-Chân Lý Islam | baiviet | PHỤ NỮ ISLAM | QUYỀN HÔN NHÂN VÀ LY DỊ TRONG ISLAM
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
QUYỀN HÔN NHÂN VÀ LY DỊ TRONG ISLAM
02.03.2009 00:55 - đã xem : 5275
_VIEWIMG
Trên nguyên tắc, hôn nhân trong Islam không phải là một việc mua bán được thương lượng giữa hai bên đối tác, và cũng không hẳn là một khế ước thế tục trong đó các lợi ích vật chất và các nghĩa vụ được lượng giá đối với mỗi bên với nhau.

Nó là một cái gì long trọng, một cái gì thiêng liêng và thật là sai lầm khi người ta định nghĩa hôn nhân đơn giản trong ý nghĩa thể xác, vật chất và thế tục.


Các yếu tố của hôn nhân bao hàm tính bác ái, tính nâng cao tâm linh, tính chính trực xã hội, tính ổn định của con người, cùng an bình và khoan dung. Nó là một khế ước mà chính Allah là Nhân Chứng đầu tiên, nó được hình thành nhân danh Allah, tuân mệnh Allah và theo Sắc Chỉ của Allah. Nó là sự kết thân đứng đắn được Allah cho phép và giám sát. Nó là một Dấu Ấn của Ân Sủng của Allah và là Đức Khoan Dung như Allah đã phán rõ trong Thiên Kinh Qur’an : « (Allah) phán : ‘Hãy nắm lấy nó và chớ sợ. TA sẽ làm cho nó hiện nguyên hình trở lại’. » S. 20/21


Do đó, hôn nhân trong Islam rõ ràng là một phương tiện của sự quan hệ trường cửu và hài hòa liên tục chẳng những giữa một người nam và một người nữ, mà còn giữa những người này và Allah nữa. Rõ ràng là khi thương lượng một khế ước hôn nhân, hai người Muslim có ý định đạt thành một thành công lâu bền, cho điều xấu lẫn điều tốt. Để bảo đảm kết quả này, Islam đã đề ra một số qui định để càng được chắc càng tốt rằng hôn nhân sẽ phục vụ hoàn toàn mục tiêu của nó. Có thể kể một số qui định sau đây :


1)- Hai bên phải hiểu biết nhau đầy đủ rằng không bên nào dấn thân vào phong cách vô luân hoặc dối trá và lợi dụng.


2)- Đặc biệt là bên nam, được khích lệ chọn người phối ngẫu của mình trên cơ sở các giá trị trường cửu của nàng, tức lòng mộ đạo, đức liêm chính đạo đức, tính nết… chứ không phải trên cơ sở của cải hoặc uy tín gia đình hoặc ngay cả sắc đẹp hấp dẫn của nàng.


3)- Người phụ nữ có quyền được đoan chắc rằng người nam đi hỏi cưới có vẻ thích hợp với nàng, xứng đáng với sự nể trọng và tình yêu thương của nàng, và có khả năng mang đến hạnh phúc cho nàng. Trên cơ sở này, người phụ nữ có thể từ chối việc hỏi cưới của một người đàn ông mà nàng thấy ở bên dưới trình độ của nàng hoặc không thích hợp, bởi lẽ điều này có thể ngăn trở nàng hoàn thành các nghĩa vụ của một người vợ và có thể phá vỡ cả cuộc hôn nhân đang hình thành.


4)- Người phụ nữ có quyền đòi hỏi tiền cưới chiếu theo tiêu chuẩn của nàng và cũng tùy theo phương tiện của chàng. Nếu nàng muốn gạt qua quyền này và chấp nhận chàng với một ít hoặc không có tiền cưới, thì nàng có thể làm được. Việc đòi hỏi tiền cưới đối với người nam là để đảm bảo với người phụ nữ rằng nàng được ưa thích, được cần, và người đàn ông đi hỏi cưới đó sẵn sàng và có ý muốn nhận lấy trách nhiệm về mặt tài chính và các mặt khác nữa. Tiền cưới cũng là một cử chỉ tiêu biểu chỉ rõ người phụ nữ sẽ được an toàn và người đàn ông đi cưới không phải đang tìm kiếm lợi lộc vật chất trong hôn nhân. Nó vạch ra một đường ranh rõ rệt giữa những gì mà mỗi bên nên mong đợi và không được mong đợi từ bên kia.


5)- Hôn nhân phải làm công khai và cử hành trong một nền nếp vui vẻ nhất. Sự tự do thuận tình của cả hai bên là một điều kiện thiết yếu mà nếu không có thì cuộc hôn nhân sẽ vô hiệu.


6)- Để được hợp với Giáo luật Islam, mỗi cuộc hôn nhân phải được chứng kiến bởi hai người giám hộ và được ghi vào sổ sách chính thức.


7)- Việc cấp dưỡng toàn bộ cho người vợ là bổn phận của người chồng. Nếu người vợ có tài sản hoặc của cải riêng thì đó là thuộc sở hữu của vợ trước và sau hôn nhân, người chồng không có quyền đối với bất cứ phần nào của tài sản riêng của vợ. Điều này là để giới hạn hôn nhân trong các mục tiêu cao thượng của nó và tách biệt nó khỏi tất cả các mục tiêu không giá trị.


Với tất cả các biện pháp này, người ta có thể thấy rõ Islam đã ban cấp tất cả những đảm bảo làm cho hôn nhân thành một sự kết thân hạnh phúc và một nền tảng vững chắc của sự hài hòa liên tục và an bình vĩnh cửu. Nhưng xét vì phong cách của người đời có thể thay đổi, và lắm khi không thể lường trước được, Islam đã có một quan niệm thực tế về cuộc sống và làm ra các trợ giúp cho các diễn biến không ngờ trước được. Như đã nói trên, hôn nhân có các mục tiêu đứng đắn và cao cả cần phải được hoàn tất. Islam không chấp nhận mọi cuộc hôn nhân không điều hòa, không có hiệu quả. Không thể có hôn nhân danh nghĩa hoặc hư không. Hễ nói đến hôn nhân là phải thành công hoặc giả sẽ không có hôn nhân nào cả. Hôn nhân là một hợp đồng có tính quá long trọng nên không thể để nó ngưng đọng hoặc không hiệu quả. Do đó, nếu hôn nhân không phục vụ được mục tiêu hoặc không điều hòa thích hợp, thì có thể chấm dứt nó bằng li dị với sự bảo toàn tất cả các quyền hạn của các bên có liên quan. Điều này là do bởi không có lý do duy trì một hợp đồng danh nghĩa và không giá trị, và cần phải cứu vớt con người khỏi phải bị ràng buộc bởi các lời thề nguyền mà không thực hiện được.


Khi nào cuộc hôn nhân Islam được đặt trên cơ sở các qui định trên và chịu dưới sự chi phối của các điểm dè dặt trên, mà không điều hòa thích hợp thì hẳn nhiên là phải có một vài chướng ngại nghiêm trọng trên con đường, một cái gì không thể khắc phục được bằng hòa giải. Trong tình hình như thế, việc li dị có thể được áp dụng. Tuy nhiên, đó chỉ là lối thoát cuối cùng, bởi lẽ nabi Muhammad (saw) đã mô tả li dị như là một trong những sự việc đáng ghét nhất dưới cái nhìn của Allah. Nhưng trước khi thực hiện bước cuối cùng và tuyệt vọng này, phải cố làm một số việc theo thứ tự sau đây :


1)- Các bên có liên quan trong tranh chấp phải cố tự hòa giải và giải quyết các vấn đề giữa họ với nhau.


2)- Nếu thất bại, thì hai trọng tài, một người có quan hệ bên nam (chồng) và một người có quan hệ bên nữ (vợ), phải được ủy thác để cố gắng mang lại an bình giữa nhau và giải quyết các bất đồng.


3)- Nếu nỗ lực này cũng thất bại, thì có thể mới đi đến quyết định cuối cùng là li dị.


Áp dụng li dị trong tình trạng khó khăn như thế, Giáo Luật Islam đòi hỏi phải có thỏa hiệp giữa cả hai bên và ban cấp quyền cho cả hai bên đòi li dị, chứ không phải chỉ cho quyền riêng người chồng hoặc chỉ riêng người vợ. Cả hai đều được hành sử quyền này. Nếu có bên nào không cảm thấy an toàn hoặc không bằng lòng với việc bên kia chuyên đoán từ chối li dị, và nếu yêu cầu li dị được thấy chính đáng, thì tòa án (chỉ có tại các nước Islam) phải xen vào để giúp bên thiệt thòi được li dị.


Sau khi thủ tục li dị xảy ra, thì phải có một thời kỳ chờ đợi (thường là từ ba đến mười tháng), trong thời gian đó, người vợ li dị được người chồng cũ chu cấp hoàn toàn nhưng nàng không thể lấy chồng trước khi thời hạn trên chấm dứt. Thời hạn chờ đợi có một ý nghĩa cho cả hai bên (vợ và chồng) xem xét lại thái độ của mình một cách nghiêm túc và cân nhắc kỷ hơn về sự chia cách giữa hai bên. Nếu trong thời hạn đó mà hai bên cảm thấy muốn tái hợp, thì Allah là Đấng Hòa Giải cho cả hai (hai người có thể trở lại chung sống trong tình nghĩa vợ chồng như trước đây). Vì thực tế, họ được khuyến khích tái hợp bởi lẽ sự xa cách như vậy thường giúp họ đánh giá lẫn nhau. Nhưng nếu sau thời trên đã chấm dứt mà hai bên vẫn giữ ý kiến li dị thì hai bên được quyền tái giá, và họ không còn ràng buộc với nhau nữa.


Xin nói thêm, nếu vạn nhất có sự tái hợp giữa hai người li dị thì giống như một cuộc hôn nhân mới. Trường hợp trong thời gian đã ấn định lần thứ nhất mà quan hệ của họ không có gì cải tiến thì xem ra họ đã chọn giải pháp li dị. Sau đó, sẽ có thời gian ấn định lần thứ hai (có thể là ba tháng), nếu họ muốn tái hợp lại thì vẫn được phép ở lại, nhưng phải làm thủ tục « Hôn phối » cho hai người giống như một cuộc hôn nhân mới, và với điều kiện trong thời gian li hôn mà người nữ chưa đi thêm bước nữa (tái giá). Nhưng sau thời gian ấn định lần thứ hai mà hai bên vẫn cương quyết li dị, thì đây xem như hai bên đã chính thức li dị, vì đây là lần li hôn cuối cùng được áp dụng.


Ở đây, Islam sẵn sàng nắm lấy mọi vấn đề và đối phó với mọi tình huống. Islam không làm hại hôn nhân bằng cách cho phép li dị dễ dàng. Trái lại, Islam đã đảm bảo nó bằng cùng biện pháp, cho người sai quấy biết rằng người bị thiệt hại, chịu điều sai, có thể tự giải thoát bản thân khỏi bất công và thua thiệt bằng li dị. Bằng cách nhận định rõ hôn nhân chỉ còn hiệu lực ràng buộc khi nào nó còn điều hòa và thành công, cả hai bên sẽ làm hết sức mình để làm cho hôn nhân vuông tròn trước khi làm những gì khác có thể gây hại cho việc tiếp tục hôn nhân. Nó làm cho các bên cẩn trọng trong việc chọn lựa người phối ngẫu trước khi đi vào hôn nhân và trong việc cư xử với người phối ngẫu về sau.


Khi làm cho li dị có thể đạt được do sự thuận ý lẫn nhau hoặc do sự can thiệp của tòa án thay mặt các bên. Islam đã giữ vững đạo hạnh và phẩm cách con người. Islam không ép buộc một người chịu khổ vì bất công hoặc sự thiệt hại của một bên phối ngẫu không trung tín. Islam không đưa con người đi vào vòng vô luân hay mất đứng đắn. Islam bảo họ: Hoặc các ngươi sống với nhau hợp luật đạo và trong hạnh phúc hoặc các ngươi chia tay với nhau trong một con đường có phẩm cách và đúng đắn. Tính đạo đức và nhân đạo nổi bật nhất trong Islam về mặt này là đã không cưỡng ép bên nào phải hạ thấp phẩm cách của mình và làm thoái hóa đạo hạnh của mình chỉ để được li dị. Người Muslim không cần phải « ly thân » một thời gian rồi mới được li dị như qui định bởi một số hệ thống luật pháp thế tục. Islam cũng không ban cấp li dị có điều kiện ngoại tình…


Nói tóm lại, bên vợ cũng như bên chồng trong Islam đã được Allah ban lệnh phải ăn ở tốt lành và nhẫn nhịn nhau. Họ đã được nhắc nhở làm thế nào một bên có thể ghét bỏ những gì ở người phối ngẫu mà Allah đã đặt nhiều tốt lành và nhiều đức hạnh. Họ đã được đoan chắc có sự trợ giúp của Allah nếu họ sống gắn bó tốt đẹp với nhau. Nhưng nếu họ phải chia cách bằng li dị, thì họ phải làm mà không có dụng ý gây tổn thương và hãm hại nhau. Nếu họ chia cách một cách lịch sự với nhau trong danh dự, thì Allah đảm bảo cho họ tất cả các ân phước của Allah. Từ khởi đầu cho đến chẳng may chấm dứt, toàn khuôn khổ hôn nhân được tập trung chung quanh và định hướng về niềm tin Allah, Thượng Đế Duy Nhất, Đấng Toàn Tri Toàn năng của muôn loài.


 


 


Trích từ sách : « ISLAM, ĐỨC TIN VÀ ỨNG DỤNG »


Nguyên tác : HAMMUDAH ABDALATI


Biên dịch : DOHAMIDE ABU TALIB


 


 


 


 


 

Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 430 Tổng lượt truy cập 2979442