Tháng Ramadan của người Hồi giáo: Nhiều dự cảm không yên 17.08.2011 17:41 - đã xem : 3610 Khoảng 1,2 tỷ người Hồi giáo trên khắp thế giới đã bước vào tháng lễ Ramadan, tháng thứ chín theo lịch Hồi giáo. Do vị trí địa lý khác nhau, nên tháng lễ này đến với người Hồi giáo ở các nước như Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, Ai Cập, Kuwait, Yemen, Libya... vào ngày 1-8, nhưng với một số nước khác như Bangladesh, Ramadan lại là ngày 2-8. Với người Hồi giáo, tháng Ramadan là một trong năm tín điều bắt buộc, do vậy, trong suốt tháng lễ này, tất cả những người Hồi giáo từ 10 tuổi trở lên đều phải nhịn ăn, nhịn uống và kiêng một số sinh hoạt khác từ trước bình minh đến hoàng hôn với mục đích cao cả là để nâng cao tinh thần, tập đức tính kiên nhẫn, khoan dung và cảm thông chia sẻ với người nghèo. Tháng Ramadan kết thúc bằng tuần lễ Idul Fitri, được coi là quan trọng nhất trong năm mới của người Hồi giáo. Trong dịp này, mọi người đều cố gắng để trở về với gia đình, cầu nguyện và phân phát quà cho người thân và người nghèo. Đón chờ tháng lễ này, nhiều quốc gia có đông dân theo đạo Hồi đã chuẩn bị kỹ càng. Tại bang Keda, miền Trung Malaysia, trong tháng Ramadan, các tụ điểm vui chơi giải trí, trong đó có các quán karaoke và sàn nhảy, sẽ không được phép hoạt động. Bên cạnh đó, các ban nhạc cũng không được trình diễn tại các quán bar, khách sạn, nhà hàng hay các khu vực mà công chúng dễ dàng tiếp cận. Tại Indonesia, quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới (chiếm trên 80% trong số 235 triệu dân nước này), nhiều hoạt động đã được tổ chức; nhất là các hoạt động quảng cáo thương mại với những chương trình đại giảm giá diễn ra ở khắp các trung tâm thương mại. Trước Ramadan, mọi gia đình đều mua sắm rất nhiều loại thực phẩm và đồ uống để chuẩn bị cho các bữa ăn tối. Ý nghĩa quan trọng là vậy, nhưng tháng Ramadan 2011 này, tại khu vực Bắc Phi, Trung Đông, nơi đông đảo cộng đồng người Hồi giáo sinh sống, vẫn còn những dự cảm chưa yên bình. Tại một số quốc gia có đông người dân theo đạo Hồi ở Trung Đông như: Syria, Libya và Yemen, bạo lực vẫn tiếp diễn và thậm chí còn được dự báo căng thẳng hơn trong 4 tuần của tháng lễ. Ngay trước thời điểm bắt đầu Ramadan, Chính phủ Syria đã điều quân đội và xe tăng tới thành phố Hama, nơi được coi là căn cứ của phe Hồi giáo bảo thủ nhằm tận dụng tháng lễ để chấm dứt các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài suốt 5 tháng qua. Còn ở Yemen, trong tháng lễ Ramadan, dư luận lo ngại các cuộc tụ tập hằng ngày của người dân trong tháng Ramadan có thể biến thành biểu tình chống chính phủ. Tâm điểm của sự chú ý đang dồn về Libya, nơi cuộc xung đột giữa quân chính phủ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và lực lượng nổi dậy với sự hậu thuẫn của Tổ chức Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn diễn ra ác liệt. Tháng lễ Ramadan dài và nóng bức được coi là có lợi cho nhà lãnh đạo M.Gaddafi nhờ việc ông cung cấp cho người dân thủ đô Tripoli thực phẩm và nước uống. Trong khi đó, nhịn ăn uống vào ban ngày trong tháng lễ sẽ hạn chế sức chiến đấu của lực lượng chống đối trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng sa mạc. Lực lượng quốc tế ủng hộ phe chống chính phủ ở Libya cũng đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan". Mặc dù tuyên bố trong cuộc họp báo diễn ra tại Brussels, ngày 2-8, phát ngôn viên của chiến dịch "Người bảo vệ thống nhất" của NATO tại Libya, Đại tá Roland Lavoie khẳng định NATO sẽ ngừng bắn trong tháng lễ Ramadan nhưng vị này không quên "chua" thêm rằng, nếu các lực lượng của nhà lãnh đạo M.Gaddafi ngừng bắn. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy nhà lãnh đạo M.Gaddafi nhượng bộ phe đối lập. Do đó, có dự báo rằng, tháng lễ Ramadan ở quốc gia Bắc Phi này sẽ thật khó yên bình. (Theo HNM) Ý kiến bạn đọc |