-Chân Lý Islam | baiviet | GIÁO LUẬT | VIẾNG THĂM MASJID AN - NABAWY (MADINAH)
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
VIẾNG THĂM MASJID AN - NABAWY (MADINAH)
30.08.2007 15:44 - đã xem : 2538
_VIEWIMG
Thành phố Yathrib nằm về hướng đông bắc của bán đảo Arabie-Saudi, đến năm 622 Rasul Muhammad (Saw) di cư đến đây và được lấy tên là Al-Madina al-Mounawara, đôi khi người dân còn gọi là Madinatu An-Nabi hoặc Madinatu Rasul-Allah. Thật ra thành phố nầy có rất nhiều tên gọi, thí dụ như Taba hoặc Tiba, Dar el-Imane, Dar al-Fath, Dar al-Moustafa, Dar As-Salam… diện tích của thành phố nầy khoảng 173000km2 và có dân số khoảng 1 triệu 3 trăm ngàn dân cư sinh sống tại đây.

Sau khi ổn định Rasoul (Saw) cho xây cất một Masjid được đặt tên là Masjid AN-NABAWY. Từ đó, những ai có dịp thi hành nền tảng thứ năm của Islam tức là đi hành hương (Hajj) theo sunnah đều phải viếng thăm masjid An-Nabawy... Dựa vào sự dẫn chứng của hadith do ông Abu Hurairoh (R) đã thuật lại là Nabi (saw) có nói như sau: "Solah tại masjid của Ta (một solah) được phước bằng một ngàn lần hơn ở những masjid khác ngoại trừ masjid Al Haram (Mecca)." Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại.

Hadith khác Rasoul (saw) có nói mà ông Ibu Ibnu As Zubair (R) đã thuật lại như sau : "Solah tại masjid của Ta một wattu (một lần solah) được phước bằng một ngàn lần hơn nơi khác, ngoại trừ masjid Al Haram (Mecca) được nhiều phước hơn masjid của Ta, ở đó được đến một trăm ngàn lần." Hadith do Ahmad, Ibnu Khuzaimah và Ibnu Habban ghi lại.

Thật ra có rất nhiều hadith kể lại liên quan đến sự phước lộc khi đuợc solah tại masjid An- Nabawy, ở đây tôi chỉ nêu lên hai hadith nầy.

Những người viếng thăm khi bước vào bất cứ một masjid nào nên bước chân phải vào và cùng lúc đó đọc bài đu-a (cầu nguyện) như sau: "Bismilla wassola tu wassalam mu'alal Rasoulillah, a-uzubilla hil azim wa biwađhihil karim wa sultan nihil qođim minas shaiton nir rojim, Allohummaf tah ly ab wa'bur rohmatika."

Tạm dịch ý nghĩa: "Nhân danh Allah, tôi cầu xin sự tốt lành bình an cho Thiên Sứ của Ngài, và cầu xin từ Ngài Ðấng Cao Cả, Ðấng Rộng Lượng và Ðấng Uy Quyền trên hết tránh xa chúng tôi từ shaiton (kẻ đã bị Ngài nguyên rủa), xin Ngài mỡ rộng cánh cửa hồng phúc cho tôi."

Sau đó chúng ta solah hai rak'at Tahyatul masjid (chào masjid) và cầu xin (đu-a bằng tiếng mẹ đẽ) thật nhiều với Allah những gì liên quan đến cuộc sống trên trần gian nầy và Ngày Sau.

Tại masjid An-Nabawy, chúng ta nên vào phía trong masjid tại khoảng giữa có một Vườn Hoa gọi là « Rawđah » để solah tại đó càng tốt, vì Rasoul (saw) có nói : "Khoảng trống giữa nhà của Tôi và Mimbar (bục cao để đọc giảng thuyết) là một trong những rawđah (Vườn Hoa) trong thiên đàng". Sau khi solah xong hãy đến viếng thăm mộ của Rasoul (saw) và mộ của hai vị bạn hữu của Người là ông Abubakar (R) và ông Omar (R).

Khi đứng đối diện với ngôi mộ của Rasoul (saw) phải tỏ ra kính trọng và không được lớn tiếng khi salam cho Người, sự salam đó như sau: "Assalam mu alaika ya Rasoulluloh wa roh ma tullohi wabarakatu".

"Kính chúc phúc lành cho Người và cầu xin với Allah ban thật nhiều hồng phúc cho Người."

Ông Abi Hurairoh (R) thuật lại lời của Rasoul (saw) : "Những ai gởi salam cho Ta, Allah sẽ cho Ta đáp lại lời salam đó."

Theo bảng văn của hadith là : "Allah cho linh hồn trở lại thể xác của Rasoul (saw) để Người đáp lại, còn trở lại như thế nào đó là bí mật tuyệt đối và do sự Thông Lãm của Allah, không ai biết được." Hadith do Sunnan Abi Dawud ghi lại.

Sau khi salam xong, chúng ta nên cầu xin Allah ban hồng phúc cho Rasoul (saw) thật nhiều, sự salam đó đã được kinh Qur'an dẫn chứng như sau: "... Hỡi những ai có niềm tin ! Hãy chúc phúc cho Người (Muhammad) và chào Người bằng lời chào tốt lành..." Suroh 33: 56.

Kế tiếp là dời bước qua salam cho ông AbuBakar (R) và ông Omar (R) rồi cầu xin với Allah ban nhiều hồng phúc cho họ. Ngày xưa ông Abudulloh Ibnu Omar (R), khi đến salam cho Rasoul (saw) và hai vị bạn hữu nằm bên cạnh Người, ông chỉ nói như sau: "Assalam mualaika ya Rasoululloh, as salam mualaika ya Aba Bakar, Assalam mualaika ya aba tah."

Nghiã là: "Cầu sự bình an cho Thiên Sứ, cầu sự bình an cho ông Abubakar và cầu sự bình an cho người cha thân yêu của con". Ông chỉ nói bao nhiêu rồi đi. (Theo giáo luật, sự viếng thăm mộ chỉ được phép cho phái nam, còn phái nữ thì không được phép, hãy xem những hadith). Cho nên, hãy cảnh giác về sự viếng thăm mộ của phái nữ.

"Nhưng ngược lại những ai có ý định đến viếng thăm masjid An-Nabawy hoặc bất cứ masjid nào để solah và đu-a thì được phép cho tất cả hai phái và được hưởng giá trị của sự solah tại masjid Al Haram và masjid An-Nabawy như phần trên đã đề cập.

Theo sunnah, những người viếng thăm thành phố Madinah phải solah tập thể năm lần trong ngày đêm tại masjid An-Nabawy, sau đó solah An Nafil (tự nguyện) càng nhiều càng tốt, rồi zikir tôn vinh danh Allah và cầu nguyện (đu-a) thật nhiều để mong Allah chấp nhận và ban ân phước. Hơn nữa, nếu có thể chúng ta nên tìm đến Vườn Hoa (Rawđah) để solah như ý nghĩa hadith trên đã nói, vì đó là một trong những Vườn Hoa của thiên đàng sau này và khi solah xong nên nhường chổ cho những người khác đến solah, vì tại đây người viếng thăm rất đông.

Nhắc lại, khi chúng ta đến bất cứ masjid nào trên thế giới để solah, chúng ta nên cố gắng xếp hàng theo thứ tự, người đến trước đứng hàng đầu, sau khi đầy hàng và ngay ngắn thì đến hàng kế tiếp để cho những người đến sau nối tiếp theo hàng (đối với phái nam, còn phái nữ thì đứng đằng sau của phái nam), và luôn luôn xếp ngay hàng từ mặt sang trái, không được đứng riêng rẻ. Rasoul (saw) đã thường nhắc nhở đến bạn hữu của Người như sau: "Hãy bước lên cho đầy hàng đầu, để người đến trể vào hàng sau, nhưng rồi cũng có ngườì cứ đến solah trể để Allah xếp họ vào những người đến trể." Hadith do Muslim ghi lại.

Một hadith khác, bà Aysha (mẹ của những người tin tưởng) thuật lại lời của Rasoul (saw): "Còn có người đàn ông thường hay chậm trễ để không được xếp hàng đầu, vì sự chậm trể đó Allah sẽ phạt họ vào Lửa Ðịa Ngục." Hadith do Abu Dawud ghi lại. (Ý ở đây muốn nói về sự chểnh mảng trong sự solah).

Và có một hadith khác Rasoul (saw) đã nói với những bạn hữu của Người : "Tại sao các người không chịu xếp hàng ngay ngắn đầy đủ như những vị Thiên Thần xếp hàng trước Allah. Những vị bạn hữu hỏi: - Thưa Thiên Sứ những vị Thiên Thần họ xếp hàng như thế nào? Thiên Sứ trả lời: - Họ luôn luôn xếp hàng ngay ngắn, thẳng hàng, đầy đủ hàng thứ nhứt, rồi tiếp tục những hàng sau đó". Hadith do Muslim ghi lại.

Sau khi đứng salam cho Rasoul (saw) và hai vị bạn hữu của Người xong, chúng ta cũng không nên ở lại đó lâu mà phải nhường chỗ cho người khác. Khi đứng gần những ngôi mộ, không được phép hôn hay sờ mó bất cứ vật gì (vách tường rào hoặc đi vòng quanh như đi tawaf), và theo giáo luật Islam cũng không cho phép bất cứ người nào cầu xin (đu-a) với Nabi (saw), (hoặc cầu xin một ai khác ngoài Allah), dù là cầu xin bất cứ vấn đề gì (thí dụ như cầu xin cho lành bệnh, tránh tại nạn...) hoặc xin Rasoul (saw) can thiệp để đạt đến mục đích nào đó... những điều đó do con người đặt ra chớ không có trong giáo lý Islam, chúng ta nên tránh nếu không sẽ mang tội Bid'ah hoặc Shirk.

Tất cả những điều mong ước của con người chỉ được cầu xin thẳng đến Allah duy nhứt mà thôi. Những ai cầu xin từ người chết dù người đó là Nabi (saw), những vị hiền nhân hoặc một vị Waly nào đó, thì sẽ mang tội Shirk với Allah, vì tôn giáo Islam dựa vào hai tôn chỉ chánh là:

a- Không được thờ phượng ở tạo vật khác ngoài Ðấng Tạo Hóa (Allah).

b- Sự thờ phượng và sự hành đạo chỉ dựa vào những gì Allah và Thiên Sứ của Ngài cho phép.

Ðó là ý nghĩa của câu Shahada chỉ chấp nhận tôn thờ ở Allah Duy Nhứt và Muhammad là Thiên Sứ của Ngài. Vì vậy, con người không thể nhờ đến Rasoul (saw) làm trung gian can thiệp để cứu rổi. Việc đó chỉ có Allah Duy nhứt mới có quyền như Allah đã phán: "Hãy bảo họ: Mọi việc can thiệp đều thuộc về Allah cả." Suroh 39: 44.

Tất cả người đã chết, dù người đó là Nabi (saw), chúng ta không được nhờ người chết làm trung gian để cầu xin với Allah tha thứ cho họ hoặc cầu xin người chết giúp đỡ họ, đó là những điều cấm tuyệt đối trong Islam, vì người chết không còn ràng buộc với cuộc đời nầy, ngoại trừ những gì giáo lý đã giải thích như sau: Ông Abu Hurairoh (R) thuật lại lời của Nabi (saw) : "Một khi con người lìa trần, sự hành đạo của họ đã chấm dứt ngay tại đó ngoại trừ ba điều sau đây còn mang lại sự hữu ích cho họ đến Ngày Phán Xét:

1- Sự bố thí có tính cách trường cửu (xây cất trường học, viện mồ côi...).

2- Người có kiến thức và truyền lại sự hiểu biết đó cho người khác.

3- Có con đạo hạnh cầu xin với Allah cho cha mẹ chúng." Hadith do Muslim ghi lại.

Ngược lại, lúc Nabi (saw) và những bậc hiền nhân đạo hạnh còn tại thế, thì chúng ta có thể nhờ Nabi (saw) hoặc những bậc hiền nhân cầu xin (đu-a) với Allah cho chúng ta, (thí dụ: -Nhờ ông cầu xin với Allah cho tôi được bình an hoặc hết bệnh...), điều nầy Islam không cấm vì người mà chúng ta nhờ trung gian đó còn sống. Còn ở Ngày Sau, không ai được phép làm trung gian để can thiệp với Allah, ngoại trừ Rasoul (saw) hoặc sự cho phép của Allah, vì Qur'an đã phán như sau: "...Ai là người có thể can thiệp được với Allah nếu không có phép của Ngài ?" Suroh 2: 255.

Khi con người đã chết, họ đã bước sang thế giới khác, họ không còn ràng buộc với thế gian ngoại trừ những gì Islam nêu ra ở trên. Al Barzak (thế giới chờ đợi hay còn gọi là thế giới của người chết), đối với Nabi (saw) thật hoàn hảo, tốt lành hơn những người đã tử vì đạo. Tuy nhiên nó không giống như thế giới của trần gian, cũng như không giống với thế giới của Ngày Sau (sau khi Phục Sinh). Ðó là thế giới huyền bí, không một ai hiểu được sự thật như thế nào, ngoại trừ Allah, Ðấng Vinh Quang và Cao Cả.

Qua bằng chứng từ kinh Qur'an và Sunnah, sau cái chết có cuộc sống gọi là Al Barzak như Allah đã phán với ý nghĩa như sau: "Và chớ nghĩ rằng những ai hy sinh vì Chính Nghĩa của Allah đã chết. Không, họ vẫn còn sống với Rabb của họ và được cung dưỡng đầy đủ." Suroh 3: 169.

Vấn đề cầu xin từ người chết, chúng tôi chỉ nêu lên một cách khái lược để độc giả hiểu phần nào mà cảnh giác đừng cầu xin từ người chết, vì đó là tội shirk với Allah... Cầu xin Allah ban sự bình an và tránh xa cho chúng ta khỏi vấp phải điều nầy.

Có một số người khi dừng chân trước ngôi mộ của Nabi (saw), họ đứng lại đó thật lâu, họ nói salam lớn tiếng với Người, sau đó đu-a cũng lớn tiếng, đây cũng là điều giáo lý Islam không cho phép. Vì Ðấng Vinh Quang, Cao Cả đã cấm tín đồ của Nabi (saw) không đuợc nói lớn tiếng hơn tiếng nói của Nabi (saw) giống như các ngươi nói chuyện và kêu gọi nhau. Qua lời phán của Ngài như sau: "Hỡi những ai có niềm tin ! Chớ tiền khởi sự trước mặt Allah và Sứ Giả của Ngài. Và hãy sợ Allah. Quả thật, Allah Hằng Nghe và Hằng Biết (mọi việc). Hỡi những ai có niềm tin! Chớ cất giọng nói của các người cao hơn giọng nói của Nabi (Muhamad) và chớ nói lớn tiếng khi nói chuyện với Người, giống như việc các người thường nói lớn tiếng với nhau, sợ rằng việc làm của các người sẽ trở thành vô nghĩa trong lúc các người không nhận thấy điều đó." Suroh 49: 2-3.

Chúng ta cũng không nên ở lại lâu trước mộ của Người, vì số người càng lúc càng đông, do đó sau khi salam xong chúng ta nên nhường chổ cho người khác để tránh cảnh chen lấn, xô đẩy và gây ra những tiếng ồn ào trước mộ của Người. Chúng ta phải kính trọng Người dù lúc Người còn sống cũng như lúc Người đã lìa trần.

Hơn nữa, một sự chú ý khác là chúng ta thường thấy một nhóm người đứng đối diện với ngôi mộ của Rasoul (saw) đưa hai tay lên để cầu xin (dù biết rằng họ đu-a với Allah). Về vấn đề nầy để tránh những sự ngộ nhận những vị bạn hữu (Sohabah) của Người nhắc nhở chúng ta nên đu-a hướng về Kab'ah không nên hướng về những ngôi mộ, vì Nabi (saw) có nói với ý nghĩa: "Các người hãy noi theo sunnah (cách hành đạo) của Ta, cũng như của những vị Al Khulafa Ar Rosidine (bốn vị Khulafa) và những bạn hữu của Ta. Sau đó, hãy nắm vững luật lệ một cách chặc chẻ mà đi theo. Các người hãy cảnh giác những gì mới mẻ thêm vào, bởi vì những gì thêm vào là Biđ'ah, tất cả những điều Biđ'ah là lạc lầm." Hadith do Abu Dawud, An Nasha-y thuật lại.

Hadith khác Rasoul (saw) có nói: "Những ai đem (tạo ra) những gì mới mẻ không phải do Ta đưa ra đều bị bát bỏ." Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại.

Riêng Muslim ghi lại hadith khác như sau: "Những ai hành đạo không do Ta đưa ra đều bị bát bỏ."

Ông Aly Ibnu Al Hussien Ibnu Zainul Abidine (R) thấy có người đứng trước mộ của Nabi (saw) đu-a, ông ta ngăn cản và nói: -Tôi sẽ nói cho ông nghe những gì tôi nghe ba tôi thuật lại từ ông nội tôi đã nghe Nabi (saw) nói như sau: "Ðừng tạo ngôi mộ của Ta thành nơi thờ phượng, và đừng tạo nhà cửa của các người thành nghĩa trang, hãy salawat cho Ta (dù ở bất cứ nơi đâu) nó đều đến với Ta." Hadith do ông Al Hafis ibnu Abdulwahid Al Muqodasy ghi lại trong Kitab Ahhadith Al Mukhtar.

Theo lời thuật lại của ông Al Hafif Ibnu Hajar (R) thì có một số người khi đứng trước ngôi mộ của Rasoul (saw) tỏ vẻ khúm núm, hai tay khoanh lại như tư thế đứng solah, hoặc cúi đầu chào như tư thế rukua (gập mình xuống), thì những tư thế nầy không được phép, vì những tư thế solah chỉ dành riêng cho Allah mà thôi, ngay cả Rasoul (saw) cũng không được phép, cho nên chúng ta phải thận trọng mà noi theo gương của những vị Sohabah và Ulama (học giả Islam)...

Ông Imam Malik (R) thường phản đối những việc làm mang tính cách bid'ah, nên ông đã nói: "Những người của thế hệ sau, không thể nắm vững và đúng thật hơn thế hệ trước của họ." Có nghĩa là những người của thế hệ trước học hỏi và nắm vững giáo lý chắc chắn hơn những thế hệ sau nầy, vì những người ở thế hệ trước (những vị Khulafa Ar Roshidine và những vị Sohabah) đã từng sống gần với Nabi (Saw), nên những sự hành đạo của họ vững chắc hơn thế hệ sau. Hy vọng nơi Allah sẽ ban sự hiểu biết chân thật cho những người muslim để tạo hành trình đi đến sự thành công ở trên đời nầy cũng như Ngày Sau, Allah là Ðấng Hằng Tha Thứ và Từ Bi Bác Ái.

Lưu ý: Sự viếng thăm mộ của Nabi (saw) là sự tự nguyện (Mustahab), không phải là sự bắt buộc (wajib) cho những người thi hành Hajj và cũng không nằm trong điều kiện (shartan) để thi hành hajj mà có một số người cho đó là điều bắt buộc. Những ai có dịp đến viếng thăm masjid An-Nabawy và những ai sinh sống gần đó nếu có thể ghé qua để salam Người, đó là sự tự nguyện.

Còn đối với những người ở xa thành phố Madinah, họ không được phép định tâm đến Madinah với mục đích viếng thăm mộ của Nabi (saw), mà họ phải định tâm đến viếng thăm masjid An-Nabawy luôn tiện họ đến mộ của Nabi (saw) và mộ của hai vị bạn hữu của Người để salam, hai mục đích này hoàn toàn khác nhau, còn cách thức viếng thăm mộ thì đã được trình bày ở phần trên.

Vì mục đích viếng thăm masjid tốt hơn đi du hành những nơi khác, cho nên Rasoul (saw) có khuyên chúng ta như sau: "Không nên đi du hành để viếng thăm những nơi không có lợi ích, tốt hơn là nên viếng thăm ba ngôi masjid, đó là Masjid Al Haram (Mecca), masjid của Ta (An Nabawy) và masjid Al Aqsar (Jérusalem)." Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại.

Nếu như sự du hành với định tâm viếng thăm mộ của Nabi (saw) hoặc những ngôi mộ khác là sự bắt buộc trong Islam, thì Rasoul (saw) sẽ không quên giáo huấn cho chúng ta, Người (saw) luôn đem lại những sự hữu ích tốt lành cho cộng đồng, lúc nào Người (saw) cũng lo sợ cho cộng đồng vấp phải tội shirk với Allah, cho nên không có dẩn chứng nào cho thấy Rasoul (saw) khuyên chúng ta làm những điều đó...

Trong bao nhiêu năm tại thế trên con đường đạo pháp của Người (saw), Rasoul (saw) đã hướng dẩn cho cộng đồng của Người (saw) không còn thiếu điều gì cả, cho nên chúng ta phải phải thận trọng tìm xem những hadith đúng thật, còn những hadith có tính cách không trung thực (Do-if, Mauđoa) thì những vị Sohabah hay những vị Ulama đã loại bỏ. Bởi vì, những vị Sohabah (bạn hữu của Người) là những người lúc nào cũng gần gủi Rasoul (saw) và họ áp dụng giáo lý đúng thật nhứt mà họ đã học hỏi được từ Vị Thầy Khả Kính của nhân loại.

Đã đến thành phố Madinah và đã đến viếng thăm masjid An-Nabawy thì cũng đừng quên viếng thăm núi Uhud, tại đây là nơi chiến tích mang tích cách lịch sử của Islam, và hiện có một nghĩa trang cho những người tử vì đạo trong đó có ông Hamzah ®.

Kế tiếp chúng ta cũng đừng bỏ lỡ cơ hội đến thăm masjid Quba. Trước khi đến masjid Quba chúng ta nên lấy nước Wuđu ở nhà (theo sunnah), khi đến đó nên solah hai rak'at sunnah. Qua hadith của ông Ibnu Omar (R) thuật lại: "Ngày xưa Rasoul (saw) thường đến thăm masjid Quba, có khi Người đi bộ, có khi thì cởi ngựa, và solah hai rak'at tại đó." Hadith do Al Bukhory và Muslim ghi lại.

Hadith của ông Sahal Ibnu Huzaifa (R) thuật lại từ Rasoul (saw): "Những ai tẩy sạch (lấy nước solah) từ nhà rồi đến solah tại masjid Quba, thì phước đó giống như làm Umroh".

Sau cùng, chúng ta cũng nên viếng thăm nghĩa trang Al Bakia'u, nghĩa trang nầy cách masjid An-Nabawy không xa, tại đây có những ngôi mộ của các người vợ của Thiên-sứ (saw), những vị Sohabah và những vị tử vì đạo...

Bởi vì Rasoul (saw) thường đến viếng thăm và cầu xin với Allah cho họ, qua lời khuyên của Người như sau: "Hãy viếng thăm mộ, nhờ đó nhắc nhở các người về Ngày Sau." Hadith do Muslim thuật lại.

Ngày xưa Rasoul (saw) có dạy những bạn hữu của Người khi viếng thăm mộ nên đọc đu-a như sau: "Assalam mu-alaikum ahluđ điyar minal moaminine wal muslimine, wa Inna Insha Allah bikhum la hikune". Ý nghĩa là: "Cầu xin sự bình an đến với các vị, những người của thế giới bên kia, những người moamine (có đức tin), những người muslim, và Insha-Allah chúng tôi sẽ là những người nối gót quí vị". Hadith do ông Sulayman ibnu Yazid thuật lại, được Muslim ghi lại.

Ông Ibnu Abbas (R) thuật lại có lần Rasoul (saw) đi ngang qua những ngôi mộ ở Madinah, Người dừng bước và thay đổi sắc diện nói: "Assalam mualaikum ya ahlul qubur, yag-firulloh hu la na wa lakum, an tum salafna wa nah nu bikum la hikun." (Cầu sự bình an cho những người trong ngôi mộ, xin Allah tha thứ cho chúng tôi và cho các vị, các vị là những người đi trước, chúng tôi là những người sẽ đi sau). Hadith do At Tirmizy ghi lại.

Trên đây là những Al-hadith dẫn chứng về cách viếng thăm những ngôi mộ theo giáo lý Islam giáo huấn, mục đích của cuộc viếng thăm là nhắc nhở chúng ta về Ngày Sau và tỏ lòng thương sót với những người quá cố qua sự cầu nguyện của chúng ta cho họ. Ngược lại, sự viếng thăm với mục đích để cầu xin người chết phù hộ cho chúng ta hay nhờ họ làm trung gian với Allah cho chúng ta hoặc ở bên cạnh ngôi mộ hằng giờ hay cả ngày để cầu nguyện và đọc kinh Qur'an đó là những điều Islam không cho phép, vì đó là những điều làm thêm (biđ'ah) mới xuất hiện sau nầy.

Bởi vì Rasoul (saw), những bạn hữu (Sohabah) của Người và những vị học giả (Ulama) không ai làm, vì Rasoul (saw) có nói: "Hãy viếng thăm mộ, nhưng không được nói những gì không được phép." Có nghĩa là chỉ đuợc salam thầm với người quá cố và hướng về Kab'ah cầu xin (đu-a) với Allah tha thứ cho họ. Chớ không được cầu xin từ họ, bởi đó là con đường phản lại Allah sẽ đưa đến tội shirk, vì đó là trọng tội mà con người đưa người chết ngang hàng với Allah. Cầu xin Allah ban cho chúng ta sự hiểu biết đúng thật, và việc làm chân thành dựa vào bằng chứng cụ thể từ Qur'an và Sunnah của Nabi (saw). Hy vọng sẽ đem lại sự hữu ích cho tất cả chúng ta. Cầu xin Allah ban sự bình an, tốt lành cho Thiên Sứ, cùng gia quyến, bạn hữu của Người và những người noi theo cho đến ngày cuối cùng. Amine.

Do ABDOULLOH chuyển ngữ từ sách "Sự giải thích rõ ràng về những giáo điều liên quan đến Hajj, Umroh và sự viếng thăm, dựa theo Qur'an và Sunnah của Rasoul (saw)". Do cố Mafty Shiek Ben Baz biên soạn.


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
LÒNG TAQWA SAU RAMADAN 25.05.2020 10:51
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 902 Tổng lượt truy cập 2980346