-Chân Lý Islam | baiviet | CỘNG ĐỒNG ĐÓ ĐÂY | HARRISBURG, THỦ ĐÔ MIỀN ĐÔNG BẮC!!!
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
HARRISBURG, THỦ ĐÔ MIỀN ĐÔNG BẮC!!!
22.11.2007 02:47 - đã xem : 3678
_VIEWIMG
"Harrisburg Thủ Đô miền đông bắc" chỉ vỏn vẹn vài gia đình người CHĂM, và sau những năm dài hoạt động, môt số gia đình người Chăm từ các địa phương khác chuyển về nơi mà chúng tôi đang sống. Kể từ đó cứ mỗi năm đến tháng Ramadan hay các hội hè, tuy chẳng ai mời nhưng tất cả mọi người đều đến để chúc lành thăm hỏi…

H ướng về Đông Bắc Thủ Đô,

A  llah Phước Độ phẩm người nơi đây.

R  ạng đông cầu nguyện giãi bày,

R  ộng lòng thương sót nỗi niềm bày Tôi.

I   n sâu lòng thắm phiền côi,

S  ống đây mai đó mọi miền tha phương.

B  ằng tình đồng cảnh luyến thương,

U  ng dung Jum-Ah tuyến đường từ đây.

R  ủ lòng thương sót mây bay,

G  om góp tâm niệm trọn tình đồng hương.

(Đọc HARRISBURG phía bên trái câu thơ từ trên xuống dưới)

Bước đầu gom góp, nguyện cầu, cùng mời gọi như bài thơ trên, "Harrisburg Thủ Đô miền đông bắc" chỉ vỏn vẹn vài gia đình người  CHĂM, và sau những năm dài hoạt động, một số gia đình người Chăm từ các địa phương khác chuyển về nơi mà chúng tôi đang sống. Kể từ đó cứ mỗi năm đến tháng Ramadan hay các hội hè, tuy chẳng ai mời nhưng tất cả mọi người đều đến để chúc lành thăm hỏi… "Chuyện hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai…" chuyện trò không ngớt mà chẳng ai muốn chia tay…

Vì Allah có Phán : "Hãy có một cộng đồng trong các ngươi, chủ trương những gì tốt lành, đòi hỏi những gì phải lẽ, và trừ triệt những gì sai trái. Những điều này quả thật là thành công ." Qur’An, Surat 3:104

Harrisburg là một thành phố nhỏ trực thuộc của tiểu bang Pensylvania. Địa thế nằm về phía miền Đông Bắc nước Hoa Kỳ, Tây Bắc giáp ranh với Tiểu bang NewYork (Nữu Ước). Harrisburg nổi tiếng về du lịch, cách khoảng hai tiếng đồng hồ xe chạy là đến nơi xảy ra ngày Chín, Một, Một, còn gọi là: Ngày Kinh Hoàng của lịch sử Hoa Kỳ.

- Harrisburg có 4 mùa rõ rệt là: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa nào cũng đẹp tùy ý thích của mỗi người hâm mộ.

- Kinh tế của tiểu bang Pensylvania là:  Công, Nông, Thương, Sĩ... Ở đây nổi tiếng về sản xuất kẹo Chocolat, được gọi là "Hersey’s Chocolat" cách chỗ chúng tôi độ chừng hai mươi lăm phút lái xe. Đó là một công xưởng có tầm cỡ lớn nhất làm việc suốt 24 tiếng đồng hồ với khoảng 4 ngàn công nhân viên mà trong đó có cả người Chăm Harrisburg của chúng tôi đang làm việc tại đấy. Ngoài ra còn có một phi trường quốc tế kế cận "Harrisburg International Airport" được viết tắt là: "HIA" và một ga xe lửa "Grayhound" chạy tốc hành xuyên bang, nên rất thuận tiện cho dân chúng trong việc giao thông.

- Người dân nơi đây có khoảng 1% đi theo tín ngưỡng Islam, nhiều hơn so với các tôn giáo khác. Harrisburg hiện có 4  Masjid : (1) Pakistan và Indian. (2) Arap. (3) Africa và (4) Cham Jumiul Muslimine.

 

Masjid P & I Harrisburg

Nhớ lại vào năm 1975, nơi đây chỉ có vài gia đình mà chúng tôi sống rất là hòa thuận như lời Phán dạy của Allah “Người Muslim đều là Anh Em”. Trong đó có người Chăm Campuchia và người Chăm Việt Nam đều sống kề cận với nhau, mà không ai muốn xa rời, dù cho ngôn ngữ hơi bất đồng nhưng chẳng ai để ý tới.

Ban đầu, mỗi tuần vào ngày thứ bảy, đa số anh chị em được nghỉ lao động nên gặp gỡ thường xuyên, vì chưa có địa điểm tốt nên thay phiên mỗi nhà được tổ chức một lần để hội họp và cầu nguyện, càng ngày số người tham gia càng đông mà nhà thì không đủ sức chứa. Do đó, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là phải tìm một nơi khác rộng rãi hơn để đáp ứng nhu cầu cần thiết. Nhất là sau mỗi lần hội họp tất cả hội viên đều mong muốn có một nơi rộng rãi để cộng đồng dễ dàng sinh hoạt và làm nơi hành lễ cố định. Từ đó, tất cả hội viên quyết tâm theo lời Allah phán và đồng ý trợ giúp để có một nơi rộng lớn hơn.

Để bảo vệ và tương trợ lẫn nhau, các điều khoản được mở ra cho trang sử mới, chúng tôi thành lập một hiệp hội được gọi là «Cham Muslim Association of Pennsylvania» tạm dịch là “Cộng Đồng Cham Muslim thuộc Pennsyl” Và được Chính Quyền địa phương chứng nhận vào ngày 06 tháng 02 năm 1984. Quả thật thành công như lời Allah đã Phán như sau: "Và Các ngươi là cộng đồng tối hảo đã được dựng lên, các ngươi thúc ép những gì phải đấu tranh, những gì sai trái, và tin vào Allah." Qur’an, Surat 3 / 110.

Mãi cho đến đầu năm 1998 theo ý kiến chung của mọi người như đã nói ở trên là phải có nơi để Cầu Nguyện (Salat). Thế là chúng tôi gồm có 15 gia đình đồng lòng đóng góp để mua một căn nhà nằm tại trung tâm của chúng tôi đang sống. Nhưng không đủ, chúng tôi phải nhờ sự đóng góp của anh chị em đồng đạo ở nới khác.

Sau khi được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, chúng tôi liền thi hành thủ tục gồm có 14 điều mà trong đó có điều một như sau: "Giữ nguyên vẹn bảo tồn nền văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo, sắc thái, dân tộc."

- Các điều khoản khác chỉ nhắm vào sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết về các dịch vụ xã hội, cung cấp các thông tin, văn hóa, đời sống…

- Theo sự yêu cầu nhất thiết là phải tìm cách kiếm thầy để dạy cho các con em biết đọc Thiên Kinh Qur’An và giáo lý (Rukun) Islam cho tuyệt đối.

- Phải có người lãnh đạo để hướng dẩn tổng quát cho các điều luật, trong đó có các ban ngành như: Chủ Tịch, Phó chủ Tịch, Thư Ký và Thủ Quỹ cùng các ban ngành khác… Sau đó chúng tôi đã thành lập một ban quản trị có sự tổ chức hẳn hoi, đi đúng con đường mà Allah vạch ra cho chúng ta như Surat trên «Và hãy tin vào Allah (s.w.t)».

Alhamdulillah, chúng tôi đã mua được căn nhà và bắt đầu từ đó, người thì tay búa tay kìm, người thì quét dọn, người thì nấu ăn cũng tương đối tốt. Căn nhà gồm có năm phòng, sau khi sửa chữa lại chút đỉnh cũng chứa được hơn 45 người. Thời gian trôi qua, dù bận rộn với gia đình và đời sống, mọi người còn phải hướng về tương lai cho cộng đồng. Nhận thấy càng ngày hội viên càng nhiều thêm, các con em cứ tiếp tục tăng, một gia đình phân chia ra nhiều hộ. Từ 45 hội viên vào năm đó, đến cuối năm 2000, cách năm năm sau dân số trong hội viên tăng lên gấp ba. Thế là Ban Chấp Hành lúc bây giờ báo động cho một phương hướng khác. Nhưng "Tiền nhà chưa trả dứt, phải làm sao?"

Chúng tôi phân chia nhau tìm nguồn cầu ứng tại các địa phương khác giúp đỡ (như phần trên đã nói): Cộng đồng ở tiểu bang California, Seattle Washington… hai nơi này có hơn ngàn người Chăm hiện đang sinh sống. Alhamdulillah, thật thuận lợi cho chúng tôì được sự giúp đỡ của những người đồng hương và những người mà chúng tôi đã quen biết từ lâu tại quê nhà, để thể hiện tình đoàn kết anh chị em ấy đã đóng góp một cách nhiệt tình và cộng thêm sự đóng góp của những anh chị em Muslim khác không cùng dân tộc. Nhờ đó số tiền thu nhận được đã vượt quá sức tưởng tượng cuả chúng tôi, mà chúng tôi không làm sao kìm được sự xúc động. Đây có phải là ý của Allah không? Trong ý niệm, chúng tôi xin quyên góp với mục đích "Xây Nhà Thượng Đế". Alhamdullilah vậy thì vừa trả xong phần nợ nhà và bây giờ vừa có số tiền để tính đến chuyện "Tương lai…"

Cũng với số tiền đó, chúng tôi trang trải được nhiều thứ để hội đủ điều kiện đang cần. Nới rộng phòng để đủ chứa thêm những người đến hành đạo và mở được thêm một phòng dạy học Islam và  dĩ nhiên là một nhà bếp. Người Chăm chúng tôi đều thích những món ăn địa phương ở quê nhà như mắm “Bồ Hốc”. Đây là món ăn tuyệt cú mèo có mùi thơm hương vị của quê hương ta "nhớ nhà" do bàn tay khéo léo của mấy bà từ bên nhà làm bếp, thức ăn này là thức ăn chính cho mỗi lần tựu họp, vì món ăn này hội viên rất thích...

Căn nhà được đặt tên là “Masjid Jamiul Muslimine”, tọa lạc trên con đường trong xóm là 1711 Putnam St-Harrisburg, Pa 17104. Xung quanh ngôi nhà này là những ngôi nhà của các hội viên như : Ông Hj Mohamad Amine, Hj Karim Abduloh, Hj Soleymane, Hj Abubacar, Hj Ali Sroles, Abdrollrozack và tôi (Jackhoysa)..., rất thuận tiện cho chúng tôi đi bộ đến để cầu nguyện hay tựu họp trong ngày. Có thể nói những người Chăm sinh sống tại Mỹ chưa có chỗ nào thuận lợi hơn chỗ chúng tôi, thật là may mắn, Alhamdulillah.

May mắn hơn nữa là đa số người Chăm Muslim hiện sống tại Harrisburg, trước kia họ đã sống gần gũi với nhau tại quê nhà thuộc xã Châu Phong, An Giang, nay đã tề tựu về nơi nầy “Đất lành chim đậu”. Trong đó gồm có 2 gia đình Cồn Tiên Đa Phước, một gia đình Châu Giang (xóm trên), bốn gia đình ở phố Trần Hưng Đạo (Sài Gòn), năm gia đình người Cham Muslim Campuchia và số còn lại là ba chục gia đình là người Phùm Soài, xã Châu Phong, tỉnh An Giang ngày nay. Ngoài ra còn một số khác đang sống rải rác tại các thành phố lân cận như: Camp Hill, Dauphin, Phila...

Tuy nhiên theo đà phát triển của nền kinh tế tự túc địa phương, các con em của chúng ta đã ra đời tự lập và đã đạt được thành tích khả quan trong việc học vấn, nay các con em đã đi  làm với ngành nghề tương đối khá như: bác sĩ, kỹ sư điện tử, thương mại… và có một số con em đã tham gia các cơ quan ban ngành trong chính quyền địa phương...

Ngoài ra người Chăm Muslim Harrisburg còn có dịp học hỏi giáo lý Islam thêm từ bên ngoài và từ đó về dạy dỗ cho con em của họ phải noi theo tính truyền thống của ông cha ta để lại, đó là Đạo Islam Chân Chính. Sự hiểu biết đạo giáo của cha mẹ có giới hạn nên con em của họ phải tự tranh đấu để tìm ra chân lý cho bản thân, chứ không phải cúi đầu tiếp nhận Đạo một cách mù quáng được.

Trong những điều kiện phát triển trên, cộng đồng người Muslim Harrisburg nơi đây phải đoàn kết giữa sắc thái này và sắc thái khác để bảo vệ các quyền lợi tự do tín ngưỡng hành đạo của mình, dù cho khó khăn đi nữa về vấn đề chính trị hiện có tại địa phương, nhưng họ phải tranh đấu cho sự sinh tồn hầu bảo vệ cho Islam được vẹn toàn nhưng cũng phải hy sinh dù ít hay nhiều đều có xảy ra, Insha-Allah.

Ngoài ra hàng năm, chúng tôi cũng đóng góp môt số tiền để gửi về quê nhà với con số cố định để "bồi dưỡng" Thầy Cô (Tuôn) hiện đang gầy công dạy Thiên Kinh Qur’An tại các Masjid ở quê nhà, đây chỉ là một sự giúp đỡ nho nhỏ trong đời sống khó khăn của thầy cô, họ đang hy sinh để gầy dựng thế hệ mai sau và bảo tồn văn hoá Islam. Liên tưởng đến họ, tôi nghĩ ngay đến sư việc bảo vệ rường cột chính của Đạo Islam và tôi nghĩ nếu một ngày nào đó nếu không có Thầy, Cô, chắc có lẽ Islam không còn trạng thái nguyên thủy của nó nửa, sự việc nầy đang đe dọa càng ngày càng thấy rõ.

Cám ơn Allah (s.w.t) đã cho chúng ta đến một nơi tốt lành, có đủ cơm no áo ấm, và được tự do lẫn phương tiện để hành đạo là một điều may mắn nhất cho mỗi người hiện cư ngụ tại Đệ Tam Quốc Gia. Ngược lại, những người còn ở lại quê nhà, đang gặp khó khăn trong cuộc sống nhưng họ vẫn cố giữ nguồn gốc, vẫn tôn thờ một Đấng Tối Cao (Allah).

Tự hỏi : “Tại sao lòng mình phiền muộn ?”

- Mình tin tưởng rằng sự tồn tại là do Allah (s.w.t), nhưng mình có thi hành mệnh lệnh của Allah không?

- Mình nói rằng mình yêu thương Nabi Mohammad (s.a.w), nhưng mình có theo đuổi con đường Sunnah của Nabi không?

- Mình đọc Thiên Kinh Qur’An, nhưng mình có áp dụng và thực hành nó không?

- Mình hưởng được tất cả những quyền lợi từ nơi Allah Ban cho mình, nhưng mình có biết ơn đến Allah (s.w.t) không?

- Mình công nhận Shaitan là kẻ thù của mình, nhưng mình có đề phòng chống lại nó không?

- Mình muốn đi vào Thiên Đường Hạnh Phúc, nhưng mình có hành động không?

- Mình không muốn quăng vào Địa Ngục, nhưng mình có cố gắng tránh xa nó không?

- Mình tin tưởng rằng sự sống còn sẽ đối diện với sự chết, nhưng mình có chuẩn bị cho nó không?

- Mình nói chuyện tầm phào và tìm khuyết điểm người khác, nhưng lại quên đi cái khuyết điểm của mình và luôn cả tật xấu riêng mình.

- Và cuối cùng mình được tham dự chôn cất đám tang, nhưng mình có học được một bài học đó để nhớ đời không? (xin được tham khảo).

Mùa đông Harrisburg,

Ngày 17 tháng 11 năm 2007  

Jackhoysa ghi bút.


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 693 Tổng lượt truy cập 2982830