|
Hình ảnh có tính chất minh họa |
Vương quốc Ả Rập Saudi (tiếng Ả Rập: المملكة العربية السعودية), còn gọi là Ả Rập Xê Út, là quốc gia lớn nhất trên bán đảo Ả Rập. Quốc gia này có biên giới với Jordanie, Palestine và Syria về phía bắc, với Iraq về phía tây bắc, với Kuwait, Qatar, Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất về phía đông, với Oman về phía nam và đông nam, với Yemen về phía nam, còn Vịnh Ba Tư nằm về phía đông bắc và Biển Đỏ nằm về phía tây.
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ CỦA BÁN ĐẢO Ả RẬP
Bán đảo Ả Rập dài và rộng trên một ngàn cây số, nhưng phần lớn đất đai thì không thể trồng trọt được, vì hầu như trong lãnh thổ không có một con sông nào cả, vả lại thời tiết thì nóng bức mà ít khi mưa nên không có ai nghĩ đến chuyện trồng trọt hay làm nghề nông, ngoại trừ vùng Yemen thì đất đai phì nhiêu, cây xanh gió mát vì có mưa.
Tại một xứ như vậy, hoặc như vùng sa mạc Sahara của Châu Phi, hẳn nhiên không có nhiều người ở nên dân cư thưa thớt. Và cũng hẳn nhiên là những ai định cư tại một vùng đất sa mạc như vậy thì họa chăng chỉ là để làm nơi ẩn náu mà không hưởng được gì ngoài sự sống còn. Dân cư các ốc đảo thì có thể hình dung đến một mục tiêu khác, nhưng các ốc đảo tự chúng vẫn là vô danh đối với mọi người và chỉ có những tay phiêu du gan dạ nhất mới chịu dấn thân vào sa mạc đầy hiểm nguy, cho nên ngoại trừ Yemen thì bán đảo Ả Rập ít ai biết đến trong thế giới cổ xưa.
Vị trí địa lý của bán đảo đã tự cứu vãn nó khỏi nạn giảm sút dân số. Trong thời cổ, con người chưa làm chủ được nghề đi biển nên chưa biết cách nào để làm một chuyến đi xuyên qua biển cả trong việc mua bán. Làm mậu dịch hay đi buôn thì người ta phải chọn con đường khác hơn là con đường biển, vì người Ả Rập thời đó sợ biển như sợ chết vậy. Tuyến mậu dịch quan trọng nhất thời đó là tuyến chạy dài từ Đế quốc La Mã và các lãnh thổ khác ở phương Tây đến Ấn Độ và các lãnh địa khác ở phương Đông. Bán đảo Ả Rập nằm chắn ngang hai con đường nối liền Đông và Tây, hoặc qua Ai Cập hoặc qua Vịnh Ba Tư. Dân cư và những người chủ nhân ông của bán đảo, gọi là người « Bedouin » (dân du mục) tự nhiên trở thành các ông hoàng của các tuyến đường sa mạc, cũng giống như dân đi biển đã trở thành các ông hoàng trên các tuyến đường biển khi giao thông đường biển đã thay thế giao thông trên bộ. Cũng là điều tự nhiên khi các ông hoàng sa mạc đã hoạch định các tuyến đường cho các đoàn lữ hành thế nào để đảm bảo tối đa mức độ an toàn, cũng như các nhà hàng hải đã phải vạch các hải trình tránh xa bảo táp và các mối hiểm nguy khác.
Hai tuyến đường thương buôn
Bán đảo Ả Rập được xẻ dọc ngang bởi các con đường của các đoàn lữ hành thương buôn, trong đó có hai con đường quan trọng. Con đường thứ nhất chạy dọc theo Vịnh Ba Tư rồi đi theo ven bờ sông Tigris, băng qua sa mạc Syria thẳng hướng về Palestine, được gọi là « con đường phương Đông ». Một con đường khác chạy dọc theo ven bờ Hồng Hải và được gọi là « con đường phương Tây ». Trên hai con đường chánh yếu này là sự mậu dịch thế giới đã vận chuyển sản phẩm và hàng hóa đi về mọi hướng giữa Đông và Tây, cung ứng cho sa mạc lợi tức và thịnh vượng. Người dân phương Tây hoàn toàn không hiểu biết gì về các con đường mậu dịch mà chính họ đã đi qua, họ và cả những người láng giềng phương Đông đã không bao giờ xâm nhập vào lãnh địa sa mạc, ngoại trừ trường hợp một nhà mạo hiểm bất kể sinh mạng của mình. Thật vậy, một số nhà mạo hiểm đã phải vùi thây khi cố gắng một cách vô vọng luồn lách qua các ngõ đường phức tạp trong sa mạc, vì không chịu đựng nổi các nhọc nhằn cơ cực trong chuyến lữ hành, ngoại trừ những người đã quen thuộc với cuộc sống sa mạc ngay từ khi tuổi còn nhỏ. Một người đã sống xa hoa với đô thị không thể hi vọng chịu đựng nổi các điều kiện thiếu tiện nghi của núi non cằn cỗi chỉ cách biệt với Hồng Hải bởi những dãy hành lang hẹp của Tihamah, thông qua các mỏm đá trơ trọi, dẫn đến những vùng sa mạc mênh mông, khắc nghiệt và hoang vắng nhất.
Thật khó cho những ai đã quen thuộc với một trật tự chính trị đảm bảo an toàn cho mọi người dân ở mọi thời đại mà chịu đựng nổi tình trạng vô pháp luật của sa mạc, không có chút gì gọi là trật tự chính trị, và dân cư chỉ sống theo từng bộ tộc hoặc thị tộc phe cánh biệt lập – thậm chí cả cá nhân nữa – ngoại trừ những nơi có quan hệ với nhau được đặt dưới sự chi phối của luật lệ bộ tộc hoặc một vài qui ước thực tiễn của một nhà bảo vệ mạnh bạo. Sa mạc đã không bao giờ biết đến chút gì về trật tự đô thị như chúng ta đã hưởng dụng được trong các thành phố hiện đại. Người dân sa mạc sống trong bóng đêm của nền công lý dựa trên báo thù. Họ trả đũa cuộc tấn công này bằng cuộc tấn công khác và họ tìm cách ngăn ngừa xâm lăng bằng nỗi e ngại của việc chống xâm lăng, kẻ yếu sẽ không có cơ may nếu không có ai che chở. Đó là nguyên nhân vì sao bán đảo Ả Rập thời đó vẫn là một lục địa không được nhiều người biết đến trên thế giới, cho mãi đến khi những hoàn cảnh của lịch sử đã cho phép người dân bán đảo này là đến thời của Nabi Muhammad (saw) di cư và nhờ đó đã nói cho cả nước rõ, cung ứng thông tin mà thế giới còn thiếu sót.
Đạo Do Thái và Thiên Chúa giáo tại Yemen
Được đặt trên nền tảng phồn thịnh nông nghiệp và cuộc sống định cư, nên văn minh này đã mang đến cho Yemen niềm bất hạnh lớn lao, chớ không như vùng sa mạc mà sự cằn cỗi đã tạo cho nó một vị thế được che chở. Làm chủ lấy đất đai của mình, người Banu Himyari đã cai trị Yemen từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một trong các vị Vua là Dhu Nuwas, đã chán ghét Đa thần giáo và muốn thiên hướng về đạo của Nabi Musa (A) (Moise). Về sau, vị Vua này đã nhập đạo của người Do Thái di dân đến Yemen. Các sử gia đã đồng ý với nhau rằng chính vị Vua Himyari này đã được đề cập trong thiên kinh Qur’an trong câu chuyện đào mương, đã được tường thuật trong các câu sau đây:
« Đám người Ukhdud* đáng bị nguyền rủa – Lửa (nung trong hào) bằng củi đốt – Khi chúng ngồi bên cạnh nó – Và chứng kiến cảnh mà chúng đang làm đối với những người có đức tin – Và chúng hành xác họ (các tín đồ) chỉ vì lý do họ đặt niềm tin nơi Allah, Đấng Toàn Năng, Đấng Rất Đáng Ca Tụng ! – Đấng nắm quyền thống trị các tầng trời và trái đất ! Và Allah là Nhân Chứng cho mọi việc ». S 85 / 4-9
(*Ukhdud là cái hào do một ông Vua vô đức tin dùng để hỏa thiêu những ai tin tưởng nơi Allah).
Đây là câu chuyện của một người Thiên Chúa ngoan đạo, tên là Qaymiyun, đã di cư từ Byzantium đến định cư tại Najran và đã cải đạo theo những người dân thành phố đó do lòng mộ đạo. Khi được tin về số người gia nhập đạo gia tăng và ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa lan rộng, Dhu Nuwas đã thân hành đến Najran và trịnh trọng cảnh cáo người dân rằng: ‘Họ phải nhập đạo Do Thái nếu không sẽ bị giết chết hết’. Khi thấy người dân từ chối bỏ đạo của họ, nhà Vua đã cho đào cái hào rộng, ném họ vào rồi châm lửa đốt, những ai chạy thoát khỏi lửa thì sẽ bị giết bằng đao kiếm. Theo các bản tiểu sử đã ghi lại là hai mươi ngàn người đã phải bỏ mạng theo lối đó. Tuy nhiên cũng có một số người trốn thoát và đã đến tìm gặp Hoàng Đế Justinian của nước Byzantin cầu xin giúp đỡ để chống lại tên Vua tàn ác Dhu Nuwas. Vì Byzantin ở quá xa Yemen nên không thể trợ giúp hữu hiệu được, nên Hoàng Đế đã biên thư cho Vua Negus ở nước Abyssinia (Ethiopia) nhờ họ trả thù cho những người Thiên Chúa giáo ở Yemen.
Vào thời điểm của thế kỷ thứ VI tây lịch, Abyssinia đang ở đỉnh cao của quyền lực, cai quản một nền mậu dịch rộng lớn trên đường biển, được bảo vệ bởi một đội hàng hải lớn mạnh, chế ngự ảnh hưởng lên các nước lân cận. Vương quốc Abyssinia nguyên là đồng minh của Đế quốc Byzantin và là người bênh vực tại Địa Trung Hải. Khi nhận được thông điệp của Hoàng Đế Byzantin, lập tức Vua Negus phái một đạo quân dưới quyền chỉ huy của Aryat cùng người đã đưa thông điệp tiến về Yemen, trong đoàn quân này có các sĩ quan lực lượng viễn chinh là Abraha và Ashram, thế là Aryat đã xâm chiếm Yemen và đặt nền cai trị tại đó, nhân danh là Negus của Abyssinia. Về sau, Aryat đã bị giết thì Abraha và Ashram lên thay thế. Như ta sẽ thấy sau này, chính vị tướng lãnh cưỡi voi này đã tìm cách xâm chiếm Makkah và phá hủy đền Kab’ah nhưng đã bị thất bại.
Các vị nối nghiệp Abraha đã độc đoán cai trị Yemen. Để thoát khỏi ách thống trị, một người Himyari tên là Sayf ibn Dhu Yazan đã đến cầu cứu với Hoàng đế Byzantin, kêu gọi chống người Abyssinian, xin phái một Thống đốc Byzantin để thiết lập công lý. Lời cầu xin đã bị chối từ do bởi liên minh giữa Byzantium và Abyssinia. Bất mãn, Sayh ibn Dhu Yazan trên đường về đã ngừng lại tại cung điện của Numan ibn al-Mundhir, Phó Vương của nước Chosroes tại al-Hirah và vùng đất bao quanh Iraq.
Ba Tư xâm chiếm và thống trị Yemen
Khi al-Numan đi vào chầu cung Chosroes thì có Sayf ibn Dhu Yazan đi cùng, Chosroes đã tiếp kiến họ tại dinh mùa đông của ông ta, ngự trên ngai vàng Darius trong iwan to lớn được trang trí với hình vẽ Hoàng đạo. Ngai vàng được bao quanh bởi một tấm màng làm bằng da thú quý giá nhất, tạo thành nền cho các chân đèn vàng bạc đầy nước ấm, cho chiếc vương miện bằng bạc đầy châu báu có vẻ quá nặng trĩu trên đầu của nhà vua nên được treo lên trần bằng một sợi dây chuyền bằng vàng. Xiêm y nhà vua được dệt bằng vàng và chính nhà vua tự trang sức cho mình cũng bằng vàng. Cảnh tượng lộng lẫy ấy làm hoa mắt người nhìn thấy, và hẳn nhiên đó cũng là trường hợp của Sayf ibn Dhu yazan. Khi lấy lại được bình tĩnh và được Chosroes hỏi về sứ mạng, Sayf ibn Dhu Yazan đã trình lên Hoàng đế câu chuyện xâm lăng của Abyssinia và nền cai trị chuyên đoán. Lúc đầu, Chosroes do dự, nhưng sau đó quyết định phái đến Yemen một đạo quân đặt dưới quyền thống lãnh của Wahriz, một trong những cấp chỉ huy quý phái và gan dạ nhất Ba Tư. Sau đó, đạo quân của Ba Tư đã đến Yemen, đánh đuổi người Abyssinian và họ thống trị Yemen bảy mươi hai năm. Yemen được đặt dưới quyền cai trị của Ba Tư cho đến khi thời đạo Islam vươn lên và từ đó tất cả các nước Ả Rập lần lượt gia nhập vào Vương quốc Islam.
Cyrus thống trị Ba Tư
Người ba Tư thống trị Yemen không trực thuộc uy quyền của Hoàng Đế Ba Tư, nhất là sau khi Cyrus đã giết cha mình và lên ngôi. Vị Hoàng Đế mới tỏ ra nghĩ rằng toàn thế giới đã điều hành chiếu theo ước vọng của ông ta và các vương quốc hiện có trên thế giới chỉ là để làm đầy ắp của cải của ông ta và gia tăng sự giàu sang phú quý của ông ta mà thôi. Do hãy còn trẻ, ông ta lơ là phần lớn quốc sự để đấm mình vào việc ăn chơi, hưởng lạc. Tính xa hoa của các chuyến đi săn của ông ta đã vượt qua mọi sự tưởng tượng của con người. Ông ta thường đi ra ngoài bao quanh bởi cả một đoàn các ông hoàng trẻ tuổi ăn mặc sáng chói màu đỏ, vàng và tím; những người mang các con chim ưng, những quân hầu và các con báo bị khóa mõm, những bọn nô lệ mang nước hoa, những người chuyên đuổi ruồi và các nhạc công. Để tự cảm thấy vẫn là mùa Xuân trong khi đang giữa mùa Đông, ông ta thường ngồi và được bao quanh bởi các tùy tùng trong cung điện trên một tấm thảm rộng bao la, trên tấm thảm đó được vẽ đường xá của vương quốc. Các vườn cây ăn quả, các mảnh vườn tràn đầy hoa, các khu rừng và cây xanh cùng sông ngòi màu bạc – tất cả đều ở trong tình trạng mùa Xuân hoa nở. Mặc dù, Cyrus đắm chìm trong xa hoa lố bịch như vậy, nước Ba Tư vẫn duy trì được vinh quang và kháng cự với Byzantium, ngăn chặn đạo Thiên Chúa phát triển thêm về phương Đông. Tuy nhiên, rõ ràng là việc Cyrus lên ngôi đã là khởi điểm của sự suy tàn của đế quốc, chuẩn bị cho việc chiếm cứ của người Muslim và sự phát triển của đạo Islam bên trong nước Ba Tư.
Việc phá hủy đập nước Marib
Cuộc tranh chấp diễn ra tại Yemen từ thế kỷ thứ IV (tây lịch) đã ảnh hưởng đến sự phân phối dân cư tại bán đảo Ả Rập. Tương truyền rằng, đập nước Marib mà người Himyari đắp làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của nước để phục vụ xứ sở họ, đã bị phá hủy bởi trận lụt lớn gọi là “Sayl al-Arim”, khiến nhiều khu dân chúng đã phải dời cư đi nơi khác. Các xung đột chính trị liên tục trên, thực tế đã khiến dân chúng và những viên chức chính quyền xao lãng sửa chữa và bảo trì đập nước, nên khi xảy ra lụt lớn thì không còn khả năng giữ nước được nữa. Cũng theo tương truyền rằng, việc di dân nguyên là do Hoàng Đế Byzantin xét thấy nền mậu dịch của mình bị đe dọa bởi sự xung đột với Ba Tư về Yemen, đã cho thành lập một đội hàng hải để vận dụng Hàng hóa, tránh được các con đường thương buôn trên bộ của xứ Ả Rập. Các sử gia đồng ý về tính lịch sử của cuộc di dân của các bộ tộc Azd từ Yemen lên mạn Bắc, nhưng không đồng ý về cách giải thích. Một số sử gia quy cho nguyên nhân mậu dịch thua lỗ, một số khác quy cho việc phá hủy đập nước Marib đưa đến hậu quả gây sút kém sản lượng lương thực. Dù có giải thích theo lối nào đi chăng nữa, tính lịch sử của các diễn biến đều không còn nghi ngờ gì nữa. Vấn đề chính là ở cội rễ quan hệ huyết thống của người Yamani với người Ả Rập phương Bắc và sự liên quan của họ trong lịch sử phương Bắc. Ngay cả đến ngày nay, còn lâu mới giải quyết được vấn đề này.
(Xem tiếp phần ba)
Trích từ sách “Sự nghiệp Nabi Muhammad (saw)” của Tiến sĩ Muhammad Husayn Haykal do Dohamide Abu Talib dịch thuật.