PHỤ NỮ TRONG ISLAM 25.08.2007 12:47 - đã xem : 8239 Nhưng sự thiếu kiến thức này chủ yếu là do những thông tin sai lệch liên quan đến vai trò của người phụ nữ trong Islam. Một số người ngoại đạo đã hỏi tôi những câu hỏi như: "Chị có tin rằng trong Islam, phụ nữ có tâm hồn không?" và "Trong Islam, thiên đường chỉ dành cho đàn ông phải không?"... Những điều không tưởng và mơ hồ Theo nhận định của họ, phụ nữ muslim là người không có tâm hồn, ẩn mình trong thế giới của bóng tối, áp bức và cấm đoán, từ đó cô ấy vào một chốn u mê dành cho những vật không hồn. Ấn tượng này đã có từ thời xa xưa và được các linh mục Cơ Ðốc giáo ấp ủ và tuyên truyền, một số thậm chí còn tin đây là sự thật. Bên cạnh hình ảnh này trong thế giới phương Tây, một quan điểm khác của giới phim ảnh giải trí và truyền thông cho là người phụ nữ muslim giống như một nhân vật của phim Holywood "Những đêm Ả Rập". Ở đây, các cô ấy là một trong số đám phụ nữ trẻ ăn mặc hở hang nằm xung quanh cung điện chờ những ông chủ. Những hình ảnh này tất nhiên chỉ là sự tưởng tượng của Tây phương. Ðầu tiên, người phụ nữ thần bí và trinh tiết, mặt che mạng, sống trong lo sợ người chồng ghen tuông và đối xử thô bạo. Cô ấy là người hầu gái muôn thở trong nỗi buồn, chờ thánh Geogre đâm con rồng để cứu cô ; và thứ hai, cô nô tì, mù quáng trong nhung lụa và nữ trang, chờ đợi để mua vui cho ông chủ. Ðàn ông và phụ nữ phương tây đã không thoả mãn nỗi đam mê trong đó anh hay cô ta đóng một trong những vai trò này ? Chúng ta không nghi ngờ rằng tại sao nỗi đam mê lại kéo dài đến như vậy ? Chúng ta muốn tin rằng những người phụ nữ này tồn tại và do đó ta có thể thêu dệt những mơ mộng về họ, mặc dù chúng ta phải chỉ trích những tình huống rõ ràng là đối lập với những nguyên tắc về sự tự do của phụ nữ. Chúng ta hãy bàn về phụ nữ trong Islam và vai trò của họ. Nguồn thông tin đáng tin cậy nhất không phải là những câu chuyện tưởng tượng ra hay các phim của Holywood mà là tủ sách của Islam. Ðó là Thiên-Kinh Qur'an và Hadith. Ý muốn của tôi là đem đến cho các bạn một số câu trong Thiên kinh Qur'an và những lời nói của Thiên-sứ Muhammad (saw) liên quan đến phụ nữ và rút ra một số kết luận về ý nghĩa của chúng trong thực tế về đời sống của phụ nữ. Tôi không có ý định mô tả thân phận của phụ nữ muslim ở từng nước xưa và nay, dù sao tình hình thay đổi ở mọi nơi và mọi lúc, chịu sự ảnh hưởng của tập quán địa phương từ thời tiền Islam hay của các nét văn hóa hiện đại. Tâm hồn của phụ nữ Ðầu tiên, đó là những bằng chứng rõ ràng để sửa lại những quan niệm sai lầm về tâm hồn của người phụ nữ, dù họ có tâm hồn hay không cũng có thể được lên thiên đường. Qur'an thể hiện có hệ thống đàn ông và đàn bà, những người hành đạo theo các giáo luật của Islam sẽ nhận những phần thưởng như nhau về sự cố gắng của họ: "Quả thật, đối với những người Muslim, nam và nữ; những người có đức tin, nam và nữ; những người cung kính, nam và nữ; những người chân thật, nam và nữ; những người kiên nhẫn, nam và nữ; những người khiêm nhường, nam và nữ; những người bố thí, nam và nữ; những người kiêng cữ, nam và nữ; những người giữ lòng trinh bạch, nam và nữ; những người tưởng nhớ Allah nhiều, nam và nữ; Allah sẽ tha thứ và ban thưởng to lớn cho họ." S.33 : 25. Allah phán ở đoạn khác: "Ai làm việc tốt, bất luận nam hay nữ, và là một người có đức tin thì chắc chắn TA sẽ cho y sống với một đời sống lành mạnh tốt đẽp; và chắc chắn TA sẽ ban phần thưởng của họ tùy theo điều tốt nhất mà họ đã làm." S. 16 : 97. Mỗi trụ cột của Islam (đức tin, cầu nguyện, nhịn chay, bố thí cho người nghèo và hành hương tới Makkah) đều quan trọng với đàn ông và đàn bà, và không có sự khác nhau về phần thưởng dành cho họ. Và Allah có phán trong Qur'an như sau : "Người cao quý nhất trong các ngươi trước Rabb là người biết chú ý nhất trong các ngươi." Trí tuệ Ðàn ông và đàn bà bình đẳng về đạo đức và lối sống. Còn trí tuệ, kiến thức và giáo dục thì sao? Thiên-sứ Muhammad (saw) đã nói: "Học hỏi kiến thức là nhiệm vụ của mọi người muslim (nam và nữ)" và "Học từ lúc đang còn ở trong nôi cho tới khi ra nấm mồ (từ lúc sinh tới lúc qua đời)". Những lời nói của Thiên-sứ Muhammad (saw), nếu nói bằng ngôn ngữ hiện đại, có nghĩa là mọi người muslim trai hay gái, đàn ông hay đàn bà, nên học hành càng nhiều càng tốt, học hết khả năng của mình, hãy nhớ những lời dạy của Allah trong Qur'an: "...Trong số bầy tôi của Ngài (Allah) chỉ những ai hiểu biết mới sợ Allah..." S. 35 : 28. Vì thế trong Islam, cả đàn ông và đàn bà được tin tưởng về khả năng học hành, hiểu biết và khả năng dạy học, và một trong những mục đích của học hỏi kiến thức là để trở nên hiểu rõ Allah hơn. Islam cho rằng, một người đàn ông hay đàn bà, càng tìm hiểu nhiều về sự tạo hóa và quan sát nó làm việc thì càng trở nên hiểu rõ Allah hơn, Ðấng đã lập nên và giữ vững sự tạo hóa. Một trong những người nổi tiếng nhất trong Islam về sự thông minh và trí nhớ tuyệt vời là bà Aysha (Ra). Bà được coi là một trong những nguồn Hadith đáng tin cậy nhất vì tính xác thực của nó. Bà đã cung cấp hơn một ngàn Hadith và bà được coi là một trong những người thầy giỏi nhất về Hadith. Nói chung, trong thế giới muslim thời trước trung cổ, không có gì cản trở hay cấm đoán phụ nữ học hành, ngược lại tôn giáo còn khuyến khích họ. Kết quả là nhiều người phụ nữ đã trở nên nổi tiếng như : các học giả tôn giáo, nhà văn, nhà thơ, bác sĩ và giáo viên. Ví vụ như bà Nafisa là tác giả lớn về Hadith, và bà Shaikha Shuhda là giáo viên tại một trong những masjid chính ở Baghdah và những giảng đường lớn, dạy học, thảo luận, viết thơ ca và là một trong những học giả đầu tiên của Islam. Có nhiều ví dụ về phụ nữ muslim có học thức từng là giáo viên, nhà văn và nhà thơ, rất được tôn trọng trong xã hội muslim. Do vậy, mỗi sự khuyến khích phụ nữ muslim học tập toàn diện có lợi cho kiến thức và để dùng kiến thức phổ thông và chuyên nghiệp góp ích cho cộng đồng, liên quan đến những giáo huấn đạo đức nhất định sẽ được đề cập đến ở phần sau. Mối liên quan về giới tính Ðể làm rõ tính độc lập về trí tuệ và tâm hồn của phụ nữ, tôi sẽ bàn đến thân phận của họ liên quan đến nam giới và mối quan hệ của họ với nam giới. Ở đây chúng ta nhìn vào sự phụ thuộc lẫn nhau. Allah đã phán trong Qur'an như sau: "Và trong các Âyah (Dấu hiệu) của Ngài có điều này: Ngài đã tạo từ bản thân của các người những người vợ cho các người để các người sống an lành với họ và Ngài đã đặt giữa các người tình yêu thương và lòng bao dung. Quả thật, nơi sự việc đó là những Âyah cho những người hiểu biết." S. 30 : 21. Ðây là định nghĩa rất quan trọng giữa đàn ông và đàn bà. Họ tìm thấy sự thanh bình trong nhau và liên kết với nhau không những vì quan hệ chăn gối mà cả về "tình yêu và lòng bao dung". Sự mô tả này bao gồm sự quan tâm, chăm sóc, tôn trọng, yêu thương lẫn nhau. Có rất nhiều Hadith, đặc biệt là những Hadith được bà Aysha (Ra) kể lại, đem đến sự hiểu biết về cách Thiên-sứ Muhammad (saw) đối xử với những người vợ của Người và cách những người vợ đối xử với Người. Nổi bật nhất là sự quan tâm và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ hôn nhân. Những người vợ không phải là hầu gái. Có nhiều tài liệu nói về Rasoul (saw) đã làm nhiều việc để làm hài lòng các bà vợ cũng như việc các bà đã làm để chồng mình hài lòng. Qur'an viết về những người vợ nói chung trong một chương khác như sau : "...Họ là y phục (Libas) của các người và các người là y phục của họ...". S. 2 : 187. Nói cách khác, quần áo giữ ấm, bảo vệ và tạo cảm giác thoải mái, vì thế chồng và vợ dành cho nhau một tình bạn cao đẹp, thoải mái và bảo vệ nhau khỏi sự phản bội và các điều không tốt khác. Theo Qur'an, một trong những mục đích quan trọng của giáo luật Islam về ứng xử và quan hệ của con người là bảo vệ gia đình trong không khí thanh bình, tình yêu, lòng nhân từ và tưởng nhớ đến Allah, có thể phát triển và đâm hoa kết trái đem lại lợi ích cho vợ chồng và con cái. Ðể đánh giá việc đàn ông và đàn bà làm cho nhau, cả bên trong và bên ngoài hôn nhân, chúng ta cần chú ý những mục đích này và đánh giá lợi ích của chúng cho cá nhân và xã hội. Chúng ta cũng phải biết rằng Islam có cách nhìn chặt chẽ về cuộc sống, và biết rằng những yếu tố khác nhau không nên xem xét riêng rẽ nhau. Nó bao gồm lối sống toàn diện, mỗi phần của nó cần được xem xét trong bối cảnh chung. Ðể hiểu rõ vai trò của phụ nữ trong một xã hội muslim chúng ta phải tìm hiểu nhiệm vụ và quyền lợi của họ, lối đối xử với đàn ông và cách đàn ông đối xử với họ. Quyền và nghĩa vụ Hãy xem đàn ông đối xử với phụ nữ như thế nào. Allah phán trong Qur'an như sau: "Người đàn ông là trụ cột (của gia đình) trên đàn bà bởi vì Allah ban cho người này sức lực hơn người kia và bởi vì họ chi dùng tài sản của họ vào việc cấp dưỡng gia đình..." S. 4 : 34. Do vậy trong xã hội muslim, đàn ông có trách nhiệm gìn giữ gia đình. Ðây không chỉ là đạo đức mà còn là sự bắt buộc. Những thứ người vợ kiếm được thuộc quyền sở hữu của cô ấy, cô có thể dùng cho bản thân hay chia sẻ với gia đình theo ý muốn. Bản thân người vợ có trách nhiệm chăm sóc cho gia đình và tài sản của gia đình. Cô ấy có thể thể hiện quan điểm của mình và góp ý về mọi vấn đề, nhưng vai trò tốt nhất mà cô ấy có thể làm để giữ gìn mối liên hệ vật chất bền vững và trọn vẹn là coi chồng cô ấy là người có trách nhiệm cho mọi hoạt động của gia đình và vì thế phải vâng lời chồng thậm chí khi sự phán xét của anh ấy là không thể chấp nhận được nhưng vẫn phải trong khuôn khổ cho phép của Islam. Ðây là ý nghĩa của sự vâng lời trong hôn nhân của Islam. Vai trò của người chồng là đầu tàu của gia đình cũng như đảm bảo lòng trung thành của cặp vợ chồng tới một bộ luật cao hơn là Shari'a. Rasoul (saw) đã nói: "Người phụ nữ tốt nhất là người mà anh vui khi nhìn thấy cô ấy, khi anh khuyên bảo cô ấy thì cô ấy vâng lời. Cô ấy bảo vệ cho quyền lợi của anh và giữ gìn đức hạnh của mình khi anh đi vắng." Người chồng phải chăm sóc vợ và quan tâm đến cô ấy và với tất cả phụ nữ vì họ là phái yếu. Khái niệm hiệp sỹ có nguồn gốc từ thế giới muslim tới Âu châu ở thời Trubadua (người hát rong) của nước Pháp Trung cổ. Khái niệm hiệp sỹ này đã đến như là luồng gió thổi vào trong 50 năm qua hay nó bị mâu thuẫn với xu thế ngày nay là phụ nữ phải cố gắng và bươn chải đi để có thể toàn tâm toàn ý cho gia đình. Vai trò của người phụ nữ muslim trong gia đình rất quan trọng cho hạnh phúc của chồng và sự phát triển thể lực và trí tuệ, nhân cách của con cái. Cô ấy cố gắng làm cuộc sống gia đình ngọt ngào và vui vẻ, làm ngôi nhà trở thành một tổ ấm bình an. Vai trò này cùng với những tính cách thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng tới nhân cách và quan điểm của thế hệ sau khi chúng lớn lên và trưởng thành. Có một từ nổi tiếng trong tiếng Ả Rập là "Al-ummu madrasatun", nghĩa là "người mẹ là một trường học", thể hiện tầm quan trọng của vai trò này. Hôn nhân trong Islam Chúng ta đến với những thủ tục trong hôn nhân của Islam. Theo phong tục, khi cô gái đến tuổi kết hôn, cha mẹ (muslim) đóng vai trò chính trong việc chọn lựa người chồng cho cô gái, nhưng cô ấy phải được cha mẹ hỏi ý kiến. Chuyện kể rằng có một cô gái đến thưa với Rasoul (saw) rằng cha mẹ cô không hỏi ý kiến cô trước khi đám cưới của mình. Rasoul (saw) bảo cô có thể tự huỷ bỏ đám cưới này nếu cô muốn. Ngày nay tiếng nói của các cô gái muslim được học hành có trọng lượng hơn trong việc lựa chọn người chồng cho mình. Nhưng người ta vẫn còn cho rằng ý kiến của cha mẹ chàng trai rất quan trọng, rất hiếm trường hợp trai gái lấy nhau trái với ý kiến cha mẹ hay người đỡ đầu. Một góa phụ hay người đã li dị có thể cưới bất cứ ai cô ấy muốn vì cô ấy được coi là có đủ chín chắn và kinh nghiệm để tự mình quyết định. Khi cô gái hay người phụ nữ lập gia đình, một phần không thể thiếu của đám cưới là chú rể đưa cho cô tiền cưới (mahr), là số tiền được hai bên thỏa thuận. Tiền cưới này không giống như tiền cưới của các đám cưới ở Châu Âu xưa kia là người cha trao cho con gái trong ngày cưới và sau đó trở thành tài sản của chồng. Hoặc không phải là tiền cưới giống như "giá tiền mua cô dâu" bên Châu Phi mà chú rể phải trả cho cha cô để đền ơn công nuôi dưỡng. Tiền cưới của người muslim là quà tặng của chú rể cho cô dâu và nó trở thành tài sản riêng của cô và cô có toàn quyền sử dụng, thậm chí nếu sau này có li dị. Nhưng trong trường hợp khul (li dị do người vợ đề nghị) thì cô ấy có thể được yêu cầu trả lại toàn bộ hay một phần tiền cưới. Cách người chồng đối xử với vợ, dù anh ta yêu vợ đến mức nào, đã được ghi rõ ràng trong Qur'an: "...hãy sống chung với họ một cách tử tế bởi vì nếu các người ghét họ thì có lẽ các người ghét một (sinh) vật mà Allah đã ban nhiều cái tốt lành." S. 4 : 19. Một lợi ích quan trọng cho những người vợ trong Islam là trong nhân cách không có hai mức độ khác nhau (cho nam và nữ). Mặc dù thói quen của đàn ông trên thế giới là có tha thứ cho những người vợ mắc sai lầm hay không, theo Qur'an và lời dạy của Rasoul (saw), Allah đòi hỏi đàn ông phải có tính đức độ cao cũng như đòi hỏi với phụ nữ và chịu hình phạt như nhau đối với đàn ông và phụ nữ nếu vi phạm luật lệ. Ðiều này được mô tả qua các ví dụ ta sẽ đề cập sau. Thậm chí, khi li hôn được quyết định vẫn đòi hỏi phải đối xử tốt như trước kia. Qur'an đã viết: "... giữ (vợ) lại một cách tử tế hoặc trả tự do (cho vợ) một cách tốt đẹp... không được phép lấy lại bất cứ tiền cưới (Mahr) nào mà các ngươi đã tặng cho vợ...". S. 2 : 229. Vì thế tiền cưới và quà tặng khác mà anh ấy đã tặng cô không thể được lấy lại. Qur'an cũng viết: "Và khi các ngươi li dị vợ và họ sắp hoàn tất thời hạn ở vậy (Iddah) thì, hoặc giữ họ lại một cách tử tế hoặc trả tự do cho họ một cách tốt đẹp ; và chớ giữ họ lại để làm khổ họ, làm thế các ngươi sẽ phạm tội. Và ai làm thế, thì thật sự sẽ làm hại bản thân (linh hồn) của mình..." S. 2 : 231. Việc đối xử tốt của những người vợ và của gia đình là một phần trong tôn giáo Islam. Rasoul (saw) đã nói: "Trong số những người có đức tin có những người xoay xở tốt nhất, lo toan cho gia đình chu đáo nhất, đó là những người thể hiện đức tin rất cao đẹp." Củng có một hadith khác kể lại rằng: "Người tốt nhất trong các người là người đối xử tốt nhất với vợ mình." Li dị là cách giải quyết cuối cùng trong Islam. Rasoul (saw) đã nói: "Trong số những việc Allah cho phép, việc mà Ngài ghét nhất là li dị." Li dị Xin nói thêm, quá trình li dị trong Islam là để khuyến khích hai bên vẫn sống chung với nhau nếu có thể. Sau khi li dị, người phụ nữ nên chờ ba lần chu kỳ hàng tháng (kinh nguyệt) trước khi đi bước nữa. Trong thời gian này chồng cô ấy vẫn giữ trọn trách nhiệm nuôi dưỡng và bảo vệ cô. Anh ấy không được phép đuổi cô ra khỏi nhà trong thời gian này nhưng cô ấy có thể rời nhà nếu muốn. Mục đích chính của giai đoạn chờ đợi này là xem người vợ có thai hay không ? Thứ hai là trong giai đoạn lắng dịu này, các thành viên trong gia đình hay trong cộng đồng có thể cố gắng giúp hai bên hàn gắn lại và hiểu nhau hơn. Vì Allah có phán rằng: "Và nếu các ngươi sợ hai (vợ chồng) thôi nhau, hãy mời một vị trọng tài của gia đình bên chồng và một vị trọng tài của gia đình bên vợ đến hòa giải. Nếu hai bên muốn hòa thuận, thì Allah sẽ giải hòa cho hai người trở lại..." S. 4 : 35. Nếu hòa thuận, họ có thể vẫn được coi là còn quan hệ vợ chồng trong thời gian chờ đợi (3 tháng), sau đó li dị tự động được hủy bỏ. Nếu sau đó rắc rối nảy sinh và li dị được tuyên bố lần thứ hai, quá trình như trên được thực hiện. Chỉ khi li dị được tuyên bố lần thứ ba thì li dị không thể hủy bỏ được nữa. Sau đó người vợ được tự do đi bước nữa sau 3 chu kỳ hàng tháng nếu cô ấy muốn. Người chồng đầu tiên không thể cưới lại cô ấy nếu cô ấy không cưới người đàn ông khác và lại li dị ông này. Quá trình này bình thường cần phải tuân theo nếu người chồng muốn li dị hay nếu li dị cả hai phía. Trường hợp người vợ muốn li dị nhưng chồng không muốn thế, cô ấy có thể đưa trường hợp của mình ra tòa án (Islam) để giải quyết và li dị. Chúng ta có thể thấy những phát triển mới trong luật hôn nhân của Anh và các nước phương Tây khác có xu thế hướng về phong cách Islam, mặc dù vô tình không biết. Trong nhiều cách hòa giải và hướng dẫn tỉ mỉ trước khi li hôn, nét riêng của các thủ tục li hôn và đẩy nhanh quá trình li hôn một khi nó được quyết định rằng hôn nhân không thể cứu vãn nổi và đến hồi chấm dứt. Luật của Islam không vì thế ép buộc các cặp vợ chồng không hạnh phúc sống với nhau, nhưng những thủ tục trên giúp họ tìm ra điểm cơ bản mà từ đó họ có thể quay lại với nhau. Nếu họ không thể tiếp tục sống chung được, luật không trì hoãn hay cản trở việc mỗi bên xây dựng gia đình riêng cho mình. Quyền thừa kế Một quyền nữa của phụ nữ muslim được nói đến trong giáo luật Islam là quyền được thừa kế tài sản. Phương pháp phân chia tài sản rất rõ ràng dựa trên Thiên Kinh Qur'an và luật chung là phụ nữ được thừa kế bằng một phân nửa phần của nam giới. Ðiều này nếu tách ra khỏi các qui định khác thì có vẻ như không công bằng; dù sao, chúng ta phải nhớ rằng theo một câu trong Qur'an nói trước đó, đàn ông phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ che chở cho tất cả phụ nữ và trẻ con trong gia đình, và do đó những tiêu dùng bắt buộc cần thiết cao hơn nhiều so với phụ nữ. Một nửa số tài sản mà phụ nữ thừa kế có thể coi là rất nhiều vì đó là cho một mình cô ấy thôi. Số tiền hay tài sản mà người phụ nữ sở hữu hay công việc kinh doanh của cô ấy là hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của cô, và chồng cô không có quyền chạm vào nó. Vai trò một người mẹ Ngoài vai trò là người vợ, người phụ nữ muslim có một vai trò quan trọng khác là người mẹ. Thân thế và giá trị của cha mẹ trong thế giới muslim là rất cao. Giới tính và xã hội Chúng ta vừa nói về thân trạng người phụ nữ muslim gắn với chồng và con cái. Thế còn quan hệ của cô ấy với những người đàn ông khác ngoài chồng mình và anh em họ hàng là như thế nào? Ðây là điểm khác biệt đáng kể giữa hành đạo Islam và phong tục phổ biến ở thế giới phương Tây. Ở phương Tây, những mối quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân trong lý thuyết vẫn bị coi là tội lỗi hay ít nhất là điều không được mong đợi nhưng thực tế không có cách gì được làm để hạn chế tình trạng quan hệ tình dục trước và ngoài hôn nhân rất phổ biến này và để giảm tỷ lệ con ngoài giá thú và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cao hơn bình thường. Ngược lại trong phim ảnh, tivi và một số báo chí đều khuyến khích việc coi quan hệ tình dục trước và ngoài hôn nhân là điều bình thường. Tránh thai hay phá thai được coi là cách làm tiện lợi để loại bỏ những hậu quả không mong muốn của lối sống này. Ðối lập với tình hình không thể ngăn chặn này, Islam chủ trương một số biện pháp đặc biệt để giảm sự quyến rũ hay cám dỗ của quan hệ tình dục ngoài hôn nhân: 1. Ðầu tiên, Rasoul (saw) khuyên mọi người lập gia đình nếu có thể, do đó nhu cầu tự nhiên được đáp ứng một cách hợp pháp. 2. Vì Islam cho phép đa thê (với sự đồng ý của người vợ trước) nên không có phụ nữ quá lứa nhỡ thì trong xã hội. 3. Phụ nữ được răn dạy trong Qur'an rằng khi họ xuất hiện trước công cộng phải mặc quần áo chỉnh tề, giản dị để không quyến rũ và lôi cuốn đàn ông. 4. Lối sống Islam không cho phép hiện tượng tụ tập trai gái, khiêu vũ giữa nam và nữ, uống đồ chứa cồn, hút thuốc phiện, ma túy và các tệ nạn khác của lối sống phương Tây mà có tiếng là tạo cơ hội cho phát triển quan hệ tình dục trước và ngoài hôn nhân. Sự giải trí xã hội trong Islam nói chung là ở bên trong gia đình hay những người bạn thân của gia đình hay giữa các đám nam nữ riêng biệt. 5. Tình dục ngoài hôn nhân trong giáo luật Islam không những bị coi là tội lỗi mà còn là tội phạm và bị ngang hàng với tội ăn cắp hay giết người. Hình phạt là như nhau đối với đàn ông và phụ nữ, nó rất nghiêm khắc và có tính ngăn chặn. Quần áo Ðầu tiên là vấn đề ăn mặc. Khi xuất hiện trước chồng, gia đình hay những phụ nữ khác, phụ nữ muslim có thể mặc bất cứ thứ gì họ thích. Nhưng khi đi ra ngoài hay khi có mặt người đàn ông khác ngoài chồng mình hay họ hàng gần, cô ấy phải ăn mặc kín đáo, che phủ toàn cơ thể và không để lộ rõ hình dáng của mình. Ðối lập với truyền thống này, mốt phương Tây hàng năm tập trung rất nhiều vào việc để lộ phần quyến rũ tình dục cho mọi người nhìn vào. Trong vài năm gần đây chúng ta đã thấy sự thăng trầm của váy ngắn, quần áo bó sát người, quần áo mỏng, áo ngực trần và các loại khác được thiết kế để phô bày hay nhấn mạnh những phần kín đáo của cơ thể phụ nữ. Chúng ta có thể thấy xu hướng tương tự ở quần áo nam giới, hầu như bó sát người mặc dù những người tạo mốt cho đàn ông đã tạm dừng thiết kế cho đến khi đàn ông đủ dễ dãi để chấp nhận quần áo ngực trần hay quần áo quá mỏng. Mục đích của quần áo phương Tây là để lộ rõ dáng người trong khi quần áo muslim muốn giấu đi, ít nhất là trước công cộng. Trong Qur'an có một câu như sau: "Hỡi Nabi (Muhammad)! Hãy bảo các bà vợ của Ngươi và các đứa con gái của Ngươi và các bà vợ của các tín đồ phủ áo choàng (Jalâbib) che kín thân mình của họ. Làm thế để dễ nhận biết họ và vì thế, họ sẽ không bị xúc phạm..." S. 33: 59. Do vậy, đòi hỏi phụ nữ muslim khi ra ngoài phải mặc quần áo che phủ từ đầu đến chân và không để lộ hình dáng. Theo một số học giả, chỉ nên để lộ ra hai bàn tay và khuôn mặt trong khi một số học giả khác cho rằng phải che mặt. Vì vậy có hai ý kiến về vấn đề này. Bổn phận phải sử xự khiêm nhường không chỉ giành riêng cho phụ nữ. Qur'an răn dạy cho phụ nữ và đàn ông tương tự nhau. Allah phán rằng: "Hãy bảo những người đàn ông có đức tin nên hạ cái nhìn (của họ) xuống và che phủ phần kín đáo (của cơ thể) của họ. Ðiều đó tốt cho họ hơn bởi vì Allah Hằng Quen Thuộc với những điều họ làm. Hãy bảo những người phụ nữ có đức tin nên hạ thấp cái nhìn (của họ) xuống và che phủ phần kín đáo (của cơ thể) của họ và chớ phô bày nhan sắc ra ngoài ngoại trừ bộ phận nào lộ ra ngoài tự nhiên (như hai bàn tay, cặp mắt...); và họ nên kéo khăn choàng phủ lên ngực; và chớ phô bày nhan sắc ngoại trừ đối với chồng..." S. 24 : 30-31. Vai trò khác nhau Một trong những thực hành khác nhằm mục đích củng cố gia đình và giảm đến mức tối thiểu tình trạng lộn xộn là sự tách biệt của phụ nữ. Câu trong Kinh Qur'an dạy cho những người hành đạo là: "Hỡi các bà vợ của Nabi (Muhammad)! Các bà không giống như các phụ nữ khác. Nếu các bà sợ Allah thì chớ ăn nói lả lơi, e rằng những ai mang trong lòng một chứng bệnh (gian dâm) sẽ động lòng tà dâm. Ngược lại, hãy ăn nói đoan trang lịch thiệp. Và hãy ở trong nhà và chớ phô trương vẻ đẹp theo lối chưng diện của các phụ nữ vào thời kỳ ngu muội xa xưa; và hãy dâng lễ Salah một cách chu đáo và đóng Zakah và vâng lệnh Allah và Sứ Giả của Ngài. Allah chỉ muốn xóa Ar-Rijs (điều nhơ nhuốc, tội lỗi) đi khỏi các người, hỡi người nhà của gia đình của Nabi (Ahl-al-Bayt), và tẩy sạch các người thành những người triệt để trong sạch." S. 33 : 32-33. Những từ trong câu này chỉ nói tới các bà vợ của Rasoul (saw) và một số tài liệu trích dẫn câu này chỉ áp dụng cho họ. Một số học giả khác thì giải thích rằng câu nói trên nói đến tất cả phụ nữ muslim, và ý kiến này được chấp nhận rộng rãi bởi nhiều nước muslim có phụ nữ ở nhà, chỉ ra ngoài khi có lý do quan trọng. Một số người đồng ý với ý kiến này, tuy nhiên coi các câu khác trong Qur'an khuyên răn phụ nữ ăn mặc kín đáo khi ra ngoài, và đề xuất đàn ông và phụ nữ hãy hạ thấp tầm nhìn xuống, sử xự khiêm tốn với người khác giới (tức là đàn bà có thể ra ngoài vì công việc riêng). Họ có thể coi sự cần thiết có một số phụ nữ muslim ra ngoài học hành và học nghề như dược sỉ, y tá và dạy học ở mọi cấp, và họ học từ nữ giáo viên. Chúng ta có thể chú ý rằng tồn tại nhau hai quan điểm, và trong thực tế ta có thể thấy các mức độ tách biệt khác nhau hay nếu không là trong những phần khác nhau của thế giới muslim. Ở hầu hết các vùng trên thế giới, trong những hoạt động xã hội của người muslim hoặc công việc gia đình hay những lễ kỷ niệm thì các nhóm nam và nữ được tách riêng. Với những người phương Tây quen thuộc với những cuộc khiêu vũ và ăn uống lẫn nam với nữ thì điều này nghe như là một cuộc sống xã hội tẻ nhạt. Dù sao, khái niệm giữa gia đình trong thế giới muslim nói chung rất rộng, và cảm giác tình anh em đồng đạo rất mãnh liệt và đầm ấm, thân mật và các cuộc vui không cần thiết phải có rượu bia và người khác giới. Tổng kết Ðể tổng kết những vấn đề trên, tôi muốn nói rằng vai trò của người phụ nữ trong Islam bị hiểu lầm ở phương Tây vì sự thiếu hiểu biết về Islam nói chung trong lối sống toàn diện, và bởi vì sự bóp méo của các phương tiện truyền thông. Người phụ nữ muslim ngang bằng với đàn ông về đạo đức và trí tuệ, được khuyến khích hành đạo và phát triển các mặt kiến thức trong cả cuộc đời. Trong quan hệ với nam giới, cả hai phải khiêm tốn trong sử xự, ăn mặc và với đạo đức nghiêm túc tức là không khuyến khích việc trai gái gặp nhau tuỳ tiện. Quan hệ giữa cô với chồng dựa trên tình yêu thương từ hai phía. Người chồng có trách nhiệm chăm sóc gia đình và giáo dục con cái khi chúng còn nhỏ. Cô ấy có thể sở hữu tài sản riêng, làm kinh doanh riêng và có quyền thừa kế. Cô ấy không bị ép buộc trong việc cưới xin và có thể li dị. Cuối cùng cô ấy có thể nhìn về tuổi già mà cô được kính trọng, được con cái và xã hội chăm sóc. Islam đạt được sự hài hòa giữa tự do và an toàn mà người phụ nữ mong chờ và thu hút toàn xã hội. Nếu vào nhiều thời điểm và tại nhiều địa điểm khác nhau, những nguyên tắc và luật lệ này bị bóp méo, lờ đi hay bị chế giễu không phải vì chúng sai, nhưng chính lòng ích kỷ của con người làm họ bị bóp méo, lờ đi hay chế giễu cái mà họ không thích, và quay lưng lại với sự thật. Còn may mắn là đã không có ai thay đổi hay có thể thay đổi các từ trong Thiên Kinh Qur'an và các qui định về bảo vệ người phụ nữ đã được Mặc Khải vào thế kỷ thứ VII, mà cho đến thế kỷ XX này không phải ai ai thực hiện dễ dàng như chúng ta đang làm. Tôi tin rằng những điều luật này và những qui định của xã hội về phụ nữ chắc chắn là chứa đựng những sự thật cơ bản mà bất cứ ai làm theo đó đều có lợi. Thời đại ngày nay khi sự suy nghĩ về vai trò và quyền lợi của người phụ nữ lan rộng, có lẽ là thời gian thích hợp cho cả những người học vấn cao hay thấp khắp mọi nơi trên trái đất nhìn lại trung thực quan điểm của Islam góp phần tới sự hình thành của những xã hội bền vững trong hơn 14 thế kỷ qua, cái mà được giữ gìn liên tục theo những nguyên tắc và từ những cái mà thế giới phương Tây có thể học hỏi được. Tác giả: B. Aisha LEMU Chuyển ngữ: Jamilah Ý kiến bạn đọc Ngo Hop | 2014-12-15 12:34:26 | ngothihop0806@yahoo.com
Tuy minh khong phai la nguoi trong dao .Nhung thay islam la loi song dao duc tot dep.Minh mong cung duoc an mac nhu islam de che kin than the cua minh dam bao su trong sach cua phu nu..tranh cac te nan xa hoi khac.:)
|