-Chân Lý Islam | baiviet | CHUYỆN KỂ - ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI | NƯỚC Ả-RẬP THỜI TIỀN ISLAM (Phần cuối)
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
NƯỚC Ả-RẬP THỜI TIỀN ISLAM (Phần cuối)
11.04.2009 15:29 - đã xem : 2694
_VIEWIMG
Hình minh họa
Như đã ghi nhận ở phần hai, trật tự chính trị ở Yemen bị xáo trộn là do hoàn cảnh địa lý ở nước đó và là đối tượng của các cuộc chiến xâm lăng chính trị. Trái ngược lại, bán đảo Ả-Rập không bị các xáo trộn này. Thật vậy, trật tự chính trị được biết tại Yemen cũng như mọi hệ thống chính trị khác, dù là từ ngữ có thể hoặc đã có thể có ý nghĩa ra sao đối với các dân tộc văn minh cổ, đều không được hiểu biết đến trong các vùng Tihamah, Hijaz, Najd và các vùng rộng lớn khác của bán đảo Ả-Rập.

TRẬT TỰ XÃ HỘI CỦA BÁN ĐẢO Ả-RẬP

Những người con của sa mạc thời đó, cũng như phần lớn ngày nay đều là dân du mục, không tha thiết với cuộc sống định cư và không biết đến cái gì gọi là thường xuyên ngoài sự chuyển dịch liên tục để tìm kiếm đồng cỏ cho thú vật ăn và sự thỏa mãn ước vọng lúc đó. Trong sa mạc, đơn vị căn bản của cuộc sống không phải quốc gia mà là bộ tộc. Ngoài ra, một bộ tộc do luôn luôn di chuyển, không biết luật pháp chung và cũng không đặt mình dưới sự chi phối của một trật tự chính trị tổng quát nào cả. Đối với người dân du mục, không có gì có thể được chấp nhận mà lại xâm hại đến tự do hoàn toàn cho cá nhân, cho gia đình và cho toàn bộ tộc. Mặt khác, các nông dân định cư trên mảnh đất cố định, bằng lòng hi sinh một phần tự do của họ, dù là cho nhóm hay cho một nhà cai trị độc đoán, để đổi lấy hòa bình, an toàn và thịnh vượng do nền trật tự mang đến. Nhưng người dân sa mạc thì khinh thường thịnh vượng và an toàn của cuộc sống định cư và chế giễu các tiện nghi ấm êm của lối sống đô thị, nên không thể để mất mát một phần tự do của mình để đổi lấy lợi lộc như vậy. Họ cũng không chấp nhận xâm phạm đến sự bình đẳng tuyệt đối với tất cả các thành viên của bộ tộc họ và giữa bộ tộc họ với bộ tộc khác.

Hiển nhiên, họ cũng chịu như tất cả những người khác, dưới tác động của ý chí sống còn và tự bảo vệ mình, nhưng ý chí đó phải đi đôi với các nguyên lý danh dự và tính toàn vẹn do cuộc sống tự do của sa mạc đòi hỏi. Do đó, người dân sa mạc không bao giờ kiên trì chịu đựng sự thống khổ về nỗi bất công giáng xuống đầu họ; họ sẽ kháng cự với tất cả sức mạnh của họ. Nếu họ không diệt nỗi bất công đè lên họ thì họ sẽ rời bỏ đồng cỏ và di chuyển về vùng mênh mông của sa mạc. Không có gì dễ dàng hơn đối với họ hơn là dùng đến dao kiếm mỗi khi có cuộc tranh chấp mà có vẻ không giải quyết được theo quy luật ước định của sa mạc về danh dự, tính cao thượng và tính toàn vẹn. Chính các điều kiện sống sa mạc này đã dẫn đến sự gieo mầm và phát triển các đức tính hiếu khách, dũng cảm, tương trợ, bảo vệ láng giềng và hào hiệp. Không phải do tình cờ mà các đức tính tốt đó mạnh mẽ hơn và phổ biến hơn trong sa mạc và càng yếu dần hay hiếm có hơn tại các đô thị. Do những nguyên nhân kinh tế ghi trên, cả Byzantium và Ba Tư đều không nghĩ đến việc chiếm cứ bán đảo Ả-Rập, ngoại trừ Yemen. Bởi lẽ họ biết rõ người dân bán đảo thích di cư hơn là cuộc sống lệ thuộc và họ không bao giờ nhường nhịn chút nào cho một uy quyền hoặc trật tự được thiết lập.

Các đặc tính du mục này ảnh hưởng phần lớn vào một vài thị xã bé nhỏ được mở mang trong bán đảo dọc theo các con đường lữ hành thương buôn. Các khách thương buôn thường đến các trung tâm này để nghỉ ngơi. Tại đây, họ tìm đến các đền miếu để bày tỏ lòng biết ơn các thần linh đã ban cho họ an toàn trong các chuyến đi và bảo vệ hàng hóa của họ trên đường vận chuyển. Các trung tâm này là Makkah, Ta’if, Yathrip (Madinah) và nhiều nơi rải rác khác giữa các núi non vùng duyên hải phía Tây và các vùng sa mạc. Trong trật tự của sự tổ chức của họ, các thị xã này rập theo khuôn mẫu và luật lệ của sa mạc. Thật vậy, vị trí kề cận sa mạc hơn cuộc sống văn minh đã được phản ảnh trong hệ thống các bộ tộc và thị tộc, trong nhuệ khí và tập tục, và trong sức đề kháng mãnh liệt của họ chống mọi áp đặt trên tự do của họ, mặc dù cuộc sống định cư đã giới hạn các sự chuyển dịch của họ so với những người anh  em sa mạc của họ.

ĐẠO ĐA THẦN VÀ CHÍNH NGHĨA CỦA HỌ

Tình trạng thiên nhiên này và trật tự đạo đức, chính trị và xã hội tạo nên đều gây hậu quả đới với tôn giáo. Liệu Yemen có chịu ảnh hưởng bởi đạo Thiên chúa Byzantin hoặc đạo Zoroastrian hay không và nó có ảnh hưởng vào bán đảo Ả-Rập hay không? Có vẻ là có, nhất là đới với đạo Thiên chúa. Các nhà truyền giáo đạo Thiên chúa đã hoạt động tích cực vào thời đó và ngay cho đến bây giờ. Ngoài ra, không như cuộc sống đô thị, cuộc sống sa mạc đặc biệt đưa dẫn đến ý thức tôn giáo. Trong sa mạc, con người tiếp cận không ngừng với toàn bộ vũ trụ. Con người cảm nhận được tính vô hạn của sự sinh tồn trong mọi dạng thức và do đó nhanh chóng hướng mối quan hệ của họ vào cõi vô định. Về phía các thị dân, thì họ bị nghề nghiệp công việc bất biến của họ làm xao lãng khỏi nhận thức vào cõi vô định.

Bây giờ chúng ta có thể nêu lên câu hỏi, đạo Thiên chúa với tất cả các hoạt động truyền giáo, có hưởng được gì từ các hoàn cảnh này để tự phát triển và lan rộng hay không ? Có lẽ điều đó được thực hiện nếu không có các yếu tố khác chen vào và làm cho bán đảo trên toàn bộ đã bảo tồn đạo Đa thần là tín ngưỡng của tổ tiên họ. Vì vậy, chỉ có một vài bộ tộc đã đáp ứng thuận lợi với lời kêu gọi của Thiên chúa giáo.

ĐẠO THIÊN CHÚA VÀ DO THÁI GIÁO

Nền văn minh vĩ đại nhất đã vươn lên tại các vùng lòng chảo Địa Trung Hải và Hồng Hải. Đạo Thiên chúa và đạo Do thái đã chia cắt nền văn minh này mặc dù hai bên không có chiến tranh, nhưng chắc chắn là họ không thể thân thiện với nhau. Lúc nào người Do Thái cũng nhớ cuộc nổi dậy của Giê-Su chống lại đạo của họ. Vì vậy, họ kín đáo để vận động chận đứng làn song của đạo Thiên chúa, một tôn giáo đã cưỡng chế họ ra khỏi vùng đất hứa và nắm lấy lá cờ La-Mã là cờ của họ trên toàn Đế quốc. Đã có nhiều cộng đồng to lớn người Do Thái sinh sống tại Ả-Rập, và một lớn thì định cư ở Yemen và Yathrip. Sự suy sụp của La-Mã và việc chuyển quyền lực dưới mọi dạng thức tan rã đã khuyến khích tạo lập các hệ phái trong đạo Thiên Chúa, không những trở thành nhiều và đa dạng mà còn xung đột lẫn nhau một cách vô vọng. Thật vậy, các hệ phái đạo Thiên chúa đã rơi từ giai tầng cao của đức tin xuống đến cuộc tranh cãi về hình thức, hình tượng, và ngôn từ liên quan đến Mariyam (Maria) và ưu tiên của Mariyam đối với con chính là Đức Chúa Giê-Su. Các tranh cãi của đạo Thiên Chúa đã đánh lạc hướng mức độ suy thoái và phân rã và tư tưởng và lề lối hành đạo của người Thiên Chúa bị sa vào. Nội dung đã bị bỏ qua để bám lấy hình thức bề ngoài mà thực chất biến mất dưới sức nặng dày dặt của nó, và rõ ràng các hệ phái đạo Thiên chúa làm như vậy.

Các đề tài tranh cãi thay đổi từ nơi này sang nơi khác, người Thiên chúa ở Al-Sham cãi nhau về các vấn đề khác hơn ở Hirah hoặc Abyssinia. Trong tiếp xúc với người Thiên chúa, người Do thái không có hành động gì để làm dịu bớt các tranh cãi đang sôi sục hoặc châm lửa thêm vào các cuộc đối kháng đã phát sinh cả. Mặt khác, người Ả Rập giao dịch tốt đẹp với người Thiên chúa tại Damascus và Yemen mà họ tiếp xúc trong các chuyến lữ hành thương buôn mùa đông và mùa hè. Người Abyssinian theo đạo Thiên chúa cũng thỉnh thoảng đến thăm viếng họ. Người Ả-Rập thì hài lòng với đạo Đa thần của họ, noi theo dấu chân của tổ tiên của họ và để mặc người Thiên Chúa và người Do Thái tự tung nếu đừng can thiệp vào tín ngưỡng của họ. Do đó, việc tôn thờ bụt tượng tiếp tục nở rộ và còn lan ra đến các trung tâm của người dân sinh sống, bởi những người láng giềng Thiên Chúa và Do Thái của họ tại Najran và Yathrip. Người Do thái ở Yathrip dung nạp việc tôn thờ bụt tượng, cùng sống với nó và sau cùng thân thiện với nó khi mà các con đường mậu dịch nối liền họ với người Ả-Rập đa thần được đua trên các quan hệ mỗi bên đều có lợi.

SỰ LAN RỘNG CỦA ĐA THẦN GIÁO

Có lẽ sự chống đối vô vọng giữa các hệ phái đạo Thiên chúa với nhau không phải là nguyên nhân duy nhất giải thích tại sao người Ả Rập vẩn theo Đa thần. Nhiều thứ đạo Đa thần còn bám vào cả những người dân đã theo đạo Thiên Chúa. Đạo Đa thần Ai Cập và Hi Lạp hoàn toàn có tính bề ngoài trong các lý tưởng và lề lối hành đạo của nhiều hệ phái đạo Thiên Chúa, nhất là trong các quan điểm của đạo Thiên Chúa chính thống. Trường phái Alexandria và triết lý của họ vẫn còn nắm giữ một mức độ ảnh hưởng mặc dù đã tự nhiên giảm sút so với thời Ptolemies khi mới bắt đầu kỷ nguyên Thiên Chúa. Với mọi giá, ảnh hưởng này đã ăn sâu vào ý thức của người dân, và tính logic sáng chói của nó, mặc dù ngụy biện trong thực chất vẫn còn mời gọi đối với đạo Đa thần có nhiều thần thánh quá gần gũi và dễ mến thương đối với con người. Có vẻ như là tính đa thần có tác dụng mời gọi mạnh mẽ nhất để làm yếu các linh hồn trong mọi thời đại và mọi địa điểm. Linh hồn yếu đuối, theo bản chất không có khả năng vươn lên đủ cao để thiết lập quan hệ với con người toàn diện và trong một khoảnh khắc cao nhất của nhận thức, bám lấy tính duy nhất của con người toàn diện được tiêu biểu trong một cái gì lớn lao hơn tất cả những gì hiện có trong Thượng đế, Chủ tể của Oai nghiêm. Vì vậy, linh hồn yếu đuối ngừng lại tại một trong các hiện tượng khác biệt của con người toàn diện, giống như mặt trời hoặc mặt trăng hoặc ngọn lửa, và vụng về rút lui không vươn lên đến tính duy nhất của chính con người mình.

Thật là nghèo nàn làm sao tinh thần của các linh hồn bị ngưng đọng lại bởi một mớ ý nghĩa mù mờ không ra gì của con người toàn diện trong một bụt tượng, chung cùng với món vật đó và gói ghém lại với một vầng hào quang thần thánh. Chúng ta vẫn còn mục kích hiện tượng này tại nhiều nước trên thế giới mặc kệ các tự hào cho rằng thế giới hiện đại này đã đạt tiến bộ trong khoa học và văn minh. Các khách viếng đều được thấy tại nhà thờ Saint Peter ở La-Mã, bàn chân của một bụt tượng của một vị thánh nào đó đã bị các nụ hôn của các tín đồ mộ đạo làm xói mòn, nên nhà thờ thỉnh thoảng đã phải thay thế bằng một bàn chân khác. Nếu chúng ta ghi nhớ điều này thì chúng ta sẽ sẵn sàng thứ lỗi cho những người Ả Rập mà Thượng đế chưa dẫn dắt đến đức tin chân chính. Chúng ta sẽ không vội lên án họ tiếp tục tôn thờ bụt tượng theo chân tổ tiên họ, khi chúng ta nhớ rằng họ đã là những nhân chứng của một cuộc đấu tranh tương tàn vô vọng giữa những người láng giềng Thiên chúa giáo của họ, tự mình vẫn còn chưa hoàn toàn thoát khỏi đạo đa thần, làm sao chúng ta không thông cảm cho họ khi mà các điệu kiện đa thần cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại với chúng ta và có vẻ như đâm chồi bén rễ chằng chịt trên thế giới? Làm sao chúng ta lại không thể thông cảm cho những người Ả Rập tiền Islam một khi đạo đa thần vẫn còn hiển hiện trong các cách làm tôn thờ bụt tượng của bao nhiêu người Muslim trong thế giới hiện nay, mặc dù Islam, kẻ thù của đạo đa thần, có lần đã thành công quét sạch mọi sự tôn thờ ngoài Thượng đế, Chúa Tể của Oai nghiêm.

VIỆC TÔN THỜ BỤT TƯỢNG

Trong việc tôn thờ bụt tượng, người Ả Rập đã theo nhiều lối, khó cho nhà nghiên cứu hiện đại khám phá và khó hiểu. Nabi Muhammad (saw) đã phá hủy các bụt tượng ở bất cứ nơi nào có. Sau khi phá tan sự hiện có của các bụt tượng, người Muslim đã phát động một chiến dịch chống bụt tượng và tìm các quét sạch chúng khỏi lịch sử, văn chương và ngay cả chính nhận thức nữa. Bằng chứng ghi nhận trong thiên kinh Qur’an về sự hiện có của việc tôn thờ bụt tượng trong thời tiền Islam cũng như các câu chuyện được loan truyền vào thế kỷ thứ hai lịch Hijri Islam liên quan đến việc tôn thờ bụt tượng, chứng tỏ việc tôn thờ bụt tượng có lần đã đạt một vị thế quan trọng. Cùng bằng chứng đó chứng tỏ có nhiều loại bụt tượng, và việc tôn thờ cũng đa dạng theo mức độ thần thánh được gán cho các bụt tượng có liên quan. Một cách tổng quát, vật thờ thuộc ba thứ khác nhau: tượng kim khí và gỗ, tượng đá, và các khối đá không hình dáng mà một bộ lạc tôn thờ do nghĩ rằng nguồn gốc của nó từ trên trời giáng xuống, trong khi trên thực tế nó chỉ là phiến vẩn thạch hoặc từ núi lửa. Các bụt tượng được làm tốt nhất từ Yemen, người Yamani tân tiến về công nghệ hơn người dân Hizar, Nadj hoặc Kindah. Các công trình cổ điển về các bụt tượng tiền Islam đã không cho ta rõ các bức tượng tốt hiện có nơi nào, ngoại trừ có lẽ là pho tượng Hubal làm bằng khoáng chất Carnelian, giống con người, với cánh tay đã một lần bị gãy rời đã được người Quraish thay thế cái khác bằng vàng khối. Hubal là thành viên lớn nhất của đền thờ người Ả Rập thời đó, được đặt bên trong đền Kab’ah tại Mecca. Những khách hành hương đến từ mọi góc nẻo, vẫn chưa thỏa mãn với các tượng thờ to lớn mà họ cầu nguyện và cúng tế này, người Ả Rập thường lập các tượng thờ khác trong nhà. Họ thường đi vòng quanh các “thánh” địa của các thần linh này mỗi khi đi xa hoặc trở về nhà. Họ còn thường mang các tượng thờ theo bên mình trong các chuyến đi, cho rằng tượng thờ phò trợ cho người tôn thờ mỗi khi đi xa. Tất cả các tượng thờ này, dù là ở bên trong đền Kab’ah, ở chung quanh hoặc những nơi khác, đều được xem như là cấp trung gian đứng giữa người tôn thờ và thần linh tối cao. Họ xem việc tôn thờ như là một phương cách gần gủi với Thượng đế, mặc dù trên thực tế cũng sự tôn thờ đó đã làm cho họ quên lãng việc tôn thờ Thượng đế thật sự.

VỊ THẾ CỦA MAKKAH TẠI Ả-RẬP

Mặc dù Yemen là một tỉnh tân tiến nhất của bán đảo Ả Rập và có tính văn minh nhất nhờ độ phì nhiêu của đất đai và quản trị tốt tài nguyên nước, các thực tiễn về mặt tôn giáo ở đây đã không tạo được sự nể trọng từ các cư dân sa mạc. Không có một đền tháp nào của nó đã được trở thành trung tâm hành hương không bao giờ cả. Chỉ riêng Makkah mới có ngôi đền Kab’ah là ngôi nhà của Nabi Ismael (A) là đối tượng hành hương ngay từ khi lịch sử Ả Rập bắt đầu. Mỗi người Ả Rập đều tìm cách di hành đến đó. Tại đây, việc cúng bái trong các tháng Thánh được tiến hành với nhiều công sức hơn bất cứ nơi nào khác. Vì lý do này cũng như do vị thế nổi bật của nó trong nền mậu dịch của toàn bán đảo Ả Rập, Makkah được xem như là thủ đô. Ngoài ra, Makkah còn là nơi sinh trưởng của Nabi Muhammad (saw), nên đã trở thành đối tượng them muốn của thế giới xuyên qua các thế kỷ. Ngôi nhà cổ xưa của Makkah mãi mãi vẫn là nơi thần thánh. Bộ tộc Quraish tiếp tục thụ hưởng vị thế nổi bật và quyền uy tối cao. Tất cả những điều này vẫn còn mãi mãi như vậy, mặc dù cư dân Makkah và đô thị vẫn tiếp tục cuộc sống gần gũi hơn với nỗi cơ cực của cuộc đời du mục nguyên đã là tập quán của họ từ nhiều thập kỷ qua.

Hết


Trích từ sách “Sự nghiệp Nabi Muhammad (saw)” của Tiến sĩ Muhammad Husayn Haykal do Dohamide Abu Talib dịch thuật.

Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 2725 Tổng lượt truy cập 3157354