-Chân Lý Islam | baiviet | CỘNG ĐỒNG ĐÓ ĐÂY | GIỚI THIỆU GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU CỦA CỘNG ĐỒNG MUSLIM NÓI TIẾNG VIỆT
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
GIỚI THIỆU GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU CỦA CỘNG ĐỒNG MUSLIM NÓI TIẾNG VIỆT
08.04.2008 02:13 - đã xem : 3029
_VIEWIMG
CLI : Trong những người thuộc viện trí thức của người Muslim nói tiếng Việt, chúng ta không thể không nêu lên một vài gương mặt tiêu biểu để con cháu chúng ta noi gương và học hỏi. Hôm nay, chanlyislam xin đăng một bài ‘ký sự’ của một nhà báo người Việt đang sống tại hãi ngoại nói về một nhà văn « Người Việt gốc Champa » đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Đó là ông Dohamide Abu Talib tự là Đổ Hải Minh. Cầu xin Allah ban cho ông được nhiều sức khỏe, amine.

Dohamide Abu Talib (tên việt Đổ Hải Minh) sanh năm 1934 tại Katambong, Châu phú, Châu đốc, Tỉnh An Giang, Việt Nam. Tốt nghiệp ‘Học viện quốc gia hành chánh’, Sàigòn năm 1963. ‘M.A. về chính trị học’, Đại học đường Kansas, Hoa kỳ năm 1967. Nguyên Đại biểu Muslim Việt Nam tại Hội nghị Islam các nước Đông Nam Á và Viễn Đông tại Kuala Lumpur, Malaysia vào năm 1964. Hội nghị Liên minh Muslim Thế giới tại Thánh địa Makkah, Arabie Saudi vào năm 1974.

Ông đã biên dịch nhiều sách cho « Tủ sách tìm hiểu Islam » như sau :

-         Sự nghiệp Nabi Muhammad (saw): 2 quyển

-         Thân trạng người phụ nữ trong Islam.

-         Đạo Islam (Đức tin và ứng dụng)

-         Tawhid (Căn bản đức tin của Islam)

-         Nabi (saw): Các mô hình lý tưởng của nhân loại.

-         Ulum al Qur’an

-         Và nhiều sách khác…

Sau đây là bài ‘Kí sự’ của nhà văn kiêm nhà báo Nguyễn Trọng như sau :

Bài học hội nhập của một nhà văn gốc Chăm

Dohamide, tên Việt là Đỗ Hải Minh, là một người Việt gốc Champa khác thường. Trong cuốn sách “Bangsa Champa, Tìm Về Một Cõi Nguồn Cách Xa” mà người viết đã căn cứ vào đó để thực hiện bài này, ông đã cho biết nhiều nét đặc sắc trong đời mình nó đã tạo ra một con người “khác thường” như ông. Những điều “khác thường đó” như sau:

* Ông là một nhà văn người Việt gốc Chăm, hiện đang cư ngụ tại Cali. Bút hiệu của ông là Đỗ Hải Minh, thoạt nghe tưởng đâu ông là người Việt nhưng nếu “tìm về một cõi nguồn xa cách”, ông là người Việt gốc Chăm. Trường hợp người Việt gốc Chăm của ông làm chúng ta nhớ lại hai nghệ sĩ nổi tiếng cùng là người Việt gốc Chăm: ca sĩ Chế Linh và nhà soạn nhạc Từ Công Phụng.

* Ông không sinh trưởng ở Miền Trung, như đa số người Chăm mà sinh trưởng ở một cộng đồng Champa khép kín, trong một cù lao nhỏ và hẻo lánh vùng quê Châu Đốc. Tuy tuổi đời nay đã ngoài “thất thập cổ lai hy”, ông đã bắt đầu cuộc đời bằng những suy nghĩ bảo thủ và nghiêm khắc của một tín đồ Hồi giáo cổ xưa, không “cải cách” để đi tới chỗ “quá khích” như một vài nhóm Hồi giáo hiện nay đang làm đảo lộn thời cuộc ở Trung Đông và trên thế giới. Trường hợp tôn giáo của ông làm tôi nhớ lại cảnh thanh bình và ôn hòa của những người theo Hồi giáo ở Mã Lai, Indonesia là những quốc gia nơi tôi làm nghề ký giả trong thời gian dài năm năm.

* Tôi đã nói chuyện với ông bằng tiếng Việt và đã đọc sách của ông. Ông nói tiếng Việt lưu loát như người Việt và ông viết tiếng Việt với một lối hành văn rõ ràng, dễ hiểu, đôi khi còn bay bướm và hơi “kỳ bí” như hình ảnh những tháp Chăm “kỳ bí” còn in sâu trong tâm hồn ông từ thuở mới mở mắt chào đời. Tôi không có ý “ca ngợi” ông, tôi chỉ bầy tỏ sự ngạc nhiên thích thú của mình khi đối thoại bằng miệng và bằng mắt với một nhà văn không cùng một nguồn gốc như tôi, không cùng một nếp sống, một tôn giáo và phong tục tập quán ngàn đời lưu luyến như tôi, và các bạn đang đọc bài này.

* Nhà văn Dohamide và em ruột là Dorohiêm, đồng tác giả của cuốn sách nói trên, không nói tiếng Việt trong gia đình và thôn xóm mà nói tiếng Chăm, học tiếng Chăm được viết theo mẫu tự La Tinh, như trường hợp chữ quốc ngữ của người Việt chúng ta. Ông Dohamide còn cho biết hầu như tất cả các bạn học người Chăm của ông đều nghỉ học khi hoàn tất lớp cuối cùng trong làng, họ bị ám ảnh trong mặc cảm e sợ jưng yuôn (thành người Việt), phần lớn các bậc cha mẹ đều ngại, khi con cái lên học trường tỉnh, thì sẽ sống theo người Việt, không còn theo nề nếp của xóm làng, nặng về tín ngưỡng Islam, trong đó có một số kiêng cữ rất nghiêm ngặt, như tuyệt đối cấm (harăm) ăn thịt heo, cấm uống rượu, cấm trai gái vụng trộm ngoại hôn nhân... Thực tế hơn nữa, đàn ông lớn bé đều cạo đầu và khi tham gia sanh hoạt trong làng thì đều đội mũ bằng nỉ màu đen, còn người lớn thì đội mũ trắng. Ông còn cho biết những ai đi phương xa làm ăn buôn bán, khi trở về làng xưa xóm cũ mà để tóc dài hay theo phong cách phóng túng thì bị dân làng đàm tiếu, có khi còn lên án thậm tệ. Thế mới biết, người Việt gốc Chăm trung thành gắn bó với truyền thống tín ngưỡng và lối ăn mặc của cha ông có lẽ còn hơn nhiều người Việt chúng ta. Điều này cũng dễ hiểu mà thôi: vì là một thiểu số đang mất dần “căn cước” của mình trong khối người Việt đông đảo cho nên người Chăm gốc Việt càng phải bám víu vào những phong tục tập quán cổ truyền để khỏi bị đồng hóa và đôi lúc có thể bị coi là quá dễ dàng có mới nới cũ.

* Nhưng ông Dohamide và một số người Việt gốc Chăm khác không nghĩ như vậy. Họ không “có mới nới cũ” mà đã hội nhập vào “cái mới”, tức hội nhập vào văn hóa và nếp sống người Việt mà vẫn giữ gìn trọn vẹn hay trân quý nguồn gốc dân tộc và nền văn hóa ngàn đời của dân tộc mình. Trường hợp những người Chăm hội nhập vào nếp sống và văn hóa người Việt ở trong nước cũng như ở hải ngoại làm chúng ta nhớ tới sự hội nhập nhanh chóng của hàng triệu người Việt di tản vào nền văn hóa và nếp sống của người Mỹ nhưng vẫn nhớ về cố hương với tất cả tấm lòng lưu luyến nhung nhớ. Vì vậy, để chứng tỏ tấm lòng nhung nhớ và lưu luyến này, hàng triệu người Việt hải ngoại đã về thăm nhà dù cho “chúng ta đi mang theo quê hương” như tựa đề của cuốn video Thúy Nga Paris số 49 đã diễn tả một cách rất sâu sắc, người hải ngoại nay không còn đi mang theo quê hương mà họ đã đặt chân trở lại quê hương ngàn trùng xa cách để cảm thấy tâm hồn mình không còn xa cách quê hương nữa...

* Vì muốn hội nhập vào nếp sống và văn hóa Việt, nhận nước Việt là quê hương thứ hai của mình, cho nên ông Dohamide đã lên tỉnh học, đã tốt nghiệp Thủ khoa Ban Cao nguyên (1958) và sau đó tốt nghiệp Ban Hành chánh, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (1963).

* Và sau đây là nét độc đáo của một nhà văn Việt gốc Chăm đã từng cộng tác với tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông đã từng là người sáng lập Hiệp hội Chăm Hồi giáo Việt Nam (1959) và với tư cách này, đã được cố Thủ Tướng Mã Lai là Tungku Abdul Rahman tiếp kiến. Sau đó, khi qua Mỹ du học về chánh trị, ông cũng đã được cố Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman tiếp kiến với tư cách là đại biểu sinh viên Việt Nam cùng với đại biểu của các sinh viên nhiều quốc gia khác tại một khách sạn sang trọng ở Kansas, nơi ông đang theo học và cũng là nơi cố Tổng thống tới thăm. Theo ông tường thuật trong sách thì ông đã gửi lời chào mừng cố Tổng thống bằng tiếng Việt và như có một bản năng chợt đến, ông còn nói thêm rằng mình là “gốc Chăm”.

Nói một cách tổng quát và ngắn gọn, một người Việt như nhà văn Đỗ Hải Minh không phải là lúc nào, thời nào cũng dễ tìm thấy. Hơn nữa, ông còn tự xưng một cách tự hào mình là người Việt gốc Chăm thì đó là một hiện tượng hiếm có, đáng cho nhiều người Việt biết tới và quan tâm. Bài này được viết theo chiều hướng đó vì giữa người viết và nhà văn Đỗ Hải Minh không hề có sự quen biết từ trước. Một người bạn của người viết, cùng tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh như ông Dohamide đã giới thiệu người viết với nhà văn này. Một người viết báo chuyên nghiệp, thấy có gì khác lạ và khác thường đều cho mình cảm hứng viết thành bài, chỉ có vậy mà thôi.

Trong khi nhà văn Đỗ Hải Minh, cùng với đa số người Chăm khác, đã vui vẻ và tự mãn hội nhập vào nền văn hóa và nếp sống của người Việt thì cũng có một thiểu số người Chăm khác không muốn hội nhập như vậy. Viết tới đây, người viết xin mượn lời Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, Chủ tịch Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, Hoa Kỳ để nói rõ thêm vì chính ông Tiến sĩ này đã phát biểu trong buổi lễ ra mắt sách cuốn “ Bangsa Champa, Tìm Về Một Cội Nguồn Xa Cách” tại Phòng họp Nhựt báo Người Việt ngày 8/1/2005, như sau:

« Nhưng điều quan trọng hơn hết là do một số “chính sách ẩn tàng” của các nước từ bên ngoài, có ý định muốn mang ảnh hưởng của một loại đế quốc mới xen vào nội tình dân tộc Champa để tạo áp lực và có thể khuynh đảo trong tương lai ».

Cộng đồng người Chăm tại Hoa Kỳ

Có lẽ rất ít người Việt chúng ta biết tới hay có biết mà không quan tâm tìm hiểu về các cộng đồng người Chăm ở Hoa Kỳ. Nhà văn Đỗ Hải Minh không cho biết con số người Chăm hiện cư ngụ ở Hoa Kỳ là bao nhiêu người mà chỉ cho biết mỗi cộng đồng có bao nhiêu gia đình. Ông viết nguyên văn:

“Ngoại trừ một vài trường hợp sống rải rác ở các thành phố, người Chăm Muslim định cư tại Hoa Kỳ thường tập trung từng nhóm, xây dựng thành những cộng đồng riêng biệt với dân số không đồng đều. Hiện chưa có thống kê dân số chánh thức, nhưng theo ghi nhận do các jama’ah cung ứng thì:

- Người Chăm Kampuchea lập thành Jama’ah chủ yếu ở Olympia, tiểu bang Washington, 30 gia đình, ở Santa Ana, Nam California (130 gia đình);

- Người Chăm Phan Rang theo Islam kết hợp với một số người Chăm Châu Đốc lập thành Jama’ah San José, bắc California (40 gia đình).

- Người Chăm Châu Đốc xây dựng được các Jama’ah:

1) Seattle, tiểu bang Washington (300 gia đình);

2) San Francisco, Bắc California (20 gia đình);

3) Sacramento, Bắc California (50 gia đình);

4) Pomona, Nam California (15 gia đình);

5) Fullerton, Nam California (35 gia đình);

6) Harrisburg, tiểu bang Pennsylvania (25 gia đình).

- Người Chăm Muslim Phan Rang đã xây dựng được Jama’ah San José.

Cũng như tại quê nhà, đứng đầu mỗi Jama’ah trông coi việc đạo, có một chức sắc gọi là Hakim gắn liền với sinh hoạt của giáo đường (masjid).

Để tạo căn bản pháp lý trong hoạt động và hợp lệ về mặt tài chánh thuế khóa với chánh quyền Hoa Kỳ, các Jama’ah Chăm Muslim thường được tổ chức thành các Hội theo quy chế bất vụ lợi (Non-profit organization) với những danh hiệu khác nhau.

Nhà văn Nguyễn Trọng


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 148 Tổng lượt truy cập 2981224