-Chân Lý Islam | baiviet | LỜI HAY Ý ĐẸP | NGÀY CỦA NHỮNG NGƯỜI MẸ (HAPPY MOTHERS DAY)?
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
NGÀY CỦA NHỮNG NGƯỜI MẸ (HAPPY MOTHERS DAY)?
01.01.2009 18:44 - đã xem : 7133
_VIEWIMG
Happy Mothers Day
Trên thế giới hiện nay, có một số cộng đồng Muslim đã bắt chước tổ chức “Ngày lễ của những bà mẹ”, hoặc có thể được gọi là “Happy Mothers Day”, đây là ngày mà Người Thiên Chúa giáo tự đặt với quan niệm là tôn vinh và trân trọng các bà mẹ. Từ đó, nó đã trở thành tục lệ của sự sùng kính, tôn thờ và gắn kết con người vào việc ăn mừng qua việc gửi quà tặng cho các bà mẹ cùng với những lời nhắn nhủ yêu thương...

Mọi sự tán dương tốt đẹp nhất hướng về Allah (swt), phúc lành và bình an luôn đến với Thiên sứ Muhammad (saw), cùng gia quyến, những bạn hữu và những người noi theo con đường giáo huấn của Người cho đến ngày Sau. Amin!

Lời nói đầu:

Thiên sứ Muhammad (saw) đã nói với chúng ta rằng: “Ummah (Cộng đồng) của Ta chắc chắn sẽ có người đi theo con đường của những dân tộc trước đây như người Do Thái, người Thiên Chúa, hay người Ba Tư (trước Islam)”.

Và Abu Sa’eed (cầu xin Allah hài lòng với ông) thuật lại lời của Rosul (saw) rằng: Các ngươi chắc chắn sẽ đi theo con đường của những người trước đây, tay trong tay, sát cánh cùng nhau, nếu họ có chui vào hang của con thằn lằn thì các ngươi cũng sẽ làm theo họ”. Chúng tôi hỏi: -Thưa Thiên Sứ (saw) có phải Thiên Sứ đã nói đến Người Do Thái và Người Thiên Chúa không? Thiên sứ nói rằng: Còn ai khác nữa. Hadith Al- Bukhari: 3269 và Muslim: 2669

Theo hai hadith trên ý muốn nói là những người thiếu hiểu biết kiến thức tôn giáo Islam, những kẻ đổi mới giáo luật và những người đi theo dị giáo sẽ đi theo gót chân của những người Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Người Ba Tư trước đây trong cả niềm tin tôn giáo lẫn trong trang phục và lối sống. Cho nên, điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ngày nay đã cho thấy một số cộng đồng Muslim đang hòa đồng, để bắt chước họ tham gia vào những ngày lễ hội riêng theo kiểu cách tôn giáo của họ, đây là việc làm vô ý thức mà chúng ta vô tình đã tự đổi mới giáo luật Islam.

Trên thế giới hiện nay, có một số cộng đồng Muslim đã bắt chước tổ chức  “Ngày lễ của những bà mẹ”, hoặc có thể được gọi là “Happy Mothers Day”, đây là ngày mà Người Thiên Chúa giáo tự đặt với quan niệm là tôn vinh và trân trọng các bà mẹ. Từ đó, nó đã trở thành tục lệ của sự sùng kính, tôn thờ và gắn kết con người vào việc ăn mừng qua việc gửi quà tặng cho các bà mẹ cùng với những lời nhắn nhủ yêu thương. Nhưng sau khi kết thúc ngày lễ hội đó thì mọi việc sẽ trở lại bình thường và những người con sẽ cắt giảm đi sự tôn trọng, lòng yêu thương và sự vâng lời đối với người mẹ của họ???

Qua đó chẳng có điều gì tốt đẹp và ích lợi để người Muslim chúng ta phải bắt chước theo kiểu cách dối trá của họ, trong khi Allah (swt) đã chỉ dạy chúng ta phải biết kính trọng cha mẹ và nghiêm cấm chúng ta bất tuân lời dạy bảo của cha mẹ vào mọi lúc mọi nơi, và Allah (swt) sẽ ban cho chúng ta một phần thưởng xứng đáng nồng hậu nhất vào Ngày Sau. Như lời phán của Allah bảo chúng ta như sau: “Và Rabb của Ngươi quyết định rằng các người chỉ thờ phụng riêng Ngài và ăn ở tử tế với cha mẹ. Nếu một trong hai người (cha mẹ) hoặc cả hai người (cha mẹ) sống với ngươi đến tuổi già, chớ nói tiếng vô lễ với hai người (cha mẹ), và chớ xua đuổi hai người (cha mẹ), mà phải ăn nói với hai người (cha mẹ) bằng những lời lẽ tôn kính”. S 17/23.

‘Eid (Lễ Hội) là gì?

Trong ngôn ngữ Arab “Ngày của những người Mẹ” được hiểu như “Eid al-umm”; từ ‘Eid được chuyển hóa từ ngôn từ gốc (‘aada/ya’ood); có nghĩa là « Trở về » hoặc « Quay trở lại ».

Sheikh Al-Islam Ibn Taymiyah nói rằng:

“Eid (Lễ hội) là một tên được đặt cho một sự kiện, khi con người tập họp trong một tinh thần lễ hội truyền thống được diễn ra thường niên hoặc hằng tuần, hoặc hằng tháng, .v.v…”. Iqtidaa’ Al-Siraat Al-Mustaqeem, 1/441

Ngoài ra Ông Ibn ‘Abideen cũng có nói về ‘Eid như sau: “Được gọi là ‘Eid bởi vì Allah (swt) thường xuyên ban phước lộc và an lành. Sự ban phước lộc cho nô lệ của Allah thường diễn ra trong những ngày ‘Eid, như là xả chay (Iftar) sau một ngày nhịn chay và sự bố thí bắt buộc (Zakat al-fitr); Hành hương (Haji), giết gia súc rồi phân phát cho người nghèo (Qurban), v.v…, bởi vì nó là một truyền thống trong những ngày lễ hội nhằm biểu lộ sự vui mừng, hạnh phúc và tràn đầy nghị lực”. Haashiyat Ibn ‘Aabideen, 2/165

Lễ hội trong Islam?

Hiện nay, chúng ta đã thường thấy tự nhiên có sự xuất hiện rất nhiều lễ hội trong cộng đồng của người Muslim như là: “Lễ hội cây, Ngày quốc tế lao động, Mừng ngày Vua lên ngôi, Sinh nhật người sống cũng như người chết, và các lễ hội tự biên tự diễn…” Nếu kể ra thì có một danh sách dài về các lễ hội, nhưng hiểu ra thì những lễ hội đó là sự cách tân của người Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo hay Đa Thần giáo, vì nó không có một bằng chứng nào trong tôn giáo Islam.

Abu Dawood ® thuật lại rằng có lần Anas Ibn Malik ® đã nói: “Vào thời kỳ Jaahiliyah (thời kỳ tiền Islam), con người có hai ngày để ăn mừng hàng năm. Nhưng khi Thiên sứ Muhammad (saw) di cư đến Madina thì Người đã nói như sau: (Trước đây, các ngươi đã có hai ngày lễ hội để ăn mừng, nhưng hôm nay Allah (swt) đã ban cho các ngươi hai ngày lễ khác tốt đẹp hơn, đó là hai ngày Đại Lễ Eid al-Fitr và Eid al-Adha )”. Abu Dawood: 1134

Islam và Đấng sinh thành

Allah (swt) đã phán trong Thiên kinh Qur’an như sau:

Hãy thờ phụng Allah và tuyệt đối chớ tổ hợp bất cứ cái gì (ai) với Ngài, và hãy ăn ở tử tế với cha mẹ, và bà con ruột thịt, và trẻ mồi côi, và người thiếu thốn, và (đối xử tử tế) với xóm giềng gần và xóm giềng xa, và với bạn bè bên cạnh và với người đi đường, và với (tù binh) nằm trong tay của các người bởi vì quả thật Allah không thương những kẻ tự phụ khoe khoang Surah An-Nisa: 36

Có lần Abu Hurayrah thuật lại rằng: “Có một người đàn ông đến gặp Rosul Muhammad (saw) và hỏi rằng: - Thưa Rosul trong cộng đồng gia đình ai sẽ là người tốt nhất để tôi làm bạn? Rosul (saw) trả lời: (Người mẹ của ngươi). Và người đàn ông tiếp tục hỏi: Vậy còn sau đó là ai? Rosul nói tiếp: (Mẹ của người, mẹ của người và sau đó là cha của ngươi)”. Al-Bukhari: 5626 ; Muslim: 2548

Qua lời dạy quý báu và thiêng liêng của Thiên Kinh Qur’an và Hadith của Rosul (saw) đã chỉ cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc hiếu thảo, kính trọng và yêu thương cha mẹ. Nhưng sự kính trọng và lòng yêu thương phải dành cho người mẹ nhiều hơn gấp ba lần; bởi vì sự gian khổ của người mẹ trong ba thời kỳ là lúc mang thai, sanh đẻ và cho con bú. Những gian khổ trên chỉ có người mẹ mới trải qua được, trong khi người cha chỉ chia sẻ với người mẹ trong việc nuôi nấng đứa con lớn khôn. Mặc dù công đức đều dành cho cả cha lẫn mẹ, nhưng công lao của người mẹ vẫn nhiều hơn. Như Allah (saw) đã phán như sau:

Và TA đã truyền lệnh cho người về việc (hiếu thảo với) cha mẹ. Mẹ của y cưu mang y từ đau yếu (gian khổ) này lên đau yếu (gian khổ) khác; và cho y bú và dứt sữa y trong hai năm. Bởi thế, hãy tạ ân TA (Allah) và biết ơn cha mẹ của ngươi, cuối cùng nhà ngươi cũng sẽ trở về gặp lại TA”. Surah Luqman: 14

Tôn giáo Islam luôn luôn dạy bảo nhân loại phải biết yêu thương, kính trọng và đối xử tốt với các bậc sinh thành của mình, cho dù họ là những người thờ đa thần đi nữa. Có một câu chuyện xảy ra với bà Asma ® bint Abu Bakr như sau: “Mẹ của tôi đến thăm tôi nhưng mẹ tôi vẫn đang là một người thờ đa thần. Tôi đến hỏi ý kiến của Thiên sứ Muhammad (saw): - Thưa thiên sứ! Mẹ của tôi đến thăm tôi vì vài mục đích, như vậy tôi có cần phải giữ mối quan hệ huyết thống với mẹ tôi hay không? Lúc đó Thiên sứ khuyên tôi phải giữ mối quan hệ huyết thống đó”.

Nhưng trái ngược với Islam, chúng ta thường thấy những sự cô độc, buồn chán và nỗi thất vọng của các bậc cha mẹ là những người đi theo (Do thái, Thiên Chúa hay Đa thần giáo) đang sinh sống tại các quốc gia ngoại giáo (không phải Islam). Tại đây, chúng ta rất hiếm thấy có một gia đình nào đầy đủ các thành viên trong gia đình giữ mối quan hệ gần gũi với nhau. Ở các khu hội chợ hay những đường phố chúng ta có thể bắt gặp được một người mẹ với đứa con trai hay con gái; hoặc người cha với đứa con trai hay con gái, cùng nhau đi dạo phố mua sắm. Nhưng lại rất ít thấy được toàn thể các thành viên trong gia đình (không cùng chí hướng đạo giáo) cùng nhau đi dạo phố. Và khi người cha hoặc người mẹ đến tuổi xế chiều, thì việc làm đầu tiên của những người con sẽ đưa họ gửi vào nhà dưỡng lão. Qua khảo sát cho thấy, các người già trong nhà dưỡng lão đều có chung một ước nguyện là ‘Chết’, bởi vì họ cảm thấy đang sống trong cảnh cô đơn và buồn tủi…

Lịch sử Ngày của Mẹ:

Các nhà sử học cho rằng Ngày của Mẹ có nguồn gốc xuất xứ từ những Lễ hội Mùa xuân của Người Hy Lạp cổ đại, nó được bắt đầu vào khoảng những năm 250 (trước Công nguyên). Lễ hội này được người La Mã gọi là Hilaria, diễn ra trong vòng ba ngày và bắt đầu từ ngày 15 tháng 3 cho đến hết ngày 18 tháng 3 hàng năm. Những lễ hội này là sự dâng hiến đến Nữ thần Rhea, người vợ của Thần Cronos; cha của Chúa trời. Theo Người La Mã cổ xưa đó là những lễ hội giống như sự cúng bái hoặc sùng kính của Sylbil, một người mẹ khác của các Chúa trời.

Tại Anh Quốc, ngày của mẹ được ăn mừng rộng rãi và nó còn được biết như là “Mothering Sunday” (Ngày chủ nhật thứ tư của Tuần chay tháng ba, dịp các bà mẹ theo tục lệ được con cái tặng quà và chúc mừng). Ngày xưa lễ hội này được tổ chức để tôn thờ Nữ thần Sylbil của Người La Mã, nhưng do sự biến đổi của lịch sử và xã hội nó được sửa đổi để cúng bái và sùng kính “Đức mẹ Maria”. Truyền thống này được khởi nguồn từ một vài người, họ khuyến khích và động viên những người khác đến viếng thăm các nhà thờ nơi họ sinh sống và mang theo đồ vật để cúng biếu. Cho đến những năm 1600 (sau công nguyên), nam nữ thanh niên và các nô lệ mới bắt đầu đến thăm viếng các bà mẹ của họ, mang theo quà tặng và thức ăn.

Ngày của Mẹ trong thế giới Arập

Ý tưởng của việc mừng Ngày của mẹ trong thế giới Arập được bắt đầu từ Ai Cập, và nó được khởi đầu bởi hai người anh em Mustafa và Ali Ameen, họ là nhà sáng lập tờ báo “Akhbar Al-Yawn”. Câu chuyện bắt đầu từ việc ông Ali Ameen nhận được một lá thư khiếu nại của một người mẹ khiếu nại về việc bà bị những người con ngược đãi, bà đã chịu đựng những sự hành hạ của những người con khi bà lỡ làm điều gì đó phật ý họ. Ngoài ra, còn có một bà mẹ khác đến gặp ông Mustafa Ameen và kể cho ông ta nghe về hoàn cảnh khốn cùng của mình: “Bà trở thành góa bụa khi những đứa con của bà còn rất nhỏ, bà đã không tái giá lần nữa. Bà dành hết tình yêu thương, cuộc đời của mình để chăm sóc họ, cho họ ăn học thành tài cho đến khi họ trưởng thành và lập gia đình, và có cuộc sống riêng tư thì họ bỏ rơi bà và rất ít dành thời gian đến thăm và chăm nom bà”.

Trải nghiệm qua hai hoàn cảnh đáng thương đó, anh em nhà Ameen đã viết một bài báo với tựa đề Ý Kiến (Fikrah), và đề nghị phải chọn và lập một ngày để tưởng nhớ và vinh danh công đức của người mẹ. Để bảo vệ cho ý tưởng của mình, hai anh em nhà Ameen đã dẫn chứng là phương Tây đã làm điều đó và Islam khuyến khích con cái phải có hiếu thảo với cha mẹ!!!

Qua bài báo trên anh em nhà Ameen đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và nhiều ý kiến nên dành cả một tuần lễ để vinh danh mẹ. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến bác bỏ ý tưởng này và cho rằng tất cả những ngày trong năm điều là ngày của mẹ. Trách nhiệm của con cái là ngày ngày phải luôn tưởng nhớ và ghi nhận công đức của mẹ, người đã hằng chịu bao khó khăn gian khổ để nuôi nấng mình nên người. Nhưng đa số lại đồng tình với việc thành lập một ngày để vinh danh mẹ và họ đã chọn ngày 21 tháng 3; và năm 1956 là năm đầu tiên họ ăn mừng ngày của mẹ. Từ ý tưởng đó mỗi ngày càng lan rộng đến các quốc gia Arập khác. Ngoài ra còn có những thời điểm có ý kiến nên đổi Ngày của mẹ thành Ngày của gia đình để vinh danh công đức của cha lẫn mẹ. Nhưng đa số một lần nữa lại không đồng tình với ý kiến này vì cho rằng nó sẽ làm giảm đi tính chất thiêng liêng của người mẹ.

Ngày nay, một số quốc gia tại vùng Arập, qua các phương tiện thông tin truyền thông rộng rãi để thông báo đón mừng ngày của mẹ, mặc dù họ đã biết rằng, đa số người tổ chức lễ hội trên là những người Do Thái hay Thiên chúa giáo, nhưng họ vẫn cố biện luận cho việc đổi mới của họ là họ muốn quan tâm đến phụ nữ và các bà mẹ hơn. Nhưng chúng ta hãy lưu ý rằng “Ngày của Mẹ” (trong thế giới Arập) là ngày 21 tháng 03, cũng là ngày mừng năm mới của Giáo hội Thiên chúa giáo Ai cập; và cũng là ngày mừng lễ hội “Naworz” của người Kurds.

Islam và Ngày của Mẹ!

Trong tôn giáo Islam không cần có sự đổi mới như Ngày của mẹ hoặc các lễ hội khác ngoài hai ngày đại lễ « Eid Al-Fitr và Eid Al-Adha ». Islam luôn dạy chúng ta phải biết yêu thương, kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ, nhưng không cần thiết phải tổ chức mừng Ngày lễ của mẹ.

Thiên sứ Muhammad (saw) đã nói như sau: Những ai đổi mới một điều gì đó trong chúng ta (Islam) và đó không phải là một phần của chúng ta thì sẽ bị loại bỏ”. Sahih Al Bukhari và Muslim.

Qua lời dạy quý báu trên, chúng ta phải hiểu rằng mọi hành động của việc ăn mừng Ngày của mẹ như là: “Nghi lễ, thờ phụng, hành động của sự tôn kính nhằm tìm kiếm phần thưởng; hoặc có những hành động noi theo người thờ đa thần, điều bị nghiêm cấm trong Islam”. Vì đó là sự đổi mới (bid’ah) và bắt chước theo người Thiên chúa giáo. (Fataawa al-Lajnah al-Daa’imah: 3/86)

Là người Muslim, chúng ta phải tuyệt đối luôn tuân theo những gì mà Allah (swt) đã truyền lệnh, và tránh xa những điều mà Allah (swt) nghiêm cấm, qua đó nó có thể làm cho chúng ta trở thành kẻ thù của Allah (swt).  Allah (swt) đã cảnh báo những ai không vâng lời cha mẹ, làm rạn nứt mối quan hệ huyết thống gia đình như sau:

Và TA đã truyền lệnh cho ngươi về việc (hiếu thảo với) cha mẹ. Mẹ của y cưu mang y từ đau yếu (gian khổ) này lên đau yếu (gian khổ) khác; và cho y bú và dứt sữa y trong vòng hai năm. Bởi thế, hãy tạ ân TA (Allah), và biết ơn cha mẹ của ngươi, cuối cùng các ngươi sẽ trở về gặp lại TA”. Surah Luqman: 14

Và trong Surah Muhammad, Allah (swt) cũng đã phán như sau:              

Thế phải chăng nếu các ngươi quay lưng (phản đạo) thì có lẽ các ngươi sẽ làm điều thối nát trên trái đất và cắt đứt tình máu mủ ruột thịt? Chúng là những kẻ mà Allah đã nguyền rủa; cho nên Ngài đã làm cho chúng điếc và mù. Surah Muhammad: 22 - 23

Duong LaoQua đó chúng ta luôn thấy rằng Islam luôn dạy chúng ta biết trân trọng, yêu thương cha mẹ trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi cho đến khi họ nhắm mắt lìa đời (không nhất thiết là ngày mà họ tạo ra), đừng lấy sự đổi mới đi theo những hành động nhất thời của những người khác đạo. Ngày này (Ngày của mẹ - Happy Mothers Day) chỉ là con người tự tạo ra để ấn định một ngày duy nhất của năm mà vinh danh công đức của mẹ, rồi sau đó có nhiều người bỏ rơi (không quan tâm) những ngày còn lại của năm. Cũng nên hiểu rằng đi theo họ có khi vô tình phạm phải tội Shirk (tổ hợp), đó là một trọng tội mà Allah không bao giờ tha thứ.

Lời kết

Ngày này với trào lưu Tây Hóa, cộng đồng Muslim chúng ta đã bị tác động và ảnh hưởng rất lớn đến tư duy sống, trang phục và việc làm. Một số đã không ngần ngại tổ chức và tham gia vào những buổi tiệc sinh nhật xa hoa, tham gia vào các buổi tiệc ăn mừng Giáng sinh, vui chơi vào dịp lễ Vía bà Chúa Xứ; Ngày lễ tình nhân… Mà họ đã quên rằng đó là những hành động của việc đổi mới (Bid’ah), mà những sự Bid’ah là những hành động chống đối lại Allah (swt) và sứ giả của Ngài.

Thiên sứ Muhammad (saw) đã cảnh báo chúng ta như sau:

Thật sự Ummah này đã quay trở lại như trước đây, ngoại trừ với những ai mà Allah hài lòng. Họ đã noi theo những người đã đến trước họ, như: Người Do Thái, Người Thiên Chúa, những nhà Pháp sư và những kẻ thờ đa thần; trong mọi hành động và phẩm chất của họ. Giáo lý Islam đã trở nên quá xa lạ với họ. Ngược lại hành động, đức hạnh của người ngoại đạo thì trở nên tốt hơn Islam. Việc tốt trở nên việc xấu; việc xấu trở nên việc tốt. Sunnah trở thành Bid’ah và Bid’ah trở thành con đường tốt của họ.”

Cầu xin Allah (swt) soi sáng cho chúng ta, nâng cao tầm hiểu biết cho chúng ta, và làm cho chúng ta luôn nắm vững chắc lời dạy của Ngài, và cho chúng ta luôn đi theo con đường Sunnah của Thiên sứ Muhammad (saw):

Chắc chắn nơi Sứ giả của Allah các ngươi có được một gương mẫu tốt đẹp nhất cho những ai hy vọng nơi (việc gặp gỡ) Allah và Ngày (Phán Xử) cuối cùng và tưởng nhớ Allah nhiều nhất”. Surah Al-Ahzaab; 21


Rohman Ibrahim

Cựu sinh viên UIA Malaysia sưu tầm và chuyển ngữ.

Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 2725 Tổng lượt truy cập 3152736