SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NABI MUHAMMAD (SAW) (Phần 3 - Hết) 14.02.2008 13:51 - đã xem : 2343 v Liên quan đến giao ước Al Hudaibiyah. Al Hudaibiyah là danh của giếng nước mà người Arab tụ nhau lại gần đó để sinh sống. Từ đó, nó đã trở thành một địa danh của những người du hành, buôn bán hay trên đường đi tới Mecca ghé vào nghỉ chân. Rosul (saw) nằm mơ thấy Người cùng với những bạn đồng đạo trở về Mecca làm Umroh (hành hương không bắt buộc). Sau đó, Người kêu gọi ai muốn tháp tùng đi thăm Mecca hay Baitulloh thì tháp tùng. Người cùng với những bạn hữu ra đi với mục đích viếng thăm baitulloh. Đó là vào tháng Zul Ko’dah, sáu năm sau hay năm thứ sáu của lịch Islam, tính từ khi Người bỏ Mecca đến lập cơ nghiệp đạo pháp tại Medinah. Cuộc ra đi này có mục đích viếng thăm Ka’bah nên những bộ lạc Arab mới vào Islam cũng muốn tháp tùng nhưng Rosul (saw) khuyên họ nên ở lại vì tình hình không yên ổn và Rosul (saw) không an tâm cho lắm. Người sợ những người Quraish phục kích hay hiểu lầm về mục đích ra đi nên Người chỉ cho phép những người xuất thân từ Mecca và một số người gốc Medinah đi theo. Số người ra đi khoảng từ 1400 đến 1600 người. Đoàn người mặc lễ phục Ehrom (lễ phục màu trắng để đi hành hương) đến Al Hudaibiyah để nghỉ ngơi và chuẩn bị vào Mecca. Dân Quraish nghe tin và tưởng rằng những người Muslim xuất quân tấn công Mecca nên họ chặn lại không cho vào. Họ không cho bất cứ một người nào trong đoàn vào Mecca. Sau đó, họ gửi sứ giả đến nói chuyện và Rosul (saw) gửi ông Osman ibnu Affan (R) với một vài sohabah (bạn hữu của Rosul) khác vào Mecca để điều đình với lãnh tụ của dân Quraish. Sau ba ngày không có tin tức cũng như không thấy ông Osman trở về, lại có tin cho rằng Osman đã bị giết nên Rosul (saw) ra lệnh cho ông Omar (R) tập họp đoàn người lại dưới bóng cây mà cùng nhau tuyên thệ với sự nhân chứng của Allah là sẽ cùng nhau sống chết với ông Osman (R). Quraish nghe được tin này lo sợ người Muslim sẽ tấn công nên gửi sứ giả đến đàm phán và trấn an là ông Osman vẫn bình yên. Sau cuộc đàm phán, hai bên đã đưa đến nghị quyết là tạm ngưng chiến trong thời gian 10 năm và đoàn người phải trở về Medinah và không được vào Mecca. Vài ngày sau, ông Osman trở về đoàn tụ với đoàn và Rosul (saw) ra lệnh quay trở về. Một vài chi tiết quan trọng trong nghị quyết là: « Mọi người được tự do chọn lựa vào phe nào họ muốn, không ai ngăn cản hay ép buộc ai và không được xâm chiếm, giết hại nhau) ». Thời gian 10 năm quả thật là dài đối với những ai nóng lòng muốn thành công một cách nhanh chóng. Nhiều vị sohabah (bạn hữu của Rosul) hay những người trung thành với Rosul (saw) đã tỏ ý bực bội và bất bình về thỏa ước này nhưng họ không hiểu được ý nghĩ và thời gian cần thiết mà Rosul (saw) đã chấp thuận. Mười năm quả thật rất dài để trở về Mecca. Nhưng thời gian mười năm cũng tạm đủ để rảnh tay phòng hờ kẻ thù mà dùng nó để truyền bá đạo giáo khắp nơi trên bán đảo và cả các quốc gia láng giềng hùng mạnh. Nhưng rồi chỉ trong hai năm, đoàn quân Muslim khải hoàn trở về chiếm lấy Mecca một cách hiên ngang với 10 ngàn quân sĩ. Đó là một sự thành công về chính trị lẫn quân sự mà người Muslim đoạt được không tốn một giọt máu. Và rồi tất cả những người ở Mecca đều trở thành Muslim. غزوة خيبر v Trận chiến Khoibar Trận Khoibar xảy ra vào tháng Muharram năm thứ bảy của lịch Islam. Khoibar là một thị trấn nhỏ, cách xa Medinah khoảng 180 km về hướng Syria, là nơi tập họp đông đảo những người Do Thái, kể cả một số những người Do Thái bỏ Medinah ra đi khi Rosul (saw) mới đến lập nghiệp. Nơi đây có nhiều nước, đất đai màu mỡ nên cây cỏ tươi tốt, trồng được nhiều cây cối, nhất là cây chà là. Những người Do Thái sống rải rác xung quanh ruộng nương hay vườn tược của họ. Những người Do Thái này rất can đảm, xảo trá và thiện chiến, nhiều âm mưu... Họ đã có ý chống lại người Muslim từ sau trận Khandak nên Rosul (saw) ra quân để bảo vệ sự an nguy cho quần chúng ở Medinah. Rosul (saw) ra quân với khoảng 1600 người, hầu hết là những người đã tham gia vào cuộc hòa ước Al Hudaybiyah. Khi đoàn quân gần đến nơi, Rosul (saw) gửi sứ giả đến mời họ vào Islam nhưng họ không theo. Ngược lại, họ chống đối vì nghĩ rằng với dân số hơn 10 ngàn người của họ, họ sẽ chống cự và tiêu diệt được người Muslim với quân số ít hơn. Sau đó, Rosul (saw) ra lệnh cho bao vây và đánh chiếm từng khu vực một. Trong suốt bảy ngày, bảy đêm, quân sĩ Muslim đã chiếm được tất cả. Sau một tuần lễ giao chiến, người Do Thái bị thiệt mạng đến 93 người, còn bên Muslim có 15 người tử vì đạo. Toàn thể còn lại chịu đầu hàng, bỏ lại tài sản, vũ khí mà ra đi. Từ đó, người Do Thái đã từ từ ra đi khỏi bán đảo Arab, chỉ còn lại những người Do Thái theo Islam mà thôi. غزوة فتح مكة v Cuộc khải hoàn trở về Mecca, vào tháng Ramadan năm thứ 8 niên lịch Hidry (630 trước công nguyên). Như đã được biết, trong hiệp ước kí với Quraish ở Al Hudaibiyah có khoản ghi rõ: « Bất cứ ai ai đều được tự do chọn lựa bên nào họ muốn gia nhập, không được gây sự chém giết giữa hai bên trong thời gian đã ấn định ». Không may trong thời gian đình chiến này, có hai bộ lạc cùng gốc gác với nhau nhưng lại tranh chấp nhau vào thời trước đây nên họ tách rời nhau và lập thành hai bộ lạc mới mang tên là Bani Bakr và Khoza’ah. Sau này, Bani Bakr đi theo Quraish, còn Khoza’ah theo Islam. Hai bộ lạc gây sự đưa đến việc tàn sát lẫn nhau và Quraish đã tiếp ứng người của họ để giết hại Khoza’ah. Cuộc đụng chạm đã xảy ra nhiều án mạng và đã đưa Quraish đến vi phạm hiệp ước. Điều này khiến cho ông Abu Sufyan lãnh đạo Quraish lo âu sẽ có biến cố lớn xảy ra. Sau khi xảy ra án mạng giữa hai bên, những người Khoza’ah đến báo cáo sự việc với Rosul (saw). Sau khi nghe qua và nắm vững được tình hình, Rosul (saw) khuyên họ hãy bình tĩnh, đừng nên tập họp mà quay trở về Mecca để chờ lệnh của Người. Quả thật không lâu sau, ông Abu Sufyan lên đường đến Medinah để trấn an Rosul (saw) về hiệp định đã kí. Ông tìm đến nhà bà Ummul Habibah con gái của ông và là vợ của Rosul (saw) để nhờ bà tiếp ứng về tinh thần. Khi ông bước vào nhà và định ngồi trên nệm của Rosul (saw), bà Ummul Habibah nói: « Đó là nệm của Rosul (saw), cha không thể ngồi trên đó được vì cha là người đa thần ». Do đó, hai cha con lớn tiếng với nhau. Ông Abu Sufyan tức giận bỏ đi. Ông tìm đến gặp Rosul (saw) nhưng Rosul (saw) không tiếp. Ông bỏ đi và biết rằng sắp sửa có biến cố sẽ xảy ra. Ông tìm đến nhờ ông Abubakar (R) can thiệp nhưng vô ích. Ông tìm đến ông Omar (R) cũng vô hiệu. Sau đó, ông tìm đến gặp vợ chồng ông Aly (R) để nhờ can thiệp nhưng không thành. Sau cùng, ông Abu Sufyan nói với ông Aly (R): « Ta phải làm sao bây giờ? ». Ông Aly trả lời: « Chỉ có cách ông tuyên bố xin lỗi mọi người và trở về Mecca ». Ông Abu Sufyan lên ngựa và tuyên bố rồi tiến về hướng Mecca trong sự lo âu, chờ đợi những gì sẽ xảy ra. Rosul (saw) xuất quân vào khoảng 10 ngày đầu của tháng Ramadan. Dọc đường, Rosul (saw) và đoàn quân đều ăn chay, cho đến Al Kuday gần Mecca, Rosul (saw) ra lệnh: « Những ai muốn nhịn chay thì nhịn, còn không muốn thì xả chay ». Sau khi tập họp lại, đoàn quân nghỉ đêm ở đó. Rosul (saw) ra lệnh cho nhóm lửa thật nhiều chỗ để cho Quraish biết là đoàn quân đến với lực lượng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu. Sáng dậy, Rosul (saw) ra lệnh cho mỗi toán quân một lá cờ lệnh. Toán này tiến sau toán kia và chỉ ra tay với những ai chống cự. Đoàn của ông Kholid ibnu Walid tiến vào và gặp sự cản trở của Bani Bakar và Bani Al Ha’rish ibnu Abdulmannaf. Ông Kholid ra lệnh tấn công. Sau vài tiếng đồng hồ đánh nhau, quân của Kholid đã giết hơn 30 người, còn bên Muslim bị mất hai người. Trận đụng chạm đã được ông Kholid giải quyết nhanh chóng. Đoàn quân tiếp tục tiến vào. Thấy vậy, ông Hakim ibnu Hazzam và ông Abu Sufyan nguyên là lãnh tụ của Quraish kêu gọi quần chúng: « Hỡi quần chúng Quraish ! Không lẽ các ngươi lại muốn bỏ xác hay sao? Những ai bước vào nhà thì được bình an, những ai bỏ vũ khí cũng được bình an ». Nghe vậy, mọi người bỏ vũ khí và chạy vào nhà rồi đóng cửa lại. Không bao lâu, đoàn quân đã chiếm lấy Mecca. Ông Kholid báo cáo tình hình chiến thắng lên Rosul. Rosul (saw) nói: « Alhamdulillah (tạ ơn Thượng Đế), Allah đã giải quyết một cách tốt đẹp ». Theo sử ghi lại, Rosul (saw) và đoàn quân tiến vào Mecca vào 10 ngày còn lại của tháng Ramadan. Sau khi chiến thắng và nắm vững được tình hình Mecca. Rosul (saw) ra lệnh tử hình 15 người, trong đó có 4 người đàn bà. Họ là những người đã gây quá nhiều đau khổ, phiền hà cho Rosul (saw) và giết hại những người Muslim yếu đuối xưa kia. Trong số này, có một vài người đã vào Islam rồi bỏ hàng ngũ đi theo Quraish. Nhưng rồi đa số những người mang án tử hình này lại được Rosul (saw) tha thứ khi họ nhận lỗi và chấp nhận Islam. Sau này, họ đã ăn năn và đã chuộc tội bằng cách đã tạo được nhiều công trạng lớn lao cho Islam. Sau đó, Rosul (saw) cùng đoàn quân vào thánh đường và kêu gọi ông Osman ibnu Talha (người giữ chìa khoá Ka’bah) mở cửa. Rosul (saw) vào trong hành lễ hai rak’at (hai lần quỳ lạy) xong Người bước ra ngoài và tuyên bố: « Chỉ có Allah là Đấng Duy Nhất, không có ai khác đồng đẳng với Ngài. Những gì Ngài đã hứa nay đã trọn lời và Ngài đã dẹp tan kẻ thù và ban sự thành công, khải hoàn cho nô lệ của Ngài ». Rosul (saw) nói với quần chúng Quraish : «Hỡi quần chúng Quraish ! Các người đã thấy Ta đã đem lại những gì cho các ngươi ? » Họ trả lời: « Đem lại những điều tốt lành và là người anh em thân quyến của nhau ». Sau đó, Rosul tuyên bố: « Hãy giải tán ! Từ nay, các ngươi là những người được tự do ». Theo văn tự Arab là : Antum Tulako’u hay các ngươi là những kẻ đã được giải phóng và tự do. Ngày hôm sau, hầu như toàn thể quần chúng Mecca kéo nhau lại mà tuyên bố chấp nhận Islam và thừa nhận sứ mạng Thiên Sứ cao cả của Rosul (saw) mà trước kia họ đã từ chối. Rosul (saw) ra lệnh đập bỏ hết 360 bục tượng thần xung quanh Ka’bah mà họ tôn thờ và ngay cả trong nhà của họ, không một ai được chừa lại. Vào tháng Sha’wal hay một tháng sau khi vào Mecca, Rosul (saw) xuất quân từ đó đi dẹp loạn quân ở Hunyny trên đường đi Ta-if. Sau khi dẹp xong, Rosul (saw) ra lệnh tiến vào Taif. Từ ngày hôm đó, Mecca và vùng lân cận đến Ta-if xa hơn 80km cũng thuộc về Islam. غزوة تبوك..أو العسر Trận xuất quân đi Tabuk vào tháng Rajab năm thứ 9 của lịch Islam (tức tháng 10 năm 631 trước công nguyên) hay còn được gọi là trận Al Usrotu hay trận vất vả khó khăn. Tabuk là một thị trấn nằm gần ranh giới Saudi với Jordany, cách xa Medinah khoảng 700 km, cách Amman thủ đô Jordany khoảng 300 km và Damas thủ đô Syria khoảng 500 km. Đây cũng là cuộc ra trận cuối cùng của Rosul (saw), được gọi là trận khó khăn vất vả vì xuất quân vào mùa hè nóng cháy da, cần nhiều lương thực, nhất là nước uống cho quân sĩ và thú vật như lạc đà và ngựa. Lí do ra quân là vua Hirkal của La Mã sau khi nhận được thư mời vào Islam của Rosul (saw) đã nổi giận và tập họp quân đi với sự tiếp tay của những bộ lạc Arab quy thuận theo quân La Mã ở Syria. Họ chuẩn bị kéo quân tấn công nhằm ngăn chặn làn sóng bành trướng Islam. Rosul (saw) kêu gọi sự hi sinh và sự đóng góp ít nhiều của người Muslim để chuẩn bị cuộc chiến quy mô. Ông Abubakar (R) đã xuất ra 40 ngàn Dirham toàn gia tài, ông Omar (R) xuất ra một nửa gia tài, ông Abdurrohman ibnu Awf (R) xuất ra 200 awkiyah vàng (tương đương với 6kg vàng), ông A’sim ibnu Addy (R) xuất ra 70 waskon chà là (tương đương với 4 tấn chà là), ông Osman ibnu Affan (R) xuất ra số lượng lương thực cho 1/3 quân số lính dùng. Kỳ xuất quân này gồm hơn 30 ngàn quân, có khoảng 10 ngàn lạc đà, ngựa và vật chuyển vận quân dụng. Rosul (saw) đóng quân ở Tabuk chờ đợi hơn 20 ngày mà quân La Mã không có một hành động nào nên họ đã trở về trong tháng Ramadan với thời tiết nóng cháy da trên quãng đường đi bộ gần 700 km. Quả thật, khi nghĩ lại cuộc hi sinh lập nghiệp đạo pháp của Rosul (saw) và những vị sohabah (bạn hữu của Rosul) xưa kia không dễ dàng chút nào. حجة الوداع Hadjatul wada’u cuộc hành hương cuối cùng của Rosul (saw) vào năm thứ 10 lịch Islam. Theo lời thuật lại của bà Aysah (R), Rosul (saw) và đoàn người tháp tùng đi hành hương khởi hành từ Medinah vào năm ngày cuối cùng của tháng Zul Ko’dah. Kỳ ra đi này, Rosul (saw) đã dẫn theo tất cả những bà vợ của Người. Theo sự giải thích của các vị học giả, ngoài tên gọi Hadjatul wad’a hay hành hương cuối cùng còn được gọi là hành hương hoàn hảo hay sứ mạng thiên sứ của Rosul (saw) đã được hoàn tất trọn vẹn khi Người đang ở tại Arafah qua câu kinh với ý nghĩa như sau: قال تعالى: ( اليوم أكمات لكم دينكم وأتممت عليكم نعمتى ورضيت لكم الإسلام دينا ).المائدة:3 « Bây giờ Ta đã hoàn thành tôn giáo này cho các ngươi, bao trùm ân huệ của Ta trên các ngươi và đã đề xướng Islam là tôn giáo cho các ngươi » Chương 5 : 3 Theo sử ghi lại, sau khi dòng kinh Qur’an này được truyền xuống, Rosul (saw) chỉ lưu lại trên thế gian 81, 82 ngày nữa. Và từ đó, Allah không truyền xuống dòng kinh Qur’an nào khác nữa. Chuyến đi này được gọi là hành hương cuối cùng hay vĩnh biệt của Rosul (saw) như ý nghĩa ở trên đã nói vì lúc Rosul (saw) ở Mecca, năm nào Người cũng làm hành hương (dĩ nhiên với hình thức khác bây giờ) cũng như hầu hết quần chúng Quraish. Nhưng người Quraish lại thi hành với ngày giờ trễ hơn với hình thức theo tôn giáo của họ. Từ khi bỏ quê hương đi lập nghiệp đạo pháp ở Medinah, Rosul (saw) không hề đi hành hương. Có lần, Người dự định đi làm umroh (hành hương không bắt buộc) nhưng bị quân Quraish cản lại như chúng ta đã đọc qua về hiệp ước Hudaybiyah. Ở tại Arafah, Rosul (saw) đã đọc bài khudbah (bài giảng thuyết) lịch sử, nói rõ về tình nghĩa nhân loại, phép cư xử giữa con người, giữa vợ chồng con cái, bổn phận trách nhiệm của người Muslim phải đối xử với nhau, giao thiệp với nhau với danh nghĩa của Allah không được gian lận, lừa gạt lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, giàu khinh khi người nghèo... Mọi người ai ai cũng đều có bổn phận và trách nhiệm với nhau. Những gì Islam cấm đã được liệt kê rõ ràng và những gì cho phép cũng vậy. Những gì thêm vào Islam đều là sự tai hại và đưa đến sự mù quáng. Sự mù quáng đưa con người vào địa ngục. Những phong tục tập quán hủ lậu, cổ truyền, sự cho vay ăn lãi đã chấm dứt ở đây và sẽ không được tái phát trong Islam nữa… Rosul (saw) cũng nói thêm với ý nghĩa : « Ngày hôm nay, Ta đã truyền giảng tất cả cho các ngươi, những người có mặt hãy làm chứng cho Ta và chuyển đạt lại cho những người vắng mặt vì không biết ngày này năm tới Ta sẽ có mặt ở đây nữa hay không ». Và rồi sứ mạng cao quý của Rosul (saw) đã được những người có mặt ngày hôm đó tiếp nhận và chuyển đạt nó đi khắp thế giới như ngày hôm nay. Chúng ta là môn đệ của Người, chúng ta cũng có bổn phận và trách nhiệm chuyển đạt sứ mạng của Người cho những người anh em khác và sứ mạng này sẽ kéo dài cho đến ngày tận thế. Theo sử ghi lại, chuyến đi cuối cùng này có khoảng 90 ngàn người tháp tùng với Rosul (saw) không kể những người Muslim từ các bộ lạc lân cận Mecca hay Yemen đến. Sau khi hành hương xong, Rosul (saw) trở về Medinah trong những ngày cuối cùng của tháng Zul Hadjah và sống thêm mấy tháng nữa. Trong lúc lâm bệnh, Rosul (saw) đã cử ông Usamah ibnu Zaid ibnu Ha’rish người giúp việc cho Rosul (saw) trước kia cầm đầu đoàn quân viễn chinh đi đánh ở Syria bao gồm cả Palestine. Vì mới hai mươi tuổi và xuất thân từ một gia đình vô danh và lại là người giúp việc nên những kẻ đạo đức giả ở Medinah lợi dụng tình hình tuyên truyền gây khủng hoảng tinh thần cho đoàn binh. Đoàn quân trong lúc chuẩn bị quân trang thì Rosul (saw) từ thế, gây thêm sự hoang mang không ít. Khi ông Abubakar (R) lên nắm quyền kholifah (lãnh đạo), ông ra lệnh phải thi hành chỉ thị của Rosul (saw). Vào lúc duyệt binh để tiễn đưa đoàn quân lên đường, ông Abubakar (R) đi bộ và kêu ông Usamah ngồi trên lưng ngựa để biểu thị quyền chỉ huy quân dù ông còn trẻ. Và rồi ông Usamah đã đem lại chiến thắng vẻ vang cho Islam mà ai ai cũng kính nể và biết đến. Theo sử gia nổi tiếng của Islam là ông Ibnu Ishak ghi lại : Rosul (saw) đã trực tiếp chinh chiến khoảng 27 trận lớn nhỏ và gián tiếp chỉ đạo 11 trận khác. Cuộc đời lập nghiệp đạo pháp của Rosul (saw) chỉ có 23 năm, đã mất 13 năm cầm cự, chịu đựng để truyền bá ở Mecca, 10 năm lập nghiệp ở Medinah mà Rosul (saw) đã tham gia hơn 27 trận đánh. Quả thật, thời giờ cũng như sứ mạng của Người không dễ dàng và thoải mái chút nào. Do vậy, chúng ta phải ý thức để trở thành một người Muslim hoàn hảo hơn. Sau khi Rosul (saw) tiếp nhận câu kinh cuối cùng trên, Rosul (saw) chỉ sống thêm 82 ngày. Vào những ngày cuối cùng, Người lâm bệnh và thường lên cơn sốt. Căn bệnh kéo dài hơn 13 ngày. Người dưỡng bệnh tại nhà bà Ummul Maimunah (R) rồi Người tỏ ý với tất cả các bà vợ cho Người về dưỡng bệnh tại nhà bà Ummul Aysah (R) và rồi Người đã từ trần trên giường và đầu gác lên đùi của bà Aysah (R). Trong lúc lâm bệnh, Người ra lệnh cho ông Abubakar (R) làm Imam hướng dẫn hành lễ. Sự vắng mặt thường xuyên của Người đã làm cho các tín hữu lo sợ và buồn rầu cho tính mạng của Người. Sự lo âu này thấu đến tai Người nên Người kêu tập họp quần chúng lại và đọc bài diễn văn cuối cùng với ý nghĩa sau: « Hỡi tín hữu thân mến ! Ta đã nghe và biết được sự lo âu buồn rầu của các ngươi về cái chết sắp tới của Thiên Sứ. Thử nhìn lại quá khứ, có một vị Nabi nào trước Ta đã sống mãi mãi trong quần chúng của họ đến bây giờ không? Không, không bao giờ. Nên Ta cũng phải ra đi như bao nhiêu người khác, rồi các ngươi sẽ tiếp tục theo Ta mà ra đi ». Vào buổi sáng thứ hai 12 Robiul Awwal năm 11 Hidroh tức năm 633 trước công nguyên, trước khi sola fajar (hành lễ buổi sáng), Rosul (saw) vén màn ra nhìn, ông Abubakar (R) tưởng đâu Rosul (saw) sẽ ra hành lễ chung nhưng Rosul (saw) ra dấu cho ông Abubkar (R) làm imam (người hướng dẫn hành lễ) để hành lễ với những người có mặt. Như thường lệ, sau khi hành lễ xong, ông Abubakar (R) đến thăm Rosul (saw) thì thấy bà Aysah (R) và các bà vợ khác của Rosul (saw) đang khóc. Nhìn lên giường thì không thấy mặt Rosul (saw) vì các bà vợ đã che mặt lại. Khi ông Abubakar (R) đến kéo chăn ra thì mới biết là Rosul (saw) đã vĩnh biệt ra đi. Khi hay biết tin đau buồn này, toàn thể tín hữu ai ai cũng muốn vào để nhìn mặt Rosul (saw) lần cuối cùng. Có người vì quá xúc động ngất đi, người thì bủn rủn tay chân, có người thì mất hồn vía, có người thì không tin là Rosul (saw) đã mất. Ngay cả ông Omar (R) phản đối kịch liệt và còn nói là ông sẽ giết những ai nói là Rosul (saw) đã chết. Ông Osman (R) thường ngày thì ôn hòa, trầm tĩnh, nay như kẻ câm điếc. Ông (R) thì can đảm không ai bằng, nay thì bủn rủn tay chân. Ngược lại, ông Abubakar (R) là người cứng rắn, sáng suốt và bình tĩnh khác thường. Ông đã đứng lên và trấn an tinh thần quần chúng với lời cương quyết sau: « Hỡi những ai tôn thờ Muhammad, nay Muhammad đã chết, còn những ai tôn thờ Allah, thì Allah sống mãi không bao giờ chết ». Sau đó, ông dẫn chứng thêm những câu kinh. Sau khi nghe xong, ông Omar (R) nói lại với ông Abubakar (R): « Tôi chưa hề nghe qua ». Những câu kinh đó như sau: قال تعالى: ( انك ميت وانهم ميتون ) الزمر « Chắc chắn ngươi sẽ phải chết, và chắc chắn chúng sẽ chết » Chương 39 : 30 قال تعالى: ( وما محمد إلا رسول قد خلت من قبله الرسل أفإن مات او قتل انقلبتم على اعقابكم ومن ينقبلب على عقبيه فلن يضر الله شياء وسيجزى الله الشاكرين ) .أل عمران 144. « Muhammad chỉ là Sứ Giả. Trước ngươi đã có nhiều Sứ Giả khác qua đời. Nếu ngươi chết đi hay bị sát hại, các ngươi định quay gót đi sao? Nếu có kẻ nào quay gót đi nữa, họ sẽ không làm hại đến Allah, Allah chắc chắn sẽ ân thưởng kẻ nào biết ơn Ngài » Chương 3 : 144 Ông Aly (R) và ông Fadal (R) con của ông Abbas đã tắm mayid cho Rosul (saw). Sau đó, từng nhóm người một, dẫn đầu là ông Abubakar (R) soly janazah (hành lễ cho người mất) cho Rosul (saw). Tiếp đến là những người đàn ông, thanh niên rồi đàn bà. Hành lễ xong, thi hài của Rosul (saw) được chôn tại chỗ hay tại giường ngủ của bà Aysah (R). Và rồi Thiên Sứ Muhammad (saw) đã ra đi giống như bao nhiêu Thiên Sứ và con người khác do Allah tạo ra. Người ra đi và sứ mạng truyền bá của Người cũng đã chấm dứt và hoàn hảo. Còn lại là kho tàng của sự truyền bá học hỏi mà người Muslim chúng ta cần phải noi theo. Tin theo những gì Rosul (saw) đã chuyển đạt là phải làm theo những gì Người khuyên dạy và muốn trở thành môn đệ của người là trước tiên ta phải có kiến thức, học hỏi ở những gì Rosul (saw) để lại rồi thi hành theo và truyền bá lại cho những người vắng mặt. ونسأل الله أن ينفع بها المسلمين وان يهدينا وإخواننا المسلين صراطه المستقيم، وصلى الله وسلم على نبينا محمد وعلى آله وصحبه أجمعين. والحمد لله الذي بنعمته تتم الصالحات. Alhamdulillah, xin chân thành ca ngợi và tạ ơn Allah, cầu xin Ngài ban sự hữu ích cho tất cả và xin Ngài hướng dẫn chúng tôi và tất cả đến nẻo chính của Ngài và Thiên Sứ cuối cùng của Ngài truyền giảng. Cầu sự bình an cho Thiên Sứ cùng gia quyến và toàn thể những người tin theo cho đến Ngày Tận thế. Với sự đóng góp và khả năng có hạn, nếu có sơ sót điều gì xin Ngài tha thứ cho. Xin dâng hiến phước của ai đọc cho song thân. HOSEN Mohamad. Ý kiến bạn đọc |