NGHĨA VỤ CỦA CHA MẸ: CHĂM SÓC VÀ NUÔI DẠY CON CÁI !!! 05.05.2010 02:51 - đã xem : 5978 Vì Allah đã phán : وَالَّذِينَ آَمَنُوا وَاتَّبَعَتْهُمْ ذُرِّيَّتُهُمْ بِإِيمَانٍ أَلْحَقْنَا بِهِمْ ذُرِّيَّتَهُمْ وَمَا أَلَتْنَاهُمْ مِنْ عَمَلِهِمْ مِنْ شَيْءٍ كُلُّ امْرِئٍ بِمَا كَسَبَ رَهِينٌ (21) « Và những ai có đức tin và con cái của họ cùng theo họ trong Đức tin, TA sẽ cho con cái của họ đoàn tụ với họ (nơi Thiên Đàng). Và TA sẽ ân thưởng họ không thiếu một thứ gì về những việc làm (tốt) của họ. Mỗi người là một bảo chứng cho những điều mà họ đã làm ra. » (Chương 52, câu 21) وَقَالَ الَّذِينَ آَمَنُوا إِنَّ الْخَاسِرِينَ الَّذِينَ خَسِرُوا أَنْفُسَهُمْ وَأَهْلِيهِمْ يَوْمَ الْقِيَامَةِ (45) « Những người mất mát thực sự là những ai đã đánh mất bản thân (linh hồn) và gia đình mình vào Ngày Phục Sinh. » (Chương 42, câu 45). Và Thiên Sứ (saw) có nói : « Hãy nhân từ đối với cha mẹ của các người, con cái của các người sẽ tôn kính và coi trọng các người ». Do đó, việc ra đời của một đứa trẻ phải được đón tiếp với sự vui mừng như đón tiếp một điều tốt lành. Đồng thời, những người cha, người mẹ phải có một trách nhiệm cao cả và quan trọng đối với những hình hài bé bỏng, non nớt và trong sáng này. Sau đây là những điều mà tôn giáo Islam chỉ dẫn về nghĩa vụ của các bậc cha mẹ đối với con cái : · Đọc lời gọi hành lễ vào lúc đứa bé chào đời Đối với những người có con vừa mới chào đời thì hãy đọc lời gọi hành lễ vào tai phải và tai trái của đứa bé. Như vậy, đứa bé sẽ được bảo vệ tránh khỏi những điều phiền toái gây ra bởi quỷ. Thông thường, khi đứa trẻ vừa mới chào đời, người ta thường bế đứa trẻ lại cho người cha của chúng để người cha có thể tự mình đọc lời gọi hành lễ và đặt tên cho đứa trẻ. · Đặt một cái tên thật đẹp Đây là quyền của đứa trẻ đối với người sinh thành ra chúng bởi vì chính cha mẹ là những người sẽ nuôi dạy và lựa chọn một cái tên thật đẹp cho chúng. Lựa chọn một cái tên đẹp cho em bé mới sinh không những giúp chúng sau này có điều kiện khẳng định bản thân thông qua tấm gương của cha mẹ mà còn phản ánh cả những người có tên tuổi trong lịch sử hoặc những giá trị đạo đức dựa trên việc trùng tên. · Thực hiện Aqiqa Aqiqa là việc dâng lễ cho Thượng Đế. Mục đích của việc dâng lễ này nhằm giúp bé trai hoặc bé gái nằm dưới sự bảo vệ của Thượng Đế, đồng thời giúp cho chúng tránh khỏi mọi điều xấu có thể xảy ra. Việc dâng lễ này bao gồm tế lễ một con cừu và chuẩn bị một bữa ăn cho gia đình, bạn bè và người thân. · Thực hiện việc cắt bao quy đầu đối với bé trai Việc cắt bao quy đầu là một truyền thống có từ thời Thiên Sứ Ibrahim (A) và cũng đã được tôn giáo Islam xác nhận. Theo như Sunnah của Thiên Sứ (saw) (những điều Thiên Sứ thực hành), việc cắt bao quy đầu không phải là cơ hội đặc biệt để vui mừng ; tuy nhiên cũng không hề cấm nếu gia đình tổ chức một bữa tiệc nhỏ để tặng quà cho đứa trẻ và để động viên về sự dũng cảm của đứa trẻ. Cũng xin khẳng định thêm, không hề có một truyền thống Islam tương tự dành cho bé gái. Người ta kể lại rằng trong lúc Thiên Sứ (saw) ôm đứa cháu trai Al Hassan của Người, một người đàn ông đã chứng kiến và thốt lên rằng : « Tôi có mười người con nhưng tôi chưa bao giờ ôm chúng. » Thiên Sứ (saw) nhìn người đàn ông này và nói : « Sẽ không có lòng khoan dung, độ lượng với bất cứ người nào mà người đó không chứng tỏ mình là người tốt. » (Al-Boukhari) Hoặc theo như một lời kể khác : « Làm sao ta có thể dành cho ngươi những tình cảm tốt đẹp mà Thượng Đế đã lấy đi từ trái tim của ngươi ! » (Al-Boukhari và Muslim). Cha mẹ nên luôn tạo cơ hội để dành cho con cái những tình cảm trìu mến, âu yếm, và chứng tỏ cho chúng rằng trong mọi tình huống, họ đều yêu chúng. Sự hiện diện của họ nhằm bảo vệ và che chở cho chúng, và họ luôn muốn mang lại điều tốt đẹp cho chúng. Nhờ đó, đứa trẻ sẽ cảm nhận được sự an toàn, vững tin vào gia đình và nhận thức được rằng chúng có một chỗ đứng thật sự. Có một số trẻ lại cảm nhận rằng sự có mặt của chúng là không có ý nghĩa và chúng không được yêu mến. Chúng trở thành những đứa trẻ bất hạnh, điều này dẫn đến việc hình thành những cá tính xấu trong thời kì thơ ấu và có khả năng phát triển theo chiều hướng tồi tệ hơn khi trẻ đạt tuổi thanh thiếu niên như tính: ‘khiêu khích, ngỗ ngược và bạo lực’. Điều này chỉ xảy ra khi cha mẹ không quan tâm tới con cái. Chúng không tin rằng cha mẹ yêu thương chúng, không coi chúng như những món quà mà Thượng Đế đã ban tặng, và không tin rằng điều mong muốn nhất của cha mẹ là chúng được hạnh phúc. Thiên Sứ (saw) có nói : « Những ai không biết yêu thương con cái, không coi trọng người già thì chúng ta coi những người đó không phải là người trong cộng đồng của chúng ta. » (Abou Dawud và Tirmidhi) Người ta kể lại rằng có một người đàn bà cùng hai đứa con tới nhà của Aicha (Ra). Aicha (Ra) đưa cho người đàn bà này ba quả chà là. Người đàn bà này đưa cho mỗi người con một quả và giữ lại một quả cho mình. Khi hai người con ăn xong, chúng nhìn người mẹ. Người mẹ liền chia đôi quả chà là của mình cho mỗi người con một nửa. Aicha (Ra) kể chuyện này cho Thiên Sứ (saw), Người (saw) nói : « Điều gì làm nàng ngạc nhiên trong cách xử sự của người này ? Thượng Đế ban phước lành cho người đàn bà này về lòng tốt mà bà ý đã dành cho con cái của bà. » (Al-Boukhari) Thiên Sứ (saw) khuyên nhủ mọi người hãy dịu dàng với con cái, và chính bản thân Người (saw) cũng đối xử rất nhẹ nhàng với chúng. Người ta thuật lại rằng Thiên Sứ (saw) rất quan tâm và hay chơi với những người cháu của Người (saw). Jabir Ibn Abd’Allah ® kể lại : « Tôi tới nhà của Thiên Sứ và thấy Người đang vừa bò, vừa cõng trên lưng Al Hassan và Al Hussein. » Người cha cũng như người mẹ, cả hai đều phải có trách nhiệm nuôi dạy con trẻ. Cả hai cùng phải bày tỏ tình yêu thương và lòng nhân từ đối con cái dù là trai hay gái, không được phân biệt trong cách đối xử. Người cha cũng như người mẹ phải quan tâm tới con cái, lắng nghe chúng , nói chuyện với chúng, kể chuyện cho chúng nghe, chơi với chúng, làm cho chúng cười …. Tấm gương của Thiên Sứ (saw) là một bằng chứng cụ thể cho chúng ta thấy rõ người đàn ông phải tham gia vào việc nuôi dạy con cái một cách năng động. Thật vậy, người mẹ không chỉ là người duy nhất gánh trách nhiệm nuôi dạy con từ thưở ấu thơ. Người cha đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển một cách hài hòa của trẻ. Không nên đợi đến khi con cái tới tuổi thiếu niên mới bắt đầu quan tâm tới việc nói chuyện với chúng bởi vì đợi tới lúc đó thì mọi chuyện đã trở nên quá muộn. Dịu dàng, nhẹ nhàng với trẻ không có nghĩa là yếu đuối, để trẻ lạm quyền hay để trẻ muốn làm gì thì làm mà không sửa chữa hay hướng dẫn. Ngược lại, cha mẹ phải chỉ dẫn cho con cái một cách cương quyết, giáo dục trẻ và cho trẻ thấy rõ quyền hạn của cha mẹ khi cần thiết. Thiên Sứ (saw) đã khuyên nhủ trong việc giáo dục con trẻ như sau : « Trên thực tế, nếu mỗi người trong số các ngươi giáo dục con cái của mình một cách chu đáo, điều này còn tốt hơn cả việc người đó giúp đỡ người nghèo một phần nhỏ hàng ngày. » · Tự hào về con cái và quan tâm tới việc giáo dục chúng. Ngay từ khi còn nhỏ, bé trai cũng như bé gái đều phải được giáo dục, dẫn dắt để luôn được đi trên con đường dẫn đến tình yêu thương của Thượng Đế và của Thiên Sứ Mohamad (saw). Chúng ta phải nói cho con trẻ ngay từ thời thơ ấu về Thượng Đế, dạy chúng biết sùng bái Thượng Đế và học cách làm Thượng Đế hài lòng (ví dụ như thông qua việc hài lòng của cha mẹ chúng đối với Thượng Đế) : « Sự hài lòng của Thượng Đế nằm trong sự hài lòng của cha mẹ ; Cơn tức giận của Thượng Đế nằm trong cơn tức giận của cha mẹ ! » (Tirmidhi) Chúng ta phải dạy cho trẻ lòng yêu mến Thiên Sứ (saw) bằng cách kể về cuộc đời của Người (saw) và cuộc đời của những người Muslim đầu tiên. Đây cũng là cơ hội để trẻ bắt đầu tìm hiểu về Islam. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ phải giáo dục cho trẻ về nền tảng cơ bản và khía cạnh đạo đức của Islam. Điều này rất quan trọng để đứa trẻ có thể được đắm mình trong những đức tính như lòng chân thành, sự thành thật, phép lịch sự, tính hào phóng, lòng tôn trọng đối với cha mẹ, người lớn tuổi và thậm chí đối với những người bạn cùng lứa tuổi. Ngay từ lúc bé, con trẻ phải hiểu được rằng có những quy tắc, giới hạn mà trẻ không được phép vượt qua, và một trong những quy tắc, giới hạn đó là sự vâng lời. Chúng ta đều biết rằng tuy trẻ còn nhỏ tuổi nhưng chúng đều nhận thức được những điều cho phép hay không cho phép. Dĩ nhiên, chúng ta khắc sâu vào tâm trí của trẻ những giá trị đạo đức một cách dần dần, theo khả năng phát triển trí tuệ của trẻ. Điều này được thực hiện ngay từ khi trẻ còn nhỏ tuổi, bằng cách thuyết phục, tận dụng mọi cơ hội chứ không phải bằng cách áp đặt cứng nhắc, khô khan. Abou Moussa ® thuật lại rằng Thiên Sứ (saw) đã nói : « Hãy làm mọi thứ trở nên dễ dàng chứ đừng làm mọi thứ trở nên khó khăn. Hãy tuyên bố sự ban thưởng chứ đừng tuyên bố sự trừng phạt. » (Al-Boukhari) Theo như Anas ben Malik ®, Thiên Sứ (saw) cũng đã từng nói : « Hãy làm cho mọi thứ được dễ dàng trong việc hành đạo chứ đừng làm nó trở nên khó khăn. Hãy tuyên bố tin mừng chứ đừng làm chán nản. » (Al-Boukhari) Thật vậy, trong việc giáo dục con trẻ nên nắm bắt những cơ hội để có thể tạo điều kiện thu hút sự chú ý của trẻ dựa trên nhưng ví dụ cụ thể. Sẽ có lợi hơn nếu chúng ta làm trẻ hiểu được những thuận lợi, những phần thưởng mà chúng sẽ có được từ một việc làm tốt hơn là việc đe dọa hậu quả về một việc xấu. Hiển nhiên, trẻ sẽ tự động chọn phần thưởng hơn là sự trừng phạt nếu chúng ta giải thích cho chúng một cách nhẹ nhàng, rõ ràng về phương thức có thể đạt được phần thưởng. Trẻ rất nhạy cảm về việc nếu chúng vâng lời cha mẹ thì Thượng Đế sẽ rất hài lòng về chúng cũng như cha mẹ của chúng. Trẻ có thể hiểu rất rõ rằng Thượng Đế chuẩn bị cho chúng một phần thưởng cho sau này. Điều này không hề cản trở việc trong lúc chờ đợi, cha mẹ có thể dành cho trẻ một phần thưởng nhỏ như một nụ hôn, một trò chơi hay việc đọc một câu truyện mà trẻ thích lúc buổi tối vào giờ đi ngủ. Đó là sự khích lệ cần có đối với trẻ. Khi trẻ còn nhỏ tuổi, nên cho trẻ thấy việc cha mẹ hành lễ cầu nguyện, hoặc tốt hơn nữa là rủ trẻ cùng thực hiện. Theo thời gian, điều này trở thành một hành động tự nhiên và khi trẻ đạt tuổi phải hành lễ thì chúng sẽ không gặp bất cứ khó khăn nào. Ngược lại, nếu chúng ta không chuẩn bị trước việc này cho trẻ thì sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn để bắt buộc trẻ trong việc hành lễ. Tương tự như vậy, đối với việc nhịn chay trong tháng Ramadan, nên cho trẻ tập nhịn chay một cách từ từ, lúc đầu có thể là nửa ngày, sau đó là nhịn chay cả ngày, rồi nhịn chay trong những ngày nghỉ. Và khi thời điểm phải nhịn chay tới thì trẻ có thể nhịn chay cả tháng mà không gặp khó khăn gì. Thiên Sứ (saw) có nói : « Hãy yêu cầu con cái của các người thực hiện việc hành lễ khi chúng được 7 tuổi… » Trẻ sẽ được chuẩn bị kĩ lưỡng hơn cho những gì người lớn đợi chờ ở chúng nếu như chúng được tham gia làm cùng người lớn. Ví dụ điển hình nhất là việc trẻ được quan sát các việc làm của cha mẹ hoặc anh chị của chúng. Trẻ luôn đặt lòng tin vào cha mẹ hoặc những người lớn xung quanh chúng trong việc bảo vệ, giáo dục và việc chuẩn bị cho cuộc sống Islam khi đến tuổi trưởng thành. Trẻ đặt lòng tin vào họ bởi vì chính họ là những người mang lại điều tốt cho chúng, cả về giá trị vật chất cũng như tinh thần. Trẻ biết rằng chúng có thể tin tưởng vào tình yêu thương mà mọi người dành cho chúng. Tuy nhiên, niềm tin luôn phải được duy trì bởi cha mẹ, bởi vì nếu đứa trẻ khám phá ra rằng cha mẹ chúng lừa dối chúng, thì trước tiên chúng sẽ rất đau khổ và sau đó là chúng sẽ nghi ngờ cha mẹ và đánh mất toàn bộ niềm tin vào họ. Thiên Sứ (saw) nói : « Người nào muốn gọi một đứa trẻ lại bằng cách hứa cho chúng một thứ gì đó mà lại không đưa thì người đó phạm phải tội nói dối. » (Ibn Hanbal) · Phải công bằng với mọi đứa trẻ. « Hãy sợ Thượng Đế và hãy đối xử công bằng với con cái của các người. » (Al-Boukhari và Muslim ». Cha mẹ phải đối xử hết sức công bằng với con cái, dù là con trai hay con gái đều không phân biệt. Cha mẹ phải quan tâm và đảm bảo mọi quyền lợi như nhau đối với con cái trong việc nuôi dưỡng chúng nên người. Sẽ không hề công bằng chút nào nếu cha mẹ coi trọng con trai hơn con gái. Qua hadith sau, chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của việc đối xử công bằng với con cái. Ông Anas ® thuật lại rằng : « Một ngày nọ, trong lúc một người đàn ông đang ngồi bên cạnh Thiên Sứ thì người con trai của ông ta lại gần. Người đàn ông ôm hôn con trai và đặt cậu bé lên lòng. Sau đó, người con gái của ông ta lại gần, người đàn ông bế và đặt cô con gái ngồi bên cạnh (ông ta không ôm hôn cô con gái và cũng không đặt bế lên lòng). Thấy vậy, Thiên Sứ (saw) nói với ông ta : « Ông không đối xử công bằng ». (Al Biyaqi) Đặc biệt, người mẹ phải luôn theo dõi để tình trạng này không xảy ra, không lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, do chính bản thân người mẹ đã từng hứng chịu sự bất công này khi còn bé. Cũng không hề phóng đại chút nào khi người ta thường nói đàn bà là người chịu trách nhiệm phần lớn trong mọi tình huống. Nhưng thay vì phàn nàn và than thở vì điều này thì mỗi người phụ nữ phải tham gia một cách tích cực để cải thiện hình ảnh và cảnh ngộ của người phụ nữ mà Islam đã ghi lại về họ. Thiên Sứ (saw) từng nói : « Người nào có con gái mà không đem chôn sống nó cũng không chửi bới nó, và không coi trọng con trai hơn con gái, thì người đó sẽ được Thượng Đế cho vào vườn Thiên Đàng. » (Al-Boukhari). Trong tâm tưởng của cha mẹ, họ luôn phải nghĩ về việc tới một ngày họ phải minh chứng trước Thượng Đế về cách thức giáo dục mà họ dành cho con cái. Tùy thuộc vào việc mà họ đã từng làm, họ có thể gặt hái được những thành quả tốt đẹp nhất cũng như xấu xa nhất. Thật vậy, sự có mặt của đứa trẻ trong một gia đình là cả một gánh nặng và trách nhiệm lớn lao. Nhưng điều này cũng hứa hẹn đem lại những thành quả tốt đẹp cho những người cha, người mẹ, người con nào hoàn thành những điều mà Thượng Đế đã ra lệnh cho họ. جَنَّاتُ عَدْنٍ يَدْخُلُونَهَا وَمَنْ صَلَحَ مِنْ آَبَائِهِمْ وَأَزْوَاجِهِمْ وَذُرِّيَّاتِهِمْ وَالْمَلَائِكَةُ يَدْخُلُونَ عَلَيْهِمْ مِنْ كُلِّ بَابٍ (23) « Những ngôi vườn Thiên Đàng vĩnh cửu ; họ sẽ đi vào đó với ai là người lương thiện trong số cha mẹ, vợ chồng và con cái của họ ; và các Thiên Thần vào chào họ từ mỗi cánh cửa » (Chương 13, câu 23). Do Bích Thủy chuyển ngữ từ bài viết : « Devoirs des parents: Prenez soin de vos enfants » của nhà văn Malika DIF. Ý kiến bạn đọc |