-Chân Lý Islam | baiviet | PHÂN TÍCH | TÌM HIỂU HỒI-GIÁO (ISLAM) Phần 1
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
TÌM HIỂU HỒI-GIÁO (ISLAM) Phần 1
31.08.2007 10:22 - đã xem : 7286
_VIEWIMG
Để tưởng nhớ anh René Loesch và những giờ tâm sự
Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, những gì đã xảy ra ở thành phố Nữu Ước (Hoa- Kỳ) đã làm dư luận quốc tế bắt đầu sôi nổi. Rồi tiếp diễn những vụ khủng bố ở thành phố Luân Ðôn (kinh đô Anh Cát Lợi), và ở Madrid (kinh đô Tây Ban Nha), nước Pháp cũng không tránh được làn sóng khủng bố.

Và từ đó, những bài báo nói đến Hồi-Giáo cũng không ít. Người viết bài này tự hỏi: « Cũng như mọi tôn giáo khác, chắc chắn Hồi-Giáo cũng bài trừ mọi hành động hung bạo. Như thế tại sao có những phần tử, nhân danh Hồi Giáo, đã reo tang tóc cho nhiều người vô tội ? »

Hơn nữa, để tưởng nhớ người bạn quá cố - René Loesch vào đoạn cuối đời của cuộc đời, đã chọn con đường Hồi Giáo để xin Thượng Ðế phán xử vào Ngày Sau.

Ðó là lý do chính làm tôi soạn bài này và khuyến khích tôi nghiên cứu đề tài này.

Tôi nghĩ rằng đã là một người tìm hiểu về chân lý của một đạo giáo, về mặt chính trực trí thức (l'honnêtete intellectuelle) tôi có bổn phận phải nói lên sự thật, hơn nữa giáo lý của Hồi-Giáo không cấm chúng ta nói lên sự thật, tất cả sự thật.

Với khả năng và sự hiểu biết có hạn, tôi cố gắng tóm lược lại những gì thật cần thiết, tầm thường và dễ hiểu nhất về Hồi-Giáo. Bài này gồm có ba phần:

- Nabi Muhammad (Mohamet), Thánh Chủ Hồi Giáo vị Thiên Sứ (Rosul) cuối cùng.

- Thiên Kinh Qur'an (Coran), nền tảng của Hồi Giáo.

- Người đàn bà trong Hồi Giáo.

Trên tinh thần xây dựng, chúng tôi thành khẩn xin các học thức gia vui lòng chỉ giáo để bổ túc nhận thức.

Thomas Larget

Thạc sĩ văn chương

Sorbonne.

1. Nabi Muhammad (Mahamet)

« Les genies ont des biographies les plus courtes car leur vie intérieure se déroule dan l'invisible et le silence. » Emerson (1803-1882). Triết lý gia Mỹ.

(Tiểu sử của những vĩ nhân lúc nào cũng ngắn gọn nhất vì cuộc sống nội tâm của họ thường diễn ra trong thế giới vô hình và bình lặng).

Ngay năm đầu tiên trung học đệ nhất cấp, chương trình sử học đã đề cập đến Muhammad, Giáo chủ Hồi-Giáo, vị Thiên Sứ cuối cùng của Allah. Vào Ðại học, « Lịch sử Tôn giáo » là một chứng chỉ được nhiều sinh viên lựa chọn khi soạn thi Cử nhân văn chương triết lý. Có nhiều năm, môn này cũng được ghi trong chương trình Thạc sĩ. Những ngày gần đây những bức biếm họa về Nabi Muhammad trên một vài tờ báo ở Ðan Mạch, ở Pháp, vô tình hay hữu ý, đã phổ biến vai trò quan trọng của Thiên Sứ. Vì thế, ở đây, chúng tôi xin nhắc lại những giai đoạn chủ yếu trong cuộc đời của Thiên-Sứ.

Sanh năm 570 ở La Mecque (Arabie).

Qua đời năm 632 ở Médine (Arabie).

Theo một giai thoại bình dân: Khi Thiên Sứ ra đời, hai thiên thần mổ ngực Người để tẩy uế và đồng thời cũng để đóng dấu ấn lời tiên tri.

Ông Anas ibnu Malik (R) thuật lại: « Trong lúc Thiên Sứ đang vui đùa với hai người anh em cùng vú, Thiên thần Jibriel (A) xuất hiện, bắt lấy người rồi mổ bụng để tẩy uế những giọt máu xấu, và thay vào đó những giọt máu khác mà shaiton không hại được, Thiên thần dùng thao bằng vàng và dùng nước zamzam để rửa, đó là vào lúc ấu thơ được mẹ nuôi là bà Halimad As Sađy nuôi dưỡng ở Taif (cách Mecca khoảng 80km ». Ông Anas nói thêm, tôi có thấy dấu vết đó trên bụng của Người.

Chiếu theo sách sử: Rawđoh Anwar fi Siroh An Naby Al Muktar trang 13. Phát hành năm 1424 H.tại Saudi của Sheikh Sofy Ar Rohman Al Mubar Kafury.

Cha chết trước khi chào đời, rồi mẹ, rồi ông nội cũng mệnh chung, vì vậy, mới lên tám mà Người phải tìm việc làm để nuôi thân.

Năm 25 tuổi Người làm công cho một goá phụ giàu có, Khođijah. Với bản tính thật thà và làm ăn lương thiện nên Người được chủ nhân để ý và tỏ lòng thương mến. Sau khi lập gia đình với Thiên Sứ, người góa phụ này đã sinh cho Thiên Sứ bảy người con. Theo một vài sử gia, thì bà Khođijah đã quá 40 tuổi khi bắt đầu sống chung với Thiên Sứ, Song theo chúng tôi nghĩ với tuổi ấy làm sao có thể sanh bảy đứa con được.

Những bằng chứng cụ thể từ những sách sử có giá trị của Sheikh Abubakar Al Jarairy, giáo sư tại trường đại học Hồi-giáo Médina và là một trong những vị học giả nổi tiếng hiện tại đều công nhận là bà Khođijah đã sanh cho thiên sứ những đứa con. Trừ Ibrahim là con của bà Mariyam Al Kibty (Aicập), còn những đứa con trai khác đều mất lúc ấu thơ, chỉ còn lại bốn đứa con gái, đó là bà Zainab, Rokaiyah, Ummul Kalsum và Fatimah. Bà Khođijah mất vào khoảng lúc 65 tuổi, nghĩa là sống với Thiên Sứ trong khoảng 15 năm.

Chiếu theo sách Al Ilmu và Ulama của sheikh Abubakar Al Jarairy, trang 234. Phát hành tại Beirut Liban năm 1403 H.

Nói đến đức tính lương thiện của Người, chúng tôi xin phép trích lại câu chuyện sau đây do ông Saib, người hùn vốn làm ăn với Người kể lại: «Mỗi lần đi buôn về, lúc nào Thiên Sứ cũng tính toán sổ sách với tôi trước khi về nhà. Còn mỗi lần tôi đi buôn về, thì Người chỉ hỏi sức khoẻ của tôi thôi».

Thông qua sự nghiệp đạo pháp của Nabi Muhammad, chúng tôi phân tích hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất:

Năm 622, dưới áp lực của dân chúng đa thần, theo tà giáo, mê tín dị đoan, cùng một số môn đệ Người phải bỏ thành Mecca di cư về Médina. Thành phố này, từ đó gọi là thành phố của Thiên Sứ (Madinat al-Nabi).

Sự kiện lịch sử này đánh dấu năm thứ nhất kỷ nguyên Hôì-Giáo Hégire. Trong năm năm, đến tháng Nhịn Chay (Ramadan) Người thường vào một hang đá hẻo lánh để ngồi thiền.

Ðây là những năm tháng đầu trước khi Người nhận lãnh sứ mạng hay wahy đầu tiên, Người vào đó để tìm nơi yên tĩnh mà suy ngẫm theo lý thuyết tôn thờ của Thiên Sứ Ibrahim (Abraham), hang đó gọi là Goro Hiroh, cách xa Mecca khoảng vài kilômét.

Giai đoạn thứ nhì:

Phải chờ đến năm 40 tuổi, Người mới được Thiên Thần Jibriel (A) cho biết là Thượng Ðế (Allah) đã chọn Người làm Thiên Sứ cuối cùng với sứ mạng thiêng liêng, đề cao uy danh của Thượng Ðế, truyền bá đạo giáo của Ngài cho nhân loại. Tôn giáo ấy là Islam (Quran, surah 96/Al-ALAQ)

Như thế là Thượng Ðế đã chọn một người không biết đọc, không biết viết làm sứ giả cho Ngài. Và từ đó, người mù chữ trở thành một linh mục thuyết giáo tài ba có những biện chứng hùng hồn, mạch lạc, vững chắc. Thế mà, một số người còn đòi hỏi Người phải thực hiện những phép mầu để chứng minh là Thiên Sứ.

« Tôi có nói tôi là một thiên thần đâu ? Tôi không bao giờ tuyên bố là mọi quyền bính của Thượng Ðế đều ở trong tay tôi ». (Quran 29:50).

« Những gì tôi làm và những gì tôi nói đều do Allah chỉ định ».

Sau đêm Thiên Thần Jibriel (A) mang thiên lệnh đến với Thiên Sứ, phải chờ đợi ba năm nữa Người mới nhận được những thiên lệnh khác. Người ta thường nhớ:

« Phải quan tâm đến những kẻ mồ côi và những người bần cùng, luôn luôn nhớ đến lòng bác ái của Allah ». (Quran Surah 93/AD-DUHA).

« Phải chăm lo truyền giáo, phải xa lánh những kẻ đa thần. Chỉ có Allah, Thượng Ðế Duy Nhất ». (Quran)

Trong thời gian gián đoạn thiên lệnh, Thiên Sứ rất buồn và chán nản đến muốn hủy thân nhảy từ trên đỉnh núi xuống cho chết, nhưng trong giây phút buồn bã nhất, thì thiên thần Jibriel (A) xuất hiện và nói với Thiên Sứ là: -Ðừng chán nản, buồn phiền, vì Người chính là vị Sứ Giả thật sự của Allah, sau đó thiên thần truyền xuống surah 93 (Quran). Dựa theo sử gia ông Ibnu Ishak ghi lại, thời gian gián đoạn wahy đó là ba năm trời. Âu đó cũng là bài học để rèn luyện Người cách nhịn nhục kiên trì, chịu đựng như thế nào. Chiếu theo sách sử: Tiểu sử của Nabi Muhammad (Saw), tác giả Mohamad Ridha, xuất bản tại Beyrute năm 1975.Trang 68.

Năm thứ 10 Hồi Lịch, Thiên Sứ trở về Mecca. Trong buổi thuyết giảng cuối cùng, Người đã nhắc lại nhiều điều quan trọng. Ðại khái:

- Phải tin tưởng vào Ðấng Tạo Hóa Duy Nhất, không được sử dụng những tượng, tranh ảnh và mọi hình thức tượng trưng cho thần linh.

- Các tín đồ đều bình đẳng, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, màu sắc chủng tộc.

- Ðức tin, và cuộc sống đạo đức là căn bản giá trị của con người.

Khi nói đến đời tư của Thiên Sứ, Người đã khai sáng Islam, người ta hay nghĩ đến chế độ (đa thê).

Như đã biết, năm 25 tuổi, trước khi nhận sứ mạng thiêng liêng (wahy) đề cao uy danh Thượng Ðế trong nhân loại, Muhammad đã cưới một goá phụ giàu có Khođijah, người đàn bà đảm đang này đã giúp Thiên Sứ xây dựng nền tảng Islam thưở ban đầu.

Trong số những người vợ của Thiên Sứ, chín bà vợ chính thức và năm vợ hầu, các sử gia thường nhắc đến bộ mặt trẻ trung của bà Aisha vì:

- Khi về làm vợ của Thiên Sứ, Aisha là một cô gái còn trinh tiết, những người vợ khác đều đã một lần lập gia đình.

- Tuổi trẻ của bà Aisha.

- Ðược Thiên Thần Jibriel (A) lựa chọn cho Thiên Sứ.

Cuộc sống của Thiên Sứ trải qua nhiều giai đoạn. Người đã cưới tất cả là mười một hoặc mười hai người (tất cả Người đều coi như vợ chứ không phải người hầu). Những ngày tháng cuối cùng còn lại của Người, Người chỉ giữ lại có chín bà, còn hai hoặc ba bà khác thì Người đã ly dị cho họ tự do để được lấy chồng sau khi Người từ thế. Chín bà còn lại thì được chọn làm vợ của Người ở trên đời này và Ngày Sau, nên không được phép tái giá, và tất cả những bà đó được coi như là mẹ của những người tin tưởng (ummul moaminine). Bà Aisha đã có nhiều ưu thế hơn những bà vợ khác, như tác giả đã nói trên. Ngoài ra cha mẹ của bà là những người Muhajirine (di cư). Thiên Sứ đã ra đi trên đùi của bà, và thiên kinh Quran được truyền xuống để minh bạch cho bà, Thiên Sứ được chôn tại nhà của bà... Chiếu theo sách Rawdoh Al Anwar, trang 365 và sách Tiểu Sử Nabi Muhammad của ông Muhamad Ridha. Trang 146.

Tuổi trẻ của bà Aisha đã tạo ra nhiều giai thoại được ghi lại trong hadith và có nhiều điểm liên hệ đến giáo luật.

Nabi Muhammad rất yêu thương và chiều chuộng Aisha. Sách chép rằng sau một cuộc xuất chinh, trên đường trở về, người vợ trẻ thường nũng nịu với chồng đã làm rơi xâu chuổi đeo ở cổ, khiến cả đoàn người phải ngừng lại cùng nhau tìm kiếm. Thời gian trôi qua mau, đã gần đến giờ cầu nguyện, mà lại đang ở sa mạc mênh mông thì kiếm đâu ra nước để tẩy thể theo đúng nghi thức quy định. Chính trong dịp này, Muhammad đã truyền chuyển lời phán của Thượng Ðế quy định dùng cát để tẩy rửa trong trường hợp không có nước (At Tiyamam).

Năm thứ năm Hồi Lịch, một lễ cưới đặc biệt ngoại lệ ảnh hưởng lớn lao đến thân phận người đàn bà trong xã hội Arab.

Hadith kể lại một hôm, Thiên Sứ đến thăm người con nuôi Zaid (Zayd) tại nhà, nhưng Zaid đi vắng và Zaynab vợ của Zaid ra tiếp. Trong bộ đồ ngủ trong trẻo, người dâu đã vô tình khêu gợi tình dục. Và từ đó Người không quên được mái tóc dài phủ trên một tấm thân hình tuyệt vời. Zaid biết việc này và xin ly dị để Muhammad - người cha nuôi, có thể cưới Zainab.

Chuyện này làm chúng ta thấy Thiên Sứ rất gần gũi chúng ta vì Người cũng bị xác thịt cám dỗ.

Zaid là người hầu của bà Khođijah, bà tặng đứa hầu này cho Thiên Sứ, lúc đó Zaid mới được tám tuổi, Thiên Sứ cho Zaid tự do và sau đó nhận làm con nuôi. Khi Thiên Sứ đến hỏi bà Zainab con ông Jahsah (bà con cô cậu với Rosul) cho Zaid, bà do dự không chấp nhận vì địa vị, giai cấp trong xã hội quá cao thấp với nhau. Zaid là người hầu giúp việc, còn bà Zainab là trưởng nữ của những nhà quí phái có địa vị danh giá trong dòng tộc Quraish, nên bà không chấp nhận. Sau khi bà hỏi Thiên Sứ có phải đó là lệnh hay không, Thiên Sứ gật đầu qua lời phán của Allah với ý nghĩa như sau: « Và không thích hợp cho một người có đức tin, nam nữ, rằng khi Allah và Sứ Giả của Ngài đã quyết định một công việc gì rồi lại còn đòi quyền chọn lựa nữa, và ai bất tuân Allah và Sứ Giả của Ngài thì chắc chắn đã công khai lạc đường. » Surah 33:36.

Sau đó bà ưng thuận và Rosul đã đứng ra cưới bà cho Zaid, cuộc sống hai nguời không được hạnh phúc, vì lúc nào bà cũng nghĩ về gia phả địa vị của bà trong xã hội, và luôn nghĩ Zaid không xứng đáng với bà, nên cuộc sống vợ chồng cứ bất lành, đến nỗi Zaid không gánh chịu được nên đến thưa với Rosul để xin ly dị, nhưng Rosul cứ khuyên hãy nhịn nhục. Nhưng bản tánh của con người không thể chịu đựng nhịn nhục mãi nên Zaid ly dị bà Zainab.

Sau khi bà Zainab dứt hạn kỳ ly dị, Rosul (saw) xin cưới bà để đã phá phong tục tập quán xưa kia của người Arab là cha nuôi không thể cưới con dâu hay vợ của con nuôi được sau khi ly dị hoặc chết, và đây cũng là lệnh của Allah truyền xuống, qua lời phán của Ngài như sau: « Và hãy nhớ khi Ngươi (Nabi) nói với (Zaid) người mà Allah ban Ân (bằng cách dẫn dắc Y theo Islam) và Ngươi đã ban ân cho Y (bằng cách chuộc Y khỏi tình trạng nô lệ) như sau: ' Hãy giữ vợ '' của ngươi lại, (không nên ly dị nàng) và hãy sợ Allah. ' Và Ngươi giữ kín trong lòng điều mà Allah sắp công bố. Và Ngươi (Nabi) sợ thiên hạ (đàm tiêu) trong lúc Allah là Ðấng mà đúng lý ra Ngươi phải sợ nhất. Bởi thế khi Zaid đã dứt khoát với vợ, TA gã nàng cho Ngươi mục đích để cho những người có đức tin không gặp trở ngại trong việc kết hôn với các bà vợ của các đưá con nuôi của mình khi chúng đã dứt khoát (ly dị) với vợ của chúng. Và lệnh của Allah phải được thi hành. » Surah 33:37.

(Câu chuyện kể về bà Zainab ra gặp Thiên Sứ với bộ đồ ngủ trên, quả thật không một cuốn sách sử chân thật nào của Islam ghi lại, đó là câu chuyện mà người muslim gọi là Qissoh Isroiliyat nghĩa là câu chuyện do người Do Thái ghi lại.)

Cũng phải nói nhiều lần Thiên Sứ đã lập gia đình để kết nạp được thêm lực lượng đáng kể, thắt chặt tình thân hữu giữa hai bộ lạc. Ðó là trường hợp khi Người cưới người góa phụ còn trẻ, con gái của viên hầu cận Umar ibnu Al Khottob (R), người cha vợ sau này tích cực góp công cuộc phát triển Islam. Cũng vào trường hợp này khi Người lấy Ummul Habibah, một goá phụ của một người nghiện rượu, và là con của một vị lãnh đạo một đảng đối lập.

Tới đây chúng tôi muốn đưa ra một câu hỏi.

-Một người như Thiên Sứ, được mọi người kính nể, tôn trọng, thiếu gì thiếu nữ xinh đẹp, thế mà Người chỉ để ý đến những goá phụ ?

-Có vương hầu bá tước nào đã chọn cung phi những người đàn bà hương sắc đã gần tàn và hơn nữa đã có lần thuộc về người khác ?

Tóm lại, thường trong Islam, người ta xem cuộc sống tình cảm của Thiên Sứ như là một gương sáng, nhưng về số vợ thì không được áp dụng chung cho mọi tín đồ.

Hồi-Giáo (Islam), nghĩa là gì ?

Là một tôn giáo, Islam có nghĩa là với tất cả sự ưng thuận và tuân mệnh lệnh của Allah, Ðấng Tạo Hóa Duy Nhất.

Hồi-Giáo (Islam) là tôn giáo của Allah.

« Hôm nay Ta đã hoàn thiện tôn giáo cho các ngươi và đã hoàn tất Ân Sủng của Ta cho các ngươi và đã chọn Islam là tôn giáo cho các ngươi.» Quran 5:3.

Vì thế, chúng ta có thể nói là Islam là tôn giáo nguyên thủy của loài người, không lệ thuộc một bộ lạc nào, một chủng tộc nào. Islam đã mang đến cho nhân loại Ðức Tin toàn bộ thể hiện qua Thiên Kinh Coran được Thiên khải và đầy luật (Shari 'ah) vĩnh cửu.

Vì thế khi chúng ta cúi đầu thành kính khẳng định: « Không có Thượng Ðế nào khác mà chỉ có Allah và Muhammad là vị sứ (Rosul) cuối cùng của Allah », chúng ta đã chọn con đường Islam, cầu xin được Allah phán xử và ban thưởng phạt vào Ngày Sau.

(Xem tiếp phần 2)


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 2725 Tổng lượt truy cập 3152907