-Chân Lý Islam | baiviet | CỘNG ĐỒNG ĐÓ ĐÂY | NHỮNG VẾT TÍCH VĂN HÓA MÃLAI TẠI VIỆT NAM
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
NHỮNG VẾT TÍCH VĂN HÓA MÃLAI TẠI VIỆT NAM
13.01.2008 17:39 - đã xem : 3825
_VIEWIMG
Mã Lai và Việt Nam có mối liên hệ văn hóa đã lâu, vì ngoài đồng bào Thượng ở Cao Nguyên, sắc tộc thiểu số dưới đồng bằng còn có người Chăm: người Chăm tại vùng duyên hải Trung Phần Việt Nam và Chăm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc tỉnh Châu Ðốc.

Nhưng văn hóa Mã Lai có liên hệ đến người Chăm ở Châu Ðốc ra sao? Cuốn “Bangsa-Champa-Tìm Về Cội Nguồn Cách Xa” của hai tác giả Dohamide và Dorohiêm nói về bóng dáng của nền văn hóa Mã Lai trong sắc tộc Chăm tại Châu Ðốc Việt Nam như sau, xin trích:


“Java là tên một quần đảo của nước Indonesia ngày nay, nhưng Java trong dân gian người Chăm khi nói: “người từ Java đến” thực sự là người Mã Lai không hơn không kém. Trong tiếng Chăm Ku hoặc Kur tức là Khmer trong dân gian là Miên. Người Java Ku trên nguyên tắc là người Mã Lai lai Khmer. Về cách ăn mặc thì hoàn toàn không khác gì người Chăm Châu Ðốc, nhưng về thể hình, đáng dấp nói chung thì nước da có vẻ hơi sáng hơn. Người Java Ku sống tập trung ở làng Châu Giang tức Mat Chruk ngay tại bến phà bên kia bờ đối diện với châu thành Châu Ðốc, có một ngôi giáo đường Islam kiến trúc có nóc vòm cổ kính mang tên Masjid Mubarak. Dân cư tại Jam'ah Mubarak (cộng đồng Mubarak) này bao gồm một số người đã thành công trong doanh thương vào thập niên 1940, làm chủ cả một vài chiếc tàu kéo mang tên “Pelican”, “Thái Tường”, “Bam Reo” v.v... một thời nổi tiếng tại Châu Ðốc. Theo các trưởng lão, Jam'ah Mubarak được xây dựng từ một vài ngôi nhà của thương buôn Mã Lai trôi dạt sang lập nghiệp nhiều năm trước khi nhóm người Chăm từ Kampuchea kéo nhau đến định cư tại đây vào khoảng năm 1880 sau khi đã thất bại trong cuộc nổi dậy chống Hoàng gia Kampuchea tại kinh đô Oudong.


Marcel Ner, một học giả Pháp thuộc trường Viễn Ðông Bác Cổ, trong bài viết về người Islam Ðông Dương, cho biết người Chvea hoặc Malayu gốc từ đảo Borneo, nhất là vùng rừng núi Minang Kabau, Sumatra đã di dân ra khắp vùng từ thế kỷ thứ 12, và đến cả Ðông Dương. Họ tỏ ra là những người sống động và gan dạ. Riêng người Chvea Ðông Dương tức nhóm định cư tại Châu Ðốc và Kampuchea thì đến từ vùng Trengganu (Malaysia) và Singapore vào một thời xa xưa không xác định được, có thể do bị một cơn bão thổi tấp vào bờ. Họ thường không mang theo phụ nữ trên ghe thuyền nên sau khi lưu lại ở đâu một thời gian họ cưới phụ nữ bản xứ làm vợ”.



Trải qua nhiều năm, người Malayu đã hội nhập vào xã hội Khmer nên ngôn ngữ pha trộn tiếng Malayu (Mã Lai) và tiếng Khmer nên người Malayu chánh gốc nghe cũng không còn hiểu được, nhưng về căn sắc thì luôn luôn lấy làm tự hào nhắc nhở đến gốc nguồn Malayu. Nhà cầm quyền thuộc địa Pháp đã bổ nhiệm cố Tằng khạo Mat, một nhân vật trong Jam'ah Java Ku (cộng đồng Java Ku) vào chức vụ Saykhol Islam, tức Chef des Malais đứng đầu các Jam'ah bao gồm cả người Chăm. Từ ngữ “Tằng khạo” được du nhập từ tiếng Hoa, người Chăm gọi là Ta-khao dùng để chỉ người làm ăn lớn.


Như thế, có thể hiểu rằng những jam'ah tại Châu Ðốc, Việt Nam bao gồm cả người Malayu, Java Ku và người bản xứ Việt Nam. Dohamide và Dorohiêm nhấn mạnh:


“Ða số người Chăm vào thời đó sống về nghề chài lưới cổ truyền và một số ngành nghề khác, thường đi làm ăn bằng ghe thuyền trên sông rạch, ít khi chuyên về nông nghiệp, vì một lẽ dễ hiểu là tại Châu Ðốc, người Chăm hầu hết định cư ở ven sông nên không có đủ đất đai canh tác.


“Tuy chỉ là một nhóm bé nhỏ nhưng người Java Ku trong jam'ah Mubarak có đời sống vật chất tương đối dư thừa hơn người Chăm và chiếm số đông nên thường có mặc cảm tự tôn về căn sắc tự cho là Mã Lai của mình mặc dầu về gốc nguồn thì ít có người Java Ku nào xác định được rõ rệt.


Ðức tin Hồi giáo (Islam) đã làm chất xúc tác tạo gắn bó giữa người Java Ku và người Chăm, để rồi lần hồi căn sắc Mã Lai thông qua hệ thống giáo dục tôn giáo hầu như lấn át và bao trùm lên toàn bộ các jam'ah Chăm. Hệ quả là nhiều người Chăm tự nhiên xem mình là người Mã Lai chớ không phải người Chăm, mặc dầu thường ngày vẫn nói tiếng Chăm.


“Hầu hết các vị lãnh đạo tinh thần trong các làng Chăm Châu Ðốc đều là những người Chăm hoặc Java Ku đã từng sống nhiều năm ở Mã Lai để học giáo lý Islam. Nhờ đó những vị này đều nói và viết được tiếng Mã Lai để truyền dạy kinh sách Islam. Một số gia đình khá giả hầu như lúc nào cũng cố xoay xở đưa con em mình sang Mã Lai học đạo để về sau, khi trở về quê, nếu không sung vào giới chức sắc lãnh đạo thì cũng được liệt vào hàng ưu tú, làm nở mặt nở mày dòng họ, được thôn ấp kính trọng giao phó cho làm chức Tuôn chuyên truyền dạy kinh sách tại các Madrasah (trường giáo lý) được cất bên cạnh các masjid (giáo đường Hồi giáo)


“Tiếng Mã Lai, trong bối cảnh kể trên, trở thành tiếng nói của tầng lớp trí thức ưu tú được trọng vọng, và trong các buổi nói chuyện trước đám đông, người ta thường nghe những câu nói rườm rà, các từ ngữ sử dụng khá xa lạ với tiếng Chăm, thoạt nhận tựa hồ như những biểu thức tôn giáo, thực sự lại là lời chào hỏi bằng tiếng Mã Lai không hơn không kém và hầu hết người dân lại thích nghe.


“Khuynh hướng thích gắn bó với căn sắc Mã Lai càng có điều kiện thuận lợi phát triển bởi một lý do thực tế là vào thời này, một số người Java Ku và Chăm thường đi qua Mã Lai hoặc Singapore bằng đường xe lửa qua ngả Kampuchea - Thái Lan mua chăn áo, khăn đội đầu và các vật dụng Mã Lai về bán lại, làm ăn thường rất khấm khá.Trở về thôn ấp Chăm, những người này thường nói khoe về cuộc sống bên Mã Lai “đi góc nào cũng có quán ăn halal” tức quán ăn người Islam có thể ăn được, khác hẳn với bên nhà, đã đánh trúng vào tâm lý người Chăm là đi đâu ra khỏi thôn ấp mình cũng gặp các quán ăn thịt heo mà họ kiêng cữ. Hấp dẫn hơn nữa là những câu chuyện mô tả về nền ca nhạc Mã Lai với các đoàn Kampulan (đoàn hợp ca) được thịnh hành nhờ “nước người ta có vua!” Những sự mô tả này đã tạo nên một lối nghĩ rập khuôn, nhiều tưởng tượng trong dân gian người Chăm Islam vào thập niên 1940 khiến nhiều người sống gò bó trong khung cảnh thôn ấp khép kín, chỉ mong có ngày được đi Mã Lai để biết với người ta!”


Trong lề lối sinh hoạt xã hội, điều quan trọng, có thể nói là trung tâm, là ngành cung ứng quần áo, khăn đội cho phụ nữ, mũ cho thanh niên theo thời trang bên Mã Lai đang trên đường khôi phục nền tự chủ từ thực dân Anh vào thập niên 1950. Người Chăm Châu Ðốc say mê ưa thích những gì đến từ Mã Lai là nhằm vào một chút gì mới mẻ hơn so với những gì họ đã quen dùng từ lâu đời, và lại còn thích hợp với tinh thần Islam nữa.


Nhưng người Chăm Việt Nam không phải là người Mã Lai hay người Indonesia.Theo hai tác giả Dohamide và Dorohiêm, người Chăm ở Châu Ðốc bắt đầu ý thức được điều đó nhờ nhà trí thức, những nhà nghiên cứu người Chăm bỏ Châu Ðốc lên Saigon sinh sống hay học tập. Tại Saigon, họ được tiếp cận một xã hội cao rộng hơn, phức tạp hơn của một đô thị lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt, không phải chỉ có người Việt và Pháp mà còn có người Hoa, người Ấn, và nhất là người Mã Lai... Người Ấn Islam hầu hết là những thuộc dân Pháp từ Pondichery, Madras miền Nam Ấn Ðộ theo chân người Pháp sang, có nhiều người là thương buôn giàu có, có cơ sở làm ăn lớn ở đường Catinat (tức đường Tự Do), trung tâm Saigon, từ năm 1929, đã xây dựng được một masjid ở Saigon và một masjid ở Chợ Lớn.


Riêng người Mã Lai, một số gốc ở Mã Lai, một số gốc từ Nam Dương, không dính dáng gì đến người Java Ku ở Châu Ðốc, đã có lập được một masjid có thể xem là lâu đời nhất tại Saigon, trên khoảnh đất thời xưa còn bùn lầy nước đọng của bờ kênh Saigon.


Tác giả Dohamide viết tiếp về thời thanh niên mới lớn của ông ở Saigon: “Tôi cảm thấy được ấm lòng hơn nhờ được gặp và sống gần gũi với một số ít đồng tộc người Chăm cũng rời xóm làng lên Saigon để kiếm sống. Trong những căn nhà chật hẹp xen kẽ với nhà người Việt, mất hút trong các xóm lao động, nơi trú ngụ của họ không còn sát cạnh bên nhau như tại quê nhà, nhưng do bản năng sinh tồn, hầu như không ai bảo ai, họ đã lặng lẽ tìm lại với nhau để nương tựa nhau, trước tiên là tại xóm Nancy thuộc Quận II, Saigon (cũ).


“Do cuộc sống khó khăn trong các thôn ấp có tính chất khép kín tại quê nhà, các đồng tộc Chăm từ Châu Ðốc lên sinh sống tại Saigon ngày càng đông; họ tạm trú rải rác xen lẫn với người Việt trong các xóm lao động ở Khu Tế Bần, Hòa Hưng, Phú Nhuận, v.v... lần hồi hình thành mô thức jam'ah truyền thống, cử người làm Imam điều hành sinh hoạt tôn giáo như ở quê nhà.


“Sự tập họp dìu dắt, nâng đỡ nhau bước đầu, trên căn bản là dựa vào liên hệ thân tộc. Một người lên Saigon tìm được nơi ăn ở và việc làm thì tiếp đó lại tạo điều kiện cho bà con họ hàng cùng nối gót theo, nên những người gắn bó với lập luận tùy thuộc căn sắc Mã Lai gọi là Java Ku nói tiếng Java Ku có điều kiện sinh hoạt riêng, ít khi trộn lẫn với phần đa số còn lại nói tiếng Chăm nên cũng không xảy ra va chạm.


“Chúng tôi sống chung cùng với nhóm người Chăm đa số tại xóm Nancy. Vào thập niên 1950, xóm này bao gồm phần lớn là những căn nhà cây ván lợp lá lụp xụp trong những ngõ hẹp và quanh co, nhiều căn cất tạm bợ trên vũng nước đọng lúc nào cũng xông lên mùi thum thủm. Thỉnh thoảng nhờ làm ăn có tiền, một số căn được xây gạch, lợp ngói hoặc tôn, tạo nên một bộ mặt tương đối sáng sủa hơn, nhưng con đường trong xóm thì chật hẹp không dời đổi.


“Buổi đầu, người Chăm Châu Ðốc mỗi thứ sáu, tùy theo điều kiện di chuyển thuận tiện, thường cùng nhau đến các masjid sẵn có của người Ấn và người Mã Lai tham gia dâng lễ nguyện tập thể. Theo nguyên lý lslam có ghi rõ trong Thiên kinh Qur'An, mọi người lslam đều là anh em (Innamăl muk minu na ikhwa), đều là tạo vật của Ðấng Tạo Hóa Allah, không có phân biệt dân tộc, màu da... Mặc dầu cùng thuộc hệ Sunnah, người Chăm Châu Ðốc và người Mã Lai hành đạo theo trường phái Imam Shafi'y, còn người Ấn thì theo trường phái Imam Hanafy, trong lễ thức tôn giáo có một vài chi tiết khác biệt.


“Trên thực tế, vấn đề ngôn ngữ bất đồng, lại thêm gốc nguồn khác biệt, vẫn khiến nhiều người Chăm Châu Ðốc cùng nhận thấy mình sẽ được thoải mái hơn nếu thành lập được riêng cho người Chăm mình một masjid. Ðiều này đối với những Chăm Châu Ðốc mới chân ướt chân ráo lên kiếm sống tại Saigon quả là một giấc mơ, nhưng đã thúc đẩy một người Chăm có thế lực nhờ giao dịch rộng rãi với các chức quyền người Pháp thành phố thời bấy giờ, tên trên giấy tờ là Danh Mal, trong dân gian thường gọi là “Ông Bảy Mốt” (do tên Islam là Haji Mamod) đứng lên xoay xở gây quỹ và xây dựng được một giáo đường nhỏ đầu tiên bằng cây ván, nằm bên đại lộ Galliéni (tức đại lộ Trần Hưng Ðạo), sinh hoạt xã hội và tôn giáo chẳng mấy chốc đã thấy y khuôn như tại quê nhà ở Châu Ðốc.


“Nhờ có giáo đường này, Jam'ah Nancy đã trở thành một Jam'ah trung tâm, cung ứng chỗ tạm trú cho các đồng tộc đi xe đò từ Châu Ðốc lên đến bến xe vào thời điểm này, nằm ở khu chợ An Ðông, trước khi thu xếp chỗ ở về các xóm khác.


“Cũng do công lao vận động của Haji Mahmod, một hội lấy tên là “Association des Malais de Saigon - Chợ Lớn” (Hội người Mã Lai Saigon Chợ Lớn), đã được thành lập, hoạt động chủ yếu là tạo căn bản pháp lý điều hành masjid (giáo đường), và thiết thực nhất là giao dịch giới thiệu xin việc làm, can thiệp trong các trường hợp liên quan đến giấy tờ hoặc có khó khăn với nhà cầm quyền sở tại.


“Tên hội lấy danh nghĩa “người Mã Lai”, tuyệt nhiên không nhắc gì đến gốc gác Chăm của mình cả, mặc dầu những người có liên quan thường ngày đều nói tiếng Chăm chớ không phải tiếng Mã Lai và cố Haji Mahmod là người Chăm quê ở Plây Kênh chớ không phải người Mã Lai.”


Xem như thế, trong một giai đoạn nhất định của lịch sử Việt Nam, đã có người gốc gác Mã Lai và Indonesia lưu lạc tới vùng đất phía Nam của Việt Nam và họ đã được chấp nhận cho sinh sống trên vùng đất này, tạo thành một cộng đồng tôn giáo-văn hóa cùng với người Chăm Việt Nam ở vùng Châu Ðốc. Dấu vết tôn giáo và văn hóa Malayu và Java Ku ngày nay vẫn còn trong cộng đồng sắc tộc Chăm, dù rằng người Chăm Việt Nam hiện nay đã tìm về cội nguồn, bản sắc của mình.


Người Hồi giáo trên thế giới thường coi sự xâm phạm vào mộ phần những đồng đạo đã chết là trọng tội. Nên một người ta nghĩ rằng chính phủ Mã Lai không nên thực hiện hành động mà mình không muốn đối với những người khác. (VA)


Trích trang Web: http:// http://www.nguoi-viet.com/


(nguoi-viet Online)


Những vết tích văn hóa Mã Lai tại Việt Nam


(Theo Dohamide và Dorohiêm,


Bangsa Champa - Tìm về cội nguồn cách xa)


 


 


 


 


Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 2725 Tổng lượt truy cập 3158139