ISLAM - IMAN - IHSAN 16.12.2007 01:56 - đã xem : 3460 "Rồi TA cho những ai trong số bầy tôi của TA mà TA đã chọn lựa thừa hưởng Kinh sách (Qur’an). Nhưng trong họ, có người tự làm hại bản thân mình, và có người đi theo con đường chính giữa và có người thì luôn tiên phong trong những việc làm thiện tốt, đó mới là thiên lộc lớn nhất." S. 35 / A. 32. Ở đây các học giả đồng cho rằng, ba loại người trong câu kinh này tương ứng với ba cung bậc đạo hạnh của mỗi tín đồ Islam. Người bất công với chính bản thân tương ứng với người chỉ mới chấp thuận tôn giáo Islam chưa hoàn thiện được đức tin (iman), người đi theo con đường chính giữa là người Muslim đã hoàn thiện đức tin một cách chính chắn và cuối cùng là người luôn tiên phong trong những việc làm thiện tốt, đây là cảnh giới cao nhất của một tín đồ tương ứng với Ihsan. Tuy rằng tôn giáo Islam được phân chia thành ba căn nguyên, nhưng thực chất ta khó có thể xác định ranh giới giữa chúng một cách tuyệt đối, nhất là giữa Islam và Iman và những học giả có những quan niệm khác nhau về vấn đề này. Những học giả theo trường Sunnah và Jama’ah thì đều cho rằng Islam và Iman « tuy hai là một, tuy một là hai », tức là khi tách rời chúng ra thành hai cái riêng biệt thì thật ra chúng là một, nhưng khi gom chúng lại thành một thì thật ra chúng là hai điều riêng rẽ. Khi nói đến Islam là nói đến tên gọi chung về sự quy phục và phụng mệnh Allah duy nhứt. Ai quy phục tuân theo mệnh lệnh của Allah tức là đã chấp thuận Islam. Còn Iman (niềm tin) là điều vô hình, nếu chúng ta cảm thấy bình yên nơi cõi lòng khi nhận được một thông điệp nào đó từ Islam, đấy là ý nghĩa của hai từ "Islam và Iman" trên phương diện ngữ nghĩa, nhưng trên phương diện tôn giáo thì "Islam và Iman" nó có những trụ cột riêng biệt khác nhau. Theo lời thuật lại của ông Umar bin Khattab (R) thì Thiên thần Jibril (A) hiện thân thành một người đàn ông trong bộ áo trắng tinh, có mái tóc đen mun đến hỏi Rasul (saw) về giáo lý Islam. Khi Thiên thần hỏi Rasul (saw) : "Islam là gì ?" thì Người (saw) đáp : "Islam là ông phải nói câu tuyên thệ để chứng nhận chỉ có Allah là Đấng để chúng ta tôn thờ, ngoài ra không có ai khác và Muhammad là Sứ giả của Ngài ; phải hành lễ Solah (năm lần một ngày đêm) ; phải bố thí (Zakat) ; phải nhịn chay tháng Ramadan và phải đi hành hương tại thánh địa Makkah nếu như có điều kiện (sức khỏe, chi phí…). Rồi thiên thần hỏi tiếp: - Còn Iman là gì ? Rasul (saw) đáp: - Iman là ông phải có niềm tin vào Allah, vào các vị Thiên thần, phải tin vào các Thiên sứ và các Kinh Sách của Ngài, phải có niềm tin vào cuộc sống ở Đời Sau và có Định mệnh tốt hoặc xấu." Hadith do Muslim ghi lại. Rasul (Saw) đã định nghĩa « Islam và Iman » theo hadith trên cho thấy đây là hai điều riêng biệt. Islam là biểu hiện của hành vi được phô bày qua thể xác còn Iman là biểu hiện của tâm linh nằm thầm kín trong trái tim. Tuy nhiên, nếu tách chúng ra thành hai phần hẳn hoi thì không hẳn hoàn toàn là hai phần riêng biệt, bởi vì có những hadith chứng minh rằng Islam và Iman đích thực là một, như theo lời thuật của ông Abu Hurairah (R) được ghi chép trong bộ Bukhary và Muslim rằng Rasul (saw) có nói như sau : « Iman gồm có bảy mươi mấy hay sáu mươi mấy phần tử, đỉnh cao nhất của nó là câu tuyên thệ [Không có Đấng nào khác đáng tôn thờ ngoài Allah], và phần thấp nhất của nó là nhặt một chướng ngại vật trên đường đi, còn bản chất mắc cỡ cũng là một phần từ Iman ». Việc nhặt chướng ngại vật ở đây rõ ràng không thuộc về tâm linh mà là hành vi của thể xác. Một hadith khác trong bộ Bukhary và Muslim có nêu lên lời thuật của ông Wafad Abdul AlQais (R) là có lần Rasul (saw) hỏi các vị Sahabah như sau : « Các người có biết niềm tin duy nhứt vào Allah là gì không ? Họ đồng thanh đáp : Thưa, chỉ có Allah và Thiên sứ biết rõ hơn ai hết. Người (saw) nói : Đó là sự tuyên thệ và chứng nhận là không có Đấng nào khác đáng được tôn thờ ngoại trừ Allah và Muhammad là Sứ giả của Ngài, kế đến là sự hành lễ (Solah), bố thí Zakat, nhịn chay tháng Ramadan và… » Rasul (saw) đã giãi thích Iman (đức tin) là sự thể hiện bằng hành vi qua các việc làm, mà các việc làm đó lại là những trụ cột căn bản của Islam. Cũng có thể nói Islam là một phần của Iman, vì Iman không những là niềm tin trong con tim mà còn phải thể hiện bằng hành động của thể xác. Allah phán bảo về thuộc tính của những người có iman như sau : « Những người có đức tin chắc chắn sẽ thành đạt - Những ai hạ mình khiêm tốn trong việc dâng lễ solah của họ - Và những ai tránh xa chuyện tầm phào vô bổ - Và những ai tích cực đóng Zakat – Và những ai che giữ phần kính đáo - Ngoại trừ với vợ hoặc với những (nữ tù binh) nằm dưới tay phải của họ thì không bị khiển trách (về việc đó) – Nhưng nếu ai tìm cách vượt quá mức giới hạn thì là những kẻ phạm tội – Và những ai thực hiện đúng lời ủy thác và lời hứa – Và những ai cẩn thận giữ gìn việc dâng lễ Salah (của họ) - Những người ấy mới thật sự là những người thừa hưởng - Họ sẽ thừa hưởng Thiên đàng hạnh phúc, nơi mà họ sẽ vào sống đời đời ». S. 23 / A. 1-11. Bởi những lẽ trên, các học giả Muslim khi nói về khái niệm Iman trên quan điểm tôn giáo thì họ đều thống nhất một điểm chung là niềm tin phải đi cùng với hành động, nó có thể tăng hoặc giãm. Sheik Ibn Taimiyah nói : « Đức tin (Iman) nói bằng lưỡi, tin tưởng bằng con tim và hành động bằng thể xác ; Iman tăng khi phụng mệnh và giảm khi nghịch lệnh hay làm điều tội lỗi ». Tóm lại, Islam là niềm tin tất yếu của một tín đồ, là bậc thang để đạt đến đức tin (Iman). Ai thực hiện đầy đủ những trụ cột của nó thì được gọi là người Muslim nhưng chưa phải là Mu’amin (người đạo hạnh tin tưởng) thực sự. Vì Allah có phán : [Những người Arab (của vùng sa mạc) nói: « Chúng tôi đã tin tưởng ». Hãy bảo chúng: « Các người chưa có đức tin. Ngược lại hãy nói : Chúng tôi thần phục (trong Islam). Bởi vì đức tin chưa thấm sâu vào tấm lòng của các người… »] S. 49 / A. 14 Còn Iman là niềm tin đã vững chắc, nó bao hàm cả niềm tin tất yếu. Người được gọi là mu’amin là người ngoài việc thực hiện đầy đủ các trụ cột của Islam thì y còn hoàn thành những giáo điều khuyến khích khác và luôn tránh xa điều nghiêm cấm tội lỗi, tuy cũng có lúc y lỡ lầm nhưng y sớm tỉnh ngộ quay về sám hối. Do đó, khi một người nói tôi là Mu’amin thì có thể khẳng định ngay y chính là Muslim. Ngược lại khi y nói tôi là người Muslim thì chưa thể quả quyết là Mu’amin thực sự mà hãy nên nói rằng « Y sẽ là người Mu’amin, Insha-Allah ». Bởi lẽ, có thể y chỉ mới qui phục Islam nhưng đức tin chưa thấm nhuần vào lòng. Cầu xin Allah soi sáng và hướng dẩn chúng sinh đến với niềm tin vững chắc. Cầu xin Allah làm cho niềm tin trong tim được thêm bền vững. Allah là niềm hi vọng cho những ai hướng về Ngài. Amine. Abu Zaytune Usman Ibrahim soạn thảo Ý kiến bạn đọc |