-Chân Lý Islam | baiviet | CỘNG ĐỒNG ĐÓ ĐÂY | ĐIỂM BÁO: ÔNG MOHA MÁCH - 9 NĂM DẠY CHỮ CHĂM KHÔNG LƯƠNG
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
ĐIỂM BÁO: ÔNG MOHA MÁCH - 9 NĂM DẠY CHỮ CHĂM KHÔNG LƯƠNG
14.10.2016 13:07 - đã xem : 2305
_VIEWIMG

Đã bước sang tuổi 60, cái tuổi đáng ra phải nghỉ ngơi nhưng ông Moha Mách vẫn dốc hết tâm trí, sức lực để duy trì lớp dạy chữ Chăm cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số Chăm đang sinh sống tại TX.Dĩ An. 9 năm liền dạy chữ không lương, phần thưởng lớn nhất đối với ông đó là thấy con cháu chăm ngoan, biết giữ gìn bản sắc dân tộc và sống có đạo đức.


“Chinh phục” chữ Chăm

Đến khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, TX.Dĩ An hỏi thăm ông Moha Mách, mọi người đều dành cho ông những lời khen ngợi. Ông không chỉ là người thầy “bất đắc dĩ” mà còn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm, luôn giáo dục con cháu sống đạo đức, chấp hành pháp luật.

Trong căn nhà cũ kỹ, phòng khách được ông sửa sang trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo của người Chăm tại Dĩ An và là nơi dạy học. Trên tường, hai tấm bảng dạy chữ Chăm vẫn còn in đậm nét chữ của người thầy “bất đắc dĩ” này. Nhìn xuống một góc nhà, điều chúng tôi chú ý đó là những kệ sách cùng hàng chục cuốn sách tiếng Chăm được ông xếp gọn gàng phục vụ cho lớp học. Hình ảnh đó đã phần nào thể hiện cái “tâm” của một “già làng” mong muốn truyền trao chữ viết cho con cháu mai sau.

Tâm sự về cuộc đời mình, ông Mách bộc bạch, ông sinh ra tại quận 6, rồi về sau gia đình chuyển sang sống tại cầu Thị Nghè (TP.Hồ Chí Minh) nơi có đông người Chăm di cư từ An Giang lên lập nghiệp. Học xong lớp 6 bằng tiếng phổ thông (tiếng Việt), ông về thánh đường ở Châu Đốc (An Giang) học thêm 6 năm tiếng Chăm. Học xong, ông trở về sống với gia đình tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Năm 1978, ông đến xã Bình An, Bình Dương (nay là phường Bình An) xin việc làm và lập gia đình tại đây. Vợ ông cũng là người Chăm theo cha mẹ mưu sinh tại Bình Dương.

Theo ông Mách, lúc nhỏ đi học tiếng Việt nhưng thâm tâm ông luôn muốn học chữ Chăm để có thể đọc và hiểu Kinh Koran. Đặc biệt là dạy lại con cháu trong nhà để không đánh mất tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc. Từ ý niệm đó, ông được cha mẹ cho theo học chữ Chăm. “Ban đầu học khó lắm, chữ viết ngoằn ngoèo. Thế nhưng sau một thời gian học mình lại thích và cố gắng học cho hết cái chữ của dân tộc mình”, ông Mách nói.

Người thầy “bất đắc dĩ”

Ông Phạm Thanh Phong, Phó ban chỉ đạo công tác tôn giáo - dân tộc phường Bình An: Khi mở lớp, ông Mách có báo cáo với phường về hoạt động của lớp học. Lớp học này giúp con em người Chăm tự lưu giữ chữ viết, bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ông Mách cũng là “cánh tay” hỗ trợ đắc lực nhất của chúng tôi trong việc vận động người Chăm sống theo pháp luật, nỗ lực xây dựng quê hương Bình An thêm giàu đẹp.

 

Sống tại mảnh đất Bình An nơi có hơn 20 hộ với khoảng 150 nhân khẩu là người Chăm, trong đó có rất nhiều con em người Chăm không biết chữ Chăm đã thôi thúc ông trở thành người thầy “bất đắc dĩ”.

Ông Mách khiêm tốn kể: “Các cháu người Chăm ở Bình An hầu hết đều được đi học nhưng chỉ được học tiếng phổ thông, không được học tiếng Chăm. Mình biết tiếng Chăm nên dạy cho các cháu thứ tiếng của dân tộc mình. Nếu mình không dạy, các cháu chỉ biết nói mà đâu biết cái mặt chữ. Tiếng là thầy nhưng chỉ là người biết dạy cho người không biết thôi!”.

Từ tâm niệm đi đến thực hiện, ông Mách dọn dẹp phòng khách gia đình, mua phấn, bảng để bắt đầu dạy học. Ban đầu, ông dạy cho con cháu trong gia tộc, sau đó đến từng nhà vận động cha mẹ là người Chăm tại Bình An đưa con em đến lớp. Thấy việc làm ý nghĩa của ông, con em người Chăm trong phường Bình An nói riêng, TX.Dĩ An nói chung rủ nhau đến học ngày một đông. Qua 9 năm dạy chữ Chăm, ông Mách tự hào khoe: “Giờ con em người Chăm ở Bình An, hay sinh sống ở các phường trong TX. Dĩ An đều đã biết đọc, biết viết chữ Chăm. Đó là niềm vui lớn nhất đối với mình”.

Theo học chữ Chăm với ông Mách được 2 năm, em Chali Há (21 tuổi) đã có thể đọc được, viết được. Chali Há nói, em sinh ra tại Bình Dương nên chỉ nghe ba mẹ, anh chị nói tiếng Chăm chứ không biết viết. Một lần đi tham quan các ngôi chùa người Chăm ở An Giang, em đã bị lạc vì không hiểu bảng hướng dẫn trong chùa viết gì. Em cảm thấy rất xấu hổ vì là người Chăm mà không biết chữ của dân tộc mình. Từ đó, em xin đi học lớp thầy Mách để không còn cảnh chữ biết mình chứ mình không biết chữ.

Lớp học này không những dạy chữ mà còn là nơi “thắp sáng”, định hướng ước mơ cho người Chăm. Đồng thời vun đắp đạo lý, đạo đức làm người để con cháu người Chăm khi lớn lên có thể trở thành một người con ngoan, người con ưu tú, người có ích cho xã hội. Cũng từ những “vun bón” đạo lý ban đầu mà con em người Chăm tại Bình An luôn sống đúng pháp luật, nỗ lực học tập để có công ăn việc làm ổn định.

Anh Sa Liêm, học trò ông Mách tâm sự, anh hiện đang là tài xế taxi Minh Giang. Nhờ thầy truyền trao đạo lý mà bản thân anh đã “ngộ” ra nhiều điều trong cuộc sống, đó là phải biết yêu thương, quan tâm lẫn nhau. Khi mình đem niềm vui cho người khác sẽ nhận lại những điều may mắn, hạnh phúc, vui tươi; bản thân sống có đạo đức các con sẽ học theo, hàng xóm yêu thương. Ngoài ra, trong công việc có trách nhiệm sẽ dễ thăng tiến, được trọng dụng, đồng nghiệp giúp đỡ.

Sau một buổi dự khán lớp học, trên đường trở về chúng tôi nhớ mãi lời ông Mách nói: “Dạy học không chỉ dạy đọc, dạy viết mà còn phải dạy đạo lý làm người cho các cháu, bởi mọi người ai cũng biết “Tiên học lễ, hậu học văn”, phải biết đạo lý con người mới cố gắng vươn lên và trở thành người tốt”.

Qua 9 năm dạy chữ, hầu hết con em người Chăm tại Dĩ An đã biết đọc, biết viết chữ Chăm. Thế hệ trước lại dạy chữ cho thế hệ sau nên lớp của thầy cũng ít học trò. Thế nhưng, theo thầy dù có một, hai em chưa biết đọc, viết chữ Chăm cũng phải dạy. Phải dạy thường xuyên, đều đặn để tất cả con em người Chăm biết đọc, viết, từ đó góp sức lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Chăm.

 

THIÊN LÝ 

theo Báo Bình Dương Online cập nhật ngày 12.10.2016


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 2725 Tổng lượt truy cập 3157728