ánh hào quang rực rỡ xóa dần bóng tối của thời đại này.

Thật vậy, Khabbab không phải chờ đợi lâu dài, cậu đã được đặc ân có mặt tại Mecca để chứng kiến những tia sáng buổi đầu của Islam mà Muhammad ibn Abdullah (saw) đến giải phóng dân chúng khỏi cảnh áp bức, và Người tuyên bố với dân chúng rằng không một thực thể nào xứng đáng được tôn thờ và kính yêu ngoại trừ một Đấng Tạo Hóa và là Đấng Bảo Tồn vũ trụ. Muhammad (saw) đã kêu gọi dân chúng đánh đổ hệ thống bất công minh và chế độ áp bức. Người (saw) đã chỉ trích kịch liệt các kẻ giàu sang mang thói tật tích lũy của cải và làm giàu trên mồ hôi nước mắt của những người nghèo túng, bơ vơ và vô gia cư. Muhammad (saw) đã lên án các thái độ bất nhân và quyền hạn đặc biệt dành cho tầng lớp quý tộc, và Người kêu gọi một hệ thống trật tự thành lập trên cơ sở tôn trọng nhân phẩm và bác ái đối với những người ở tầng lớp thấp kém kể cả trẻ mồ côi, khách lữ hành và kẻ túng thiếu.

Đối với Khabbab, cậu đã đích thân đến để lắng nghe những lời khuyên dạy từ chính cửa miệng của Nabi Muhammad (saw), cậu hứng khởi lắng nghe những lời răn dạy của Nabi Muhammad (saw) tựa như một luồng ánh sáng mạnh mẽ đánh tan bóng tối của sự ngu muội. Không chút do dự nào cả, cậu Khabbab đã giơ tay ra nguyện trung thành với Nabi (saw) và nhận chứng : « Không có Thượng Đế nào khác mà chỉ có Allah là Đấng tôi phải tôn thờ và Muhammad là bề tôi và là Sứ giả của Allah ». Từ đó, Khabbab là một trong mười người đầu tiên đã gia nhập Islam mà cậu không hề giấu diếm ai về việc cậu đã gia nhập Islam.

Tin loan truyền Khabbab đã trở thành Muslim đến tai bà Umm Anmar làm bà tức điên người lên. Bà Umm Anmar bèn đi gặp người em trai của bà tên là Siba’a ibn Abd al-Uzza cùng một một số bè đảng thanh niên thuộc bộ tộc Khuza’a đến gặp ông Khabbab. Lúc đó Khabbab đang mãi lo chăm chú làm việc thì ông Siba’a tiến tới nói :

-         Chúng tao vừa mới nghe vài tin đồn về mày, nhưng chúng tao không tin.

-         Tin đồn gì ? Khabbab hỏi.

-         Có người nói với chúng tao là mày đã bỏ tôn giáo của mày để theo cái người từ Banu Hashim tới ?

-         Khabbab trả lời một cách điềm tĩnh : - Tôi đã không từ bỏ tôn giáo của tôi. Tôi chỉ đặt niềm tin nơi một Thượng Đế không có đối tác. Tôi chối bỏ các bụt thần của các anh và tôi tin Muhammad là Bề tôi và là vị Sứ Giả của Allah…

Ông Khabbab chưa kjp dứt lời thì Siba’a cùng bè đảng của hắn đã xông vào tấn công ông Khabbab. Bọn này thụi đấm túi bụi và còn lấy những thanh sắt đập vào người ông làm máu me chảy ròng ròng đến khi ông bị ngất xỉu. Nguồn tin về những gì xảy ra giữa Khabbab và bà chủ của ông đã lan rất nhanh khắp Mecca như lửa bắt. Dân chúng rất kinh ngạc về sự gan dạ của Khabbab. Trước đó, họ chưa từng nghe về một người nào đã theo Muhammad mà dám cả gan tuyên bố sự kiện này một cách thẳng thắn, tự tin và bất cần đến mức ấy.

Câu chuyện Khabbab và bà chủ đã làm cho các nhà lãnh đạo Quraysh sửng sốt, họ đã không nghĩ rằng một anh thợ rèn, là tài sản thuộc về bà Umm Anmar, đồng thời cũng chẳng có bè đảng phe cánh gì ở Mecca để bảo vệ hoặc là người của asabiyyah* để giúp cho anh tránh khỏi thương tích, mà lại dám cả gan bước ra ngoài vòng quyền uy của bà chủ, chống lại các thần linh của bà và từ bỏ tôn giáo của tổ tiên bà. Nói là nói thế, nhưng các nhà lãnh đạo Quraysh cũng đang hoang mang lo lắng, vì lòng dũng cảm của Khabbab đã làm cho nhiều người bạn của ông thán phục và khuyến khích họ công bố việc họ gia nhập Islam ngày càng đông hơn. Thế là người này nối tiếp người kia, họ đã bắt đầu công khai tuyên xưng thông điệp « CHÂN LÝ ISLAM ».

Tình thế càng ngày càng trở nên nặng nề hơn, các nhà lãnh đạo Quraysh tụ tập tại khu vực Al Haram (gần đền Kab’ah) để bàn về vấn đề Muhammad. Trong đám này có Abu Sufyan ibn Harb, al-Walid ibn al-Mughira và Abu Jahl ibn Hisham. Họ nhận xét, Muhammad càng ngày đã càng trở nên hùng mạnh và số người theo Muhammad mỗi ngày cũng mỗi gia tăng, và còn có thể nói là mỗi giờ mỗi tăng nữa là khác. Đối với họ, sự kiện này chẳng khác gì một chứng bệnh khủng khiếp, và họ đã đồng tâm nhất quyết ngăn chặn hiện tượng này trước khi không còn gì có thể kềm chế nó nổi nữa. Họ quyết định bảo nhau mỗi người phải đi lùng trong bộ tộc của mình, nếu tìm được bất cứ người nào theo Muhammad, thì họ sẽ trừng phạt kẻ ấy cho đến khi người đó công khai từ bỏ tín ngưỡng hoặc chịu chết thì mới thôi.

Siba’a ibn Abd al-Uzza và đàn em của hắn đã được giao phó trọng trách hành hạ Khabbab thêm nữa. Họ thường xuyên lôi ông Khabbab ra một nơi trống trải trong thành thị, vào lúc mặt trời ở xế ngọ và đất thì nóng như thiêu đốt. Chúng bèn lột quần áo ông, và cho ông mặt áo giáp bằng sắt rồi bắt ông nằm trên mặt đất. Dưới ánh nắng gay gắt, da ông bị đốt chín và thân thể ông trở nên tê liệt hẳn, khi ông không còn đủ sức cựa quậy nữa, chúng bèn đến thách thức ông : - Mày muốn thưa ra sao về Muhammad ? Ông Khabbab dù yếu sức nhưng cũng ráng lên tiếng : - Muhammad là Bề tôi và là Sứ Giả của Allah. Muhammad đã đến với một tôn giáo soi sáng và đích thực, để dẩn đường cho chúng ta từ bóng tối ra ánh sáng.

Bọn họ càng điên tiết hơn nữa và càng đánh đập ông mạnh bạo hơn. Khi bị tra tấn về Al-Lat và al-Uzza, ông Khabbab đã cứng rắng trả lời : - Chẳng qua chúng chỉ là hai bụt thần, câm và điếc, chẳng làm hại được ai mà cũng chẳng mang được lợi ích gì cho ai cả… Lời nói của Khabbab càng làm cho họ thêm giận dữ, nên họ bèn lấy một tảng đá lớn đặt trên lưng ông. Cơn đau đớn và nổi khổ sở này làm cho Khabbab quằn quại nhưng ông vẫn nhất định không chối bỏ đức tin của mình.

Về mặt vô nhân đạo thì bà Umm Anmar cũng chẳng thua kém gì so với đứa em của bà. Một lần bà bắt gặp Nabi (saw) nói chuyện với ông Khabbab trong xưởng rèn thì bà ta nổi cơn thịnh nộ. Vào ngày hôm sau, và trong nhiều ngày liên tục tiếp theo, bà thường đi tới xưởng để trừng phạt Khabbab, bằng cách dí một miếng sắt nóng từ lò đun vào trán của ông Khabbab, khi nào không còn chịu đựng nổi cơn đau thì ngất xỉu.

Ông Khabbab đã phải gánh chịu cảnh khổ đau này ròng rã cho đến khi Nabi (saw) cho phép các Sahabah hãy rời Mecca di cư đến Madinah thì lúc bấy giờ Khabbab mới được thoát khỏi tình trạng đau đớn khổ sở. Trong những cơn đau, ông Khabbab thường xuyên cầu xin Allah hãy trừng phạt bà Umm Anmar và đứa em trai của bà. Chính lúc ấy bổng nhiên bà Umm Anmar mắc phải một cơn bệnh hiểm nghèo mà chưa có ai đã từng nghe đến bao giờ, bà ta mang triệu chứng như của một người bị trúng cơn bệnh dại. Bà thường lên cơn nhức đầu làm cho thần kinh của bà trở nên rối loạn, con cái của bà đi lùng tìm thầy thuốc khắp nơi để chửa trị cho bà, và cuối cùng chỉ còn phương cách duy nhất mà thầy thuốc bảo là phải lấy một miếng sắt nướng nóng đỏ rồi để vào đầu của bà…

Khi đến Madinah, nhờ lòng rộng rãi, ân cần và hiếu khách của những người trợ giúp (Ansar), Khabbab đã được hưởng sự yên tịnh, dể chịu và thoải mái trong tâm hồn mà từ lâu lắm rồi ông đã không được thưởng thức. Ông cảm thấy vui sướng khi được kề cận với Nabi (saw), không còn có ai đụng chạm đến người ông và cũng chẳng có ai quấy phá hạnh phúc của ông nữa. Ông đã từng tham chiến sát cạnh Vị Nabi (saw) cao quý trong trận chiến Bađar. Và trong trận chiến ở Uhud, ông rất hài lòng đã được chứng kiến cảnh Siba’a ibn al-Uzza kết liễu cuộc đời dưới bàn tay của Hamzah ibn Abd al-Uzza (Cậu của Nabi (saw)).

Hơn nữa, ông Khabbab rất hãnh diện và tạ ơn Allah đã cho ông sống lâu để chứng kiến sự bành trướng của Islam dưới sự thống lãnh của bốn vị Khalifah (Abubakar, Umar, Uthman và Aly)…

Vào giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, Allah cho ông Khabbab trở thành người giàu có và hưởng sự giàu sang mà ông chưa bao giờ có thể mơ tưởng nổi, và Allah cũng cho ông có tánh tình là người rộng rãi thường giúp người nghèo mà ai ai cũng biết. Người ta còn thuật lại rằng ông đã từng đặt các đồng tiền đirham (đồng tiền bạc) và đinar vào một chổ trong nhà của ông, mà chổ đó những người túng thiếu đều biết đến, ông chẳng hề khóa giấu tiền này bao giờ cả, cho nên mỗi khi ai túng thiếu hay cần tiền, họ cứ việc tự tiện đến chổ đó lấy tiền mà không cần phải xin phép hay hỏi ý kiến của ông.

Mặc dầu đã vậy, ông luôn luôn lo lắng về việc ông sẽ phải chịu trách nhiệm và trả lời với Allah về cách thức phân phát tài sản của ông. Có lần một nhóm vị Sahabah đến thăm ông Khabbab vì ông bị bệnh, trong lúc các vị Sahabah hỏi han bệnh tình thì ông nói : - Chổ này có tám mươi ngàn đirham. Wallahi, tôi chưa hề cố ý đảm bảo số tiền này bằng bất cứ phương cách gì, và tôi cũng chưa bao giờ ngăn cản bất cứ ai cần tiền mà không cho họ đến lấy. Ông ngưng một chút vì ông đang khóc thì các vị Sahabah hỏi tại sao ông lại khóc ? Ông nói tiếp : - Các người bạn (Sahabah) của tôi, sống cho đến lúc qua đời đã không có sự may mắn như tôi. Trong khi đó, tôi vẫn tiếp tục sống và hưởng sự giàu sang phú quý. Tôi e sợ rằng không khéo, tiền bạc đã là phần thưởng duy nhất cho các hành động của tôi.

Không bao lâu sau thì ông Khabbab đã nhắm mắt lìa trần. Vị Khalifah Ali ibn Abi Talib (R) đứng cạnh mộ ông mà đu-a như sau : « Cầu xin Allah thương xót ông Khabbab, anh ta đã gia nhập Isslam một cách nồng nhiệt, anh đã dời cư (hijrah**) một cách sẵn lòng, anh đã sống như một Mujahid*** và cầu xin Ngài sẽ không từ chối ban cấp phần thưởng cho người đã từng làm việc tốt lành, amine ».

Trích từ sách « Các Sahabah của Nabi Muhammad (saw) »

do Mariyam Kiều Thị Kim Quy Chuyển ngữ.

*Asabiyyah : Niềm tin tuyệt đối về tính ưu việt của bộ tộc hoặc nòi giống chủng tộc của mình. Đây là một trong những tệ trạng mà Nabi (saw) đã bác bỏ. Đôi khi Asabiyyah còn mang nghĩa mối quan hệ giữa một số người trong bộ tộc để mỡ đường cho việc ưư đãi người này hơn người kia. Islam cũng không chấp nhận điều này.

**Hijrah (Dời cư) : Hành động rời một nơi chốn để đi tìm chổ ẩn náu, hoặc để tìm tự do tín ngưỡng. Riêng ở đây, từ ‘Hijrah’ được dùng để gọi cuộc dời cư của Nabi (saw) từ Mecca đến Madinah vào tháng sáu năm 622 T.L. Niên lịch của Islam bắt đầu thời điểm này và Madinah cũng trở thành khu vực cấm (haram).

***Mujahid : Là một người đã tận dụng khả năng của mình trong việc phấn đấu vì Allah (Fi Sabil Allah) với tâm nguyện là để cho Allah hài lòng. Allah sẽ dành phần thưởng tốt nhất cho người Mujahid (Mujahidin).


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 2725 Tổng lượt truy cập 3158239