-Chân Lý Islam | baiviet | TIỂU SỬ | TIỂU SỬ ÔNG ABUBAKAR AS SIĐĐIK (R) (Phần 2)
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
TIỂU SỬ ÔNG ABUBAKAR AS SIĐĐIK (R) (Phần 2)
29.03.2008 01:11 - đã xem : 2925
_VIEWIMG
Sự khoan dung độ lượng của ông Abubakar (R).
Sự khoan dung, độ lượng và thông minh là một trong những bản tính mà Allah ban cho con người, không phải ai ai cũng được diễm phúc đó. Trong thiên kinh Qur’an Allah thường nhắc đến từ Halim khi nói về Nabi Ibrohim (A) và con của ông là Nabi Ismael (A). Ðối với ông Abubakar (R), Allah đã ban cho ông có một kiến thức vô bờ bến, trí thông minh tuyệt đỉnh, bên cạnh đó có một bản tánh rất khoan dung và độ lượng.

Trong soheh Al Bukhory thuật lại từ ông Abi Ðarđa nói: “Có lần tôi đang ngồi bên cạnh Rosul (saw), thấy ông Abubakar (R) đến, tay cầm vạt áo dài để đi cho nhanh hơn, ông đến với vẻ nóng giận.

Rosul (saw) thấy vậy nói với chúng tôi: - Người bạn của chúng ta có vẻ bực bội!

Ông Abubakar (R) cho salam và nói: - Tôi có chuyện không tốt với Omar và đã làm cho ông ta giận, sau đó tôi ân hận và xin lỗi về chuyện đó, nhưng ông ta không nghe, nên tôi vội chạy đến tìm Nabi (xử lý dùm).

Nabi nói ba lần: - Xin Allah tha thứ cho ông.

Ông Omar cũng ân hận nên tìm đến nhà của ông Abukabar (R) nhưng không gặp, thì ông tìm đến Nabi (saw), khi thấy Omar đến, gương mặt của Rosul (saw) hơi thay đổi và tay đè lên đùi Abubakar (R) để trấn an sợ hai người sẽ có chuyện bất lành xảy.

Ông Abubakar (R) liền nói: - Thưa thiên sứ của Allah, tôi đã gây nên nhiều lỗi với ông ta.

Rosul nói: - Allah đã gửi Ta xuống, đa số không nghe theo, nhưng ông lại tin ở Ta bất cứ những gì Ta nói và còn hy sinh của cải vì Ta nữa, không lẽ các bạn lại để việc bất lành xảy ra như vậy sao?

Ðó là bản tính khoan dung, độ lượng và chịu trách nhiệm của ông Abubakar (R). Qua câu chuyện này ta rút ra kinh nghiệm sau:

- Thứ nhất: Ông Abubakar (R) cảm thấy ân hận những gì đã làm.

- Thứ nhì: Ông biết nhận lỗi và xin lỗi ông Omar.

- Thứ ba: Bản tính độ lượng của ông lúc nào cũng cảm thấy và sợ có lỗi hay bất công với người khác.

Những điều trên đây thật khó mà thực hiện đối với chúng ta, đó cũng là do lòng tin tưởng tuyệt đối của ông nơi Allah mà ra.

Sự can đảm của ông Abubakar (R).

Allah cũng ban cho ông Abubakar (R) có một bản tánh can đảm và gan dạ mà ít có người giống như ông. Hai sự thể này được ông thể hiện rất bản lỉnh. Trên phương diện tinh thần, sự can đảm để nói lên sự thật hay để biện luận cho sự đúng thật để tạo cho người đối lập hiểu được chân lý là điều không phải dễ để người khác chấp nhận vào buổi ban đầu, nhưng nó đã thể hiện qua sự việc mà ông Abubakar (R) đã làm đó là:

Ông Ibnu A'sakia thuật lại từ ông Aly ibnu Abitalib (R): “Khi ông Abubakar (R) chấp nhận Islam, ông đã tuyên bố trước mọi người (không lén lút) và sau đó ông đã lên tiếng kêu gọi quần chúng về với Allah và Thiên Sứ của Ngài”.

Bà Aysah (R) thuật lại: “Khi người dân theo Islam được khoảng tám chục người, thì ông Abubakar (R) trình lên Rosul (saw) là bây giờ chúng ta cũng đã khá đông, vậy chúng ta hãy xuất hiện kêu gọi chính thức trước quần chúng mà không cần giấu diếm. Rosul (saw) nói: - Chúng ta mới chỉ có bấy nhiêu thôi (hay còn dè dặt). Nhưng ông Abubakar (R) cứ tâu mãi với Rosul (saw) cho đến khi được phép mới thôi. Rosul (saw) cho xuất hiện từng nhóm một khắp nơi gần masjid và ông Abubakar (R) là người đầu tiên dám đứng ra đọc bài diễn thuyết tại Mecca, ông kêu gọi quần chúng hãy gia nhập Islam mà ông không sợ gì cả”.

Trong thời buổi khai sơ của Islam mà ông Abubakar (R) là người đầu tiên can đảm đứng lên kêu gọi toàn thể quần chúng không cùng một chí hướng hãy bỏ tôn giáo cũ của họ để quay về tôn thờ Allah Đấng Duy nhứt, lúc ấy quần chúng chống đối mãnh liệt vì ông đã đụng chạm đến sự tín ngưỡng và lòng tin của họ, nhưng ông bất chấp mọi chuyện gì sẽ xảy ra, ông chỉ biết hy sinh vì Allah và nghe theo Rosul (saw) để truyền bá tôn giáo Islam và kêu gọi họ trở về lý thuyết tôn thờ ở Allah Duy nhất.

Nếu muốn tìm hiểu sự can đảm gan dạ của con người thì hãy xem qua hành động của người đó, người can đảm và dũng cảm nhất vào thời đó mà ai cũng biết là ông Aly ibnu Abitalib (R) còn nói rằng ông Abubakar (R) là người dũng cảm và can đảm không thể có ai sánh bằng.

Có người hỏi ông Aly (R) rằng ông là người can đảm nhất phải không? Ông trả lời: - Ai cũng nói tôi như vậy, nhưng thật ra tôi còn thua một người. Các ông có biết ai không? Họ trả lời không biết, vậy người đó là ai ? Ông Aly không ngần ngại trả lời: - Ðó là ông Abubakar As Siddik. Ông Aly (R) liền kể lại: “Vào trận đánh Badar, sau khi dựng một cái lều nhỏ trên cao cho Rosul (saw) để Người dễ dàng chỉ huy, chúng tôi liền hỏi: - Ai là người ở lại đây để bảo vệ Rosul (saw) nếu quân thù tiến đến chỗ này? Không một ai trong chúng tôi tình nguyện bước ra, chỉ có ông Abubakar (R) mạnh dạn tiến ra và xin ở lại để bảo vệ Rosul (saw). Và kể từ đó ông Abubakar cầm kiếm trên tay không rời Rosul (saw) một bước, dù miệng của ông trả lời những lời xuyên tạc tuyên truyền của Musrikin Quraish (đa thần), nhưng thật ra không một kẻ thù nào dám bước đến gần Rosul (saw) cả. Ông Abubakar (R) còn nói rằng: - Các người muốn giết vị đã kêu gọi chúng ta hãy tôn thờ Đấng Allah duy nhất hay sao?” Sau khi kể xong câu chuyện trên, ông Aly (R) gỡ khăn che trên đầu xuống và khóc sướt mướt và nói rằng: - Không lẽ những người tin tưởng vào thời của Firun lại hơn ông Abubakar (R) hay sao? Không, không bao giờ dù cả ngàn những người đó cũng không bằng một phần sự can đảm và tin tưởng tột độ của ông Abubakar (R).

Cho nên hầu hết các vị Ulama đều công nhận rằng: “Nếu gom lại tất cả Iman (niềm tin) của tất cả cộng đồng Muslim trên thế giới hiện tại, thì cũng không sao so sánh bằng Iman của hai ông Abubakar (R) và ông Omar (R)”.

Tính hào phóng và rộng rãi của ông Abubakar (R).

Sự hào phóng và rộng rãi của con người được thể hiện qua hành động lúc giàu có cũng như trong lúc gặp khó khăn, sự việc này không một ai lại không thừa nhận ở con người của ông Abubakar (R) và ông chỉ đứng sau Rosul (saw), mà thiên kinh Qur’an đã đề cập đến với ý nghĩa: “Và người ngay thẳng sợ Allah sẽ được giữ xa khỏi địa ngục * Người cho bố thí của cải của mình nhằm tẩy sạch bản thân”. Sourate 92: 17-18.

Sự hào phóng và rộng rãi của ông Abubakar (R) được ghi lại trong lịch sử như sau:

1)- Trong hadith của Abu Dawud thuật lại về ông Omar (R): “Khi được lệnh của Rosul (saw) kêu gọi bố thí (vì cần tiền để xuất quân), ông Omar (R) nguyện trong lòng là lần này ta sẽ xuất ra hơn ông Abubakar (R), rồi ông đem phân nửa tài sản của ông giao cho Rosul (saw). Rosul (saw) hỏi: - Ông chừa lại cái gì cho gia đình? Ông Omar (R) trả lời: - Thưa Rosul (saw), tôi chừa lại cho gia đình phân nửa tài sản của tôi. Lúc đó ông Abubakar (R) đem hết tài sản của ông ta đến. Rosul (saw) hỏi: - Ông chừa gì lại cho gia đình? Ông Abubakar (R) trả lời: - Tôi chừa lại Allah và thiên sứ của Ngài cho họ mà thôi. Thấy vậy ông Omar (R) nói: - Tôi không bao giờ hơn được ông ấy cả.

2)- Trong hadith của Ahmad thuật lại từ ông Abu Hurairoh (R) ghi lại lời của Rosul (saw): - Tài sản mà Ta tạo được nhiều ích lợi là do sự đóng góp của ông Abubakar (R). Nghe vậy ông Abubakar (R) khóc và nói: - Thưa bản thân tôi cũng như tài sản của tôi đều thuộc về Rosul.

3)- Trong hadith của At Tirmizy ghi lại từ ông Abu Hurairoh (R) thuật lại lời của Rosul (saw) với ý nghĩa: - Không một ai trong chúng ta cần đến lại không có bàn tay hào phóng của ông Abubakar (R), vì vậy ông là người sẽ được Allah ban cho bàn tay che chở Ngày Sau, quả thật ai ai cũng đều được sự giúp đỡ của ông Abubakar (R).

Qua những dẫn chứng trên cho biết ông Abubakar (R) là người rất hào phóng.  Ngày  xưa, những ngày đầu tiên của Islam, ông Abubakar (R) đã mua không biết bao nhiêu là nộ lệ ở Mecca để thả họ tự do.

Sự công bằng và đường lối chính trị của ông Abubakar (R).

Ông Abubakar (R) nhận chức vụ Kholifah để lãnh đạo cộng đồng Muslim chỉ kéo dài hơn hai năm và hai tháng, bắt đầu từ tháng Robiul Awwal năm thứ mười một Hidry và chấm dứt vào tháng Jamadul At Thany năm thứ mười ba của Hidry. Tuy ông làm lãnh đạo trong thời gian rất ngắn, nhưng ông đã đem lại rất nhiều sự ích lợi cho cộng đồng, ông đã thành công rực rỡ về sự mở mang thế giới Islam, sau khi Rosul (saw) từ thế đã xảy ra nhiều việc nổi dậy của những người phản đạo, chính ông đã chỉ huy dẹp loạn và đem lại sự công chánh và thống nhất cho cộng đồng Muslim.

Qua những bằng chứng sau đây:

1)- Khi nhậm chức kholifah, ông đọc bài diễn văn thật khiêm tốn với ý nghĩa như sau: “Sau khi khen ngợi và tạ ơn Allah ông tiếp: - Hỡi các anh chị em thân mến! Tôi được các vị chọn làm kholifah, thực tế tôi không giỏi gì hơn các anh em, nhưng như mọi người đã biết Allah đã truyền xuống thiên kinh Qur’an và kèm theo sunnah của Rosul (saw), hãy biết rằng sự hiểu biết và suy tính là người có ý thức, còn người không tìm hiểu ngang tàn là người kiêu căng. Sự cứng rắn của các ngươi sẽ là sự mềm dẻo ở tôi đến khi tìm đươc sự đúng thật, còn sự mềm dẻo của các ngươi sẽ là sự cứng rắn ở tôi để đem lại sự đúng thật của nó. Thưa quí vị, tôi chỉ là người đi theo con đường của Rosul (saw) chứ không phải là người đưa ra cái mới, nếu thấy tôi làm đúng hãy ủng hộ và khuyến khích tôi, còn thấy tôi làm sai xin hãy xây dựng tôi!!!”

Trên đây là bài diễn văn đầu tiên khi ông nhậm chức và được ghi vào lịch sử của nhân loại.

2)- Khi ông lâm bệnh gần ngày mất, ông mời ông Omar (R) đến và nói: - Hỡi Omar! Hãy chính trực vì Allah và nên biết rằng sự hành đạo ban ngày, Allah không thể chấp nhận vào đêm và ngược lại, Allah chỉ chấp nhận sự hành lễ nafal (không bắt buộc) sau khi các ngươi đã thi hành xong sự bắt buộc. Cán cân sẽ cân nặng hay không là cán cân ở Ngày Sau, dựa vào hành đạo tốt lành trung trực hay ngược lại lúc ở thế gian này. Allah đã nhắc về những người được vào thiên đàng qua sự hành đạo chính trực của họ đã vượt qua những điều xấu mà họ đã gây ra. Khi nhắc đến những người này, ta e rằng ta không biết ta được như họ không? Allah đã nhắc về những người sẽ bị trừng phạt trong địa ngục qua sự việc không lành mà họ đã làm, nhưng với sự bác ái của Ngài đã bồi đắp những điều tốt mà họ đã làm nên họ tránh khỏi hình phạt đó. Nhắc đến những người này, ta ước rằng ta sẽ là một trong những người này hay những người luôn sợ Allah khi biết mình có tội mà không mong gì hơn là đặt hết niềm tin nơi Allah, cho nên đừng bao giờ khước từ hay chối bỏ những ân sủng của Allah. Đây là lời căn dặn của ta, nếu ông không nghe theo hay quên nó đi, coi như ông là người sống cũng như chết, không có giá trị gì...

Trên đây là một bài giáo huấn thật quý báo, lúc nào ông cũng sợ và mong sự tha thứ của Allah, chớ không than van kiêu căng dù ông đang nắm chức vụ Kholifah.

3)- Bà Aysah (R) (thân mẫu của những người tin tưởng) thuật lại với ý nghĩa: “Khi ông Abubakar (R) lâm bệnh nặng gần chết, ông có nói với con cháu: - Các con hãy kiểm lại đồ đạc gia sản trong nhà, từ ngày ta nắm quyền Kholifah đến nay có gì dư thừa hơn gia sản của ta trước kia không, nếu có hãy đem giao lại cho người kế nhiệm ta. Sau khi kiểm tra lại thì thấy dư một món đồ mà người giúp việc dùng để bồng con và khi trái cây chín thì dùng để đựng nó, sau đó chúng tôi mới đem vật này trao cho ông Omar (R). Bà Aysah (R) kể tiếp: - Ông nội tôi nói cho tôi biết, khi nhận món đồ đó ông Omar (R) khóc rất nhiều và nói cầu xin Allah ban hồng phúc cho ông Abubakar (R), ông Omar (R) nói sẽ không làm cho ông Abubakar (R) thất vọng và hứa sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ của ông giao phó”.

4)- Ông Ibnu Syrian thuật lại: “Không một ai lại không biết kiến thức tài năng, hiểu biết, học cao của ông Abubakar (R) cũng như ông Omar (R) vào thời đó. Khi ông Abubakar (R) gặp phải vấn đề nào đó mà ông không tìm thấy bằng chứng từ Qur’an hay sunnah của Nabi (saw), ông cố gắng tìm hiểu để giải quyết vấn đề và nói: - Tôi cố gắng dựa theo sự hiểu biết của tôi, nếu nó đúng là do Allah, còn nếu có sai là do tôi, cầu xin Allah tha thứ cho tôi.”

5)- Có người hỏi ông Abubakar (R): “Những gì có thể tồn tại lại sự tốt lành cho cộng đồng, sau khi đã được Allah biến hóa nó từ thời tiền cổ trước Islam đến nay? Ông không ngần ngại trả lời: - Nếu muốn được tồn tại sự tốt lành, không gì hơn là các ngươi cố gắng hành đạo với tất cả sự chính trực.”

6)- Ông Amru ibnu Al Aasy (R) và Sharjabil ibnu Hasanah (R) gửi một món đồ (chiến lợi phẩm) từ Sham cho ông Abubakar (R), nhưng dọc đường người mang quà đó làm bể đi món đồ, khi đến nơi trình với ông, ông nói: - Có phải đó là đồ đội đầu quý giá của Farashy hay Rouman phải không? Tại sao lại gửi đồ quí giá đó cho ta, ta chỉ cần một lá thư báo tin là đủ.

7)- Trong Al Baihaky thuật lại, khi ông Abubakar (R) gửi đoàn quân đi chinh chiến dưới quyền của ông Yazid ibnu Abi Sufyan (R), với những lời dặn dò như sau: “Ta có những điều căn dặn với các anh em như sau: - Không được giết hại những trẻ nít, đàn bà hay những người già vô tội; - Không được chặt bỏ những cây cối có trái ăn hay những nhà cửa, đền thờ; - Không được vắt sữa dê, hay lạc đà mà không trả tiền; - Không được chặt bỏ những cây chà là hay đốt bỏ nó; - Không được bắt bớ buộc tay chân người ta lại để hành hạ cũng như không được tạo những gì bất lương hèn hạ.”

Ðó là quân lệnh mà vị thủ lãnh muốn binh lính chấp hành, một vị chỉ huy chính trực và bác ái mà hiếm thấy trong thế giới hôm nay. Những lời quí báu này đã được ông Abubakar (R) chỉ thị từ hơn mười bốn thế kỷ nay, đó là tình người hay quyền cơ bản của nhân loại mà lúc nào Islam cũng tôn trọng.

8)- Ông Ibnu Asa'kia ibnu Yaasir ibnu Hamzah (R) thuật lại khi ông Abubakar (R) đau nặng, ông tỏ lời với cộng đồng như sau: “- Hỡi quần chúng, ta đã lên cầm quyền để dìu dắt các người, các người có bằng lòng với việc làm của ta không?”. Mọi người đều nghe và trả lời: - Thưa người kế vị của Rosul (saw) chúng tôi đều bằng lòng và vui vẻ do sự lãnh đạo của ông. Ông Aly (R) đứng dậy và nói: - Chúng tôi chỉ bằng lòng nếu được ông Omar (R) lên kế vị. Ông Abubakar (R) liền nói:  - Vậy thì Omar (R).

Cái chết của ông Abubakar (R)

Ông Abubakar (R) lâm bệnh và đã mất vào lúc giữa giờ Magrib và Isa, vợ của ông là bà Asma'u (con ông Amis) tắm (mayyid) cho ông. Ông Omar (R) đứng giữa ngôi mộ của ông và Mimbar (nơi đọc khudbah) để làm Imam soly Zanazah cho ông. Những đứa con của ông Abubakar (R) là ông Abdurrohman, ông Omar, Osman và Talha ibnu Ubaiđillah đã xuống huyệt cho ông, ông được chôn kế bên mộ của Rosul (saw) thể theo di chúc của ông, đó là vào đêm thứ ba, nhằm ngày mùng tám tháng Jama'dul A'khir năm thứ mười ba hidry, ông thọ sáu mươi ba tuổi.

Cầu xin Allah chấp nhận sự hành đạo của ông và ban thiên đàng vĩnh cửu cho ông, amine.

Do Abu Rozy phỏng dịch theo sách

“Al Ilmu wa Ulama” của Shiekh Abubaker Djaber Eldjazairi.


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 359 Tổng lượt truy cập 2981461