-Chân Lý Islam | baiviet | LỜI HAY Ý ĐẸP | NÓI XẤU NGƯỜI KHÁC LÀ MỘT TRỌNG TỘI TRONG ISLAM
Bismillah-ir Rohman-ir Rohim / Assalamu Alaikum Warohma tulloh wabarakatu
GIỚI THIỆU TÔN GIÁO ISLAM - CHÂN LÝ CỦA NHÂN LOẠI
NÓI XẤU NGƯỜI KHÁC LÀ MỘT TRỌNG TỘI TRONG ISLAM
24.09.2009 03:18 - đã xem : 5876
_VIEWIMG
Trong khuôn phép của Islam việc nói xấu người khác là hành vi xấu xa và rất tội lỗi. Sự xấu xa của hành vi nói xấu nhau đã bị Alllah ví như một hành động của một kẻ mất nhân tính đã ăn thịt của người anh em mình chết đi. Cho nên, Allah đã nghiêm cấm tuyệt đối những bầy tôi tin tưởng của Ngài nói xấu lẫn nhau, Ngài phán:

يأَيُّهَا الَّذِينَ آمَنُواْ لاَ يَسْخَرْ قَوْمٌ مِّن قَوْمٍ عَسَى أَن يَكُونُواْ خَيْراً مِّنْهُمْ وَلاَ نِسَآءٌ مِّن نِّسَآءٍ عَسَى أَن يَكُنَّ خَيْراً مِّنْهُنَّ وَلاَ تَلْمِزُواْ أَنفُسَكُمْ وَلاَ تَنَابَزُواْ بِالأَلْقَابِ بِئْسَ الاسْمُ الْفُسُوقُ بَعْدَ الإَيمَانِ وَمَن لَّمْ يَتُبْ فَأُوْلَـئِكَ هُمُ الظَّالِمُونَ

« Hỡi những ai có niềm tin! Một đám người đàn ông này chớ cười chê nhạo báng đám người đàn ông kia, biết đâu đám người kia lại tốt hơn đám người này; và tương tự đám người phụ nữ này chớ cười chê nhạo báng đám người phụ nữ kia, biết đâu đám người kia lại tốt hơn đám người này. Chớ nên nói xấu lẫn nhau và chớ mắng nhiếc nhau bằng cách bêu tên tục (của nhau trước công chúng). Bêu tên xấu của một người sau khi y đã là tin tưởng là một việc xấu xa. Và ai không chừa bỏ thói xấu đó thì là những người làm điều sai quấy». (49:11)

وَلاَ يَغْتَب بَّعْضُكُم بَعْضاً أَيُحِبُّ أَحَدُكُمْ أَن يَأْكُلَ لَحْمَ أَخِيهِ مَيْتاً فَكَرِهْتُمُوهُ

« Đừng nói xấu lẫn nhau! Phải chăng một trong các ngươi thích ăn thịt của người anh em của mình đã chết hay sao? Bởi thế hãy gớm ghiếc việc làm đó ». (49:12)

Theo như hai đoạn kinh Qur’an trên đã chứng minh, nếu bạn nói xấu người anh em nào đó trong Islam thì coi như bạn đã ăn thịt của người anh em mình đã chết. Còn gì tồi tệ hơn, dã mang hơn cho một kẻ đã ăn thịt đồng loại, còn gì gớm ghiếc và kinh tởm hơn cho một kẻ lại ăn xác chết mà đó lại là xác chết của người thân hắn !!!

Một Hadith nói lên mức độ xấu xa và nghiêm trọng của hành vi nói xấu là lời thuật của bà Aishah ®, phu nhân của Nabi (saw) đã nói: "Tôi đã nói với Nabi rằng Người đã sỡ hữu bà Safiyah với vóc dáng thế này thế này thì Người bảo: Quả thật, nàng đã nói một lời nói mà nếu như đem nó pha trộn với nước biển thì nước biển hoàn toàn bị biến đổi vì lời nói đó". (Abu Dawood, Tirmizhi).

Subha-nallah, chỉ một lời nói như thế kia của bà Aishah ® mà Nabi (saw) đã cho là to tát và nghiêm trọng như vậy huống chi những lời nói mang tính chỉ trích dèm pha sau lưng người khác thì tội lỗi của nó biết dường nào?

Hành vi nói xấu người khác sẽ phải chịu hình phạt như thế nào? Theo ông Anas thuật lại rằng Nabi (saw) đã nằm mộng thấy Người được hai vị Đại thiên thần dẫn đi xem các đám người bị hình phạt khác nhau và Người đã đi qua một đám người, Nabi (saw) nói: "Khi ta được dẫn đi thì ta đã đi ngang qua một đám người mà tay của họ có những chiếc móng vuốt bằng đồng, họ đang cào lên mặt và lên ngực của họ. Ta đã hỏi:  Này Thiên Thần Jibriel! Đám người này là ai thế sao bị như vậy? Đại Thiên Thần Jibriel bảo: Họ là những kẻ đã ăn thịt người và xúc phạm danh dự của người khác". ( Do Abu Dawood ghi lại).

Chắc chắn không ai trong chúng ta : Những người tin Allah, tin Qur’an, tin Rasul (saw) và tin vào Ngày phán xét cuối cùng (Qiyamah) lại muốn phạm vào tội "ăn thịt người" vì đã nói xấu người khác. Do đó, mỗi người nên tự ngăn cản bản thân mình, tránh xa hành vi nói xấu người khác. Vậy làm thế nào để không phải dính vào trọng tội này? Câu trả lời là "Hãy coi chừng chiếc lưỡi cỏn con của chúng ta!".

Chiếc lưỡi là một bộ phận trong các bộ phận của cơ thể mà Allah – Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người chúng ta, nhờ nó mà con người chúng ta có thể nói chuyện để giao tiếp với nhau, nhờ nó mà con người chúng ta có thể đọc xướng kinh Qur’an, có thể tụng niệm và ca ngợi tán dương các đại danh và thuộc tính thiêng liêng của Allah, và nhờ nó mà con người chúng ta có thể nếm được sự ngon ngọt của thức ăn, thức uống và đặc biệt chiếc lưỡi là một trong những bộ phận thuộc hệ tiêu hóa giúp răng nghiền nát thức ăn cho cơ thể chúng ta. Đó là những lợi ích mà nó mang lại cho con người tuy nhiên bên cạnh những lợi ích đó chiếc lưỡi cũng có thể gây hại cho người khác và cho bản thân chủ nhân của nó. Chẳng phải chỉ cần một lời nói nào đó có thể gây ra chiến tranh, chỉ cần một lời nói nào đó có thể khiến hai người thân thiết trở nên hận thù, chẳng phải chỉ một lời nói hay nào đó có thể đổi ngược trắng thành đen, sai thành đúng. Do đó, muốn tránh khỏi hành vi nói xấu người khác thì bạn phải luôn cẩn thận coi chừng chiếc lưỡi của mình đừng để nó có cơ hội phát ngôn tùy thích và bừa bãi. Nhưng làm thế nào để trông chừng chiếc lưỡi của chúng ta đây? Nabi (saw) đã có lời di huấn dạy bảo, Người nói:

"Người nào đã có đức tin nơi Allah và Ngày sau thì hãy nói những lời tốt đẹp hoặc hãy giữ im lặng" (Bukhari, Muslim)

"Đừng nói nhiều khi đó không phải là lời lẽ tụng niệm và tưởng nhớ Allah bởi quả thật nhiều lời lẽ không phải là lời lẽ tụng niệm và tưởng nhớ Allah thì đó là sự chay cứng của trái tim, và quả thật người có khoảng cách xa xôi không gần Allah là người có trái tim chay cứng" (Tirmizhi)

Như vậy, nếu muốn không rơi vào việc nói xấu người khác thì tốt nhất là nên im lặng nếu như việc phát ngôn là không cần thiết, còn nếu như cần phải nói thì hãy nói những lời lẽ tốt đẹp mà thôi và lời lẽ tốt đẹp nhất là lời lẽ tụng niệm Zikir. Thay vì chúng ta nói chuyện tán gẫu trong lúc rảnh rỗi thì chúng ta nên tụng niệm Zikir như chúng ta nói: Subha-nallah, Alla-hu-akbar,  Alhamdulillah, ... rất đơn giản nhưng lại được nhiều ân phước và có thể tránh khỏi việc nói xấu người khác.

Có người bảo, mình chỉ tán gẫu nói chuyện cho vui thôi chớ đâu có nói xấu ai đâu. Đúng vậy, việc tán gẫu trò chuyện không phải là haram nhưng đó là con đường dẫn tới sự nói xấu người khác mà bản thân người đó không hay biết, hoặc không thể kiểm soát được chiếc lưỡi cỏn con của mình. Chẳng phải trong lúc trò chuyện tán gẫu thì chúng ta thường hay nhắc đến người này rồi lôi chuyện của người kia và cứ thế nói và nói rồi cuối cùng phải dính vào trọng tội nói xấu người khác. Có lần Nabi (saw) đã hỏi các vị Sahabah của Người: « Các người có biết người Muflis là gì không? Một trong số họ thản nhiên trả lời theo nghĩa thông dụng mà ai cũng biết đó là người đã hết tiền. Nabi (saw) bảo: - Không phải vậy, người Muflis là người vào Ngày phục sinh có bao nhiêu là việc làm thiện tốt, các việc làm thiện tốt của y to như những quả núi nhưng vì y đã từng nói xấu người này, vu khống người kia và chửi bới người nọ trên thế gian mà y không hề hay biết, cho nên trước khi đem các việc làm thiện tốt của y lên cân trên chiếc cân công lý của Allah thì y đã bị lấy đi các việc làm thiện tốt đó để mang trả cho những người mà y đã từng nói xấu họ, đã từng vu khống và chửi bởi họ, y phải trả cho người những việc làm thiện tốt của y đến nổi y không còn một việc làm thiện tốt nào cả nhưng vẫn chưa trả hết nợ, thế là y lại phải nhận thêm cho mình những việc làm xấu xa tội lỗi của người khác để trừ nợ và cuối cùng đến lúc khi người ta đem những việc làm lên cân thì y không còn một việc làm nào, y đã hết sạch, thế là y bị ném vào hỏa ngục chiếc cân đã nghiêng bên việc làm tội lỗi và xấu xa ».

Do đó, để tránh nói xấu người khác thì cách tốt nhất là hãy làm theo lời giáo huấn của Nabi (saw), hoặc là im lặng hoặc là chỉ nói những gì tốt lành và lời lẽ tốt nhất chính là lời lẽ tụng niệm Zikir. Chúng ta đã biết tội lỗi nghiêm trọng của hành vi nói xấu người khác và những hình phạt dành cho nó và một số nguyên nhân dẫn đến việc nói xấu nhưng chúng ta vẫn chưa biết nói như thế nào gọi là nói xấu người khác.

Nabi (saw) nói: "Các người có biết thế nào là nói xấu người khác không?" Các Sahabah đáp: Allah và Thiên Sứ của Ngài biết rõ hơn ai hết. Nabi (saw) nói: "Đó là các người nhắc đến người anh em của các người về những gì mà y không thích". Có lời bảo: Người thấy sao nếu như quả thật những gì tôi nói cho người anh em của tôi là sự thật trong y? Nabi (saw) bảo: "Nếu như y có thật như những gì ngươi nói thì y đã nói xấu anh ta, còn nếu như y không có như những gì ngươi nói thì ngươi đã du khống cho anh ta" (Muslim)

Như vậy, Hadith rất rõ ràng về việc nói xấu, chỉ cần chúng ta nói một điều gì đó về người anh em muslim nào đó mà y không thích là chúng ta đã mang tội nói xấu. Thí dụ chỉ cần nói: « Anh A này thì lùng quá hay cao quá trong khi điều đó nếu như anh A nghe được và không thích thì đó là nói xấu anh A ».

Do đó, tất cả chúng ta hãy luôn thận trọng trong lời nói một khi chúng ta nhắc đến ai đó, bởi vì chúng ta dễ mắc vào việc nói xấu mà chúng ta không hay biết. Và chắc chắn rằng chúng ta ai cũng đều phạm phải sai lầm nhưng chỉ cần chúng ta kính sợ Allah và tỉnh ngộ kịp thời rồi sám hối với Ngài thì chắc chắn Allah lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta và một điều quan trọng khi bạn đã lỡ nói xấu ai đó thì ngoài việc sám hối với Allah thì chúng ta phải nói lời xin lỗi với người đó và xin người đó tha thứ thì Ngày sau chúng ta mới được bình an, nếu không chúng ta sẽ phải trả nợ không còn gì nữa trước khi mang những việc làm ra cân trên cân công lý của Allah.

Cầu xin Allah luôn che chở và bảo vệ chúng ta tránh khỏi những sai lầm, cầu xin Ngài ban cho chúng ta có lòng bác ái và nhân từ, có lòng độ lượng và đề cao phẫm giá của người khác, cầu xin Ngài ban cho chúng ta có lòng tự trọng và biết yêu thương tình nhân loại, amin.


Abu Zaytoun

(Cựu sinh viên Islamic University Of Madinah)

Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn :
Tên Người Gởi :
E-Mail :
Nội Dung :

Các bài viết khác
Mọi góp ý xin gởi về - Email: chanlyislam@yahoo.com hoặc banbientap@chanlyislam.net
Online trong ngày 2725 Tổng lượt truy cập 3153065